Thứ Sáu, 7 tháng 2, 2014

Ẩm phượt sản vật Gò Công

Ẩm phượt sản vật Gò Công

Ẩm phượt sản vật Gò Công


SGTT.VN - Kể cả ngày vẫn chưa hết đặc sản đất Gò và cảm giác ấm áp từ những nụ cười hiếu khách! Thật ra, của ngon vật lạ xứ “Khổng Tước Nguyên” không chỉ có những hạt gạo trắng thơm cùng mớ trứng gà ta to khác thường, chứa lớp lòng đỏ son đầy vun, như xưa (1788) tướng Võ Tánh dâng lên chúa Nguyễn Ánh – tượng trưng lòng trung dũng của cư dân bản địa.










Vùng giáp nước giữa sông Vàm Cỏ Đông với Soài Rạp, chứa nhiều cá tôm ngon.



Trăm nghe không bằng một thấy”, chọn ngày đẹp trời, bạn thử rủ bạn bè cùng du ngoạn bằng xe máy, theo trục quốc lộ 50 qua Cần Giuộc, xuống Cần Đước... sang ngang sông Vàm Cỏ trên chuyến phà Mỹ Lợi, hướng mũi về bờ Gò Công Đông, mất khoảng 20 phút.


Thưởng hải sản còn lội, nơi ngã ba sông


Cách đó khoảng 4km, có một điểm dừng chân thật thoáng mát, sẵn võng nghỉ lưng miễn phí với nhiều món hải sản tươi nguyên, giá phải chăng. Đó là quán chị Tẻ, cạnh bến đò Mỹ Điền, thuộc ấp 3 Mỹ Xuân, xã Tân Trung, thị xã Gò Công, Tiền Giang. Quán nằm khuất ngoài bờ đê, cách quốc lộ 50 khoảng 1,3km. Mốc nhận diện là cổng vào ấp văn hoá Muôn Nghiệp, cạnh trạm y tế Bình Đông. Chọn bàn sát mé sông, khách tha hồ phóng tầm mắt sang các cù lao Mỹ Xuân, Long Hựu của Cần Đước (Long An) hoặc phía Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, TP.HCM mờ xanh. Nước chảy rì rầm. Gió lao xao, khiến mấy ngọn dừa nước nhún nhảy từng chập. Thấp thoáng, những chiếc ghe cào, đò máy hoà điệu nghe “tành tạch”... Chợt, những lo toan đời thường tan theo dòng nước lúc nào không hay.


Đắc địa ở chỗ, đây là nơi tiếp giáp giữa đoạn cuối sông Vàm Cỏ Đông (nước ngọt) với sông Soài Rạp (nước mặn) nên có nhiều phiêu sinh nước lợ ngon miệng, béo bổ cho bọn cá tôm. Vì vậy, ngư dân thường “mai phục” ở cửa sông này, với đủ phương tiện: cào, lợp đuôi chuột, lưới đăng, câu giăng...


Có những con tôm sú biển gạch màu xanh dương, to hơn ngón tay cái người lớn, thịt ngọt đậm, chắc nịch như lực sĩ. Vài bầy cá tra bần lởn vởn, mỗi bầy không dưới chục con. Con nhỏ nhất cỡ 8kg, đủ 2 – 3 nhà đông người liên hoan hoành tráng. Sớ thịt tra bần cũng trắng tươi như cá dứa nhưng lạt, da dai hơn và mỡ vàng ánh. Philê ra, nướng muối ớt hay nhúng giấm, hoặc nấu lẩu mắm kèm dĩa rau non đồng nội vun ngọn: đắng biển, đậu rồng, bông so đũa, rau má... thơm tưng bừng và mãn nhãn vô cùng.


Chuyện lạ ở xóm tương thực dưỡng


Vẫn không thanh thoát, dìu dặt, lay động mãnh liệt bằng mùi hương của một loại tương thực dưỡng, làm theo lối thủ công kiểu Nhật, tại ấp 7, xã Tân Tây, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.


Đặc biệt, có loại nước tương được ủ trên ba năm, dang nắng quanh năm, đen sậm giống nước càphê cốt, độ mặn gấp 2 – 3 lần nước mắm nhỉ, song hậu ngọt thanh, béo dịu, thơm nức mũi!


Những người theo trường phái thực dưỡng ở đây còn tin rằng, tách trà tương hoặc càphê tương có lợi cho huyết áp, giúp gan giải độc tốt hơn. Anh Lê Kim Sơn, chủ một lò tương như vậy hân hoan chia sẻ: lỡ bị ong tò vò chích, ngâm ngón tay vào nước tương Tamari nguyên dương, loại trên ba năm, khoảng vài phút, 2 – 3 lần, mỗi lần cách nhau mười phút sẽ bớt đau nhức ngay. Còn dì Bảy Thạch (Trần Thị Ngọc Thạch) 67 tuổi, thầy dạy nghề của anh Kim Sơn, quả quyết: “Người bị bao tử yếu – bụng lình xình, trào ngược dạ dày, tiêu chảy – hay thận yếu... nước tương này “trị” hay cực kỳ!”


Giả như bạn chưa đủ niềm tin, vẫn có thể dùng thứ nước chấm công phu vừa kể làm gia vị cho bữa ăn thêm bổ dưỡng.


Khoan khoái dạo đường làng, tương phùng bánh vá Từ chợ thị xã, thay vì qua cầu Long Chiến (Chánh) đi thẳng theo quốc lộ 50 về TP Mỹ Tho ồn ào xe cộ, bạn có thể rẽ sang con đường làng thơ mộng cùng hướng.


Nên hỏi đường qua Cầu Đúc, rẽ phải, đi thẳng về Thạnh Trị, Hoà Đồng, ghé ăn bánh vá mới ra lò còn nóng hổi, cách đó khoảng 11km.


Dừa nối tiếp dừa, giang tay đón bình minh. Có đoạn, mấy “ả” dừa tơ nhí nhảnh soi mớ “tóc” bồng xanh mượt xuống dòng sông nhỏ, đỏ đục phù sa. Cạnh đó, đám vịt ta đứa thong thả rỉa lông, con mồm năm miệng mười bàn chuyện thời sự. Quả là một bức tranh nhà vườn Nam bộ vừa bình yên vừa sống động.


Đã đến chỗ mỡ (heo) sôi lửa bỏng – sinh thành nên cái bánh vá Hoà Đồng ngoài giòn trong xốp. Đọc sao ghi vậy nên người dân ở đây treo bảng “Bánh giá”. Thoạt nhìn, nó tương tự chiếc bánh cống Sóc Trăng, nhưng lớn gần gấp đôi. Thành phần nhưn cũng cao cấp hơn, gồm: gan và thịt nạc heo, tép bạc, đậu phộng...


Cứ một lớp bột một lớp nhưn, người bán thoăn thoắt xây nên cái bánh tựa bánh bò, lọt lòng chiếc vá lớn. Để lâu ngán, những khúc rau giá tươi mọng được xen vào, như một lớp đệm, nhằm tạo độ giòn mát cho vị giác.


Còn bí quyết tạo độ xốp cho bánh là pha một ít bột đậu nành vào bột gạo cũ, theo cô Mười (Phạm Thị Mười), có hai đời bán loại bánh đong, đếm bằng vá ở đây. Dạng gạo này còn lợi cho cọng bún, hủ tíu nhưng cứng (hạt) cơm, lạt vị.






















Tôm sú biển vừa lớn con vừa ngọt thịt.



Và đám tôm càng sông ngọt thơm không kém.



Cá cóc kho lạt, món danh trấn miệt sông nước miền Tây.



Bánh vá – niềm tự hào của dân Hoà Đồng, Gò Công Tây.



Khéo ở chỗ, dù lớp bột bên ngoài vàng giòn nhưng phần nhưn bên trong chỉ vừa chín tới, không hề thấm mỡ. Cắn ngập răng, nhai chậm, người ăn luôn bị bất ngờ từ âm điệu bổng – trầm đến chủ vị béo, bùi rạo rực. Ăn bánh vá đúng điệu, thường không thể thiếu dĩa rau non cặp đôi với bánh xèo gồm: cải bẹ xanh, xàlách, dấp cá... chấm ngập chén nước mắm chua ngọt ửng đỏ.


Tuy vậy, cũng có người thích độn cục xôi vò vào giữa cái bánh, nhai chóp chép. “Ăn vậy mới ngon hết ý!”, ông Võ Văn Hoàng, 59 tuổi, ở ấp Bình An, xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây cười hồn nhiên. Đó là món quà sáng ưa thích của ông, thời học trò. Hồi ấy, giá mỗi cái bánh hình miệng vá có năm cắc (nửa đồng) nay đã 10.000 đồng/cái.


Cũng có loại bánh vá dân chủ hơn. Ai thích ăn nhưn gì, cứ dạo chợ sớm mua hàng tươi lại thuận giá như: mực ống, tôm càng lóng, óc heo... Xong, mang đến nhờ người bán chiên giúp, tiền công 7.000 đồng/cái. Thầy Trần Sơn, giáo viên cấp 3, quê ở đây cho biết, mỗi khi có đám tiệc hoặc đãi khách quý, gia đình ông đều làm vậy.


Thăm Phật cười và ăn cá nghiến răng


Tìm bến khoái tạm đủ, ta có thể chạy thẳng về TP Mỹ Tho, Tiền Giang, theo quốc lộ 50, khoảng 25km.


Thành phố nhỏ này có hai điểm đến không thể bỏ qua, là chùa Vĩnh Tràng và quán ăn ưa nói lái: Tạ Hiền.


Muốn cầu may, bạn nên viếng chùa Vĩnh Tràng, một trong những ngôi cổ tự của miền Tây Nam bộ, ở ấp Mỹ An, xã Mỹ Phong, đường Nguyễn Trung Trực.


Ngay công viên trước chùa, sẵn có tượng Phật cười tươi (Phật Di Lặc) hỉ xả chào đón phật tử và du khách. Tượng cao 20m, nặng khoảng 250 tấn, bằng bêtông cốt thép.


Riêng những ai thích nói lái, có thể ghé lại quán ăn “hà tiện”, gần đó, tìm gặp ông chủ Quốc “Cò”. Vị này thuộc làu tập tính nhiều sản vật phương Nam. Các món trâu kho tàu, khô trâu một nắng ở đây rất tốn bia rượu.


Cũng có người cữ ăn trâu đầu năm để né... xui. Vậy thì nhâm nhi với cá cóc kho lạt! Đây là giống cá nước ngọt, hình dáng tựa cá trắm cỏ nhưng mập và lớn con hơn, có thể nặng cả chục ký/con.


Cá có mặt ở Biển Hồ – Campuchia, sông Tiền và Hậu. Ngư dân đánh bắt nó bằng nhiều cách: câu, bao chà, lặn bắt hang. Có người nói, lúc bắt cá lên, nó nghiến răng nghe kèn kẹt giống khi con “cậu ông trời” đòi mưa. Ý kiến khác cho rằng, tên cá từ gốc Khmer là t’rây s’coc, đọc trại thành cá cóc.


Cá càng lớn, thịt càng ngọt thơm, chắc dẻo. Phần ức cá béo thanh không ngậy. Đặc biệt, khi chế biến, nếu bỏ vảy, thịt cá sẽ giảm phân nửa độ ngon. Còn một điểm yếu khác: cá có nhiều xương chữ y.


Cặp thêm ít xoài hườm xắt nhuyễn, giằm mạnh trái me xanh “núp” dưới đáy nồi, rồi chan vào chén bún – cá. Tức thì, mùi vị chua – ngọt thanh thoát toả ra, vây lấy khứu giác, làm tình làm tội tuyến nước bọt suốt bữa ăn.


Đồng thời, ở đây có nhiều loại rau dại tươi non mà Sài Gòn ít thấy như: đọt khổ qua, rau đắng đất, mướp “đỉa” (nhỏ gần bằng ngón chân cái)... Nhúng nhanh chúng vào nồi lẩu hoặc cháo cá đồng, cá sông – ngon đã đời!


bài và ảnh: tấn tới










Hãy cười như Phật Di Lặc, ở chùa Vĩnh Tràng, TP Mỹ Tho.







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ