Thiết kế đô thị kiểu nào khi nhà siêu nhỏ, siêu mỏng đã lấp kín?
SGTT.VN - Tại buổi lễ thông xe một phần tuyến đường Phạm Văn Đồng (thuộc dự án Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài), lãnh đạo TP.HCM và chủ đầu tư đều nhấn mạnh: “Góp phấn giảm ùn tắc giao thông mới chỉ là một phần của con đường trên. Quan trọng nhất là sự hình thành của tuyến đường này sẽ góp phần cải tạo, chỉnh trang đô thị suốt tuyến đường dài 13,7km – vốn xưa kia vô cùng phức tạp và lụp xụp – để tạo lập một không gian đô thị hiện đại, văn minh”. Tuy nhiên, trên thực tế thì...
Một căn nhà siêu mỏng trên đường Phạm Văn Đồng. Ảnh: Đ.Thông |
Tương phản!
“Nhà phá hết đường rồi anh ơi”, đó là chia sẻ của anh Lê Thanh Hưng, ngụ chung cư Cây Thị (nằm trên tuyến đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài) khi lưu thông trên tuyến đường đẹp nhất nhì thành phố sau mấy ngày mới thông xe. Quả vậy, không biết bao nhiêu căn nhà mặt tiền siêu mỏng, siêu nhỏ, thiết kế siêu bất hợp lý hiện diện tương phản với con đường mới hiện đại này. Đó là sản phẩm của những gia đình kiên quyết bám trụ sau khi nhà của mình đã bị giải toả gần hết, thậm chí đất còn lại chưa tới 1m dài. Người đi đường dễ nhận thấy căn nhà hai tầng nằm ngay đoạn giao cắt giữa đường Phạm Văn Đồng và đường Lê Quang Định (quận Gò Vấp) giống như một sự thách thức tính thẩm mỹ cũng như trêu ngươi con mắt của các nhà kiến trúc: nhà chỉ khoảng 15m2 và cạn chừng 1m nhưng được sơn loè loẹt để gây chú ý bởi chủ nhân đang kinh doanh mắt kính. Những người hàng xóm lại có những lo ngại khác: “Chúng tôi chỉ sợ nó bất ngờ đổ sụp xuống vì được xây dựng rất sơ sài. Kìa, bằng mắt thường cũng đã nhìn thấy tường đầy những vết nứt...”
Đó chỉ là một ví dụ cụ thể. Trên đoạn đường không dài này, loại hình nhà đặc biệt chỉ xuất hiện sau khi những con đường ở TP.HCM được giải toả đã thể hiện hết đặc trưng kỳ dị của nó: trên to dưới nhỏ (vì đất nhỏ nên vươn rộng ban công tầng trên); mỏng dính và méo xẹo vì đầu to đầu nhỏ; cao lêu đêu như cây gậy... Chủ nhân của những căn nhà này thường có câu trả lời chung: “Đất còn nhiêu thì xây bấy nhiêu. Để ổn định cuộc sống và kinh doanh buôn bán mà...” Và vẫn còn rất nhiều những căn nhà như thế đang tiếp tục được xây dựng.
Vai trò của sở Quy hoạch kiến trúc ở đâu?
Khi đang xây dựng tuyến đường, thành phố đã giao cho sở Quy hoạch kiến trúc lập hẳn một đề án thiết kế đô thị tỷ lệ 1/2000 và xây dựng quy định quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan trục đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài. Tuy nhiên, trên thực tế, kỳ vọng của lãnh đạo thành phố xem ra khó khả thi.
Ông Nguyễn Đình Hưng, phó giám đốc sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM xác nhận, UBND TP.HCM đã giao cho sở thực hiện việc này, nhưng vẫn chưa gút được vì “tới nay sở báo cáo tới lui nhưng thành phố vẫn yêu cầu chỉnh sửa lại”.
Theo ông Nguyễn Đình Hưng, đúng ra quy hoạch này nên có trước, nếu thành phố sớm ban hành quy chế quản lý làm cơ sở cấp phép xây dựng thì chắc chắn sẽ không xuất hiện tình trạng nhà siêu mỏng trên. “Rõ ràng chúng ta làm chậm nên đành chịu. Tuy nhiên, ở đây chúng tôi khẳng định rằng, các khu chức năng được quy hoạch trên tuyến đường Phạm Văn Đồng sẽ thực hiện theo đúng quy hoạch. Và các khu chức năng này sẽ làm tăng thêm tính văn minh, hiện đại cho tuyến đường”, ông Hưng nói.
Chuyện nhà siêu mỏng, siêu xấu, hình thù kỳ dị mọc trên đường Phạm Văn Đồng không phải là chuyện mới. Trước đó, ở các tuyến đường như đại lộ Đông Tây, hay con đường “ngoại giao” Nam Kỳ Khởi Nghĩa cũng xảy ra cảnh tương tự. Lúc đó thành phố cũng đã từng yêu cầu sở Quy hoạch – kiến trúc xây dựng quy chế kiến trúc dọc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa khi con đường này được cải tạo, mở rộng nhằm tạo ra một không gian đô thị đẹp cho thành phố trong mắt du khách quốc tế khi đi từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất về trung tâm thành phố. Thế nhưng, do “hụt” một bước so với tiến độ chỉnh trang lại nhà của người dân dọc tuyến đường, nên nghiên cứu này không được thực hiện.
Cứ ngỡ sau chuyện này, các ngành, các cơ quan chức năng rút kinh nghiệm để tránh xảy ra tình trạng tương tự. Vậy mà đến nay đâu vẫn hoàn đấy – mà cụ thể ở đây con đường được kỳ vọng tạo ra không gian đô thị văn minh, hiện đại Phạm Văn Đồng, dù chưa hoàn chỉnh toàn tuyến đã mấp mé bên bờ vực phá sản. Phải chăng chuyện nhanh chóng hoàn thiện thiết kế đô thị dọc các tuyến đường chính mang ý nghĩa quan trọng là bài học khó thuộc đối với các cơ quan liên quan!
Đào Lê