Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2014

Về quê kháp rượu!

Về quê kháp rượu!

Về quê kháp rượu!


Đình cổ, người xưa











SGTT.VN - Chiều cuối năm, gió se lạnh từ cánh đồng Phú Lễ phả mơn man vào ngôi đình có quy mô lớn và đẹp nhất tỉnh Bến Tre: đình Phú Lễ (ấp Phú Khương, xã Phú Lễ, huyện Ba Tri) – được xây dựng vào năm 1826 bằng gỗ và lá, thềm và móng được cấu trúc bằng đá xanh, bên trên xây gạch, gồm mười gian theo lối chữ “Đinh”. Đình chính gồm võ ca, viên đường, thính đường, chánh đường và hậu đường. Qua thời gian, các lớp lá được thay bằng ngói vảy cá, nhưng các cột gỗ lim thì vẫn bóng ánh màu cổ tích.


Vị khách phương xa khẽ lướt tay qua những đường nét tinh xảo trên các hoành phi câu đối, long trụ, bao lam thành vọng, hương án… mà không khỏi bồi hồi thán phục tiền nhân. Cũng chính trong quá trình dựng đình, nghề kháp (nấu) rượu truyền thống ở Phú Lễ ra đời, như là thứ sản vật dâng lên đất trời tổ tiên cầu cho mưa thuận gió hoà, quốc thái dân an, nhà nhà hạnh phúc.


Đình Phú Lễ đã được công nhận là Di tích lịch sử – văn hoá cấp quốc gia và thứ rượu ngọt mềm môi của vùng đất này cũng được dân đồng bằng sông Cửu Long công nhận là một trong những đệ nhất danh tửu (cùng với rượu Gò Đen – Long An, rượu Bàu Đá – Bình Định, rượu Làng Vân – Bắc Ninh và rượu Xuân Thạnh – Trà Vinh).


Người Phú Lễ làm rượu chăm chút đến từng hạt nếp, viên men, từng động tác chưng cất. Chị Hai Mến (ấp Phú Khương) cho biết: “Chọn nếp là bước quan trọng đầu tiên, thường là loại nếp dài ngày của địa phương. Nếp được nấu thành cơm, để nguội (hơi ấm tay) thì rắc hồ men (đã giã nhuyễn) vào, trộn đều rồi đưa vào xô sạch để ủ. Chờ ba ngày cho cơm nếp và hồ men đã thấm nhuần, hoà quyện vào nhau tạo nên hương thơm nồng đặc trưng thì cho nước vào với tỷ lệ thích hợp rồi ủ tiếp. Đến khi ủ đủ bảy ngày bảy đêm là lúc cơm rượu đã đạt độ chín, sẽ đem đi kháp rượu. Khi kháp, muốn rượu ngon phải để lửa liu riu đều tay. Lửa cao quá hoặc thấp quá cũng làm rượu không ngon, có khi còn “thất” rượu”.


Lão nông tri điền Tám Sánh, nay gần cửu thập, móm mém: “Từ năm 1826, khi vua Minh Mạng sắc phong và cho thành lập đình Phú Lễ thì Phú Lễ đã sở hữu hai di sản văn hoá lớn, một là ngôi đình thuộc loại cổ và lớn nhất Nam bộ, hai là thứ rượu nếp Phú Lễ danh bất hư truyền”.










Bí ẩn bài hồ men truyền thống


Lão nông Tám Sánh tiết lộ: “Bài hồ men được ông cố tôi lưu truyền từ thời vua Minh Mệnh gồm 36 vị thuốc: trần bì, quế khâu, đinh hương, tất phát, đại hồi, sa nhân, tiểu hồi, lương cương, càng cương, bạch khấu, ngọc khấu, mai hoàng, hậu phát, thảo quả, quế chi, trạch lan, xích thước, hồng hoa, linh cừ, mật nang, tạo giác, cam thảo, son tàu, cam thảo nam, thiên niên kiện, cát cánh, bồ kết, hương truật, nhãn lồng, trầu lương, rau răm, lá nhãn, ngũ vị, tai vị, tiêu sọ, mần tưới. Các vị thuốc này được xay nhuyễn, trộn với bột gạo lứt, nhồi chung với cám, vo thành viên rồi đem ủ trong trấu. Trong lúc ủ phải thường xuyên theo dõi không để nóng quá cũng không được lạnh quá và sau bảy ngày sẽ thu được loại hồ men đặc biệt”.


Một yếu tố góp phần làm nên vị ngọt thơm, say nồng của rượu Phú Lễ chính là nguồn nước lấy từ các mạch giếng. Khách phương xa ra thăm một cái giếng làng, thấy bề mặt giếng mọc toàn rau dại, thành giếng vẫn nện từ đất, vị nước lấy từ giếng lên ngọt lạnh trôi từ cổ họng xuống tận bao tử. Thảo nào mà khi thành rượu, nó cũng làm cho người uống say đắm như hoà quyện cùng tinh tuý của trời đất, vạn vật, cỏ cây.


Nghề kháp rượu theo chân những cư dân đầu tiên đến khai khẩn đất hoang trồng lúa ở đất Phú Lễ. Ngót nghét gần 200 năm qua, thứ rượu ấy vẫn được dùng trong nghi lễ sắc phong và chuyển về kinh dâng vua vì hương vị thơm ngon hiếm có. Ở làng Phú Lễ xưa (nay là xã), hầu như nhà nào cũng kháp rượu. Rượu ra lò chưa dùng ngay mà được hạ thổ (chôn xuống đất) 100 ngày, hấp thụ âm dương của trời đất cho rượu thật “nhuần”. Nhờ vậy rượu Phú Lễ có được hương vị thật thanh tao, diễm tuyệt.


Năm 2004, trước thực trạng làng nghề đang dần bị mai một, ông Trần Anh Thuy không khỏi trăn trở, là người trẻ tuổi, năng động, ông đã cho ra đời công ty CP Rượu Phú Lễ cùng sứ mệnh “Khôi phục và nâng cao chất lượng rượu làng nghề Phú Lễ” và “dự án” đã được UBND tỉnh Bến Tre phê duyệt. Hội sản xuất rượu Phú Lễ cũng được thành lập. Rượu Phú Lễ được sản xuất theo phương thức mới bằng cách kết hợp giữa truyền thống làng nghề và công nghệ hiện đại. Ở Phú Lễ hiện nay, đã có hơn 100 hộ nhận nếp và hồ men từ công ty CP Rượu Phú Lễ để kháp trên 80.000 lít rượu nếp nguyên chất/tháng. Toàn bộ số lượng rượu nguyên liệu này được công ty CP Rượu Phú Lễ bao tiêu, do vậy, đời sống của bà con làng nghề đã ổn định hơn và ngày càng phát triển.


Tại nhà máy, rượu được tách lọc các tạp chất do quá trình nấu thủ công, bằng công nghệ hiện đại, sau đó được đóng chai và đưa ra thị trường tiêu thụ, qua đó, thị trường có thêm một sản phẩm “sạch, an toàn” cho sức khoẻ của người tiêu dùng.


Ông Trần Anh Thuy, tổng giám đốc công ty CP Rượu Phú Lễ, bùi ngùi: “Là người con của vùng đất này, tôi hiểu người dân Phú Lễ vẫn muôn đời gìn giữ bằng được chất lượng của loại rượu danh tiếng trăm năm. Mười năm qua, công ty CP Rượu Phú Lễ đã tạo dựng chỗ đứng cho sản phẩm rượu làng nghề. Tuy nhiên, hiện nay, với chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt được tính trên toàn bộ giá thành sản phẩm xuất xưởng, bao gồm cả bao bì, nhãn mác... đã làm cho sản phẩm có giá thành rất cao, đẩy lùi năng lực cạnh tranh của rượu Phú Lễ chính thống. Thêm nữa, làng nghề nằm ở vùng được đặc biệt hưởng ưu đãi đầu tư nhưng chưa thấy ưu đãi cụ thể nào đối với các đơn vị sản xuất rượu tại làng”. Nhưng ông lại sôi nổi: “Dù sao, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục và kiên định với sứ mệnh đã đề ra: “Khôi phục và nâng cao chất lượng rượu làng nghề Phú Lễ”, chúng tôi đã thực hiện đổi mới hình ảnh của công ty, cũng như hình ảnh của bao bì sản phẩm, từng bước, nâng tầm giá trị (cả sản phẩm và hình ảnh) rượu làng nghề Phú Lễ, xa hơn nữa, sẽ đưa sản phẩm rượu Phú Lễ hội nhập với thị trường thế giới”.


ĐỨC ANH ảnh hứa tất đạt






DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ