Thứ Năm, 30 tháng 1, 2014

Biển Tây mùa xuân lộng lẫy con ruốc về

Biển Tây mùa xuân lộng lẫy con ruốc về

Biển Tây mùa xuân lộng lẫy con ruốc về


SGTT.VN - Trước khi tìm đến những hòn đảo của xứ Hà Tiên, tôi không thể hình dung hết là mọi thứ đều đẹp đẽ, long lanh chiếu sáng dưới ánh mặt trời...










Hoàng hôn nhuốm đỏ mặt nước, nhìn từ Hòn Trẹm.



Ngày thứ nhất: Sài Gòn – Rạch Giá


Sáu giờ sáng khởi hành. Xe gần đến Cai Lậy, một người bỗng thốt lên: “Sao không ghé ông Phạm Hoàng Quân?” Cả bọn trông chờ đến cây cầu Mỹ Đức Tây. Chuyến xe trở nên sôi nổi hẳn. Nào là “cái thằng cha chuyên nghiên cứu Tàu thì tìm đến chỗ có Mỹ-Đức-Tây để ở”. Tới nơi, đằng trước cửa khoá, đằng sau lối vào rậm cỏ, nhưng người thì đứng chờ sẵn. Thi sĩ Trần Tiến Dũng lần đầu tiên ghé nhà Quân kể từ khi ông bạn cho chữ hàng năm của anh chuyển về đây ở hẳn đã hai năm. Một vòng xem nhà, thi sĩ kết luận: “Nhà gì mà không có chữ gì đọc được thì có gì coi nữa đây!” Lát sau nơi hiên nhà đã có rổ trái cây, hộp bánh pía Sóc Trăng, mấy cái ly nhỏ và chai rượu trắng đã lắng đọng cả năm được bày biện thiệt hấp dẫn…


Đến phà Vàm Cống, gọi cho một nhân vật khác: anh Tùng, hội Nông dân làm du lịch, một người thú vị và chịu chơi. Nghe cuộc điện người Sài Gòn hỏi về món lá chúc, anh gọi lại nói đã đặt nhà hàng làm món gà hấp lá chúc. Rồi anh nói sẽ kiếm cây chúc về cho mọi người. Cái bọn nấu món tom yum của Thái Lan ở Sài Gòn dùng lá này thay cho gia vị chua của Thái mà lại ngon hơn nguyên bản. Chúc là một loại chanh rừng. Trái chúc nhỏ hơn quả bóng bàn, vỏ dày và sần sùi, nhưng tinh dầu bốc hơi nhanh, ăn đứt chanh nhà. Những cái mũi có cơ hội cộng hưởng với lưỡi thật tấu xảo lạ lùng. Thi sĩ nói, thì ra bây giờ mới biết miền Bắc có “gà hấp lá chanh” nhưng kém xa “gà nấu lá chúc” miền Tây vì nó ngọt, thơm và đậm đà hơn, lại không bị chanh chua, bị đắng…


Anh Tùng khoe mùa tết miền Tây giàu có nhất, trái cây đủ loại, tôm cá đầy đìa... du lịch về miền Tây mùa này giống như trở lại tuổi thơ, không phải lo nghĩ gì, chỉ cần uống rượu ngâm ủ vài năm và ăn hương đồng cỏ nội, vậy là đời lên tiên.


Tới Rạch Giá, thổ địa Kiên Giang, cô Lụa giới thiệu món sò lụa trong bữa tối ở một quán ốc nửa bình dân nửa cao cấp. Nhưng không may, hôm nay chỉ có lụa gầy! Cô bạn Lụa nói ngay, không sao, ngày mai mọi người đi đầm Bà Lụa còn có nhiều thứ hay hơn nữa. Rồi cô Lụa dẫn đi uống càphê, cái phố càphê đường mang tên bác Tôn thiệt là choáng ngợp, lộng lẫy còn hơn Sài thành. Cả một con đường càphê làm tưởng nhớ đến con đường cùng tên đầy ắp món ăn vỉa hè chiều đến thơm nức mùi lá lốt ở Sài Gòn.


Sáng hôm sau, cả một cuộc săn lùng bún cá Kiên Giang. Nhưng tiếc thay, có lẽ do biển ở đây bị “tước đoạt” một phần, nước lèo nấu bằng cá không còn, chỉ còn nước nấu bằng xương heo, với cá lóc nuôi. Quán bún ven đường và tô bún trong resort Hoà Bình cùng một phiên bản… Nhà báo Đỗ Th., quê Rạch Giá nói: “Phải ra ngã tư Ông Địa mới gặp bún thứ thiệt nấu bằng nước cá”.










Lội biển Hòn Đầm, lặn vớt nhum.



Ngày thứ hai: Kiên Lương, Hòn Đầm


Từ giã Rạch Giá, xe chạy bon bon. Đi để biết hòn Phụ tử tật nguyền, chùa Hang và resort Hòn Trẹm. Nhưng chỗ này chưa phải điểm đến, cả bọn đang háo hức lên tàu tìm đến những hòn đảo hoang nổi danh của vùng Kiên Lương. Bạn hiền dưới này chỉ cho hành trình như sau: đến bến tàu, đi ra Hòn Bà Lụa, chọn một hòn mà nghỉ chân, nhưng bạn khuyên chỉ cần đến Ba Hòn Đầm. Nơi đó phần biển tiếp giáp các hòn có thể lội qua, nước có cao cũng chỉ tới bụng. Lúc lội có thể mò ốc, bắt cua. Người dân giải thích: gọi Hòn Đầm vì ngày xưa lính Mỹ thường đưa vợ con tới đây tắm, dân quen gọi mấy bà này là “đầm”.


Qua khỏi nhà máy ximăng Kiên Giang, trước mặt có cây cầu nho nhỏ, đó là cống Bình An. Lại điện thoại nhờ chỉ đường ra bến thì anh Tài chủ tàu nói là rẽ phải đi theo đường đất dưới chân cầu thẳng vô khoảng 500m là tới.


Tàu Thuỷ Tài đã đợi sẵn ở bến... Resort Hòn Trẹm cử một anh chàng tuổi đôi mươi ra làm bạn nói chuyện biển, thiệt là chu đáo. Ông chủ tàu tên Hiền, hoá ra là con của chúa đảo Hai Mực. Từ ngày vợ qua đời, ông Hai Mực phiền muộn không ở đảo nữa mà về Hà Tiên, để đảo lại cho các con.


Từ đất liền ra đến đảo Ba Hòn Đầm mất khoảng một giờ đồng hồ. Mùa gió bấc, có chút sóng nhưng vì được bao bọc chung quanh hơn bốn chục hòn đảo lớn nhỏ nên biển vẫn êm. Các hòn đảo lô xô dọc hai mạn thuyền. Chưa định thần thì thuyền đã cập bến. Không ngờ, cái bến này đẹp như một giấc mộng lành.


Ba Hòn Đầm là ba hòn đảo nhỏ: Hòn Đước (trồng đước), Hòn Dương (cây ở đây chủ yếu là cây dương) và Hòn Giếng, nơi đào được cái giếng lớn nhất ngay giữa đảo, có độ sâu gần 40m. Hỏi ai đào giếng, anh Hiền cà rỡn: “Hình như là bom thả đào sẵn hố sâu, sau đó người mới đến đào miết, đào miết cho thấy nước mới thôi”. Ba hòn cách nhau khoảng vài trăm mét lội nước, cao nhất cũng chỉ ngang ngực. Lội từ Hòn Đước sang Hòn Dương, cát mịn hơn thảm nhung vì có lẫn phù sa, thi thoảng chân có chạm vào vật gì đó hơi gai một chút, cúi xuống sờ soạng, lấy lên một vốc tay đầy ốc và cả sò lụa... “Trời đất ơi, tới đảo hoang mà mò cua bắt ốc nè!”, một cô gái địa phương cất tiếng sang sảng, bọn đàn ông đâu có nghe vì đang mải chèo thuyền đi mò nhum.


Nhum ăn sống ngon khỏi bình phẩm. Sau đó còn được thưởng món cá mú vừa kho lạt vừa nấu chua.


Bốn giờ chiều, cậu quản lý khách sạn Hòn Trẹm đi theo đoàn báo là nên về cho kịp để ngắm hoàng hôn Biển Tây. Thuyền cập bến, mọi người hối hả lên xe về Hòn Trẹm. Xe đi vào khu resort, lăn bánh thẳng lên đỉnh đồi. Bước xuống nhìn thấy mặt trời đỏ ngầu từ từ lặn xuống mặt biển. Màu trời và mặt nước đều nhuộm ráng vàng, ráng hồng lung linh.


Cái tên Trẹm khiến nhiều người phán đoán. Cô Hải giám đốc, chúng tôi gọi đùa là bà chúa Hòn Trẹm, giải thích chữ Trẹm này là từ “trèm trẹm”, tiếng dân địa phương chỉ những vật gì nó không quá, nó vừa vừa. Nhưng từ điển của xứ Hà Tiên lại có từ “chèm chẹm” nghĩa cũng gần như vậy. “Trẹm” là gì không ai biết, vì xứ này còn có sông Trẹm chảy từ Cà Mau sang Kiên Giang đâu có nghĩa trèm trẹm chút nào. Nhưng như “lá diêu bông”, cái hư hư thực thực của nó khiến người ta nhớ mãi.


Bữa tối ở Hòn Trẹm, bà chúa đãi món lẩu cá bớp và cá thu chiên tươi ngon thấu trời. Đã vậy trên đường về từ Hòn Đầm cả bọn còn xin được mớ cá cơm vừa bắt dưới biển lên. Cá cơm chiên giòn ngon nhưng không ngọt bằng cá cơm Biển Đông, phóng viên Tấn Tới bình. L ại còn có cá cơm hai nắng đặc sản của nhà hàng.


Một điều đáng nhớ: bên dưới đồi Trẹm, sát bên bờ nước, gần một tán cây bàng gie ra, có hòn đá cô độc trông giống như một tượng mỹ nhân ngư tự nhiên chứ không phải tượng tạc như ở Copenhagen, Đan Mạch. Buổi rất sớm, nhìn hòn đá, người ta dễ nghĩ tưởng đến nàng tiên cá bị một hoàng tử lừa tình, không nỡ đâm chết đối thủ trong vòng tay người tình, trở về chết bên bờ biển vì nước cũng không dung kẻ bỏ cõi mà đi, của ông vua cổ tích Andersen. Bà chúa Hòn Hải đã bỏ qua việc khai thác cảnh này cho Hòn Trẹm xôm tụ hơn…














"Nàng tiên cá" dưới chân Hòn Trẹm. Ảnh: Đặng Kính



Cầu cảng lên Hòn Đầm.



Ngày thứ ba: Hà Tiên đồng vọng huyền tích họ Mạc


Một sớm mai gió chớm xuân hung hẩy, một ngày thật thích hợp để có thêm những lễ hội, và chúng tôi, những người tự tạo ra lễ hội cho mình, lần mò tìm đến dưới một gốc cây trứng cá, ngắm nhìn bà chị đang chuẩn bị món hủ tíu cho thực khách qua đường, tóc mai lóng lánh những giọt ánh sáng mồ hôi. Anh chàng Gò Công mê hủ tíu mà chuyến này toàn ăn nhà hàng, quán xá sang trọng anh không ưng bụng lắm, lại không gặp cô Thắm duyên quê khiến anh càng thất vọng. Lễ hội của ảnh là hủ tíu và cô Thắm mà thôi.


Sau đó ngược trở ra, xe đi Hà Tiên. Cách Hà Tiên bảy tám cây là mũi Ông Cọp, nơi chúa đảo Hai Mực sống một mình với hình bóng người vợ quá cố và bàn thờ cha ông, ông tổ khai phá Hòn Đầm cách đây gần trăm năm. Hồi đó, ông Hai nói, biển còn có cá mập trồi lên đớp cả mái chèo, còn đi từ bờ ra đảo mất cả ngày vì chưa có ghe máy.


Hà Tiên vẫn đậm màu sắc của dòng họ Mạc, người khai sáng xứ sở này. Ngôi mộ của bà Phù Dung nằm khuất trên đồi, phía sau chùa, lặng lẽ, cô tịch. Có cái hay là bà thoát khỏi cảnh phồn hoa trong chùa, nơi quy tập đủ cả chư tiên lẫn chư Phật. Căn gác nơi bà vẫn chiều chiều ra “vướng luỵ” nhìn về núi xa nơi ông chồng Mạc Thiên Tích ở, vẫn còn đấy…


Lăng mộ dòng họ Mạc chiếm một ngọn đồi khác. Đi hết khu lăng mộ, qua bên kia đồi, dưới chân lăng Mạc Cửu, là khu mộ cô Năm Mạc Mi Cô, tiểu thư của đô đốc Mạc Thiên Tích, bị nịnh thần chôn sống lúc mười ba tuổi vì nói những lời tiên tri với số phận lũ quan tham…


Lễ hội ở Hà Tiên mùa gió bấc, mùa xuân lộng lẫy con ruốc về cũng là lễ hội của những kẻ tìm ra chốn lưu trú cho riêng mình.


Ngân Hà. ảnh tấn tới










Đặc sản nhum Biển Tây.







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ