Viêm não vì ăn… ốc tái chanh!
SGTT.VN - Theo thông tin từ bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, khoa Nhiễm - thần kinh bệnh viện này vừa tiếp nhận một trường hợp viêm não sau khi ăn ốc ma sống.
Đó là em H.T.T, 12 tuổi, ngụ tại TP Long Xuyên (An Giang), nhập viện trước đó một ngày trong tình trạng sốt, ói, đau đầu, lừ đừ.
Ốc ma, có nơi gọi là ốc sên - nếu nấu chưa chín ăn vào có thể bị bệnh. |
Tiếp xúc với chúng tôi sáng ngày 4.9, T. cho biết trước đây em đã nhiều lần ăn ốc ma nướng và luộc. Nhưng lần này em ăn ốc sống với chanh… để thay đổi khẩu vị. Ngoài T., còn có năm người bạn khác của em cũng ăn chung và có triệu chứng tương tự, nhưng chỉ có T. nặng nhất.
Sau đó, T. được gia đình đưa vào một bệnh viện địa phương nằm hơn nửa tháng. Thế nhưng, sau khi làm nhiều xét nghiệm khác nhau, bác sĩ khẳng định em chỉ bị viêm xoang, mặc dù gia đình đã khai T. có ăn ốc sống trước đó. Thấy T. không khỏi bệnh, tình trạng ngày một nặng, nên gia đình quyết định trốn viện, đưa em lên TP để chữa trị.
Chị B.T., mẹ em T. cho biết, ở địa phương người ta thường nhậu rượu với ốc ma nướng. Do chị và chồng thường xuyên đi làm, nên không theo dõi sinh hoạt các con trong dịp hè. Chị cũng thừa nhận lần đầu tiên mới biết ăn ốc sống có nguy cơ bị viêm não.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm - thần kinh bệnh viện Nhi đồng 1, thói quen ăn sống, ăn tái dễ dẫn đến nguy cơ nhiễm ký sinh trùng. Nếu ký sinh trùng (giun, sán) của người xâm nhập vào cơ thể người, chúng sẽ quen đường đi, dù đi đâu chúng cũng phải xuống ruột để được bài xuất ra ngoài. Ngược lại, đối với ký sinh trùng động vật khác, chúng không biết đường đi, di chuyển lung tung trong cơ thể người đến da, phổi, gan, não… và gây bệnh. Hiện tượng này gọi là “ấu trùng lạc chỗ”.
Để điều trị bệnh này, bác sĩ thường điều trị triệu chứng. Cũng có thuốc đặc trị, nhưng hiệu quả còn hạn chế. Với những cơ sở y tế không có phương pháp xét nghiệm đặc hiệu, bác sĩ dễ nhầm bệnh này với bệnh khác, dẫn đến điều trị bằng kháng sinh, vừa tốn tiền, vừa không hiệu quả. Để phòng ngừa bệnh, bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyên nên tôn trọng các nguyên tắc vệ sinh ăn uống, đặc biệt ăn chín, uống sôi. Nếu có dấu hiệu sốt nhẹ, nôn ói, nhức đầu kéo dài, lừ đừ sau khi ăn hải sản, động vật sống, nên nghĩ đến bệnh này và tìm đến cơ sở y tế để điều trị.
Phan Sơn