Sức mạnh tình thân
Kết thúc có hậu cho một người hùng
SGTT.VN - Căn hộ chung cư xinh xắn của Phạm Văn Nhuận còn nguyên mùi sơn. Sau bao năm vất vả, giờ anh mới được sống trong một căn hộ khang trang. Mọi vất vả, thiệt thòi của anh đã được bù đắp với một gia đình hạnh phúc, người vợ hiền và hai đứa con ngoan.
Vợ chồng anh Nhuận, chị Thanh. |
Xả thân cứu người
Đang ngồi nói chuyện với anh Nhuận, chị Hoàng Thị Kim Thanh, vợ anh xách túi lớn túi nhỏ từ chợ về. “Bao năm nay cô ấy vẫn chịu khó thế. Chẳng lúc nào ngơi tay dù con cái đã lớn, cuộc sống cũng bớt khó khăn rồi. Rổ bún của cô đã nuôi cả gia đình này bao năm nay”, anh Nhuận nói về người vợ hiền trong sự cảm phục.
Rồi anh kể lại chuyện tình của anh chị 30 năm về trước. Chiều thu năm 1980, anh là một chiến sĩ công an đang làm nhiệm vụ ở ga Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội. Một tiếng kêu thất thanh vang lên khi một phụ nữ mang thai vượt mặt đang gặp nguy hiểm trước đoàn tàu sầm sập chạy đến. Không ngần ngại, anh lao vào cứu thai phụ. Cứu được người, nhưng còn anh bị đoàn tàu kéo lê hơn 100m mới dừng lại. Chân phải anh kẹt vào đường ray và bị nghiến nát. Quá đau đớn, anh kê chân trái đạp vào bánh tàu để lôi chân phải đang mắc kẹt ra, nhưng chưa kịp thì đoàn tàu lùi lại khiến chân trái cũng đứt rời.
Hai năm ròng sau tai nạn kinh hoàng đó, anh Nhuận phải trải qua 12 cuộc phẫu thuật để cưa từng phần chân bị hoại tử, cho đến khi đôi chân cụt đến gần háng. Sau tai nạn, cuộc đời anh bắt đầu rẽ sang con đường khác. Dù vẫn công tác trong ngành công an nhưng anh phải chuyển công việc phù hợp với sức khoẻ. Năm 1982, Nhuận lên trung tâm chỉnh hình Ba Vì lắp chân giả. Tại đây, duyên số đã đưa anh gặp người vợ đảm đang, chịu thương chịu khó của mình.
“Những tháng nằm tập điều khiển chân giả, một cô gái trẻ đến chăm sóc người thân nằm cùng phòng đã giúp tôi trong sinh hoạt. Khi thì lấy cho ca nước, khi thì đi xin đá lạnh về chườm chân… Khi tôi kết thúc đợt tập chân giả tại đây về Hà Nội cũng là lúc tình cảm của cả hai nảy nở, khó xa”, anh Nhuận kể lại duyên phận của mình.
Anh Nhuận tiếp: “Tôi về Hà Nội tiếp tục điều trị. Cứ cuối tuần cô ấy lại bắt xe từ Ba Vì xuống thăm tôi. Ngày xưa, đi lại khó khăn, mỗi khi bắt ôtô khách xuống chỗ tôi cô ấy luôn bị chen lấn không thở được. Dáng hình nhỏ bé lại bị say xe, mỗi lần cô ấy xuống trông thương lắm. Thăm tôi được vài tiếng, lại tất bật bắt xe về. Mỗi lần nhìn cô ấy chia tay là tôi rơi nước mắt”.
Cứ thế, hơn hai năm chị cứ đi về thăm anh.
Đến cuối năm 1984, sau nhiều khó khăn hai người mới đến được với nhau. “Gia đình vợ tôi hồi đó phản đối kịch liệt, cả họ hàng nữa. Nhưng sau thấy hai đứa thương nhau thật lòng, bố mẹ vợ tôi người là thương binh, người làm công tác chăm sóc thương binh nên cũng hiểu”, anh Nhuận nhớ lại.
Chồng không ân hận, vợ không nuối tiếc
Cơ quan của anh tạo điều kiện cho hai người về gần nhau. Chị được nhận về làm hậu cần tại công an huyện Đông Anh. Những ngày đầu làm bạn với đôi chân giả, vết thương anh tứa máu, đi đâu chị Thanh cũng phải cõng, phải dìu. Rồi hai đứa con lần lượt ra đời với bao vất vả. Đến năm 1992, hai anh chị cùng xin nghỉ sớm vì lý do sức khoẻ. Về nhà, chị bươn chải đủ nghề kiếm sống nuôi chồng con.
“Tôi chưa bao giờ ân hận về việc làm của mình. Tất cả đều là số phận. Nếu không sao tôi gặp được người vợ hiền hậu, hết lòng vì chồng con”. |
“Cứ sáng sớm cô ấy kẽo kẹt xe đạp ra tận ngoại thành lấy rau về bán ở chợ. Vài năm không ăn thua lại chuyển sang mở vui chơi cho trẻ em, rồi trông xe máy, rửa xe máy… và giờ là gánh bún cá. Nghề nào kiếm được tiền nuôi sống gia đình cô ấy cũng nếm trải”, anh Nhuận nói.
Ngồi bên cạnh chồng, chị Thanh tếu táo đọc thơ trêu chồng. Những câu thơ bông đùa gợi lại kỷ niệm của những ngày vất vả. “Số phận gắn bó với nhau rồi nên chẳng bao giờ tôi ân hận đã về làm bạn với nhà tôi. Các cháu giờ đã lớn có công ăn việc làm ổn định. Cháu gái học đại học ngoại ngữ ra, cháu trai nối nghiệp bố đang công tác trong ngành công an. Xưa vất vả mười phần giờ đỡ được... chín rưỡi rồi! Nhưng làm việc quen rồi, không làm không chịu được”, chị Thanh chia sẻ.
Anh Nhuận sau khi nghỉ mất sức lại có niềm vui mới. Ngoài thời gian giúp vợ con việc nhà, anh tham gia câu lạc bộ thể thao người khuyết tật thành phố Hà Nội, bộ môn cầu lông. Anh đưa cho xem bao huy chương anh đã giành được tại các kỳ thi đấu trong và ngoài nước.
“Tôi chưa bao giờ ân hận về việc làm của mình. Tất cả đều là số phận. Nếu không sao tôi gặp được người vợ hiền hậu, hết lòng vì chồng con. Giờ tôi có một gia đình đầm ấp, hạnh phúc, thế là đủ rồi”, anh Nhuận cười lạc quan.
Lệ Hà, ảnh tư liệu gia đình nhân vật cung cấp