Thứ Ba, 4 tháng 2, 2014

Mi đang chảy đi đâu?

Mi đang chảy đi đâu?

Dòng sông miền thượng


Mi đang chảy đi đâu?


SGTT.VN - K’Nhal cùng đứa con khiêng chiếc xuồng lên khi không thể bơi tiếp. Anh và cậu con không có phép mầu để ôm xuồng bay qua cái đập khổng lồ kia. Cái đập thuỷ điện đã ngăn dòng sông mẹ Dạ Dờng lại, kể từ ngày thuỷ điện Đồng Nai 3 hình thành năm năm trước. Một cái đập thôi nhưng đã chia cách thế giới tự nhiên trên một dòng sông và làm khác đi thế giới ấy…










Ở cao nguyên, một dòng chảy có lúc là sông, lúc là thác, là ghềnh, là vực.



K’Nhal bảo xưa anh cứ thế mà thả xuôi đánh cá cho đến khi “no” cá, chán chê thì nghỉ; rồi chèo ngược về hoặc cắm đại xuồng ở bến rừng – sông nào đó mà về. Nay chỉ chờ trời mưa nhiều ngày, có bão lũ, thuỷ điện xả nước, thì mới nghĩ đến việc bắt con cá con tôm dưới dòng sông mẹ. Tức là bắt cá ở đoạn sông xưa bỗng một ngày đọng nước chứ không phải nguồn chảy thiên nhiên hàng ngày từ núi rừng. Sông hết chảy thì hồ đây đó cũng không còn nước. K’Nhal tâm tư là anh nhớ sông, nhớ nước, nhớ cảm giác bắt con cá, thèm ăn con cá nước ngọt mà đi bắt, chứ nhiều người ở bon B’tung, xã Dăk Plao, huyện Dăk Glong, tỉnh Dăk Nông của anh đã mòn mỏi, không buồn đi bắt con cá nữa. Anh kể bà con bon (làng) Mạ giờ quen dần bán cái bắp, cái càphê, điều để đi mua con cá biển, cá hấp mà ăn, người ta đưa từ xứ biển Bình Thuận lên. Nghe anh nói mà lòng tôi chùng xuống.


“Kẻ” đưa tin rừng già


K’Nhal ngồi đấy, xả hơi với chút cá ít ỏi bắt được, sau khi đưa thuyền lên bờ để chờ xe công nông đến chở nó đi tìm khúc sông có nước khác. Theo Nhal, sông là mạch máu của núi rừng, của miền xứ Thượng quê anh. Trong lòng anh, sông, cuộc đời nó, vẫn quẩn quanh cao nguyên này. Cảm giác “sông không ra khỏi xứ”, bởi nó bắt đầu từ những mạch nước nhỏ nhất trên núi, trong rừng già lê thê. Cứ lê thê miết như thế cho đến khi gom đủ suối để thành sông. Trong dân gian miền Thượng ngày nào, họ không biết dòng sông của mình sẽ tới đâu, và “nói” lời tạm biệt với dòng sông là không thể. Chỉ người từng trải, hiểu biết mới biết nó chảy đi đâu đó thôi về dưới kia, chỗ thấp hơn, đến đại dương, một chốn xa xôi hư ảo.


Nhal rằng nhìn dòng nước của sông là biết quanh đó rừng già hay rừng thưa, và những loài cá gì thường sinh sống. Sông chảy từ rừng già ra, nước trong, xanh thẳm, và lạnh. Sông chảy từ rừng thưa xuống thì nước đục.


Sông chảy từ rẫy nương xuống thì nước đục hơn nữa. Dòng sông nằm trong rừng nguyên sinh khi chảy dòng nước không thấy nhiều rác, cây lá, bọt nước... Tốc độ nước chảy cũng cho biết rừng bên trên nhiều hay ít. Sông ở rừng già nước lạnh nhưng coi vậy mà hiền. Sông chảy qua núi đồi không rừng, nước rất dữ. Đếm giờ mưa có thể ước được bao giờ con nước nó đến khúc sông nào, chảy qua bến sông kia, dâng lên tới chỗ cái cây nào quen thuộc. Địa hình cao nguyên là vô vàn hình hài, tầng nấc, khúc khuỷu. Nên nước bền bỉ len theo rừng để đi, lúc thì cuồng nộ hung hãn đâm thủng núi non, va thẳng vào những bãi đá lộ thiên, đổ xuống vực thẳm. Lúc lại chảy dịu dàng, rồi cuồng lên ngay. Kể cả mùa khô, sông cũng không thể êm đềm. Sự trắc trở của địa hình bắt nó phải khùng điên, cuồng nộ. Nước chảy mà như “nhảy”. Sông biến ảo.


Sông tiến về đến đồng bằng là thứ sông xa nguồn, tách xứ, phẳng băng ra, cởi trần, như “xa lộ” cho nước, chẳng dùng dằng, quyến luyến, vòng vo nữa. Nhưng rắc rối và liêu trai mới là kỳ diệu của một thực thể mang tên “con nước miền Thượng”.


Núi non cách trở, có những địa bàn con sông, đường thuỷ, trở thành giải pháp tối ưu cho việc đi rẫy đi nương, chở bắp, mì, càphê về, và phân bón, máy tưới… Theo dòng sông, hay xuất hiện những bến thuyền độc mộc là vì thế. Dĩ nhiên trên mỗi bến thuyền ấy là làng, bon, buôn, plei với cư dân sinh trú lâu đời. Người dân bám vào những con sông, men theo dòng nước để sống, để vào rừng kiếm nấm kiếm rau, con chim con thú; đưa nông sản, củi… về trên những dòng sông đó. Người Mạ, K’ho, Êđê, M’nông, Jrai, Bahnar… cũng dựa vào những con sông đó để kiếm thực phẩm, hoặc đánh bắt cá nước ngọt về ăn, trao đổi, mang ra chợ bán. Dòng sông sinh ra bao nghề nuôi sống con người. Con người nương theo dòng sông tự nhiên mà tồn tại. Một cuộc sống chan hoà và thanh bình, nương tựa sông núi...










Khi một thuỷ điện ra đời, những con sông, dòng suối tan vỡ đời sông đời suối.



Dòng nước đời người


Khi chảy qua mỗi vùng rừng, mỗi tộc người, mỗi (làng) plei, bon, buôn, dòng sông mang lấy một cách gọi “nước” khác nhau. Nơi thì gọi sông là Đa, nơi gọi là Đăk, nơi gọi Lak, nơi gọi Ea, nơi gọi Sê, nơi lại gọi là Ya… Như một con sông Đồng Nai thôi, người phía đỉnh núi Bidoup gọi là Đa Nhim, xuống chút nữa là Labá, chút nữa thành Đa Sa, chút nữa thành Lien Khang, chút nữa là Đa Chamo, chút nữa Dạ Dờng, chút nữa Đa Dâng, chút nữa Đa M’rong, chút nữa Đa Oai, chút nữa Đa Quay, chút nữa là La Nga… Tên gọi cho sông gắn với lai lịch nguồn nước, ký ức cộng đồng. Càng quẩn quanh đại ngàn, chảy miên man là những cái Đa, Đăk, Đă, Ya, Ea ấy… hoá thần, là thần, chứ không còn là nơi nước chảy. Người ta cúng sông, bến nước là vì vậy. Dòng sông sinh ra văn hoá cho con người nơi nó đi qua. Mỗi tộc người cúng khác nhau. Chính nó, sông, lại còn phải sống đời sống của những thực thể khác: thác đổ, ghềnh đá, vực sâu, hang động, nước qua thung lũng, thảo nguyên, đồng bằng…


Mùa mưa lũ sông đồng bằng có dữ dội thì sự dữ dội cũng không thể bằng những đoạn giang ở cao nguyên. Sông đồng bằng, sự dữ dằn chỉ xuất hiện thi thoảng vào mùa mưa bão, nhưng tất cả vẫn được gây men từ thượng nguồn, hứng đựng những gì của thượng nguồn thôi. Kể cả phù sa ở miền hạ lưu, cũng chỉ là sản phẩm tăng thêm của hành trình đào khoét núi non, gặm đất, vận chuyển của nước sông sục sôi nơi miền Thượng. Vì vậy mà sông trong lòng người sơn nguyên nó huyền bí, sâu kín vô tận so với người đồng bằng. Có những đoạn sông dài hàng chục cây số chảy êm ái, là đất sống, “quê hương” cho những con thuyền độc mộc đặc trưng của cư dân sơn cước. Thuyền độc mộc, là nguyên cây gỗ lẩy ra từ đại ngàn, đục rỗng, để rồi cùng người lang thang trên sông thượng ngàn. Sông rừng cạn thì thuyền độc mộc cũng biến mất nói chi đến tượng gỗ nhà mồ, nhà dài.


Chả thấy con thác nào ở những dòng sông đồng bằng, cũng như chả thấy thuỷ điện nào xây trên những mặt sông phẳng như lụa ấy. Ở miền cao nguyên, trong một dòng chảy thôi, nhưng lúc dòng nước ấy là sông, lúc là thác, là ghềnh, là vực. Có những đoạn sông thành thác đẹp ngất trời như Đray Sap, Đambri, Yaly, Pongour, Bobla… Không thể đếm hết thác trên sông miền Thượng, vì đó như sự biến tấu của sông ngòi. Có những đoạn sông trải ra chuỗi thác một lúc 6, 7, 10, 15… tầng nước. Những mảnh lụa trắng tung ra giữa màu xanh thiên nhiên và hùng vĩ trong âm thanh hoang dã. Đấy không là vẻ đẹp quê hương, cảnh thanh bình, hồn vía xứ sở thì là gì.


Và cũng chính địa hình trắc trở, biến chuyển liên tục, dốc đó khiến sông suối cao nguyên trở thành những dòng sông năng lượng. Ở đó, khá nhiều thắng cảnh nằm trong rừng mà vẫn nổi tiếng, được Nhà nước xếp hạng thắng cảnh quốc gia, như Pongour, Trinh Nữ, Đăk R’tih, Đray Nu, Đray Sap, Đambri... Không để ý đến việc ai đó xếp hạng cho những cảnh sắc của quê xứ, người cao nguyên chỉ biết đó là “môi trường sống”, là những thứ máu thịt. Họ “đọc” suối, sông như ta thuộc “số nhà” ở phố. Đến khe đá còn đặt tên. Sông suối còn là không gian sinh hoạt của người. Không phải bến sông là nơi hò hẹn đâu, mà là cuộc đời, nơi lấy nước uống, nước tưới, tắm giặt, giỡn đùa. Chứa chan ký ức. Cuộc đời con người không thể thiếu sông. Nên khi một đoạn sông nào đó biến mất, là mất từ bến nước đến con người, tiêu tất cả những giá trị tồn sinh ôm lấy sông.


Tan vỡ


Người M’nông có câu: “Tu đak manh mih”, nghĩa rằng sông chảy nhờ nguồn nước, suối sông là thứ quý báu nhất trên đời. Họ mang ơn sông suối ấy với một hạnh phúc chân thật và giản dị: “Brô tâm đak nsit ko” (xuống sông là phải mang cá về).


Ngày sông Sê San ở Kon Tum và Gia Lai được chặn lại để làm thuỷ điện Ia Ly, để ý tôi thấy người Bahnar, Jrai, Rơ Ngao thẫn thờ. Dù thẫn thờ, nhưng họ vẫn vỗ tay. Chắc họ biết hy sinh khúc ruột, dòng sông, để vì đất nước, cần điện cho phát triển. Ngày thuỷ điện Đồng Nai 3 chặn dòng sông Đồng Nai, tôi thấy người Mạ của K’Nhal ở Dăk Glong của Dăk Nông và người K’ho ở Đinh Trang Hoà (Di Linh, Lâm Đồng) ngơ ngác. Dòng sông Dạ Dờng bỗng cái đùng biến mất, mà với con người ở tâm thế chân thật hoang sơ tiếc xót là phản xạ rất thiên nhiên. Con sông cùng với núi rừng bao quanh thành hồ mênh mông, mất đường đi, lối về, ruộng vườn lẫn quê quán. Nhưng con hồ tích nước nằm trên núi rừng quê xứ từ đấy đã thuộc công ty thuỷ điện kia chứ không còn của tạo hoá, của chung cộng đồng như bao ngàn năm nay nữa. Ngày thuỷ điện Đăk R’tih ở ngoại ô Gia Nghĩa (Dăk Nông) chặn dòng sông Đăk R’tih, tôi thấy người M’nông R’lăm lặng thinh rời xa nó. Ngày thuỷ điện Plei Krông ngăn sông Pôko (Kon Tum), người Xê Đăng quanh đấy vẫn đi rẫy trồng mì. Ngày thuỷ điện Buôn Tua Sar chặn dòng sông Krông Nô, dải đất mênh mông với sự thống trị của cây bắp khi mùa mưa về mà tôi từng dạo bước trên đó và gọi là “Thảo nguyên của người nghèo”, chợt nhận ra những làng M’nông Gar lâu đời đó đã đi đâu mất biệt. Ngày thuỷ điện Sêrêpôk 3 và 4 chặn sông Sêrêpôk, người Êđê, Lào, M’nông ở quanh những cánh rừng khộp Cư Jút và Buôn Đôn vẫn đi trồng càphê, và cuối buổi chiều ra tắm trên sông Sêrêpôk lần cuối. Ngày thuỷ điện Đachamo khởi công, dân buôn Đa Nghịt ở rừng Lạc Dương bồng bế con đi xem cờ phướn giăng đầy… Người sơn cước hồn hậu, trong sáng, ngơ ngác, hy sinh, chấp nhận. Và có thể, góc nào đó trong lòng, họ cũng mở ra những hy vọng đổi thay, sang giàu cho chính họ, vào một ngày nào đó. Mà hình như nếu không hy sinh họ cũng không có lựa chọn nào khác. Ngày thuỷ điện Ia Ly khởi công công trình trên lưu vực sông Sê San ở phía Gia Lai, thì nơi hạ lưu cách đấy chục cây số theo đường chim bay, tôi nhớ nhà khảo cổ học Nguyễn Khắc Sử hối hả đêm ngày huy động khai quật di chỉ của người tiền sử ở Lung Leng cho kịp trước khi nó chìm trong nước, bởi con hồ khổng lồ nuốt hết núi rừng để tích nước cho thuỷ điện. Những gì đào dưới Lung Leng, giáo sư Sử khẳng định Tây Nguyên là một vùng đất cổ xưa, thời tiền sử đã xuất hiện những cộng đồng người. Nay giáo sư Sử có lên Kon Tum, nhìn xuống hồ Ia Ly thì báu vật Lung Leng kia trở thành một cái gì đó cứ như không có thật, cho dù di vật có còn chất đầy trong bảo tàng Kon Tum.


Giờ đi qua sông núi miền Thượng, tôi nhận ra những biến thiên, xáo trộn, đổi thay từ trật tự của những con sông, ngọn núi, cho đến tâm hồn người. Khi một thuỷ điện ra đời nó xáo tất cả lên, thay, đổi, biến, động. Những con sông, dòng suối tan vỡ đời sông đời suối, nương rẫy trở thành đất thuộc lưu vực của hồ thuỷ điện, và nhất là những làng người phải di chuyển đi nơi khác. Sông, động mạch của cơ thể quê xứ, vào một ngày bỗng thở hổn hển, đứt đoạn, biệt xứ. Vĩnh biệt những “bến nước”. Vĩnh biệt những con thuyền xuôi ngược dòng sông.


Nhiều năm nay, những bộ phim tư liệu hay và gây ấn tượng lâu bền nhất trên hệ thống truyền hình nước nhà là những bộ phim làm về những dòng sông. Phim tài liệu mà nhà đài vẫn “ăn” quảng cáo no nê, vừa chiếu phim vừa độn Omo, dầu gội đầu, nước rửa chén, kem đánh răng, bia bọt... Không biết có phải do sông kể quá thật về cuộc đời của nó cùng những gì đôi bờ nó chảy qua, gồ ghề nhất là thân phận con người. Và suốt năm năm qua, chục kỳ họp Quốc hội, ở ngoài thủ đô, không kỳ nào chuyện sông miền Thượng và thuỷ điện ở núi rừng xa xôi không được đưa ra nghị trường.


Chưa bao giờ người ta nói về sông nhiều đến vậy, ở đất nước này.









Cuộc đời con người không thể thiếu sông. Nên khi một đoạn sông nào đó biến mất, là mất từ bến nước đến con người, tiêu tất cả những giá trị tồn sinh ôm lấy sông.



Gần 300 dự án thuỷ điện lớn nhỏ đã và sẽ hình thành, thì quê xứ nào còn, rừng núi nào bình yên, sông nào còn hình hài. Theo một người chuyên làm thuỷ điện nói với tôi, thiên hạ ùn ùn đầu tư vào thuỷ điện vì điện là thứ không bao giờ sợ ế, và sở hữu những vùng sơn thuỷ mênh mông khi tạo ra hồ thuỷ điện là thứ tài sản vô giá, có nhiều cách để sinh lợi từ nó, không thể mua. Có những con sông bị đoạn ra làm 14 lần. 14 lần đau trên một cơ thể tự nhiên. Khi sông không còn chảy thuận dòng thì nó chỉ là những đoạn núi non tụ nước, như những ao tù mà K’Nhal đi bắt cá, chứ sao là “sông” nữa được. Không còn chảy một dòng thì thuỷ sinh, thuỷ lâm… ở nơi từng là sông ấy phá vỡ cấu trúc hết rồi. Sông ngòi không còn là sông ngòi. Và mỗi thuỷ điện ra đời từ 2.000 – 12.000 người phải tách khỏi cội quê, di dời. Có lần, ông Huỳnh Lê Trung, chuyên gia thuỷ điện hàng đầu với 30 năm trong nghề nói với tôi rằng, chính ông cũng “xót” với cách phát triển thuỷ điện ở Việt Nam: không hề có quy hoạch tổng thể môi trường và văn hoá chiến lược cho cả con sông mà chỉ quy hoạch cho từng thuỷ điện; còn đánh giá tác động môi trường lại do chủ đầu tư thuê tư vấn riêng thực hiện. Ông cũng lạ lẫm vì nguyên tắc để những dòng sông không “chết”, đứt gãy, thế giới người ta buộc làm thuỷ điện bao giờ cũng đặt nhà máy phát điện ở hai đầu, để đổ nước xuống trở lại hai đầu sông. Nhưng ở Việt Nam thì tất cả đổ xuống một đầu, cứ trên đổ xuống thấp, vì tiết kiệm chi phí đầu tư. Doanh nghiệp lợi, chỉ cộng đồng thì chồng chất đau, thiệt.

Tôi biết từ dạo đó, năm 2001, khi làn sóng thuỷ điện quét qua thì sự đúng nghĩa của con sông đã biệt xứ. Không còn có thể cho một con thuyền xuôi dòng được nữa, như K’Nhal bất lực nhìn bậc thang thuỷ điện trên dòng sông quê. Câu cửa miệng của dân gian: “Ai về nhắn với bạn nguồn/ Mít non gửi xuống cá chuồn gửi lên” theo đường sông muôn đời qua, nay coi như chấm dứt. Nếu có gửi, hãy gửi xe đò, cô bác miền ngược, miền xuôi nhé. Rất nhanh, tiện, mít khỏi héo mà cá khỏi ươn. Chỉ có điều… nhớ sông đứt ruột.


Những dòng sông lần lượt chết. Chết thật, chứ không phải lâm sàng. Và chết vì thuỷ điện chứ không phải vì nước thải công nghiệp như sông dưới xuôi. Vốn ăn đời ở kiếp với sông, bỗng một ngày mất sông, con người di dời đến nơi khác sinh sống. Người sơn nguyên thuần khiết, nhạy cảm, dính chặt với con suối, dòng sông; thích nghi với núi lạ, đất khác nào dễ, sự thích nghi phải tính bằng đời người, thế hệ. Con người sống nặng tình với nơi ở, không muốn xa cảnh vật quen, thì cần nó như dinh dưỡng. Gọi đúng tên, đó là dinh dưỡng tinh thần. Không có quá khứ thì tựa vào cái gì.


Gần đây, cứ ít tuần trên VTV lại xuất hiện một phóng sự kể những làng người bị di dời vì thuỷ điện không chịu ở nơi được bố trí định cư mà quay về quê cũ dựng chòi ở “chui” (vì đất đã giao cho dự án), mở lại rẫy vườn ở mảnh đất con con còn sót, nước ngập không tới. Bà con không ý kiến gì cả, cũng chẳng đòi hỏi, chỉ thấy họ lặng lẽ quay về như thế. Là kẻ ta bà ham chơi, thế mà lần nào xem chuyện không mới đó vẫn quặn lòng.


Như mọi chốn xứ, con sông là vật công bằng cho tất cả cư dân, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, vị trí xã hội, trong cái cuộc tình “con người và dòng sông” chảy qua nơi sinh sống. Tây Nguyên hy sinh cả những điều sâu kín, thiêng liêng nhất của kiếp con người. Như bao người bản địa tôi đã gặp trên hành trình qua nhiều con sông trên Tây Nguyên, K’Nhal tâm sự bây giờ anh không còn đoán định được khi nào nước sẽ dâng cao dù ở những đoạn sông thân thuộc, và anh không còn hiểu được sông nữa, vì dòng nước đã không còn là sản phẩm của tự nhiên. Con người đã tác động, thay đổi toàn bộ cấu trúc tự nhiên của dòng sông. Người M’nông, một sắc dân lâu đời ở Tây Nguyên có câu: “Đuk he ri đa bon tâm đak” – dịch ra tiếng phổ thông là: “Lỗi của con người đừng quăng xuống dòng sông”. Người Kinh một thời cũng có bài hát nổi tiếng Sông Đakrông mùa xuân về, giai điệu thật hùng tráng và huyền ảo về dòng sông miền Thượng: “Tôi hát cho dòng sông Đakrông luôn chảy xiết/ Tôi hát cho nhà rông đêm ngày luôn đỏ lửa; cho tiếng đàn t’rưng vang đầy dòng suối/ Đakrông ơi, dòng sông xanh thẳm/ Tây Nguyên ơi…” Sông chảy về tim tha nhân. Nhưng thiên nhiên đã tan vỡ cả rồi, hào khí sông kia mới đó cũng đã như cơn lũ quét qua.


Làm sao đo được năng lượng của một dòng sông trong lòng người.


bài và ảnh: nguyễn hàng tình






DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ