Từ điển triết học Kant: công cụ “gỡ rối” được đón chờ
SGTT.VN - Học và đọc triết học, khó nhất là làm sao nắm được hệ thống thuật ngữ của mỗi triết gia nói riêng cũng như sự phát triển của từng khái niệm, phạm trù triết học trong dòng chảy lịch sử của chúng.
Chẳng hạn, khi muốn tìm hiểu tư tưởng của Kant hay Hegel, kể cả đọc bằng tiếng nước ngoài, thì căn bản nhất ta vẫn phải đọc các sách của hai triết gia lớn ấy; nhưng hỡi ôi, khi chạm tay đến được những bộ triết học đồ sộ như Phê phán lý tính thuần tuý hay Hiện tượng học tinh thần, bạn đọc có lẽ sẽ thấy mình như đang đi vào một “khu rừng” nơi các thuật ngữ xoắn bện vào nhau không thể gỡ được, và rồi dù có yêu mến triết học đến đâu, thì bạn đọc cũng cảm thấy mệt nhoài và quỵ ngã trước “sức nặng ngàn năm lịch sử” của chúng. May thay, với Kant và Hegel, bạn đọc Việt Nam đã có được những bản chú giải thuật ngữ khá chi tiết của dịch giả Bùi Văn Nam Sơn. Tuy nhiên, để nắm được hệ thống thuật ngữ của Kant và Hegel chỉ thông qua các bản dịch thôi thì bạn đọc cũng phải bỏ rất nhiều thời gian đọc và ghi chép lại.
Tin vui là nhà xuất bản Tri Thức, công ty văn hoá Phương Nam và dịch giả Bùi Văn Nam Sơn đã cùng hợp tác cho ra đời Từ điển triết học Kant do Howard Caygill biên soạn, thuộc tủ sách “The Blackwell Philosophers Dictionaries”.
Từ điển trình bày rất chi tiết hệ thống thuật ngữ triết học của Kant và tác giả đã soạn thảo rất tỉ mỉ và công phu từng thuật ngữ, tra cứu tận nguồn các tác phẩm của Kant, trích dẫn nguyên bản xuất hiện thuật ngữ, đồng thời đưa ra những nhận định và trình bày thêm đánh giá của các triết gia thời sau đối với nội dung mỗi thuật ngữ của Kant.
Qua Từ điển triết học Kant, bạn đọc sẽ có dịp nhận diện, ôn lại và suy ngẫm thêm về nội dung các khái niệm mà Kant đưa ra, từ những thuật ngữ quen thuộc như “tiên nghiệm”, “siêu nghiệm”, “hiện tượng”, “vật tự thân”… đến những thuật ngữ rất trừu tượng như “niệm thức”, “thông giác”, “trí tưởng tượng siêu nghiệm”… cùng một loạt các thuật ngữ trong các lĩnh vực mỹ học, đạo đức học, nhân học... mà Kant quan tâm như “cái Đẹp”, “cái Ác”, “Vui sướng”, “Mệnh lệnh nhất quyết”, “Tự do”… Ngoài ra, bạn đọc có thể dùng các thuật ngữ được trình bày trong cuốn từ điển này để tự mình tìm hiểu và lý giải ngay chí nh nhan đề mỗi tác phẩm của Kant như “Phê phán”, “Lý tính”, “Thuần tuý”, “Năng lực phán đoán”, “Thực hành”.
Ngoài tính tiện lợi, chuyên sâu và hệ thống, Từ điển triết học Kant còn nổi bật ở tính bao quát. Từ điển trình bày gần như trọn vẹn tất cả những thuật ngữ của Kant, kể cả những thuật ngữ như: “hôn nhân”, “giới tính”, “phụ nữ”, “tình yêu”, và cả “sự sống ngoài trái đất”.
Có thể nói, qua từ điển này, bạn đọc vừa có được cẩm nang chuyên sâu về hệ thống thuật ngữ của Kant, vừa hiểu thêm về những quan tâm, những trăn trở và quan niệm rất rộng của ông về con người và cuộc sống. Nhóm dịch giả đã cho ra đời cuốn sách này bằng sự nỗ lực đáng trân trọng, nhất là trong thời điểm hiện nay, khi mà không chỉ có sinh viên, học sinh tìm về thế giới của triết học và cuộc đời các triết gia như một sự đào sâu nhằm củng cố nền tảng kiến thức cơ bản cho mình, mà còn như một bạn đọc chia sẻ: “Tôi đến với triết học không phải để trở thành triết gia nọ hay dịch giả kia, mà trước hết, để đưa ra những câu trả lời của riêng mình đối với những câu hỏi về cuộc đời luôn dằn vặt tôi. Trong đó, một vài trong những vấn đề lớn nhất là làm sao yêu và tha thứ được cả những người không tử tế với mình, làm sao trở thành người tử tế hơn và gạn bỏ được những ti tiện trong mình” (Trần Nghĩa Bình – sinh viên).
Phương Hoàng
Từ điển triết học Kant nằm trong bộ sách Từ điển triết học Tây phương do NXB Tri Thức ấn hành tháng 12.2013. Sách dày 678 trang, giá 280.000 đồng/cuốn, phát hành tại các nhà sách trên toàn quốc. |