Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2013

Lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh: chưa sát thực tế

Lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh: chưa sát thực tế

Lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh: chưa sát thực tế


SGTT.VN - Có đến 28 ngành hàng/lĩnh vực được đưa vào dự thảo đề án “Ưu tiên phát triển doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh cao, giai đoạn 2013 – 2020”, do bộ Công thương chủ trì soạn thảo, song đa số đại diện các bộ ngành, hiệp hội ngành nghề đã phản ứng, mà lý do chủ yếu là “không sâu sát ngành mình”.










Việt Nam xuất khẩu hạt điều số một thế giới, nhưng ngành này chưa được đưa vào danh mục có lợi thế cạnh tranh. Ảnh: Đặng Hoàng



Ngày 15.8, bộ Công thương đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến các bộ và hiệp hội ngành nghề về danh mục các lĩnh vực và những chính sách ưu tiên cho các lĩnh vực được coi là có lợi thế cạnh tranh. Theo ông Hoàng Thịnh Lâm, phó vụ trưởng vụ Kế hoạch (bộ Công thương) đồng thời là tổ trưởng tổ soạn thảo thì các lĩnh vực/ngành được coi là “có lợi thế cạnh tranh” phải đáp ứng được bảy tiêu chí cơ bản (hoặc đa số các tiêu chí trong bảy tiêu chí): sử dụng lao động sẵn có trong nước; nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước; được hưởng lợi nhờ các chính sách hội nhập; có dư địa đầu tư lớn; có nhu cầu trong nước lớn hoặc xuất khẩu tốt; công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ phát triển; và tiêu chí cuối cùng là chú trọng phát triển nền kinh tế xanh, có công nghệ trong nước phát triển, đảm bảo hài hoà giữa kinh tế – xã hội – môi trường. Trên cơ sở đó, cơ quan soạn thảo đề cử danh mục gồm 28 ngành/lĩnh vực được tạm coi là có lợi thế cạnh tranh cao.


Nhiều mà vẫn… thiếu


Vụ trưởng vụ Kế hoạch Nguyễn Tiến Vị nói rằng: “Đây mới chỉ là quan điểm của tổ soạn thảo chứ chưa phải là quan điểm chính thức của bộ Công thương”. Ngay lập tức nhiều ý kiến tại hội thảo phản ứng rằng có quá nhiều lĩnh vực được đưa vào, nhưng vẫn chưa thực sự trúng bởi còn thiếu nhiều lĩnh vực mạnh trong thời gian qua. Phó giám đốc sở Công thương TP.HCM Lê Văn Khoa đề nghị bổ sung thêm hai lĩnh vực: gỗ, chế biến các sản phẩm từ gỗ và chế biến lương thực thực phẩm. “Vì nó không chỉ thoả mãn cơ bản bảy tiêu chí trên mà đây là hai lĩnh vực có khả năng cạnh tranh tốt, dự báo nhu cầu còn tăng cũng như có sức lan toả đến nông nghiệp, thuỷ sản… đồng thời mang lại giá trị gia tăng cao”, ông Khoa nói.


Tổng thư ký hiệp hội Điều, ông Đặng Hoàng Giang cũng lên tiếng, ngành điều chưa có trong danh mục, dù đáp ứng đủ bảy tiêu chí. Thêm vào đó xuất khẩu điều của Việt Nam số 1 thế giới, lại không bị các yếu tố như phòng vệ thương mại hay hàng rào kỹ thuật cản trở. Chủ tịch hiệp hội Cơ khí Đào Văn Long bức xúc hơn: Ngành cơ khí chỉ có lĩnh vực xe có động cơ được đưa vào danh mục là chưa đủ, bởi thực tế ôtô của ta xuất khẩu rất ít. “Trong khi phụ tùng cho nhà máy ximăng, hoá chất thì rất tốt, lại giúp giảm được nhập siêu thì không được ưu tiên”, ông Long nói.


Trong khi đó, đại diện của bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thẳng thắn: Việc đề xuất trồng lúa vào danh mục có lợi thế cạnh tranh là “ngược với thực tiễn lẫn đi ngược với chủ trương tái cơ cấu của ngành nông nghiệp”. Theo vị này, lúa càng làm càng lỗ, trong khi nhiều ngành chế biến sản phẩm nông nghiệp đem lại giá trị cao thì không được liệt vào. Vị này nói: Không nên quan trọng lĩnh vực đó sản xuất được bao nhiêu, xuất khẩu bao nhiêu mà điều quan trọng là làm sao sản xuất ra một sản phẩm có giá thấp nhất, mang lại gì cho người nông dân, đó mới là lợi thế cạnh tranh!


Cần thang điểm cụ thể


Ông Mai Ánh Hồng, phó chánh văn phòng bộ Thông tin truyền thông nêu quan điểm: Trước khi đưa ra danh sách các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh giai đoạn tới thì điều cần làm là đánh giá giai đoạn trước (2007 – 2012) xem những lĩnh vực nào đã có lợi thế cạnh tranh? Nhà nước có cơ chế chính sách chưa với những lĩnh vực đó? Nếu có thì thực hiện đến đâu? Chính sách nào áp dụng cho cả ngành không có lợi thế thì không nên đưa vào nữa.


Tổng thư ký hiệp hội Cảng biển Đỗ Kim Lân có cảm nhận “Tất cả đại diện bộ và hiệp hội ngành hàng đều có băn khoăn là đề án chưa sâu sát với ngành mình, chưa nêu ra được tồn tại của ngành mình”, vì vậy đề án phải cẩn trọng tham vấn, có sự vào cuộc một cách sâu sắc từ phía các bộ quản lý ngành và hiệp hội ngành hàng, mới mong tìm ra được một danh mục thực sự có ưu thế cạnh tranh cao. Tuy nhiên, theo tổ trưởng soạn thảo Hoàng Thịnh Lâm, thì bộ Công thương dự kiến tổ soạn thảo gồm 20 người, bao gồm đại diện của các bộ ngành, thế nhưng, “Hầu hết các bộ ngành đã không tham gia”, ông Lâm nói.


Ông Nguyễn Đức Vân, phó vụ trưởng vụ Đổi mới doanh nghiệp thuộc văn phòng Chính phủ tỏ ra sốt ruột: Đề án phải trình cơ quan này từ tháng 6 nhưng đến nay vẫn chưa thống nhất được lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh. Ông gợi ý: Nên để các bộ, các địa phương lựa chọn, sau đó phân tích, khép dần danh mục này trên cơ sở căn cứ chiến lược phát triển ngành, địa phương đã được phê duyệt chứ không nên quá dàn trải. Đại diện sở Công thương Hà Nội thì cho rằng cần có một bảng tổng sắp theo thứ tự ưu tiên các lĩnh vực, trong đó có thang điểm để đánh giá lựa chọn một cách rõ ràng.


Chí Hiếu









Lĩnh vực được tạm coi là có lợi thế cạnh tranh cao: trồng lúa; trồng rau, đậu, hoa, cây cảnh; trồng cây ăn quả; trồng cây điều; hồ tiêu; cao su; càphê; khai thác thuỷ sản biển; nuôi trồng thuỷ sản biển và nuôi trồng thuỷ sản nội địa; chế biến thuỷ sản; dệt; sản xuất trang phục; hoá chất; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu; sản xuất sản phẩm từ cao su; điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; sản xuất xe có động cơ; xây dựng công trình đường bộ; vận tải ven biển và viễn dương; vận tải hàng không; dịch vụ cảng biển; dịch vụ cảng hàng không; dịch vụ điều hành bay; dịch vụ lưu trú ngắn ngày; hoạt động viễn thông không dây; cung cấp mạng internet và cuối cùng là lập trình máy vi tính – tư vấn các hoạt động liên quan máy vi tính.







DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ