Siết chuyển tuyến để giảm tải bệnh viện: còn nhiều băn khoăn
SGTT.VN - Ngày 21.8 tại Hà Nội, bộ Y tế đã tổ chức triển khai đề án bệnh viện vệ tinh và góp ý dự thảo thông tư quy định phân tuyến, chuyển tuyến giữa các cơ sở khám, chữa bệnh nhằm giải quyết quá tải bệnh viện, vấn nạn gây bức xúc dư luận nhiều năm qua. Dù mục tiêu rất tốt đẹp, nhưng thông tư này – sẽ ra đời trong thời gian sớm nhất – khiến bệnh viện và bệnh nhân không ít băn khoăn.
Chuyển ngược bệnh nhân: sợ khó khả thi!
Việc chuyển ngược bệnh nhân lại tuyến dưới không hề dễ, dù tình trạng bệnh có giảm. Ảnh: mang tính minh họa |
Điểm mới của quy định này là không chỉ chuyển bệnh nhân từ cơ sở y tế tuyến dưới lên tuyến trên như thường lệ, nay bệnh nhân cũng có thể được chuyển ngược lại, từ tuyến trên xuống tuyến dưới. Theo ông Cao Hưng Thái, phó cục trưởng cục Quản lý khám chữa bệnh – bộ Y tế, đó là khi bệnh đã được chẩn đoán, xác định; được điều trị qua các giai đoạn cấp cứu; tình trạng bệnh thuyên giảm và có thể tiếp tục điều trị ở tuyến dưới hoặc chuyển về tuyến dưới theo yêu cầu của người bệnh và người nhà bệnh nhân. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể chuyển giữa các cơ sở y tế cùng tuyến khi bệnh vượt quá khả năng chẩn đoán, điều trị của cơ sở y tế hoặc theo nguyện vọng của người bệnh.
Sáng ngày 22.8, trong khi nuôi người thân tại khoa bệnh lý mạch máu não, bệnh viện Nhân dân 115, TP.HCM, anh Minh, 35 tuổi, ngụ tại huyện Trảng Bom – Đồng Nai, nói: “Ba tôi bị tai biến mạch máu não lần thứ hai. Gia đình tôi tin tưởng bệnh viện này, nên dù đi xa, cũng chấp nhận. Sau này có chuyện gì, dù bệnh viện dưới không cho chuyển tuyến, gia đình tôi cũng sẽ lên đây”.
TS.BS Nguyễn Đình Phú, phó giám đốc bệnh viện Nhân dân 115, chia sẻ: “Giảm tải bệnh viện bằng quy định chuyển tuyến là điều đúng, nhưng thực tế còn phụ thuộc vào niềm tin của người dân. Trong thời đại thông tin hiện nay, người dân dễ dàng biết được nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị của cơ sở y tế như thế nào, vì thế họ sẽ quyết định đến chỗ tốt, dù chấp nhận đóng thêm nhiều tiền. Nếu đầu tư các tuyến gần như nhau thì mới hy vọng giữ bệnh nhân lại, không vượt tuyến”.
Theo BS Phú, việc chuyển ngược bệnh nhân lại tuyến dưới không hề dễ, dù tình trạng bệnh có giảm. Ông băn khoăn: “Tôi tin 100% không chấp nhận và rất khó giải thích cho họ. Còn nếu “ép” họ thì sợ họ phản ứng. Nhưng thực tình bác sĩ cũng khó làm vì ngại gây khó cho bệnh nhân, về bệnh viện mới họ phải làm lại thủ tục từ ban đầu”. Bác sĩ Phạm Xuân Dũng, phó giám đốc bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cũng đồng tình. Ông nói: “Sẽ có chuyện bệnh nhân phản ứng “Tại sao tôi bị chuyển còn người khác không bị?” Nhưng ngoài quy định từ bên trên, việc chuyển ngược cũng cần có thoả thuận giữa các bệnh viện với nhau, vì nếu không bệnh viện khác sẽ thắc mắc “Tôi phải nhận phần khó trong khi anh lại nhận phần dễ”. Theo một bác sĩ chuyên ngành ung bướu, dù thực hiện giải pháp nào, lợi ích của bệnh nhân phải được đặt lên trên hết. “Nếu cho rằng bệnh viện tuyến trên phải chữa ca nặng, còn ca nhẹ để tuyến dưới chữa thì chưa chắc đúng. Một khối u nhỏ, nếu được điều trị ở một cơ sở y tế đủ năng lực thì bệnh nhân có nhiều cơ hội lành bệnh hơn so với điều trị ở cơ sở y tế không đủ năng lực”, ông nói.
Phân tuyến theo cách mới
Tại cuộc họp ngày 21.8, bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, cho rằng sắp tới bộ Y tế phải đổi mới tư duy, không chỉ xếp hạng bệnh viện theo phân tuyến bệnh viện Trung ương, tỉnh, huyện mà có thể căn cứ theo trình độ kỹ thuật, năng lực của từng bệnh viện để phân tuyến. Bà nói: “Nếu bệnh viện đa khoa khu vực, bệnh viện tỉnh nhưng thực hiện tốt các kỹ thuật hiện đại như tuyến Trung ương thì có thể được phân tuyến bệnh viện hạng 1, thậm chí cả bệnh viện hạng đặc biệt. Còn nếu giữ nguyên cách phân tuyến hiện nay, bệnh viện huyện muôn đời vẫn là bệnh viện huyện dù có làm tốt”.
Tham dự cuộc họp, một số đại biểu cũng băn khoăn tại sao dự thảo thông tư quy định việc chuyển tuyến theo nguyện vọng của người bệnh chỉ được thực hiện ở tuyến trên về tuyến dưới, trong khi lại không cho chuyển từ tuyến dưới lên tuyến trên. Bà Nguyễn Phạm Ý Nhi, giám đốc bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội, cho rằng nên có thêm quy định cụ thể về trường hợp này.
Lệ Hà – Phan Sơn
Bệnh viện vệ tinh cũng… quá tải! Theo bác sĩ Trần Thanh Mỹ, giám đốc bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, giảm tải bằng bệnh viện vệ tinh là chủ trương đúng, nhưng ông lo lắng khi thực tế hiện nay chính những “vệ tinh” của bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM là Khánh Hoà, Kiên Giang, Đăk Lăk giờ đây cũng… quá tải! Đó cũng là thực tế của lĩnh vực ung bướu, vì theo bác sĩ Phạm Xuân Dũng, phó giám đốc bệnh viện Ung bướu TP.HCM, khoa ung bướu của bệnh viện Khánh Hoà, vệ tinh của bệnh viện Ung bướu TP.HCM, đang bắt đầu quá tải. |