"Cái đạt được là ngôn từ ngoại giao mập mờ"
SGTT.VN - Trao đổi với báo chí bên lề hội thảo quốc tế biển Đông lần thứ 5 “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực” sáng 11.11 tại Hà Nội, Tiến sĩ Ralf Emmers, trường Quan hệ quốc tế Rajaratnam (Singapore) cho rằng, trong các thảo luận giữa ASEAN và Trung Quốc, các chi tiết bị bỏ qua.
Cần biện pháp cụ thể về đánh bắt cá
Ông Emmers nói, có lẽ ngôn từ ngoại giao chung chung, mập mờ để cố gắng giải quyết tình huống của khu vực đã đạt được. Tuy nhiên, những biện pháp cụ thể chưa đạt đến. Chúng ta cần các biện pháp cụ thể để đối phó với những sự kiện liên quan đến đánh bắt cá, tránh trở thành những khủng hoảng ngoại giao. Cần các biện pháp cụ thể thúc đẩy thực hiện Tuyên bố DOC trong ASEAN và Trung Quốc.
Ngày làm việc đầu tiên của hội thảo Ảnh: V.A |
Một đại diện của Trung Quốc bày tỏ sự đồng tình, bà Li Jianwei, viện nghiên cứu quốc gia về biển Đông nói, các biện pháp cụ thể cần được tiến hành để để thúc đẩy việc cam kết thực hiện DOC, từ DOC chuyển sang bộ Quy tắc COC. Bà Jianwei nhấn mạnh, tôi cũng biết giải quyết các tranh chấp về nghề cá là tranh chấp rất khó khăn, các bên liên quan cần ngồi lại để đàm phán trực tiếp giải quyết vấn đề này. Bà cũng nhắc đến việc Trung Quốc và Việt Nam đã đàm phán về đường dây nóng giải quyết các vụ việc liên quan đến nghề cá trên biển.
Đáng chú ý, ông Termsak Chalermpalanupap, viện nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) đánh giá, mặc dù được đánh giá là có tiến triển (ASEAN và Trung Quốc tiến hành tham vấn COC), nhưng điểm tích cực đó “chưa thực chất”. Bởi lẽ, cách tiếp cận về COC giữa hai bên vẫn còn khác biệt. ASEAN cho rằng DOC là không đủ, cần các biện pháp, các cam kết pháp lý chặt chẽ hơn, có tính ràng buộc hơn để giải quyết các sự kiện đã xảy ra tại biển Đông trong năm 2011-2012. Thế nhưng, Trung Quốc khẳng định DOC vẫn chưa được thực hiện hết, điểm quan trọng nhất là tiếp tục thực hiện DOC. Trung Quốc luôn nói quá trình tham vấn COC là một phần quá trình thực hiện DOC. Nhóm công tác chính thức của ASEAN và Trung Quốc trong khuôn khổ DOC, tiến hành đồng thời tham vấn COC. Tuy nhiên, ở cấp độ nhóm công tác, là các quan chức bậc trung, họ không thể đưa ra những cam kết hay chính sách mạnh mẽ.
Lòng tin các bên tiếp tục suy giảm
Trước đó, phát biểu khai mạc, ông Đặng Đình Quý, giám đốc học viện Ngoại giao nêu rõ, kể từ hội thảo biển Đông đầu tiên (2009) đến nay, một số bên liên quan đến tranh chấp quan niệm và theo đuổi các lợi ích trước mắt của mình ở biển Đông, mà chưa tính đến đầy đủ lợi ích lâu dài và rộng lớn hơn của chính mình, chưa tính đến đầy đủ lợi ích của các nước trong khu vực và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế. Bên cạnh đó, vẫn tồn tại sự khác nhau về cách diễn giải và áp dụng luật quốc tế, nhất là Công ước quốc tế về luật biển 1982 đối với các vùng biển có chồng lấn yêu sách ở biển Đông, đối với quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan. Đặc biệt là sự chần chừ, thiếu quyết tâm trong việc xây dựng một cơ chế hợp tác hiệu quả hơn trong quản lý tranh chấp và ngăn ngừa xung đột; hiệu quả hơn trong việc giữ nguyên trạng trong khi hướng tới một giải pháp cơ bản lâu dài cho khu vực này.
Đáng chú ý, ông Quý đánh giá, biển Đông năm năm tới tiếp tục tiềm ẩn nhiều bất trắc, tiếp tục là một trong những khu vực tranh chấp phức tạp nhất thế giới. Chủ nghĩa dân tộc quá khích đã xuất hiện và gia tăng trong một số nước; xu hướng tăng cường vũ trang, bán vũ trang đang mạnh dần lên; lòng tin giữa các bên liên quan tiếp tục suy giảm. Cùng với những mặt chưa tích cực của tình hình trong năm năm qua, những xu hướng này sẽ làm cho tình hình biển Đông có thể diễn biến phức tạp hơn, không loại trừ khả năng bùng nổ xung đột vũ trang.
Biển Đông luôn tiềm ẩn những căng thẳng, luôn tiềm ẩn những vấn đề có thể trở thành xung đột nóng nếu thiếu vắng sự quan tâm và các nỗ lực xây dựng của các nước liên quan, thiếu vắng nỗ lực chung của cộng đồng khu vực và thế giới.
Ngày 12.11, hơn 200 đại biểu sẽ tiếp tục thảo luận các chủ đề: “Những diễn biến pháp lý gần đây và Biển Đông”, “Kinh nghiệm quốc tế và khu vực trong giải quyết tranh chấp biển”, “Đánh giá Tuyên bố Ứng xử của các Bên ở Biển Đông (DOC) và việc thực thi DOC”, “Quản ý căng thẳng và tương lai của Biển Đông” và “Khuyến nghị chính sách và Thảo luận tự do”.
Việt Anh