Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2013

Kỳ cuối: Từ cảm hoá đến dòng chảy đam mê

Kỳ cuối: Từ cảm hoá đến dòng chảy đam mê

Đời lân sư rồng trên bến Bình Đông


Kỳ cuối: Từ cảm hoá đến dòng chảy đam mê


SGTT.VN - “Lúc đầu, tập hợp được chừng chục em nhỏ từ 10 – 15 tuổi, tụi tui tự làm đầu lân nhảy trong khu phố cho vui. Nói cho đúng, vì cái gì cũng tự làm, thiếu kinh nghiệm nên con lân của đoàn lúc đó nó... không phải con lân.


Bài 1; Đoàn lân cơ nhỡ


Cái tên đoàn lân Chánh Đại còn mới toanh mà, đâu dám đi xa, có mấy nơi kêu biểu diễn thi thố, thường thì chỉ dám kéo nhau đến coi một cách rụt rè...”, ông Đinh Công Thức, trưởng đoàn lân Chánh Đại kể lại chuyện của 13 năm trước.










Người dân ở bến Bình Đông đến xem đoàn Chánh Đại luyện tập trên đường Nguyễn Văn Của. Ảnh: tư liệu do Chánh Đại cung cấp.



Đó là những ngày đầu người cán bộ phụ trách thanh niên của quận 8 (TP.HCM) mới được điều về nhận nhiệm vụ công tác thanh niên ở phường 13, khu vực bến Bình Đông, lúc bấy giờ còn khá phức tạp. Về lân sư rồng ở Bình Đông lúc ấy, chỉ có đoàn Tinh Võ Đường do ông Há (tức Bùi Vỹ Nghiệp, một người Hoa nhà ở quận 8, nay gần 50 tuổi nhưng đã từng đi lại tầm sư học đạo và biểu diễn lân sư rồng ở khu Chợ Lớn từ năm lên mười) đứng tên được một năm.


Đoàn lân “đắt show”


Kinh nghiệm chuyên môn, lúc bấy giờ, người đồng sáng lập đoàn Chánh Đại – ông Châu Anh Tòng (cũng từng là thành viên đoàn lân Thanh Liên, quận 5) – đảm trách. “Vừa làm vừa đi lại trong giới học hỏi kinh nghiệm, nghiên cứu cách thức biểu diễn của các đội bạn và đúc rút ra cho mình những chiêu thức riêng”, ông Thức kể thêm.


Khi Chánh Đại vừa mới thành lập, một ngày nọ có người đàn ông trong vùng tìm đến gặp trưởng đoàn: “Thằng nhỏ nhà tui mê lân quá, cấm không được, vậy tui chỉ còn biết cách gửi gắm nó cho anh. Anh cố gắng quan tâm chăm sóc nó, dạy dỗ nó thành người”.


Người đàn ông đó không phải là cha ruột, mà là cha dượng của một cậu bé 13 tuổi trong đoàn. Bên cốc bia vỉa hè nhìn ra màn mưa đêm giăng trên bến Bình Đông, nghe ông Thức nhắc lại chuyện cũ, Khôi, giờ đã 25 tuổi, là cậu bé năm xưa tâm sự: “Hồi đó ông cha dượng thương em như con ruột. Ổng sợ mình lêu lổng hư hỏng. Trước khi ổng với bà già chia tay, ổng làm tròn trách nhiệm người cha dượng bằng cách gửi con vào đoàn lân. Sau đó, ổng bỏ về quê sống, từ đó đến giờ không còn gặp lại”.


Khôi nằm trong lứa thành viên đầu tiên của đoàn lân này. Bây giờ anh đang làm trong một cơ sở may, đóng nệm, nhưng mỗi khi có lịch biểu diễn của đoàn lân là sắp xếp đi diễn. Trong đoàn Chánh Đại, Khôi là chuyên gia thực hiện các màn leo cây, leo cột đầy điêu luyện.


Trầm tĩnh hơn, Tài cũng là thành viên cùng lứa với Khôi hiện cũng đi làm công, nhưng những buổi biểu diễn có giàn mai hoa thung, thì anh nghỉ việc theo đoàn. Tài nói đại ý, chỉ có đam mê mới giúp mình khổ luyện chiến thắng bản thân.


Sau khi thành lập chừng ba năm, đoàn Chánh Đại tạo tiếng vang và đi diễn nhiều nơi, đoạt nhiều giải thưởng lớn. Như năm 2005, trong một hội thi lân sư rồng cấp thành phố, Chánh Đại đoạt hai giải C về mai hoa thung và võ nhạc. Đoàn cũng đã xin giấy phép kinh doanh, có thể chào giá cao hơn, thường xuyên kiếm được hợp đồng từ những đối tác lớn: khu du lịch Văn Thánh, toà nhà Somerset, biểu diễn khai trương các chi nhánh ngân hàng Vietinbank, Sacombank, các trường ngoại ngữ quốc tế...


Theo ông Thức, trung bình một hợp đồng biểu diễn lớn hiện nay chừng 7 – 9 triệu đồng. Chi phí xe cộ ăn uống xong xuôi, mỗi thành viên tham gia biểu diễn được chia vài ba trăm ngàn lận túi. Chẳng đáng bao nhiêu, nhưng ai cũng vui.


“Từ quãng Trung thu đến tết, thường có nhiều hợp đồng biểu diễn. Trong thời gian cận tết cho đến ra rằm tháng giêng, lịch diễn dày đặc, có khi một buổi sáng đoàn có đến ba suất diễn ở ba nơi khác nhau”, Lê Quang Hùng, 25 tuổi, theo đoàn lân từ năm 13 tuổi, nay là thành viên phụ trách huấn luyện kiêm chạy hợp đồng của đoàn Chánh Đại, nói.


Cuộc chơi của đam mê


Nay đoàn Chánh Đại có trên 200 thành viên, nhưng chỉ khoảng 40 người là hoạt động thường xuyên. Hầu hết, đều được huấn luyện theo hướng đa năng, mỗi thành viên có thể thạo nhiều “món” trong biểu diễn. Khó nhất vẫn là mai hoa thung. Một thành viên để giỏi trên giàn mai hoa thung, phải mất đến trên hai năm khổ luyện, chấp nhận rất nhiều rủi ro, tai nạn.


Đêm ở vỉa hè đường Nguyễn Văn Của, dưới ánh sáng đèn cao áp, bên những dãy tường nhà kho xưa cũ rêu phong, nhìn những thành viên mới chỉ mười tuổi đầu, chập chững đứng trên mai hoa thung, bên dưới là một nhóm đan tay đệm lót, mới thấy được sự quyết tâm, thể lực và không thể thiếu sự nâng đỡ hỗ trợ của tinh thần tập thể trong việc khổ luyện, trưởng thành trong nghề của một cá nhân.


“Cũng có những trường hợp rủi ro trong luyện tập, biểu diễn, bị chấn thương phải nằm viện. Cảm động lắm. Những lúc đó, cả đoàn các em kéo nhau đi biểu diễn kiếm tiền về để nuôi bạn bệnh” – trưởng đoàn Chánh Đại nói tiếp – “Các em đối xử với nhau gắn bó tình cảm. Và điều quan trọng là các em tự đặt mình vào vị trí người của công chúng để giữ thể diện chung của đoàn lân, tránh xa được các tệ nạn xã hội. Cũng có trường hợp nhiều em do xích mích với người ngoài, định kéo bè kéo nhóm đánh lộn, những em khác biết được, ngăn chặn kịp thời”.


Nhưng trong câu chuyện thân tình, ông Thức, bây giờ là phó bí thư Đảng uỷ phường 18, quận 8, giọng chùng lại, không giấu giếm: “Nhưng cũng khó mà kiểm soát hết. Nhiều khi các em rời đoàn ra môi trường sinh hoạt bên ngoài, theo bạn bè, cũng có đứa vướng phải tệ nạn”.


Những thành viên trong đoàn cũng kể tôi nghe về T., một thành viên của Chánh Đại có hoàn cảnh gia đình tương đối khá giả, nhưng vừa vướng phải ma tuý và đã vào trại cai nghiện từ đầu năm nay. “Hôm đó đến giờ diễn, T. vẫn đội đầu lân vào nhưng như mất hồn, chỉ nhảy một lúc là vã mồ hôi và vật vã đuối sức, vừa như thể lực bất tòng tâm, vừa tỏ vẻ ân hận hổ thẹn vì mình đã phạm sai lầm”, một thành viên ngậm ngùi kể.


Bến Bình Đông về khuya. Những bức tường cổ vôi vàng in bóng xuống dòng kênh đen nhấp nhoáng sóng. Bên kia đại lộ Võ Văn Kiệt, thi thoảng có tiếng “cưa pô” của đám thanh niên đua xe, đánh võng. Tài, chàng trai kín đáo nhưng đầy bản lĩnh trên giàn mai hoa thung, nói: “Niềm đam mê lân sư rồng của em lây sang cả bà xã. Mỗi lần đi biểu diễn, luyện tập, bà xã đều xách trà nước, bồng con theo xem, cổ vũ”. Tài còn khoe mình có con trai đầu lòng tên Phước, mới năm tuổi đầu mà cũng mê múa lân lắm, chắc cũng sẽ theo đoàn lân với cha.


Dù đoàn Chánh Đại ngày càng được biết đến, được coi là đắt show, thì ông Đinh Công Thức vẫn nhắc đi nhắc lại với các học trò, đại ý, lân sư rồng không phải là một cái nghề, mà chỉ một cuộc chơi của đam mê, nghệ thuật, hướng con người đến sự lành mạnh về thể chất và tinh thần.


Nguyễn Vinh









Nặng nghiệp


Ông Bùi Vỹ Nghiệp, trưởng đoàn lân sư rồng Tinh Võ Đường, nơi có trên 20 thành viên, ngoài biểu diễn, thì còn tổ chức làm đầu, bán trống... cho các đoàn lân khác giúp anh em có thêm thu nhập, tâm sự: “Đúng hơn, nó là cái nghiệp. Tui đây 40 năm theo lân rồi, bà vợ tui (là bác sĩ ở một bệnh viện) bả kêu trời hoài, nhưng lậm vào là khó dứt bỏ. Ngày tết người ta ở nhà với gia đình chứ các đoàn lân của tụi tui toàn bụi bặm ngoài đường ngoài sá. Cái nghiệp này nó nặng lắm ông à!”







DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ