Thứ Hai, 24 tháng 2, 2014

Vẫn nỗi lo trồng gì để bán?

Vẫn nỗi lo trồng gì để bán?

Nông dân Đồng bằng sông Cửu Long


Vẫn nỗi lo trồng gì để bán?


SGTT.VN - Anh Nguyễn Hồng Bửu, vừa thuê đất trồng cam theo hướng hữu cơ vừa là thương lái ở ấp Đông Bình, xã Đông Phước, Hậu Giang, được xem là người thuộc “tốp” may mắn trong dịp tết Nguyên đán vừa qua. Bửu đã bán cam với giá 17.000 đồng/kg thay vì 14.500 – 15.000 đồng/kg như năm trước, và trong tháng tới còn khoảng hàng chục tấn nữa. Anh tin rằng tiếp tục thuê đất mở rộng diện tích vườn cam tại Hiệp Hưng (cách đó khoảng 10 cây số – thêm 8ha – gấp bốn lần diện tích vườn nhà ở xã Đông Phước) là cách tính đúng.










Chuyên gia thị trường (BSA)Phan Quý Tín chia sẻ cùng nông dân huyện Hồng Dân về tiêu chuẩn gạo và cách làm hàng cho siêu thị. Ảnh: H.L



Vấn đề là biết tính toán


Sau tết, giá cam chở ra Bắc khoảng 22.000 đồng/kg. Bửu – một hình mẫu của thế hệ thanh niên nông thôn trở thành doanh nhân – đã thuê máy vét bùn nâng liếp mía cao hơn đỉnh lũ tháng 9 chuyển qua trồng cam, ổi Đài Loan và vú sữa Lò Rèn ở Hiệp Hưng khi một số vườn cam bị thối rễ, vàng lá ở Đông Phước, Phú Hữu. Khi các nhà vườn khác tìm tới vùng cây trái tốt tươi ở Hiệp Hưng, giá đất lúc trước chỉ cao hơn giá thuê 20 – 25%, nay tăng vọt từ 400 triệu đồng lên 550 triệu đồng/ha.


Giá thuốc trị bệnh vàng lá 380.000 đồng/kg. Một người ở Đông Phước có 900 gốc cam, “tưới” 34kg thuốc để giữ cây, nói rằng nếu tiếc tiền không chạy chữa cho vườn cam, sau này sẽ hối tiếc nếu các vườn khác buông xuôi, chịu tổn thất trong khi mình có thể “một mình một chợ”. Tuy tết bán được hàng, nhưng dịch bệnh trên cây trồng, gia cầm khiến nhiều nông vườn ít vốn không hăng hái đầu tư nữa.


Tại Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, anh Võ Minh Thống tính toán “lạc quan” khi bán được 200 trái bưởi hồ lô loại đặc biệt với giá “nhống” lên lúc 27 tết: 1,2 – 1,3 triệu đồng/cặp. Năm ngoái, anh chỉ bán với giá 600.000 – 700.000 đồng/cặp.


Bán hàng được giá nhưng mở thị trường mới không dễ dàng chút nào.


Nhiều loại rau, củ ở Bình Minh rơi vào tình trạng tương tự. Nông dân trồng ớt kêu trời khi trước tết trên 35.000 đồng/kg, nay chỉ còn 15.000 đồng/kg. Bắp cải từ 5.000 đồng/kg còn 2.000 đồng/kg so với cách đây ba tuần; củ cải trắng 1.000 – 2.000 đồng/kg, giảm phân nửa giá so lúc giáp tết. Rầu rĩ nhất là dân trồng cà chua bán 500 – 1.000 đồng/kg, giảm 3.000 đồng/kg. Nông dân trồng rau lỗ 5 – 10 triệu đồng/công ngồi rầu, chiếm khá nhiều ở vùng rau Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long.


Tìm cách liên kết


Ông Lê Ngọc Bích (Út Bích) ở ấp Tân Mỹ, xã Tân Phước, huyện Lai Vung, nói thời tiết làm ông thất bại nên trước tết chỉ bán được 10 tấn quýt. Năm ngoái giá mua tại vườn 30.000 đồng/kg.


Thực ra ông Út cũng chỉ có 6 công quýt hồng. Theo tính toán, một hecta (10.000m2) trồng 800 gốc quýt, năng suất 50 tấn/ha là lý tưởng. Nếu giá 35.000 đồng/kg thì chi phí chiếm 50% sản lượng, phần còn lại là có lời. Nếu giá 20.000 – 25.000 đồng/kg thì tỷ lệ này sẽ cao hơn. Vườn cây chuyên canh quýt hồng ở Lai Vung tập trung ở các xã Long Hậu, Long Thắng, Long Thành, Tân Thành, Tân Phước và Vĩnh Thới với hơn 1.200ha. Lợi nhuận gấp 10 – 20 lần so với trồng lúa.


Ông Phạm Hữu Hiện (Út Hiện), một trong những nhà vườn trồng nhãn Thái Idor hơn 5ha ở ấp An Hoà, xã An Nhơn, nói: “Chỉ tội người trồng lúa, lời theo tính toán là 30% hổng đủ tiền đi đám giỗ”.


Ông chia sẻ: “Nhà vườn lâu nay mua gạo giá 12.000 – 15.000 đồng/kg, không có ai nói gạo mắc, nói mắc là tệ lắm”.


Nhà vườn như ông Hiện, cho cây ra hoa bảy tháng sau có trái đúng vào dịp tết, năng suất bình quân 20 tấn/ha là thành công rồi. Nhãn Idor trở thành mơ ước của nhiều nhà vườn. Nhãn loại 1, giá bán 40.000 đồng/kg, cao hơn năm ngoái 10.000 đồng/kg. Với mức giá này nhà vườn có mức lãi “khoẻ” hơn các loại cây trồng khác.


Cù lao An Nhơn có 300ha trồng nhãn Idor, sản lượng cung cấp cho thị trường gần 600 tấn/năm. Nhà vườn nhiều nơi bắt đầu tìm cây giống. Ông Út Hiện là nhà cung cấp nhãn Idor, ổi Đài Loan, vú sữa cho mối lái ngoài miền Trung, miền Bắc nói, sau tết giá vú sữa rộ chỉ còn 7.000 đồng/kg, nhãn vẫn giữ giá 30.000 đồng/kg. Đã có một công ty xuất nhãn Idor qua Mỹ dạng tươi, nhưng không xông lưu huỳnh, không chiếu xạ nên không vô được thị trường này. Sau đó có người hướng dẫn và họ bắt đầu tìm nguồn hàng.


Hợp tác xã Nhãn Vàm Xáng, Phong Điền có 11 xã viên, 8,8ha nhãn da bò. Nhãn nghịch vụ từng đạt 150 tấn. Nhưng ông Nguyễn Văn Hùng, trạm khuyến nông xã Nhơn Nghĩa, cho biết dân muốn bỏ nhãn da bò và trạm đã hỗ trợ 3.500 nhánh nhãn Idor thay thế, cố gắng mở rộng diện tích lên 132ha nhãn Idor trong năm nay. Ông Út Hiện nói: “Nếu chúng tôi liên lạc được với nhau, tôi sẽ hỗ trợ kỹ thuật, mua hàng của hợp tác xã. Biết đâu từ một dòng sản phẩm, liên kết bổ sung cơ cấu hàng, mở rộng thị trường mua bán xuyên biên giới (xuất khẩu), chắc chắn sinh kế của nhà vườn sẽ tốt hơn”.


Ông Lê Văn Hon, ấp Nhơn Phú, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền cho biết, gia đình ông trồng khoảng hơn 60 gốc vú sữa Lò Rèn, giá hiện nay còn khoảng 7.000 đồng/kg. Giá giảm gần phân nửa sau tết. Gia đình ông Nguyễn Văn Hén mạnh dạn hơn khi đã chuyển đổi hơn 6.000m2 diện tích xoài sang chôm chôm và vú sữa Lò Rèn theo hướng xử lý ra hoa trái vụ. Phong Điền có trên 10.500ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó, có khoảng 3.800ha đất ruộng và khoảng 6.700ha đất vườn. Huyện đang chú trọng phát triển vườn cây trái gắn với phát triển du lịch sinh thái. Năm nay diện tích cây ăn trái giữ ở mức 5.930ha, cải tạo và trồng mới 170ha; sản lượng cây ăn trái hàng năm khoảng 63.500 tấn; diện tích gieo trồng rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày cả năm là 3.100ha, tổng sản lượng thu hoạch khoảng 34.530 tấn. Nếu xử lý nghịch mùa thành công, khoảng tháng 8 – 9 thì một gốc vú sữa có thể thu về trên dưới 15 triệu đồng, với giá 25.000 – 35.000 đồng/kg.


Trồng lúa vẫn nhiều nỗi lo


Ông Hồ Quang Cua, tác giả giống lúa ST có vẻ lo ngại khi biết đã có người dùng chất taclorbutrazol làm cho hột lúa no tròn, nặng cân khi loại hoá chất này bị cấm ở một số nước.


“Vấn đề ST” là khi thị trường ưa chuộng thì nhiều nơi tự ý làm giống, xay chà, phối trộn, đóng gói gạo ST bất chấp luật bảo hộ của Nhà nước. Ông Cua đã đầu tư 500 triệu đồng để nhân giống đủ chuẩn, 4 tỉ đồng làm hệ thống sấy, kho chứa lúa giống… và thực sự chỉ thu được mười mấy tấn giống để chuyển tới những vùng có hợp đồng bao tiêu cho nông dân. Những giống ST được chọn lựa từng bông lúa, qua nhiều công đoạn để giữ phẩm chất, giá trị bảo hộ, uy tín của nguồn cung cấp giống lẫn gạo hàng hoá… Vậy mà có nơi đã rao bán lúa gạo ST 25, quảng cáo ST trồng ngoài tỉnh Sóc Trăng.


Có thật đã có “ST 25?” Tác giả giống lúa ST nói: “Người ta hay quá! Nhưng nếu mình cứ chạy chỗ này, chỗ kia nói tui có lúa thiệt thì không còn thời gian để làm. Cứ nghe rồi bỏ đi, cứ nghĩ cách tiếp tục làm sản phẩm cho tốt. Thị trường đang hút ST 5 – giá lúa: 5.750 đồng/kg, ST 20: 6.500 đồng/kg. Lúa giống còn tươi, giá gấp đôi giá lúa thịt nên nhiều nơi bất chấp bản quyền, đổ xô làm giống và tự cho đó là ST “chính chủ””. Ông Cua nói: “Ở Kiên Giang, anh em thanh tra, quản lý thị trường nói tôi làm kỹ hệ thống nhận diện để họ giúp chống hàng giả. Nhưng vài tỉnh khác, người làm giống ST lại là người trong hệ thống ngành nông nghiệp, tôi phải làm gì? Thực sự thì có nhiều điều đáng sợ hơn: Sợ nhất kiểu phun hoá chất làm lúa no tròn. Cái hại là làm lúa mất thơm, cơm cứng, nhưng trọng lượng tăng”.


ST được ưa chuộng, bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có cớ để đầu tư cho viện Lúa nghiên cứu giống có năng lực làm thương hiệu quốc gia. Theo ông Cua, trước đây ông và nhóm nghiên cứu lúa thơm của viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long đã thoả thuận sử dụng nguồn gen từ ST để phát triển sản phẩm.


Một số công ty của Nhật khảo sát nhiều nơi để làm giống và trồng lúa Nhật, cuối cùng nói rõ ý muốn hợp tác với ông Cua. Không chỉ các công ty mà chính cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) muốn cùng Việt Nam hình thành tổ chức ba bên chuyển giao kỹ thuật trồng lúa theo dự án “Liên minh phát triển lúa gạo châu Phi” (Coalition for African Rice Development – CARD), giúp nhân sản lượng lúa từ 11 triệu tấn hiện nay lên 28 triệu tấn vào năm 2018. GS.TS Võ Tòng Xuân, cố vấn cho JICA, có những trải nghiệm ở Sierra Leone, Nigeria, Liberia, Sudan, Mozambique tin tưởng chương trình này sẽ cải thiện hình ảnh người trồng lúa.


Hoàng Lan – Đức Toàn – Ngọc Bích






DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ