Hoà nhạc “Điều còn mãi”
Tiếp tục nâng tầm vóc nhạc Việt
SGTT.VN - Như thường lệ, trong buổi họp báo công bố hoà nhạc Điều còn mãi 2013, giám đốc nghệ thuật Dương Thụ là người nói nhiều hơn cả. Nhưng lần này, cùng với sự hứng khởi, ông còn lộ vẻ cau có. Bỗng nhận ra, sau năm năm gắn bó với chương trình, vị nhạc sĩ có nụ cười rất hiền đã trở thành một ông già ngoài 70 khó tính.
Nhạc sĩ Dương Thụ. |
Trong buổi trò chuyện trước đó, người viết đã bị ông mắng phủ đầu vì dám hỏi: “Chương trình năm nay có gì độc đáo hơn những năm trước?” Chưa kịp thưa rõ cái ý của từ “độc đáo”, nhạc sĩ đã làm một hơi: “Một chương trình chuẩn thì cấu trúc không thay đổi. Một chương trình tôn vinh nhạc Việt theo cách này (tức cách của Dương Thụ) thì không chiều khán giả ở khía cạnh giải trí, không chào đón những cái tên “hot” mà là những gương mặt phù hợp, không chú trọng những màn trình diễn bùng nổ mà là sự chỉn chu”. Những cơn nóng nảy, phần nào bộc lộ sự kỹ tính ở mức độ cao ấy của Dương Thụ, không riêng người viết, mà cả êkíp thực hiện Điều còn mãi vẫn thường chịu trận. Nhưng ai cũng thông cảm cho ông. Áp lực kinh phí để có thể duy trì Điều còn mãi là vô cùng lớn. Song, áp lực tinh thần để có thể giữ vững cái chuẩn của chương trình cũng căng thẳng không kém. Trong quá trình chuẩn bị, trước những phân vân của người này, người kia, không ít lần, Dương Thụ dứt khoát đề nghị: “Hãy để cho tôi có cái quyền này!”
Đó là việc nâng độ khó của khí nhạc lên một bậc. Cả bốn tác phẩm: Tổ khúc Kơ nhí (tác giả Văn Ký), Tiếng hát sông Hương (Hoàng Dương), Bài ca chim ưng (Đàm Linh), Concertino cho piano và dàn giao hưởng (Ca Lê Thuần) đều ít được biết đến và không dễ nghe. Dương Thụ cũng quyết định trao hai tác phẩm của Ca Lê Thuần và Đàm Linh cho hai gương mặt trẻ: nghệ sĩ piano Đỗ Hoàng Linh Chi và nghệ sĩ violon Phương Nhi, như một bước chuẩn bị cho tương lai của khí nhạc Việt Nam. Nhạc sĩ nói vui: “Nếu ai cứ đòi phải có nét độc đáo thì chính là đây! Hai cô gái nhỏ chưa đến tuổi đôi mươi sẽ cảm và chơi thứ âm nhạc của những ông già ngoài 80!”
Đó là việc giới thiệu tác phẩm của những tác giả thế hệ sau Dương Thụ, những người được đào tạo bài bản: Trọng Đài, Trần Mạnh Hùng, Quốc Trung như một lời khẳng định dòng chảy của khí nhạc Việt Nam chưa bao giờ ngắt quãng. Trong bộ ba nhạc sĩ “trẻ” này, cái tên Trọng Đài có lẽ khiến không ít người thắc mắc. Anh có nhiều ca khúc hay, nhưng khí nhạc thì chưa được biết đến, ngoài giao hưởng Tiếng rao do quốc tế đặt hàng. Nhưng Ngẫu hứng phố, tác phẩm mà theo Dương Thụ là “quá lạ tai và dựng quá khó!”, với sự kết hợp của rất nhiều âm sắc: âm sắc của bộ gõ dàn nhạc giao hưởng với âm sắc của nhạc cụ dân tộc sẽ khiến người ta có cái nhìn khác về Trọng Đài. Ông cũng tin tưởng: Bộ ba này là lực lượng có thể tạo ra tương lai cho âm nhạc Việt Nam!
Đó là việc tiếp tục mời những gương mặt quen tham gia Điều còn mãi, bỏ qua không ít tiếng xì xào: Dương Thụ ưu ái những cái tên “cánh hẩu”? Ông lớn tiếng khẳng định: Chuyên môn phải được đặt lên hàng đầu, không có chuyện quen là được mời. Ông có thể cảm thông cho những ca sĩ tên tuổi đôi khi phong độ trồi sụt vì tất tả chạy show, nhưng không bao giờ đưa sự rộng lượng ấy vào chương trình này. Chính vì lẽ đó, mọi áp lực đang đổ dồn lên vai Tùng Dương, gương mặt mới, người thể hiện Bên kia sông Đuống của hai tác giả có cùng chung một gốc gác, một khối nguồn rung cảm: Bắc Ninh, là thi sĩ Hoàng Cầm và nhạc sĩ Hồ Bắc. Dương Thụ “dắt” Tùng Dương đến gặp nhạc sĩ Hồ Bắc, nay đã già yếu, để Dương cảm thật sâu cái hồn của bài hát. Trước giờ biểu diễn, ca sĩ thì vừa phấn khích vừa hồi hộp vì “Lần đầu tiên hát cùng dàn nhạc giao hưởng”, giám đốc nghệ thuật thì bồn chồn vì: “Nếu không thành công, mình mang tội với nhạc sĩ”. Tương tự như Bên kia sông Đuống, một loạt ca khúc khác cũng sẽ được “trả lại giá trị và tôn vinh đúng tầm vóc” như: Hòn vọng phu (Lê Thương), Hò biển (Nguyễn Cường), Tóc gió thôi bay (Trần Tiến), Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người (Trần Kiết Tường).
Đó là việc ông dập tắt giấc mơ đưa Điều còn mãi vào TP.HCM của không ít cử tọa tham dự họp báo. “Đây cũng là giấc mơ của tôi. Nhưng tôi biết khó thực hiện. Điều còn mãi chỉ là Điều còn mãi khi có sự góp mặt của dàn nhạc giao hưởng quốc gia, mà không vận từng ấy nhạc công và nhạc sĩ từ Bắc vào Nam, không thể đủ kinh phí”. Sự eo hẹp về kinh phí đã khiến Dương Thụ phải chấp nhận bỏ qua nhiều ý tưởng và “ngày càng phải chấp nhận”. Năm mùa Điều còn mãi, ông vẫn chưa làm trọn những gì mình mong muốn trong việc giới thiệu và lan toả giá trị của âm nhạc Việt Nam. Có lẽ, đấy là một trong những lý do khiến Dương Thụ của tuổi 71 ngày càng giống “một ông già sức chịu đựng kém hơn, nhưng sự nhạy cảm lại cao hơn”, như cách nói vui của ca sĩ Mỹ Linh. Xin mượn tiếp lời ca sĩ Mỹ Linh, để khép lại bài viết này:
“Nếu không có Dương Thụ, những năm qua, chương trình có thể vẫn được duy trì, những giai điệu đẹp của nhạc Việt vẫn được vang lên, nhưng có thể không phải với tầm vóc này, mà ở một tầm vóc khác!”
Hương Lan