Nghệ thuật đương đại Việt Nam:
Bao giờ thôi đứng bên lề?
SGTT.VN - Khi dự án Viễn cảnh bảo tàng nghệ thuật đương đại (I-Camp) ra mắt (tháng 7.2013), xét điều kiện thực tế, đã có không ít nghi ngại rằng, đây chỉ là giấc mộng viển vông. Nhưng, dựa trên kết quả ban đầu, người ta phải suy nghĩ lại.
Sắp đặt tương tác địa hình Đợi gặt của Nguyễn Trí Mạnh. |
Trong ngày khai mạc I-Camp, nghệ sĩ Trần Lương, giám tuyển của dự án chia sẻ, anh vừa vui lại vừa buồn khi viễn cảnh bảo tàng nghệ thuật đương đại Việt Nam không thành hình tại Hà Nội hay TP.HCM, mà ở tận bảo tàng Không gian văn hoá Mường xa xôi. Khoảng cách 80km từ Hà Nội đến Hoà Bình và những băn khoăn về điều kiện trưng bày, bảo tồn tác phẩm khiến không ít nghệ sĩ ngại ngần. Giai đoạn đầu, có 13 tác giả tham gia dự án, một con số khiêm tốn nếu xét đến đội ngũ làm nghệ thuật đương đại đang phát triển dồi dào cả về chất và lượng. Tuy thế, đây đều là những gương mặt sáng giá, ít nhiều có thành tựu và đặc biệt bền bỉ với nghề như Lương Huệ Trinh, Nguyễn Thế Sơn, Nguyễn Trinh Thi… Trong buổi toạ đàm về I-Camp diễn ra tại Hà Nội ít ngày trước, thu hút khá đông khán giả chưa có điều kiện đến bảo tàng Không gian văn hoá Mường, series hình ảnh tác phẩm, video kèm thuyết trình của 13 nghệ sĩ đã làm cử toạ phấn khích. Trong lịch sử trên 15 năm hình thành của nghệ thuật đương đại Việt Nam, đây là lần đầu tiên, mức độ tương tác giữa tác phẩm với địa hình được tính toán cẩn trọng và thực sự mang lại hiệu quả thẩm mỹ. Khác biệt rõ nét nhất thể hiện trong những tác phẩm đã góp mặt vào nhiều dự án như: sắp đặt Dấu tích của Nguyễn Thị Thanh Mai từng tham dự triển lãm liên quốc gia Phong cảnh sông nước biến đổi, diễn ra tại sáu thành phố Đông Nam Á, hay Đợi gặt của Nguyễn Trí Mạnh, gây ấn tượng tại triển lãm Xanh Đỏ Vàng do viện Goethe tổ chức năm 2003… Rất thú vị khi vẫn là tác phẩm đó, được đặt vào một không gian trưng bày mới, thích hợp hơn, lại có hiệu quả khác hẳn.
Tác phẩm sắp đặt Dấu tích của Nguyễn Thị Thanh Mai. |
Nhưng, I-Camp khiến người ta ngạc nhiên hơn ở chỗ đem lại những hình dung không hề phức tạp về một bảo tàng nghệ thuật đương đại. Đơn giản, đó là sự cộng hưởng giữa những giám tuyển sắc sảo và những nghệ sĩ tài năng, tất nhiên, không thể thiếu kinh phí cùng một không gian trưng bày lý tưởng và quan trọng nhất là ổn định. Nhìn vào phép cộng này, thấy ngay, viễn cảnh cho một bảo tàng nghệ thuật đương đại Việt Nam, điều kiện cần đã có, nhưng điều kiện đủ thì… I-Camp kéo dài hoạt động trong nhiều năm, kinh phí cho những giai đoạn sau này hoàn toàn lệ thuộc nhiệt tình của nhà tài trợ. Mặt khác, dù nỗ lực đến mấy, bảo tàng Không gian văn hoá Mường với khả năng của một bảo tàng tư nhân, khó có thể giữ lại tất cả tác phẩm sau khi dự án kết thúc. Tới lúc đó, chưa rõ số phận của những sáng tác đương đại này ra sao, bị chính tác giả thiêu huỷ hay may mắn hơn, được các bộ sưu tập quốc tế để mắt tới. Mà thực tế, đã có rất nhiều tác phẩm nghệ thuật đương đại Việt Nam “chảy máu” ra nước ngoài.
Rõ ràng, nếu không có những khoản đầu tư vững chắc như từ phía Nhà nước, thì điều kiện đủ cho một bảo tàng nghệ thuật đương đại chưa biết ngày nào mới hoàn thành. Điều khó hiểu là, qua hơn 15 năm phát triển trong một xu thế tất yếu, tới giờ này, nghệ thuật đương đại Việt Nam vẫn bị xem là một thứ nghệ thuật bên lề, hoàn toàn không thuộc diện được đầu tư chính thống. Thậm chí năm qua, dù nghệ thuật đương đại có nhiều bước tiến, thể hiện trong những triển lãm mang ý nghĩa xã hội sâu sắc như: Ký ức nhà Lang, Đình làng… nhưng bảng công bố mười sự kiện, hoạt động tiêu biểu ngành mỹ thuật – nhiếp ảnh 2013 không một dòng nhắc đến thành tựu đáng biểu dương này.
Chỉ e, tới lúc Việt Nam thực sự có một bảo tàng nghệ thuật đương đại, thì cả một giai đoạn nền móng với rất nhiều tác phẩm chất lượng đã “chảy máu”…
Sông Thao
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét