LTS. Sau lễ ra mắt đầy ấn tượng bảo tàng áo dài đầu tiên tại Việt Nam, nhà thiết kế Sĩ Hoàng đang chuẩn bị cho lễ hội Áo dài và hoa lần thứ nhất, nhằm ủng hộ cho việc chọn áo dài làm quốc phục, và phát động toàn dân mặc áo dài. Bài viết này anh gửi cho Thế Giới Tiếp Thị để tỏ bày về một công việc tâm huyết mà anh theo đuổi trong suốt những năm qua.
Áo dài tiếp thị văn hoá
TGTT.VN - Có được chiếc áo dài lành lặn, đẹp đẽ như ngày hôm nay là công lao của cả dân tộc. Áo dài thể hiện tính cách của người phụ nữ Việt Nam: đẹp một cách kín đáo, tế nhị, cái đẹp của ngoại hình cho thấy cái dịu dàng ý tứ bên trong. Có lẽ vì thế áo dài là một trong số ít trang phục truyền thống còn đáp ứng được yêu cầu của một thời đại mới, lại vừa duy trì được bản sắc dân tộc.
Đi suốt từ quá khứ đến hiện tại, áo dài không chỉ là một niềm tự hào của dân tộc mà còn là sự ngưỡng mộ của thế giới khi được một lần ngắm nhìn. Áo dài có sức thu hút bởi chính sự linh hoạt, biến đổi dần trong quá trình phát triển và định hình ở mức độ cô đọng nhất. Áo dài còn mang ý nghĩa biểu hiện một khía cạnh phát triển đất nước: những giá trị nhân văn truyền thống, phải được song hành với phát triển kinh tế hiện đại. Dùng văn hoá để gìn giữ bản sắc truyền thống của tổ tiên, sử dụng văn hoá thành một nguồn năng lượng vĩ đại trong cuộc kiến thiết và bảo vệ đất nước.
Muốn bảo tồn được bền bỉ một điều gì, thì phải làm cho điều đó được nhiều người biết đến, nhiều người chấp nhận và trên hết là được nhiều người sử dụng. Và người ta chỉ thích sử dụng khi cảm thấy gần gũi thân quen. Vì vậy cần quốc tế hoá chiếc áo dài, thiết kế nhiều kiểu dáng khác nhau cho nhiều xu hướng văn hoá khác nhau, nhưng vẫn giữ được tính cách giá trị nhất của nó là nữ tính, dịu dàng. Phải tôn vinh áo dài lên tầm của một biểu tượng văn hoá, chứ không chỉ đơn thuần là một loại trang phục đẹp để mặc.
Người Việt Nam đã có kinh nghiệm khó khăn trong chiến tranh và thảm hoạ thiên nhiên, nhưng vẫn vượt qua tất cả để tồn tại. Còn trong nền kinh tế của thế giới thứ ba, chúng ta vẫn là một nước nghèo với biết bao khó khăn để nói chuyện với những người giàu khi họ nhìn xuống. Đó là lý do tại sao âm nhạc, ẩm thực, sân khấu, nón lá, áo dài từng đóng vai trò đại sứ văn hoá đi trước các nhà ngoại giao Việt Nam trong các cuộc hội đàm quốc tế.
Càng hội nhập, chúng ta càng thấy người ta cần cái mình đang có. Khi cái hiện đại mình chưa bằng, khi thế giới tôn trọng mình là nhờ bề dày văn hoá chứ lát cắt văn minh vẫn còn “mỏng” lắm, áo dài cần được nhìn nhận như một trang phục để “tiếp thị văn hoá”!
Sĩ Hoàng - ảnh: Hải Đông
Lễ hội Áo dài và hoa lần thứ nhất sẽ tổ chức ngày 8 – 9.3 tại công viên văn hoá Đầm Sen (TP.HCM), còn có sự góp mặt của nhiều nhà thiết kế như Công Trí, Võ Việt Chung, Thuận Việt, Việt Hùng… |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét