iTeacher đưa giáo dục đọc - chép vào lịch sử
SGTT.VN - Từ giảng đường một trường đại học, thậm chí ở nhà, giảng viên có thể dạy không chỉ cho sinh viên của trường đó mà cả sinh viên nhiều đại học cùng lúc. Ở đó khuyến khích sự tương tác giữa người dạy và người học, có thể qua máy tính, gọi điện thoại. Theo đó, lối giáo dục đọc – chép đi vào lịch sử…
Ông Lê Thanh giới thiệu bảng cảm ứng điện tử tương tác iBoard VN cũng như mô hình truyền hình OTT. |
ó là một giải pháp công nghệ mới, bắt đầu từ phần mềm iBoard VN mà nay đã nâng cấp thành công nghệ truyền hình OTT (Over The Top), đang áp dụng tại đại học Bình Dương. Chúng tôi muốn gọi đó là giải pháp iTeacher bởi phát huy tối đa vai trò, khả năng người thầy nhờ sinh quyển công nghệ – internet.
Đổi cách dạy và học
Trong căn phòng chừng 20m2 được lấp kín bởi công nghệ, với máy tính, tivi, máy chiếu mà nổi bật là chiếc bảng cảm ứng điện tử 100 inch, ông Lê Thanh, giám đốc trung tâm Học liệu (đại học Bình Dương) giới thiệu về các công cụ hỗ trợ giảng viên mà nhóm ông nghiên cứu: “Mọi thứ phải bắt đầu từ thay đổi quan niệm dạy và học. Bởi giảng xong, giảng viên bước ra cửa, sinh viên ghi và hiểu bài được bao nhiêu thì rất khó kiểm tra vì thiếu sự tương tác”.
Câu chuyện ấy bắt đầu từ năm 1997, khi nhiều người, đặc biệt là ông Cao Văn Phường – hiệu trưởng đại học Bình Dương, trăn trở tìm giải pháp cho mô hình đào tạo từ xa. Tuy nhiên, mọi việc chỉ thực sự bắt đầu vào tháng 4.2008, nhà lập trình Jonny Chung Lee đưa ra mã nguồn mở phần mềm điều khiển con trỏ chuột bằng wii remote, đồng thời công khai mở rộng ý tưởng dự án wiimote trên diễn đàn http://ift.tt/1kIaNrZ, thu hút cả ngàn người tham gia thảo luận và phát triển. Cũng thời điểm đó, Nintendo đã bán được gần 30 triệu wiigame console và wii remote là một trong những thiết bị tạo cảm hứng cho các nhà thiết kế phát triển, ứng dụng trong nhiều lĩnh vực. Từ ý tưởng và sản phẩm sơ khai đó, ông Thanh và nhóm nghiên cứu đã thiết kế và sản xuất thành công bút điện tử cảm ứng hồng ngoại và phát triển phần mềm dùng trong giảng dạy mang tên iBoard VN.
Sau khi cài đặt phần mềm, bảng cảm ứng điện tử tương tác iBoard VN như một máy tính bảng cực đại, kết nối với một máy tính và một máy chiếu, công nghệ hồng ngoại cảm ứng đa điểm, tương tác thực hiện bằng tay không hoặc bút điện cảm ứng. Trên đó là giao diện trực quan, đa ngôn ngữ, đa nhiệm, tương tác được từ xa hay cho phép giảng viên viết, vẽ, trình bày bài giảng trên bảng trắng tương thích với tất cả các định dạng của Microsoft Office (PPT, Word, Excel, PDF…) và ghi chú cùng microphone, ghi video bài giảng tại lớp và tải lên trang web để người học có thể coi trực tiếp trên đó. “Nhờ tự động lưu lại nội dung bài giảng (bằng hình ảnh, âm thanh), giảng viên chỉ cần gửi email tới người học, họ có thể xem lại bài bất cứ lúc nào, hoàn toàn loại bỏ phương pháp đọc- chép. Thời gian trống còn lại, người dạy và học dành để thảo luận, mở rộng kiến thức. Phần mềm còn ứng dụng được cho doanh nghiệp, gia đình”, ông Thanh mô tả.
Siêu thị tri thức và xã hội học tập
Ông Thanh tiếp tục: “Để xây dựng một xã hội học tập, học tập suốt đời thì phải làm sao chất lượng bài giảng được nâng cao, thu lại được cả nguồn học liệu (các bài giảng trên lớp của giảng viên – NV) của họ. Nội dung học liệu được truyền tải dưới dạng video (gồm slide, hình ảnh, âm thanh) truyền phát lên hạ tầng viễn thông để mọi người, mọi tầng lớp đều có thể học tập như nhau trong mọi lúc, mọi nơi, mọi thiết bị sẵn có như máy tính, set top box TV, điện thoại, máy tính bảng”. Đó là lý do nhóm nghiên cứu chính gồm sáu người tiếp tục nâng cấp iBoard VN với bước tiến công nghệ True Video Conference (hội nghị truyền hình đích thực), đặc biệt là công nghệ truyền hình OTT.
Lê Trung Hiếu (50 tuổi) tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh, đại học Bình Dương 2012: Vì tôi học hệ đào tạo từ xa, tuổi cũng đã cao nên không thể đến lớp thường xuyên. Tôi thấy học qua thư viện và bài giảng trên online rất thuận tiện. Đó là việc không cần đến lớp học nhưng vẫn nghe được bài giảng, có tài liệu đầy đủ môn học. Nhờ đó tôi có thời gian để đến thư viện, học các môn khác hay lo công việc gia đình. Nếu kho tài liệu, các bài giảng phong phú hơn thì sẽ giúp ích được nhiều hơn nữa cho những người học như tôi. |
Ưu thế lớn nhất của công nghệ OTT là cho phép cung cấp nguồn nội dung đa dạng (học liệu, video) theo yêu cầu của người sử dụng vào bất kỳ thời điểm nào và bất kỳ đâu chỉ với một thiết bị phù hợp có kết nối internet: “Mảng quan trọng chính là truyền hình trực tiếp (live broadcasting), học liệu, video theo yêu cầu. Hạ tầng internet Việt Nam đã khá hoàn chỉnh, 3G độ phủ rộng đồng nghĩa với việc nội dung bài giảng sẽ đến tận tay mọi người, dù người học ở vùng sâu vùng xa”, ông Thanh khẳng định. Truyền hình OTT đã được đại học Bình Dương phối hợp cùng công ty phần mềm truyền thông VASC (thuộc VNPT) thiết kế, xây dựng thành công và đang vận hành khai thác cho các trường học ở Việt Nam nhằm xây dựng xã hội học tập trên trang www.uonline.vn (tải ứng dụng trên điện thoại và set top box TV Android: MyTVnet.apk; xem trên điện thoại, máy tính bảng iOS: 123.29.75.131:1935/vtsic/vtsic.stream/playlist.m3u8).
Điểm thú vị là khi tham gia sở hữu một kênh truyền hình giáo dục OTT, nhà trường không phải đầu tư vào hạ tầng hệ thống truyền hình mà chỉ cần đưa nội dung học liệu lên đó. Khi áp dụng truyền hình OTT, trong lúc giảng viên giảng bài, học viên không phải ghi chép và có thể theo dõi bài giảng bất cứ nơi đâu. Khi giảng xong, nhà trường hoàn tất nốt phần học liệu lưu trữ để khai thác: “Bằng phương pháp này chúng ta tiếp cận ngay lập tức số lượng sinh viên trong phòng, ngoài phòng học, vượt ra ranh giới nhà trường là cả một xã hội học tập không giới hạn khoảng cách địa lý. Theo đó cũng giúp người học phát triển toàn diện theo phương thức học mọi lúc, mọi nơi, thích ứng với môi trường học và làm việc thay đổi”. Bên cạnh giao diện live broadcasting là phần tương tác, người học gõ câu hỏi vào đó cho giảng viên và được trả lời theo thứ tự ưu tiên. Nếu không, họ có thể gọi điện vào số của người trợ giảng, câu hỏi sẽ được chuyển tới giảng viên vào giờ thảo luận ngay sau đó. Với phương pháp này, những giảng viên có bài giảng sinh động, chuyên môn tốt dĩ nhiên sẽ thu hút đông đảo người học và điều này đo được qua lượt truy cập…
Nhóm nghiên cứu cho biết, công nghệ True Video Conference, truyền hình OTT và giải pháp iBoard VN đã được nhiều công ty, tổ chức giáo dục, đặc biệt là một số đài truyền hình đặt vấn đề mua lại bản quyền. Tuy nhiên, trường cung cấp cho các trường học, tổ chức đào tạo, cơ sở giáo dục hoàn toàn miễn phí. Thay vì sở hữu một kênh truyền hình giáo dục rất tốn kém, nhóm nghiên cứu chỉ bỏ công và tri thức, còn lại hạ tầng viễn thông đã có VNPT tài trợ, nguồn học liệu miễn phí từ giảng viên. Vừa qua, ba kỹ thuật viên đã tới nhà GS Trần Văn Khê ghi lại buổi nói chuyện chuyên đề và phát lên uonline.vn. Hàng chục chuyên gia, giảng viên, diễn giả đã có bài giảng trên truyền hình OTT: “Cứ tính trừ thù lao cho giảng viên, nếu thuê đài truyền hình quay, một tiết phải trả 3 triệu đồng trong khi một môn có 50 tiết, với 800 môn nếu nhân lên sẽ ra số tiền 12 con số, có lẽ không trường nào dám đầu tư”.
Những ngày đầu áp dụng phương pháp giáo dục này, nhiều giảng viên, đặc biệt là môn xã hội chưa quen thao tác trên bảng cảm ứng. Tuy nhiên nhờ cải tiến, việc thao tác chuyển qua bằng tay nên những khó khăn này đã được giải quyết. Khi được hỏi, nhiều giảng viên tỏ ra ủng hộ giải pháp này. PGS.TS Nguyễn Văn Út (phó ban cải cách chương trình đào tạo, đại học Bình Dương), cho rằng: “Cách giáo dục này nhiều nước đã áp dụng và mang lại hiệu quả cao. Ở Việt Nam, đây chỉ là những bước đi đầu tiên và cần phải tiếp tục cải tiến đến mức tối ưu. Điều tôi thấy thích nhất là người học rất chủ động trong việc đặt câu hỏi và thảo luận với giảng viên”. Là giảng viên một môn xã hội, ThS Trần Thế Mạnh, cho rằng mỗi một phương pháp dạy học có một thế mạnh riêng nhưng đây là xu hướng tốt: “Lợi thế là học viên học mọi lúc, mọi nơi và suốt đời từ những tiết dạy trực tiếp hay ghi lại bài giảng, sau đó mới phát trên truyền hình OTT”.
Ông Thanh cho rằng, để thực hiện được xã hội học tập với các giải pháp giáo dục trên, cần thêm sự chung tay của các trường, các giảng viên và nhiều đối tượng khác, nhằm làm phong phú thêm kho học liệu. Tín hiệu vui là nhiều trường tỏ ra hứng thú khi đến tham quan, đặt vấn đề chuyển giao mô hình này. Ông Thanh cho biết thêm, mạng xã hội học tập với tên Siêu thị tri thức đang được xây dựng. Như vậy sẽ có thêm kênh thông tin để chuyển tải tri thức, kết nối tạo cộng đồng người học cho mục tiêu xã hội học tập.
Tất nhiên, để có những con số hơn 8 triệu thành viên như Facebook ở Việt Nam thì còn không ít việc phải làm. Nhưng biết đâu…
bài và ảnh: trung dũng
Trần Khánh Ngân sinh viên đại học Công nghệ Sài Gòn: Tôi không học đại học Bình Dương, nhưng có nhiều môn học trên online nằm trong chương trình học của tôi như môn quản trị chất lượng nên đăng ký. Cái hay là tôi có thể nghe giảng viên giảng bài, có đầy đủ tài liệu môn học mà không phải mất công chạy từ quận 8 đến tận trung tâm hay trường Bình Dương đăng ký, làm thủ tục mất nhiều thời gian. Điều tiện lợi khác là tôi có thể coi trên máy tính hay điện thoại các bài giảng ấy. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét