Thứ Năm, 27 tháng 2, 2014

Dưới đám mây điện tử và trong cơn bão công nghệ

Dưới đám mây điện tử và trong cơn bão công nghệ

Dưới đám mây điện tử và trong cơn bão công nghệ


SGTT.VN - Sài Gòn Tiếp Thị (SGTT) là một trong những tờ báo đầu tiên dấn thân vào việc ứng dụng công nghệ thông tin để làm báo, mở ra một trào lưu mới của báo chí Việt Nam.










Gia đình Sài Gòn Tiếp Thị. Ảnh: Phan Quang



Vào thời điểm năm 2005, khái niệm “điện toán đám mây” hay eCloud vẫn còn rất xa lạ với người Việt, thậm chí ngay cả với giới truyền thông. Nhưng sự ra đời của toà soạn điện tử – một hệ thống kết nối thông qua máy chủ chạy trên nền internet, tích hợp đầy đủ quy trình sản xuất của một tờ báo, lần đầu tiên đã ra đời tại báo SGTT.


Tuy nhiên, trước đó những mười năm (1996), sau khi dời trụ sở từ 92 Nguyễn Huệ về 79 Trần Khắc Chân (quận 1, TP.HCM), ông Nguyễn Việt Hà – người phụ trách IT trong suốt “cuộc đời” của SGTT – đã đề xuất và được lãnh đạo khuyến khích sử dụng mạng LAN phục vụ công việc. Lúc bấy giờ, việc viết báo bằng tay, cùng lắm là viết trên PC bằng phần mềm Vietres rồi in ra giấy đem nộp vẫn đang phổ biến với làng báo. Toà soạn có một thư mục chung để phóng viên nộp file trực tiếp trên PC và các biên tập viên cũng xử lý tin bài trong đó như một tài nguyên chung.


Khi mạng internet xuất hiện ở Việt Nam (1997), lãnh đạo tờ báo nhận thấy nộp bài bằng PC vẫn có hạn chế là phóng viên phải vào toà soạn. Vậy là, mỗi phóng viên (hoặc một nhóm phóng viên) được cấp một máy laptop. Theo phóng viên Minh Phúc, hồi đó máy HP NX900 giá trung bình 1.000 USD/cái, đang rất “khủng”. Có lẽ lúc đó, làng báo chỉ có 1 – 2 nơi là có đủ “dũng cảm” cấp laptop cho phóng viên tác nghiệp. Nhà báo Hy Hưng – bấy giờ đang là phóng viên – nhớ lại, anh em trong toà soạn thường hay có câu đùa với nhân viên layout: “N. ơi, em muốn anh bỏ (file dữ liệu) vào chỗ nào (ổ/thư mục) của em?”


Không chờ đợi tới lúc chỉ thị số 58-CT/TW (17.10.2000) của thường trực Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá”, báo SGTT đã xây dựng website từ năm 1999 và nhanh chóng điện tử hoá quy trình làm báo của mình.


Việc quản lý một khối lượng lớn tin tức và bài viết trong ngày ở một toà soạn báo là rất lớn. Mỗi số báo, trung bình toà soạn phải xử lý hàng chục bài viết và cả trăm tin ảnh ở nhiều mục khác nhau và của nhiều phóng viên khác nhau. Việc quản lý kiểu thủ công khá bất tiện và mất thời gian và có thể dẫn đến việc lạc mất tin, bài hoặc khi cần tham khảo lại thông tin thì việc tìm kiếm cũng rất vất vả. Người biên tập nội dung cần nhanh chóng biết được đâu là những tin bài vào chuyên trang, chuyên mục nào và những tin bài mới nhất đã được gửi vào trong hệ thống? Bản tin nào đã biên tập hoặc chưa biên tập? Những bản tin, bài viết nào đã được biên tập ở từng cấp và được phép xuất bản.


Năm 2005, sau khi dời trụ sở từ số 10 Trương Định về 25 Ngô Thời Nhiệm (quận 3, TP.HCM), lúc này SGTT đã là một tờ tuần báo hoàn chỉnh xuất bản vào thứ năm hàng tuần, với êkip toà soạn do phó tổng biên tập Tâm Chánh phụ trách, ông Trần Công Khanh làm thư ký toà soạn. Theo lệnh của ban biên tập, chính nhà báo Công Khanh cùng với đội ngũ IT đã xúc tiến xây dựng và nghiệm thu toà soạn điện tử đầu tiên của SGTT, cũng là toà soạn điện tử đầu tiên của một tờ báo in tại Việt Nam.


Với toà soạn điện tử, mỗi phóng viên được cấp mã (password) để có thể đăng nhập vào hệ thống gửi tin, bài và hình ảnh từ bên ngoài qua môi trường internet. Kể cả khâu xử lý bài vở của biên tập viên cũng vậy. Ưu điểm của hệ thống toà soạn điện tử này là bản gốc bài viết của phóng viên vẫn được lưu giữ trong hệ thống. Các bản đã sửa lần 1, lần 2, lần n… kể cả ý kiến nhận định, tuỳ theo phân cấp của toà soạn vẫn hiển thị tương ứng trên các bản thảo 1, bản thảo 2, bản thảo n... đầy đủ ngày giờ, tên tuổi. Phóng viên, biên tập viên có thể so sánh bản gốc của mình với bản cuối cùng để rút kinh nghiệm, hoặc trao đổi lại trong cuộc họp sau khi báo đã xuất bản.


Không phải cái mới nào cũng dễ dàng được chấp nhận. Việc chuyển đổi từ quy trình xuất bản bình thường sang quy trình toà soạn điện tử không phải hoàn toàn suông sẻ. Lúc đầu, một số phóng viên phản đối rất dữ (có nhiều anh em cả đời chưa đụng tới cái máy tính). Tuy nhiên, theo ông Việt Hà, nhờ ban biên tập cương quyết “điện tử hoá” quy trình sản xuất báo, dứt khoát không nhận bản thảo viết tay mà anh em “vô guồng” khá nhanh. Nhiều người vẫn còn nhắc lại, nhà thơ kiêm phóng viên Đỗ Trung Quân – người không bao giờ nộp bài lên toà soạn điện tử, được tổng biên tập yêu cầu nếu không có thư ký thì phải mướn một “phiên dịch viên” vì chữ viết của ông hơn đứt bác sĩ. Trong lớp tập huấn công nghệ dành cho phóng viên – biên tập viên, thầy giảng từ sáng đến trưa xong hỏi có ai thắc mắc gì không? Lập tức, một cánh tay đưa lên, thì ra của nhà thơ: “Xin thầy nói lại từ đầu!”


Hơn nữa, hệ thống toà soạn điện tử SGTT còn tích hợp cả forum (phòng họp ảo) cho phép cùng lúc tiến hành các cuộc họp giao ban online toà soạn, giữa ban biên tập với các ban và văn phòng đại diện, giữa từng trưởng ban với phóng viên... tất cả đều trên nền internet. Một không khí làm việc dân chủ và tôn trọng các ý kiến tranh luận đa chiều hình thành trong nội bộ báo SGTT, mà không phải tờ báo nào cũng có được.


Song song với sự ra đời của toà soạn điện tử, việc xúc tiến phát triển website SGTT thành tờ báo điện tử cũng bắt đầu. Từ trang web tĩnh ban đầu, sau hai lần nâng cấp đến năm 2010, phiên bản điện tử của SGTT Online đã hoàn chỉnh như bạn đọc đang truy cập hiện nay. Sự ra đời rất sớm của báo SGTT điện tử đã tạo cho đội ngũ làm báo một phong cách làm việc mới, nhanh nhạy hơn rất nhiều so với trước đây. Anh em cũng dần làm quen với khái niệm truyền thông đa phương tiện và bước đầu áp dụng cách làm báo “3 trong 1” (một sự kiện sản xuất ra nhiều sản phẩm cho báo in, báo mạng và radio/TV...)


Câu chuyện của Mai Hương – nguyên là biên tập viên Online kiêm xuất bản tin cho Yahoo News – là một kỷ niệm đáng nhớ: Khoảng gần 3 giờ chiều thứ tư ngày 26.1.2011. Một cô gái đang làm việc ở toà nhà Centec (đối diện nhà văn hoá Thanh niên) gọi điện thoại báo là toà nhà bị rung lắc mạnh, hình như là một rung chấn do động đất. “Ngay khi dứt điện thoại, tôi thông báo nhanh với anh em đang có mặt trong phòng phóng viên: “Có rung lắc ở toà nhà Centec, hình như động đất, mọi người kiểm tra thông tin!” Ai đó nói: “Có tin báo động đất ngoài khơi Vũng Tàu”. Một dòng chữ chạy qua trong đầu ngay lập tức được đưa lên website ở dòng Tin nóng thông báo rằng: “Động đất ngoài khơi Vũng Tàu, trung tâm TP.HCM có rung lắc”. Đưa xong dòng tin nóng, tôi ngồi viết ngay một loạt câu hỏi phỏng vấn nhân chứng và gửi cho tất cả các anh chị em có mặt trong phòng phóng viên, và đề nghị mọi người gọi điện thoại cho bất kỳ ai để kiểm tra thông tin. Ngay khi nhận được bản câu hỏi, các phóng viên lập tức gọi điện phối kiểm sự kiện rồi nhanh chóng điền thông tin vào bản câu hỏi và gửi lại. Việc lấy tin được hoàn tất trong vòng chưa tới năm phút. Ngay sau đó tôi tổng hợp toàn bộ các bản thông tin thành một bản tin 600 từ và chuyển cho online. Trong vòng 15 phút sau cuộc điện thoại của cô gái ở toà nhà Centec, báo SGTT đã có một bản tin chi tiết 600 từ về vụ việc và là bản tin sớm nhất”.


Như Thuần






DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ