Chợ Lớn xứ thổ
SGTT.VN - Hương thơm và màu sắc của các quầy hàng gia vị trong ngôi chợ Grand Bazaar ở Istanbul – Thổ Nhĩ Kỳ cuốn hút tôi đi mãi. Ngôi chợ rộng lớn với 61 con đường bên trong và hơn 3.000 quầy hàng đã làm tôi lạc lối. Không chỉ là “chợ” với nhiều mặt hàng truyền thống, Grand Bazaar còn là nơi ghi lại vết tích của con đường tơ lụa huyền thoại ở ngã ba văn hoá của ba châu lục.
Một góc chợ Grand Bazaar. |
Hôm qua, anh bạn Adnan người Thổ mà tôi đã gặp trong cung điện Topkapi khuyên tôi nên ghé qua Grand Bazaar để mua quà lưu niệm trước khi về Việt Nam. Anh cũng cảnh báo tôi cần phải lưu ý đường đi nước bước bên trong bởi ngôi chợ rất rộng lớn. “Grand” là từ tiếng Anh có nghĩa “rất lớn”, còn “Bazaar” trong ngôn ngữ Ba Tư có nghĩa là “chợ” và từ Bazaar được sử dụng rộng rãi từ các quốc gia Nam Á lên đến Trung Đông.
Sắc màu gia vị
Tôi ngập ngụa trong sắc màu văn hoá Ba Tư huyền bí khi vừa bước vào bên trong chợ. Cũng giống như các quốc gia Hồi giáo khác, bán hàng trong khu chợ luôn là nam giới. Thấy tôi chăm chú vào bộ gia vị đa sắc màu trên quầy, anh Ali, người bán hàng giải thích: “Người Thổ ăn rất nhiều gia vị như trái hồi, quế, bạch đậu khấu… nhưng trong một quầy hàng không thể thiếu mười gia vị cần thiết trong cuộc sống hàng ngày để chế biến thức ăn”. Đó là: lá kinh giới (tiếng địa phương là Guveyotu), bột ớt đỏ (Pul biberi), lá bạc hà (Nane) được sử dụng dưới dạng khô và tươi, hạt tiêu Jamaica (Yenibahar), bột quế cây (Tacin), thìa là Ai Cập (Kimyon), bột trái muối (Sumac), hạt mè đen (Susam) để làm nước xốt Tahini, bột ớt cựa gà (Paprika) có màu đỏ rất đặc trưng làm tăng độ màu và không cay. Cuối cùng là thìa là đen Ai Cập (Corekotu), gia vị không thể thiếu trong việc rắc trên đầu của chiếc bánh ngọt truyền thống của người Thổ là Yufka và Phyllo.
Những bức tranh nhiều màu sắc đó như là một thứ bùa mê hớp hồn tôi. Rời xa chúng tôi vẫn thấy mùi thơm quanh quẩn đâu đây...
Anh Ali bên quầy hàng của mình. |
Dấu xưa xe ngựa...
Không chỉ gia vị, Grand Bazaar còn bày bán những mặt hàng truyền thống trên con đường tơ lụa huyền thoại ngày xưa: lụa, vàng, đá quý, thảm, trầm hương và lông thú hiếm. Anh Atilla, một chủ quầy hàng mời tôi xem qua gốm sứ người Thổ. Hôm qua, trên cây cầu Fatih Sultan Mehmet, tôi đã nối hai lục địa Á – Âu bằng những bước chân của mình. Hôm nay, tôi lại được nghe câu chuyện về con đường tơ lụa Á – Âu mà Grand Bazaar đóng vai trò quan trọng trong việc trung chuyển hàng hoá bởi anh bạn Thổ Atilla.
Vượt qua eo biển Bosphorus dài 30km, Istanbul là điểm tập kết hàng hoá của những đoàn thương gia trên con đường tơ lụa trước khi vượt Địa Trung Hải để đến thương cảng lớn thời cổ đại Venice của Ý. Năm 1455, sau khi chiến thắng đế chế Đông La Mã Constantine, vua Sultan Mehmet II cho xây ngôi chợ bán mặt hàng truyền thống của con đường tơ lụa là lụa và áo quần. Ngôi chợ được hoàn thành vào năm 1460 với tên gọi Cevahir Bedesten. Theo ngôn ngữ người Thổ, Bedesten được đọc trại từ “bezestan” của Ba Tư và có nghĩa “chợ bán lụa”, còn Cevahir có nghĩa là “mới”. Năm 1545, vua Ottoman Suleyman 1 người Thổ cho xây thêm một ngôi chợ mới nằm cách rời Bedesten về hướng bắc, mang tên Sandal Bedesten. Tên Sandal được đặt nhằm tôn vinh những sợi ren sắc màu được dệt ở vùng Bursa tạo nên quai đôi guốc gỗ rất riêng của Thổ Nhĩ Kỳ. Mặt hàng tơ lụa được dời qua ngôi chợ Sandal và Cevahir chỉ chuyên mua bán hàng quý giá. Khoảng trống giữa hai ngôi chợ tạo thành quảng trường nghỉ chân cho người đi chợ. Những năm sau đó, những người bán lẻ lại biến quảng trường thành khu chợ mới. Chợ sầm uất và rộng lớn đến mức người ta không thể thống kê được có bao nhiêu quầy hàng bên trong. Những cuốn sách xưa vào thế kỷ 16 ghi lại qua lời kể của khách du lịch hay những đoàn thương gia về ngôi chợ này: 4.390 quầy hàng, 19 đài nước, 63 ngõ hẹp, 18 cổng ra vào…
Đến đầu thế kỷ 17, những vị vua Ottoman lại xây thêm ngôi chợ mới tại quảng trường nghỉ chân khiến Grand Bazaar trở thành cụm phức hợp rộng khoảng 30,7ha. Ba ngôi chợ tượng trưng cho ba lục địa mà đế chế Ottoman của người Thổ đã mở rộng bờ cõi của mình ở Âu – Á – Phi. Những con ngõ hẹp bên trong lồng chợ tượng trưng cho những con đường tơ lụa giao thương giữa Á và Âu và cuối cùng tập kết tại Istanbul. Theo số liệu chính thức từ ban quản lý chợ: có khoảng 3.000 quầy hàng bên trong 61 ngõ, 5 thánh đường Hồi giáo, 7 đài phun nước, 1 nhà tắm và 18 cổng ra vào.
Đứng giữa ngôi chợ rộng lớn, tôi thả hồn trên những cung đường tơ lụa khác nhau ở các quốc gia châu Á, nơi có những sa mạc cát vàng in dấu chân của đoàn người ngựa hay lạc đà cùng những túi hàng gồ ghề trên lưng để đến Istanbul. Mà Grand Bazaar đâu chỉ có thế, còn có hương thơm của những ổ bánh mì Kebab níu lấy chân tôi…
bài và ảnh: nguyễn chí linh
Một góc cầu dây văng Bosphorus nối liền hai bờ Á – Âu. |