Bệnh đau mắt đỏ lan rộng
Nhiều nơi “cháy” thuốc nhỏ mắt
SGTT.VN - Hơn ba tuần qua, tại các tỉnh Thừa Thiên – Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hoá, dịch đau mắt đỏ lây lan từ nội thành về nông thôn. Bệnh viện Trung ương Huế cho biết lượng bệnh nhân khám mắt do đau mắt đỏ tăng đột biến hơn 70 – 80% so với bình thường.
>>Nhìn nhau có lây bệnh đau mắt đỏ
Tại các phòng khám mắt của tư nhân dọc các tuyến phố ở Huế, người bệnh ngồi đông hơn thường ngày. Ở tỉnh Quảng Trị, sở Y tế tỉnh cho biết các bệnh viện đa khoa của các huyện thị đều tăng cao lượng người dân đến khám và mua thuốc đau mắt đỏ so với cùng kỳ năm ngoái.
Người dân đang mua thuốc nhỏ mắt tại một nhà thuốc. Ảnh: VnExpress |
Tại tỉnh Quảng Bình, bệnh đau mắt đỏ bùng phát mạnh tại khu vực Đồng Hới với hàng trăm người mắc. Theo bác sĩ Lại Văn Hải, giám đốc trung tâm Y tế dự phòng Đồng Hới, hơn 500 người tại khu vực này bị đau mắt đỏ và đang lây lan nhanh trong trường học, có nhiều lớp học của các trường trên địa bàn bị nhiễm mắt đỏ đến hơn 50%, nhiều em học lớp 1 bị đỏ mắt, nhưng phụ huynh vẫn đeo kính cho con đi học. Hiện dịch đau mắt đỏ ở tỉnh Quảng Bình đã lan rộng ra bảy huyện, thành phố. Tại bệnh viện mắt Nghệ An, hàng trăm người dân Hà Tĩnh và Nghệ An đến khám đau mắt đỏ mỗi ngày. Sở Y tế địa phương cho biết đau mắt đỏ diễn biến phức tạp tại 12 huyện, thành phố Hà Tĩnh và toàn bộ tỉnh Nghệ An. Trong khi đó, đau mắt đỏ ở tỉnh Thanh Hoá cũng diễn biến phức tạp.
Bác sĩ Lại Văn Hải khuyến cáo, để tránh lây lan bệnh mắt đỏ, cần dùng riêng khăn lau mặt, dùng nước muối sinh lý để rửa mắt khi đi đường về nhà. Theo ông Hải, kháng sinh không phải là phương cách tuyệt đối với bệnh này mà chỉ có tác dụng phòng bội nhiễm, nên dùng theo chỉ định của bác sĩ về nước muối sinh lý để loại trừ dần virút trong cơ thể sau 5 – 7 ngày để hồi phục thị lực. Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Dũng (bệnh viện mắt Nghệ An), đau mắt đỏ là bệnh phổ biến, năm nào cũng gặp và xuất hiện nhiều từ tháng 8 đến tháng 10 khi thời tiết chuyển mùa. Bệnh đau mắt đỏ còn gọi là bệnh viêm kết mạc cấp xảy ra do nhiễm vi khuẩn, virút, hoặc phản ứng dị ứng.
Hiện nay, các cửa hàng thuốc tư nhân ở Đồng Hới (Quảng Bình), TP Hà Tĩnh (Hà Tĩnh), Vinh (Nghệ An), Huế (Thừa Thiên – Huế).... đều báo hết thuốc nhỏ mắt dòng Tobrex, Tobrin. Cửa hàng thuốc ở ngã tư đường Lý Thường Kiệt, Hồ Xuân Hương ở Đồng Hới luôn được người dân ghé mua hai dòng thuốc trên và họ đều nhận câu trả lời “hết hàng”, nhiều cửa hàng khác cũng trong tình trạng tương tự. Một nhân viên bán hàng thuốc dược phẩm cho biết có ngày, buổi sáng, quầy thuốc nhập vào hơn 500 chai thuốc nhỏ mắt thuộc các dòng Tobrex, Tobrin mà người dân thích dùng, tuy nhiên, đến trưa đã hết, đến buổi chiều phải bán các loại khác, nhưng người dân không thích bằng thuốc nhỏ mắt mà họ đã quen sử dụng.
Theo bác sĩ Lại Văn Hải, thuốc nhỏ mắt đều có tiêu chuẩn y tế rõ ràng và phù hợp, nhưng do thị hiếu của người dân quen dùng một số dòng nhất định, nên “cháy” hàng. Ông Hải cũng khuyến cáo không nên dùng thuốc có chứa corticoid để tự chữa trị tại gia đình, do nó gây ra những tác dụng phụ ngoài ý muốn.
Quốc Nam