Thứ Ba, 4 tháng 2, 2014

Tìm xuân trong tết

Tìm xuân trong tết

Tìm xuân trong tết


SGTT.VN - Có nhầm lẫn ở đây chăng, xuân với tết loằng ngoằng cùng hệ, tết là xuân cứ thế hoà vui thôi! Không, với những gì một đô thị lớn mang đến cho cư dân vào dịp tết, có lẽ cặp khái niệm xuân – tết này đành phải miễn cưỡng tách bạch vậy.










“Cầu khỉ giữa phố” có lẽ chỉ còn đủ háo hức du khách xa quê, trong khi thành phố vẫn chưa có đủ không gian công cộng tiện ích cho mỗi độ xuân về.



Gần tết, tại những khu nhà “được cho là cao cấp”, những địa điểm dịch vụ thương mại lớn tại trung tâm thành phố luôn lung linh. Đông người ghé đến, mua sắm thì ít mà xúm xít chụp vài ba tấm hình kỷ niệm thì nhiều. Dĩ nhiên rực rỡ ánh đèn, dĩ nhiên tuyết trắng Noel vừa qua là mai vàng xuân chấp chới. Dĩ nhiên trang trí mặt tiền cửa tiệm – nói theo kiểu dân trong nghề là show window – khá ấn tượng, đặc sắc để xuân vui, xuân đến, xuân gọi mời.


Nhưng không cần dịch chuyển quá nhiều, chỉ rẽ ngoặt vài con phố, qua sông xuống quận 4 hay sang Bình Thạnh, đã thấy ngay sắc màu tết, không khí tết – chứ chưa nói sắc xuân, dáng xuân đâu nhé – vừa có vẻ tràn ngập ở khu trung tâm đã nhạt phai mau chóng. Lỗi của dòng sông chia cắt quận 1 với quận khác chăng? Hay lỗi của quy hoạch thuở nào chẳng vạch ra nổi một quảng trường cho trung tâm cũng như các quận chung quanh, khiến đường hoa hôm nay đến hẹn lại lên cứ phải chen vai thích cánh nén người nhích từng bước một trong lòng con phố ngày càng hẹp đi vì cao ốc dày đặc?


Lâu lâu lại nghe vài câu nói rằng sao giờ này vẫn chưa thấy không khí xuân nhỉ, lại hay thấy những đánh đồng lý do suy thoái kinh tế vơ vào cùng biến đổi khí hậu và khủng bố ở tận đâu đâu nó làm mình kém vui. Thật vậy không? Chuyện nào xa xôi chứ chuyện xuân với tết thật ra rất gần, gần lắm. Kìa những xóm lao động nghèo nằm trong hẻm nhỏ chằng chịt đặc trưng đất Sài Gòn. Kìa những khu nhà trọ công nhân vùng ngoại vi đìu hiu se sắt không chỉ những đêm cuối năm. Bao năm rồi nhìn từ ngoài vào cũng thấy nhiều màu sắc lắm, toàn sắc xanh đỏ nhỏ to của quần áo mới giặt phơi trước dàn khung sắt chống trộm thay cho những dây đèn lung linh màu sắc. Hay ghé qua những khu bị bể bờ bao lênh láng để nghe văng vẳng tiếng nhạc “Xuân đã về” xen lẫn tiếng gọi nhau í ới khi khòm lưng tát nước và dọn đồ chạy lụt giữa lòng phố thị.


Với những ngôi nhà “tôn hoá từ mái tới tường” rất tạm bợ ấy, dù gia chủ đã ngót nửa thế kỷ ngụ cư, liệu sắc xuân có kịp len vào? Ở những chỗ chiều ngang khoảng 2m và chiều sâu không quá 8m chứa nhân khẩu gần nửa đội bóng đá chen chúc nhau ăn ngủ ấy, có lẽ câu thơ của Nguyễn Duy lại vang lên mỗi độ xuân về:


Gót chân ăn vẹt bậc thềm


Quanh năm tất bật đi tìm ngày xuân…


Nghĩ cũng lạ, người ta loay hoay cả năm đôi lúc cũng chỉ để tìm được chút xuân vui vào cuối năm cũ đầu năm mới. Với những ai không kịp ngước nhìn xuân về hay tết đến thì cách tiếp cận nào của quy hoạch khả dĩ tạo nên một không khí xuân cho không gian sống quanh họ? Đã thấy lác đác đây đó người dân tự sắp xếp những “đường hoa, xóm hoa, gác hoa” cho nhà cho xóm . Nhưng đó vẫn là những hình thức lồng trong hình thức, khác chăng về quy mô và độ hao tốn mà thôi.


Tết nghỉ mấy ngày, tổ chức trực, thưởng, xe cộ ra sao... có thể còn gây tranh cãi bởi những bài toán lợi ích khác nhau, bởi những giai tầng chủ yếu làm quản lý, chủ yếu rủng rỉnh chút tiền du hí đó đây. Nhưng xuân thì không phân biệt sang hèn. Văn minh của một đô thị là chuyển hoá được đúng mức tiện ích theo nhịp thời gian ấy, theo lẽ tự nhiên như thế, và mọi sắp xếp bày biện phải gắn với cộng đồng, chứ không thể gắn với mấy ông tài trợ hay mấy bà quản lý có chút tiền thì giăng mắc đèn hoa, còn thiếu kinh phí thì quay lưng tắt điện đìu hiu. Tiện ích của một đô thị không chỉ là làm được “điện đường trường trạm”, mà phải biết nâng tầm văn hoá của những thứ tầm tầm ấy. Như nghe đối thoại kiểu “gặp nhau cuối năm” của hai người bạn, kẻ làm quản lý, người là dân nhập cư sau đây:


A: Nếu anh không làm được thế, dù có yêu đến mấy tôi cũng bỏ thành phố mà đi vài ngày, rồi đổ xô về cho... kẹt xe các cửa ngõ chơi!


A: Nếu anh không khiến cho nơi này đáng sống, thì tôi dĩ nhiên cũng... phải cố mà sống thôi.

A: Nhưng khi xuân về là lúc tôi thấy mình trong kiếp cư dân nghèo đô thị chẳng lẽ sẽ mãi chịu vậy ư?

A: Thế thì tôi đi, thế thì tôi tìm xuân nơi quê xa heo hút, dù thiếu ánh đèn đô thị nhưng lại ấm áp tình quê...

B: (buột miệng) Em ra đi nơi này vẫn thế!

A: Thế thì, tôi sẽ hoà vào vòng quay cư xử của bao người nhập cư vậy: ở tạm đất của anh, lao ra đường kiếm sống, xả rác cho anh dọn và chẳng đóng góp nhiều nhặn gì cho cái nơi này vẫn thế của anh đâu!

...

Đành vậy, năm mới, cơm mới, chuyện cũ mà!


bài và ảnh: VĂN KHÚC






DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ