LTS. Tháng 3 tới là đến kỳ giỗ đầu của nhà văn Võ Hồng (1921 – 2013). Xin giới thiệu với bạn đọc bài viết của một nhà sư bạn ông, như một nén hương thắp sớm.
Võ Hồng với những ngôi chùa quê hương
Nhà văn Võ Hồng. |
Sinh thời, mỗi lần gặp tôi, Võ Hồng đều nói:
“Quê ông cách quê tôi năm mươi cây số” và ông còn nói thêm: “Mình đều là dân nhà quê cả mà”.
Võ Hồng quê ở Tuy An, một huyện phía bắc tỉnh Phú Yên. Từ Tuy An đi đến đèo Cù Mông đúng là khoảng năm mươi cây số. Qua khỏi đèo Cù Mông là thuộc địa phận tỉnh Bình Định – quê hương tôi.
Hầu hết người dân quê của hai tỉnh này đều là nông dân chân lấm tay bùn. Cứ từ tháng mười một âm lịch, tức là sau mùa lụt thì họ đều túa ra đồng cày cấy. Đến tháng tám sau khi gặt xong vụ hè thu, họ lại vào núi làm đất thổ để trồng bắp, sắn nước, đậu xanh, đậu phộng… Võ Hồng đã chia sẻ nỗi cực nhọc của người dân quê ông bằng một nhân vật vô cùng độc đáo có tên là Lão Túc, có thể nói là độc đáo nhất trong những truyện ngắn viết về người nông dân Việt Nam: “… Có khác gì cuộc đời của Lão đâu? Hội hè đình đám, Tết nhất, giỗ chạp, giọng cười bên ấm trà, câu chuyện vui trong khói thuốc…
Tất cả chỉ là những món trang điểm nhất thời. Lầm lì, chịu đựng, cán cuốc bóng nhẵn trong bàn tay, ánh nắng rung rinh đốt nóng trong mắt, đó mới là cuộc đời thực sự của Lão…” (*)
Nhưng để bù lại những gian lao vất vả mà người dân quê phải gánh chịu, thì họ lại có nơi chốn để trở về, đó là ngôi chùa. Dường như bất cứ làng quê nào của Việt Nam cũng có chùa. Ngôi chùa của làng quê Võ Hồng cũng như bao nhiêu chùa làng quê khác đều rất nghèo: “Ấp tôi ít dân lại nghèo nên chùa không thể nào giàu được. Hình như tài sản của chùa chỉ có hai miếng đất thổ, và để có lúa ăn, nhà chùa phải làm rẽ bảy giạ giống ruộng”. Nhưng chính cái nghèo này mà ngôi chùa mới gần gũi, gắn bó với người dân quê chân lấm tay bùn: “Chùa nằm ở chân núi thì người đi đường ghé chân nghỉ mệt, người lỡ đường có thể nghỉ qua đêm. Nhà chùa nằm ở cánh đồng thì anh đi cày, chị đi cấy, kẻ chăn bò ghé xin nước uống, mượn chỗ nằm nghỉ lưng ở hiên sau, ở chái liêu. Cửa Tam Quan suốt ngày không đóng”.
Nhưng vì sao hầu hết những ngôi chùa Phật giáo đều được xây cất trên núi, nếu ở dưới đồng bằng thì lại tránh xa xóm làng? Có lẽ không ai lý giải điều này hay và thơ mộng hơn Võ Hồng: “Thánh đường nhiều Tôn giáo thường đi theo sát tập thể quần chúng, nhằm hoàn thành công tác mục vụ. Chùa chiền Phật giáo thì không. Như cố ý xa lánh, như cố gắng tìm một thâm sơn, xít gần lại với thiên nhiên, núi rừng, nên khi người tìm đến thì đồng thời cũng là dịp người gắn với thiên nhiên. Cùng với tiếng chuông, tiếng mõ tụng niệm, màu xanh của lá cây, sự tĩnh mịch của đá, của đất, sự bao dung của khoảng trời cao cũng góp phần giải khổ, cũng nhẹ thổi đến niềm an vui, niềm hi vọng, niềm tin…”
Bởi vậy, theo Võ Hồng thông điệp của những ngôi chùa ở thôn quê muốn gởi đến cho người nông dân cũng rất giản dị: “Bà con nông dân gần gũi với chùa, thương kính ông Phật, không phải vì hiểu giáo lý Phật giáo. Những tiếng Tam Quy, Ngũ Giới, Thập Nhị Nhân Duyên đa số đều không biết, không hiểu, mà chỉ biết theo các thầy làm lành lánh dữ, cố gắng theo gương các thầy mà bớt phạm sát sanh. Triết lý vốn sáng mà lạnh. Rất hay nói, rất êm để nghe, mà phàm nói hay thì ít làm”.
Rồi lớn lên rời bỏ quê hương, rời bỏ ngôi chùa xưa, đi vào sống những thành phố tranh sống ồn ào nhưng lúc nào theo Võ Hồng, đạo Phật cũng “hiện diện êm đềm quanh ta. Trong một thời gian dài, cứ chừng năm giờ sáng là nằm trong giường tôi nghe được tiếng gõ mõ tụng kinh của ông láng giếng ở sau nhà. Bốn giờ sáng, bà con khu Hồng Bàng – Xóm Mới nghe tiếng chuông chùa Linh Thứu. Bà con xón Mã Vòng – Phường Củi nghe tiếng chuông chùa Long Sơn. Bà con đường Đồng Nai nghe tiếng chuông chùa Hải Đức. Những bà con phải sống xa quê hương, ngoài nỗi nhớ cô bác họ hàng, ngôi nhà tổ tiên, khu vườn cây lá, ắt có lúc chợt nhớ những hương thơm của hoa bưởi, hoa cau, tiếng con trâu, con nghé ọ kêu mẹ, tiếng mái chèo khua nước trên sông, tiếng gà gáy vang lại từ thôn xóm xa… và tiếng chuông chùa”.
Và sau cùng, Võ Hồng đã phát biểu về đạo Phật một cách cảm động như thế này: “Tôi không phải là Phật tử. Không biết tụng kinh. Nhưng tôi lại dễ xao xuyến dạt dào mỗi lần nghe tiếng kinh tiếng mõ. Những lúc đó tôi tự nhiên trút bỏ mọi ảo vọng ở đời mà cúi xuống nhìn thân phận yếu đuối nhỏ mọn của mình”.
Tết năm nay, tôi có đi thăm viếng một số chùa ở Nha Trang. Đi đến chùa nào cũng thấy đông đảo Phật tử đi lễ Phật đầu năm. Tôi bồi hồi xúc động và nghĩ rằng, chính những ngôi chùa trầm mặc đã nuôi dưỡng sức sống mãnh liệt cho dân tộc từ hai ngàn năm nay. Như hai câu thơ mà trong những năm gần đây bỗng được mọi người nhắc đến rất nhiều:
Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông (Huyền Không)
Thích Phước An
(*) Những đoạn văn của Võ Hồng trong bài được trích từ các truyện ngắn: Tình yêu đất, Mái chùa xưa, Tiếng chuông kêu mộ, Dấu chân sa mạc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét