Thứ Ba, 1 tháng 10, 2013

Bán cả một ngân hàng cho nước ngoài?

Bán cả một ngân hàng cho nước ngoài?

Bán cả một ngân hàng cho nước ngoài?


SGTT.VN - Một số nguồn tin cho biết, một ngân hàng thuộc nhóm yếu kém chưa có hướng tái cơ cấu sẽ bán 100% vốn cho nước ngoài. Đây là việc chưa có tiền lệ và liệu điều đó có trở thành hiện thực?.


Bán hết hay giữ lại?


Một chuyên gia ngân hàng cho biết, thời gian qua nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia vào quá trình tái cấu trúc ngân hàng tại Việt Nam nhưng vướng phải những quy định chặt chẽ về tỷ lệ sở hữu tối đa là 20% vốn điều lệ. Và, nếu thương vụ đang ầm ĩ gần đây thành công sẽ là ngân hàng nội đầu tiên bán lại cho nhà đầu tư nước ngoài.










United Overseas Bank (Singapore) hiện có cổ phần trong ngân hàng GPBank (ảnh minh họa).
Ảnh: online.wsj.com



Hiện đã có 8/9 ngân hàng thuộc nhóm yếu kém thực hiện xong quá trình cơ cấu, còn lại duy nhất một ngân hàng và đó được xác định là GPBank. Trong hoàn cảnh cần phải tái cơ cấu mà "sức khỏe" quá yếu thì việc bán lại 100% cho nhà đầu tư "ngoại" một chuyên gia cho rằng nên làm. "Nếu thương vụ này thành công, coi như quá trình tái cơ cấu lại 9 ngân hàng yếu kém cũng như tái cấu trúc toàn bộ hệ thống ngân hàng đã đạt được bước tiến quan trọng", chuyên gia này nói.


Tuy nhiên khi đề cập đến vấn đề này, ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nhận định việc này có lẽ chỉ là đề xuất từ phía nhà đầu tư nước ngoài và chắc chắn khó thành hiện thực.


Theo Dự thảo Nghị định về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam, vừa được Ngân hàng Nhà nước đưa ra lấy ý kiến, thì tỷ lệ sở hữu dành cho các nhà đầu tư nước ngoài hầu như không thay đổi so với hiện hành.


Theo đó, đối tác chiến lược được sở hữu không quá 20% vốn điều lệ và tổng tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại một nhà băng không vượt 30%. Riêng với các ngân hàng yếu kém nằm trong diện cần tái cấu trúc, tỷ lệ sở hữu này có thể vượt quy định trên đối với từng trường hợp cụ thể do Thủ tướng quyết định. Tuy nhiên tỷ lệ là bao nhiêu thì vẫn đang bàn và không thể là 100%.


Đến nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa có những quyết định cuối cùng đối với việc để các tổ chức tín dụng nước ngoài tham gia tái cơ cấu vào ngân hàng nội. Song, một số nhà đầu tư nước ngoài cho hay đối với những ngân hàng đỡ yếu kém hơn thì tỉ lệ sở hữu dành nhà đầu tư nước ngoài nên để mức 51%, và những ngân hàng yếu kém nên ở mức 75% vốn điều lệ. Nếu được như vậy ngân hàng nội yếu kém sẽ là miếng bánh hấp dẫn khối ngoại đổ vốn tham gia tái cơ cấu.


Được gì, mất gì?


Xu hướng hợp tác với các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài ngày càng phổ biến và được các tổ chức tín dụng tích cực hưởng ứng. Trên thực tế, kết quả tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào các tổ chức tín dụng Việt Nam rất khả quan. Cụ thể, hiện có 13 ngân hàng thương mại cổ phần, có vốn nhà đầu tư nước ngoài tham gia, thì tất cả đều không nằm trong nhóm yếu kém, thậm chí phần lớn thuộc nhóm đầu.


Lợi ích lớn nhất mà ngân hàng nội nhận được từ các ngân hàng ngoại là trình độ quản trị tiên tiến và có tiềm lực tài chính mạnh. Sẽ có nguồn vốn lớn được bơm thẳng vào ngân hàng yếu kém để tái cấu trúc tình hình tài chính yếu kém. Đi cùng với việc bơm vốn, phương thức quản trị DN tại các ngân hàng cũng sẽ phải được thay đổi căn bản. Qua đó, giúp những ngân hàng yếu kém nhanh chóng trở thành những ngân hàng ổn định và góp phần làm cho hệ thống ngân hàng nội mạnh lên, thoát khỏi gánh nặng nợ xấu.


Sự hợp tác giữa ngân hàng nước ngoài với ngân hàng Việt Nam thông qua hình thức góp vốn, cử đại diện tham gia vào HĐQT sẽ mang đến thành công. Bởi sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào ngân hàng đã góp phần nâng cao tính minh bạch của ngân hàng. Các ngân hàng yếu kém sau khi được bơm vốn sẽ bị đối tác yêu cầu đánh giá lại toàn bộ nợ truyền thống để góp phần lành mạnh hóa hoạt động tín dụng.


Nói tóm lại, sự tham gia của vốn đầu tư nước ngoài sẽ cải thiện chất lượng tài sản ngành ngân hàng và cũng giúp các ngân hàng củng cố quản trị và quản lý rủi ro.


Ông Alain Cany, chủ tịch Diễn đàn DN Việt Nam, cho rằng tiềm lực về vốn và kinh nghiệm của nhà đầu tư nước ngoài có thể giúp đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngân hàng trong nước. Tuy nhiên, phương án này vẫn khó thực hiện bởi việc nới "room" còn nhiều do dự.


Tuy nhiên cũng không ít ý kiến lo ngại, khi tăng tỷ lệ sở hữu cho các nhà đầu tư ngoại. Việc tăng sở hữu như vậy dễ dẫn đến nguy cơ tăng sở hữu chéo, bởi sự tham gia rất mạnh của các nhà đầu tư nước ngoài. Với tỷ lệ "nới" cao, nhà đầu tư nước ngoài có thể tăng cường việc sở hữu chéo (mà hiện nay hầu như chưa có một động thái nào hạn chế hiệu quả) và từ đó dễ dàng kiểm soát các ngân hàng. Hay nói một cách có hình ảnh hơn, việc nới room ngoại hiện nay trông khá giống việc mở ngỏ nhà của một người đang có bệnh nặng nằm liệt giường, mà nhà đó lại ở trong một khu đô thị khá phức tạp, một chuyên gia kinh tế ví von.


Hơn nữa trong tình trạng khó khăn như hiện nay, không loại trừ việc ngân hàng bị định giá dưới giá trị thực. Với năng lực đầu tư, tài chính và tầm nhìn dài hạn của mình, một khi room được nới rộng, các nhà đầu tư ngoại có tầm nhìn chiến lược sẽ dễ dàng thâu tóm các ngân hàng với giá rẻ.


Như vậy, việc quy định giới hạn sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng trong nước là nhằm ngăn ngừa, hạn chế một cổ đông hoặc nhóm cổ đông nước ngoài có cùng lợi ích nắm giữ tỉ lệ vốn lớn tại ngân hàng và thông qua cơ chế biểu quyết để thao túng hoạt động của ngân hàng theo ý đồ của riêng mình, trong giai đoạn tái cấu trúc hiện nay.


Ngược lại, cũng có ý kiến cho rằng sở hữu chéo tự thân nó không có vấn đề. Điều quan trọng nhất là phải kiểm soát được việc sở hữu, đặc biệt là sở hữu tại các ngân hàng thương mại. Vấn đề là phải có cơ chế kiểm soát tốt. Hiện tại, tỉ lệ sở hữu của một cá nhân hay những người liên quan tại một ngân hàng thương mại, dù đã có những quy định rõ ràng nhưng do việc kiểm soát lỏng lẻo đã khiến sở hữu chéo ngày càng gia tăng.


Theo ông Cao Sỹ Kiêm, các cơ quan đang bàn thảo để đưa ra những giải pháp nhằm quản lý chặt hiện tượng sở hữu chéo. Khi đã có giải pháp thì việc nới room cũng sẽ dễ dàng hơn.


Theo Vef.vn






DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ