Thứ Hai, 23 tháng 12, 2013

Tính hoài vẫn hẹp cửa ra

Tính hoài vẫn hẹp cửa ra

Xuất khẩu gạo


Tính hoài vẫn hẹp cửa ra


SGTT.VN - Mới đây, hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và đại diện 13 sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã ký biên bản ghi nhớ về mô hình liên kết sản xuất, xây dựng chuỗi cung ứng lúa gạo trong nước và xuất khẩu. Theo đó, những “cánh đồng lớn” sẽ quay trở lại sau thời gian dài hoạt động “mờ nhạt”. Khi cánh đồng lớn được xây dựng dựa trên liên kết “bốn nhà” mang đến lạc quan về nguồn cung lúa gạo năm 2014 bao nhiêu, thì nỗi lo không mới về cửa đầu ra cho lúa gạo lại càng to lớn bội phần. Bởi lẽ, người nông dân đã thuộc lòng giai thoại “nhiều gạo nhưng lại đói cơm” do gạo đầu ra vẫn thiếu chiến lược xuất khẩu.


Một mình VFA không thể đủ sức


Theo mô hình liên kết “bốn nhà” – nhà nước, doanh nghiệp xuất khẩu, nhà khoa học và nhà nông – VFA sẽ kết hợp cục Trồng trọt, và 13 sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tại 13 địa phương, để cùng xây dựng thành 13 vùng nguyên liệu sản xuất lúa hàng hoá chất lượng cao, có quy mô lớn, từ 500 – 1.000 ha, thậm chí là lớn hơn.










Tại Việt Nam, việc xuất khẩu vẫn dựa theo yêu cầu của thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Nguyệt Hồng



Trong khi việc sản xuất, tạo nguồn cung xuất khẩu lúa gạo tại nhiều nước như Thái Lan, Ấn Độ đều dựa theo nghiên cứu thị trường và nhu cầu từ các doanh nghiệp xuất khẩu, thì tại Việt Nam, việc xuất khẩu vẫn dựa theo yêu cầu của thủ tướng Chính phủ. Đại diện xuất khẩu lúa gạo Việt Nam vẫn chỉ là VFA. Nếu “hệ thống chân rết” của VFA đủ dài để mua lúa trực tiếp từ nông dân rồi xử lý, xuất khẩu thì đây là chuyện chưa hẳn là không hay. Bởi lẽ khi đó, lợi nhuận của nông dân sẽ cao hơn, do không phải phụ thuộc vào nhiều tầng thương lái. Chất lượng lúa gạo xuất khẩu cũng không bị pha tạp, giúp thương hiệu gạo được đảm bảo, giá trị xuất khẩu vì đó cũng cao hơn.


Thực tế một mình VFA lại chưa đủ sức. VFA phải dựa vào “nhiều tầng” thương lái – “nút thắt” trong hệ thống “bốn nhà” – khiến chất lượng gạo giảm đi do “qua nhiều tay xào chẻ”. Song song đó, giá cả lúa gạo người nông dân bán ra cũng thấp hơn, do lợi nhuận rơi vào tay bộ phận trung gian vốn không nên có này.


Kinh nghiệm từ nhiều nước như Philippines, Ấn Độ cũng cho thấy những hạn chế của ngành xuất khẩu gạo khi chỉ dựa vào quá ít cửa đầu ra. Chính phủ không thể đủ thời gian, sức lực để xuống từng cánh đồng. Đồng thời Chính phủ cũng không rành thị trường hơn các doanh nghiệp trực tiếp “chiến đấu” trên thương trường quốc tế. Đó là lý do tại sao những quốc gia này đều lần lượt tư nhân hoá mạnh mẽ hoạt động xuất khẩu lúa gạo. Cũng nhờ đó, doanh nghiệp nội địa của các nước này có sân tập, và xuất hiện các doanh nghiệp có đủ khả năng cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Trong khi đó, không những “kham việc không hết, kém hiệu quả”, VFA dường như cũng “chiếm” luôn quyền mở rộng và phát triển của không ít các doanh nghiệp có tham vọng mở rộng chuỗi kinh doanh sang nhiều nước khác.


Đừng đưa ra cam kết “huề vốn”


Trước thềm 2014 và mô hình “bốn nhà” tái khởi động, VFA đã đưa ra cam kết tiêu thụ hết lúa hàng hoá trong vùng nguyên liệu theo giá thị trường, tuy nhiên “giá thị trường” là bao nhiêu thì nông dân vẫn còn “hồi hộp”. Bởi lẽ, trong 11 tháng đầu năm 2013, “giá thị trường” trung bình của mỗi tấn gạo xuất khẩu của Việt Nam đã giảm khoảng 14,53 USD, nếu so với cùng kỳ năm ngoái. Vậy với khoảng 7 triệu tấn xuất khẩu mà VFA dự báo, Việt Nam mất đi khoảng

102 triệu USD trong năm 2013.


Đặc biệt, giá thị trường lúa gạo thế giới được phân thành nhiều phân khúc khác nhau. Vậy nên, việc đảm bảo “theo giá thị trường” chung chung như VFA cam kết là chưa hợp lý. Nếu VFA mãi xác định giá thị trường lúa gạo Việt Nam nằm ở phân khúc giá rẻ, thậm chí rẻ hơn gạo cùng loại của Campuchia, Ấn Độ, và rẻ hơn nhiều so với gạo Thái Lan như trong vài năm trở lại đây, thì những cam kết huề vốn ấy sẽ chỉ làm khổ nông dân. Điều này khác nào chuyện để người nông dân cầu trời cho giá gạo đừng rẻ thêm.









Không những “kham việc không hết, kém hiệu quả”, VFA dường như cũng “chiếm” luôn quyền mở rộng và phát triển của không ít các doanh nghiệp có tham vọng mở rộng chuỗi kinh doanh sang nhiều nước khác.



Dù cả Nhà nước đã hứa đảm bảo “mức lời tối thiểu 30%” cho nông dân, và VFA hứa “đảm bảo mua hết gạo với giá thị trường”, thì với cơ chế “một cửa” hiện nay, ngoài cái danh xuất khẩu nhất, nhì thế giới về lượng gạo, thì chưa có cơ sở nào đảm bảo lợi ích tối thiểu cho khoảng 70% dân số đang vất vả làm nông.

Cắt bớt ruộng lúa hoặc gọi thêm người


Vấn đề của Việt Nam không phải là “thiếu gạo”, mà là “thiếu tiền” cho người nông dân vốn chiếm tỷ lệ cao trong 90 triệu dân Việt Nam. Thậm chí, phát biểu trước báo chí, nguyên phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn đã mạnh dạn đề xuất trong 7,7 triệu ha đất gieo trồng lúa, nên giữ lại 5,7 triệu ha gieo trồng lúa, còn 2 triệu ha còn lại chuyển sang cây trồng khác, ví dụ như ngô (bắp) để phát triển chăn nuôi.


Như vậy, nếu Nhà nước xác định VFA là “cốt lõi” và chủ đạo trong chuỗi cung ứng gạo, thì hãy khoanh vùng lại vừa sức cho mô hình này. Hãy mạnh dạn tính toán khả năng đảm bảo cung ứng và dự trữ lương thực nội địa để quy hoạch lượng ruộng lúa tương ứng. Đồng thời kết hợp bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nghiên cứu, ứng dụng loại cây “khác lúa” có thể mang lại hiệu quả hơn cho nông dân như nguyên phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn gợi ý. Khi đó, với lượng lúa gạo xuất khẩu không nhiều, việc của VFA là đánh bóng hình ảnh lẫn giá trị bán ra, mang lại lợi nhuận thuyết phục cho nông dân. Tất nhiên, chúng ta phải chấp nhận không còn là cường quốc nhất nhì về xuất khẩu gạo về lượng.


Hoặc nếu Việt Nam vẫn giữ tham vọng gạo xuất khẩu “mạnh về lượng, cao về giá trị” thì VFA phải tính đến việc “tập trung” chức năng quản lý. Một mình VFA thì khó có thể kham hết các việc từ khâu cung cấp giống lúa, hỗ trợ sản xuất, đến khâu tổ chức hệ thống thương lái, làm thương hiệu cho gạo xuất khẩu. Trong khi nếu việc này được chia sẻ về cho các doanh nghiệp tư nhân, thì những cánh đồng lớn sẽ được theo sát hơn, và chiến lược xuất khẩu cũng sẽ linh hoạt, đa dạng hơn theo chính sách của từng doanh nghiệp, từng vùng. Khi đó, VFA không phải đứng ra “hứa với dân”, mà là đơn vị trực tiếp giám sát, đảm bảo những lời hứa của các doanh nghiệp xuất khẩu với nông dân về giá cả, lợi nhuận. Đây cũng là dịp cho các doanh nghiệp nội địa luyện tập, phát triển

quy mô và uy tín ra thị trường quốc tế.


Một nguyên tắc chung khi cải cách nông nghiệp là trước mọi khó khăn và khúc mắc, lợi ích nông dân phải được đưa ra làm cơ sở dẫn dắt mọi chính sách chung. Vậy thì, Chính phủ hoặc phải thu nhỏ ruộng lúa để tập trung chuyển đổi cây trồng, hoặc phải mở cửa rộng hơn cho doanh nghiệp tư nhân vào hỗ trợ.


Thắng Nguyễn






DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ