Thứ Sáu, 31 tháng 1, 2014

“Đừng quay lưng với những dòng sông”

“Đừng quay lưng với những dòng sông”

KTS Nguyễn Văn Tất:


“Đừng quay lưng với những dòng sông”


“Thành phố ta rất giàu quỹ mặt nước”, KTS Nguyễn Văn Tất nói về đặc điểm sông nước của Sài Gòn – TP.HCM và coi đó là một tài nguyên lớn. Cuộc trò chuyện của ông với Kiến trúc & Đời sống đầu xuân 2014 xoay quanh câu chuyện làm sao để có thể sử dụng tốt nhất nguồn tài nguyên này cho sự phát triển, cho đời sống của người dân thành phố.











Sài Gòn – TP.HCM là thành phố có “đặc thù sông nước”. Ông cảm nhận đặc thù đó như thế nào?


Nói đến Sài Gòn sông nước là tôi nghĩ ngay đến… sông nước Sài Gòn. Ở đây không phải là chuyện chơi chữ. Sông nước Sài Gòn là một yếu tố lớn của đô thị Sài Gòn chứ không phải là bản chất của cấu trúc đô thị. Nó có thể cho mình một định hướng chính xác hơn hoặc xây dựng những hình mẫu cho vấn đề phát triển của thành phố.


Tôi còn nhớ, khoảng đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, có lần tôi đi từ nông trường Đỗ Hoà (Duyên Hải – nay là Cần Giờ) về TP.HCM bằng đường sông. Trời tối, lớ ngớ thế nào, đoàn bị lạc. Dù sống ở Sài Gòn – TP.HCM đã lâu, buổi tối đó là lần đầu tiên tôi được tiếp cận thành phố từ sông nước ở hướng Bình Chánh. Tôi không nhận ra hay nói đúng hơn là kinh ngạc giữa mênh mông sông nước của Sài Gòn. Cho đến lúc đó, tôi cũng nghe nói về một Sài Gòn sông nước nhưng vẫn không thể tưởng tượng được sông nước Sài Gòn lại bao la đến thế.


Nhưng rồi thành phố chúng ta cũng có những thời điểm người ta phải kêu trời vì các dòng sông, dòng kênh bị lấn chiếm, bị ô nhiễm?


Đúng như vậy. Vẫn có những thời điểm, người ta có thể hào hứng, điềm nhiên lấp một đoạn sông rạch nào đó cho cái gọi là “phát triển đô thị”.


Sài Gòn có một mạng sông rạch kênh mương chằng chịt, có thể nói là thành phố ta rất giàu về quỹ mặt nước so với nhiều thành phố khác. Nhưng đã có một sự quên lãng về chính sách trong những năm qua. Đây là sự phí phạm rất lớn nguồn tài nguyên lớn lao này. Tôi nghĩ đó là cách ứng xử quay lưng với những dòng sông.


Tôi cho rằng sự trở lại với quỹ mặt nước phong phú này là việc chắc chắn phải xảy ra, chỉ có sớm hay muộn mà thôi. Nhưng nay đã bắt đầu có chuyển động thì rất đáng hoan nghênh.


Đã có một số cụm đô thị nhà ở khai thác cảnh quan sông rạch, những căn hộ “có view sông” được đưa vào quảng cáo. Ông có nghĩ điều đó là khai thác tốt lợi thế kênh rạch?


Ta đã có một số cụm đô thị mới tiếp cận với sông nước nhưng theo chủ quan tôi nhận xét, đó vẫn chỉ là dùng sông nước như cảnh quan điểm xuyết cho kiến trúc. Với tôi, ứng xử như vậy, với một chút cải thiện, cũng vẫn là một cách quay lưng với dòng sông.


Khác với các đô thị như Venise, Rosterdam hoặc như một vài đô thị khác của vùng Cà Mau có yếu tố sông nước bao trùm, Sài Gòn – TP.HCM là sự giao thoa giữa sông nước và hệ thống giao thông bộ bình thường. Với một đô thị sông nước thì giao thông thuỷ là giao thông chính tắc, là cực kỳ quan trọng. Với đô thị bình thường thì giao thông bộ là chính. Sài Gòn có giao thoa trên bến dưới thuyền, là đầu mối lớn cả về giao thông thuỷ và giao thông bộ. Ngoài sông Sài Gòn, sông Đồng Nai còn có hệ thống sông Thị Nghè, rạch Bến Nghé, rạch Ông… Giai đoạn đầu của phát triển Sài Gòn, bến Bình Đông, rạch Bến Nghé là trục thương mại cực kỳ nhộn nhịp. Nó để lại cho ta một di sản kiến trúc thực sự lớn ở vệt này. Các trung tâm đô thị hình thành ở thời kỳ tiếp sau có thể kể Chợ Lớn, khu Thủ Đức… và hiện nay có thêm Thủ Thiêm. Sự phát triển này dựa trên giao thông đường bộ. Nếu ta xem đó là quy luật để quên đi giao thông thuỷ thì là một sai lầm. Giao thông thuỷ ngày nay rất phát triền. Xa thì có Pháp, Bỉ, Hà Lan, gần thì có Bangkok, họ kết nối giao thông thuỷ và giao thông bộ rất tốt.


Bản quy hoạch khu trung tâm hiện hữu TP.HCM vốn bắt đầu từ đồ án được giải của Nikken Sekkei đã được ban hành. Đồ án này được chọn với nhận xét từ hội đồng tuyển chọn là “Nhấn mạnh cảnh quan kết nối đô thị hai bên bờ sông để làm nổi bật đặc điểm đô thị đặc thù sông nước của Sài Gòn – TP.HCM”… Ông muốn chia sẻ thêm điều gì khi quá trình triển khai thực tế đã được bắt đầu.


Có thể đồ án của Nikken Sekkei đã giải quyết được về nguyên tắc khai thác mặt nước kết hợp với bờ sông. Giả sử có một sân khấu nước ở vị trí tiếp cận được bằng đường thuỷ thì sẽ có ấn tượng đẹp về không gian chuyên dụng của công trình.


Có được đồ án quy hoạch với không gian đô thị giàu bản sắc Sài Gòn, theo tôi, cần đặt giao thông thuỷ về đúng tầm vóc của nó. Đó là sứ mệnh chung của cả thành phố này.


Cái đầu tiên cần làm và phải làm được là kết nối giao thông thuỷ – bộ. Ở đây không chỉ là kết nối lý tính thông thường theo kiểu có thuyền thì có bến mà phải là kết nối công năng được tổ chức bài bản, đòi hỏi phải có sự tiếp nhận từ bến đến các phương tiện khác của hệ thống giao thông bộ.


Giao thông thuỷ trong đô thị hiện nay có yếu tố giao thông – giải trí – du lịch chứ không đơn thuần là vận chuyển hàng hoá. Trong đời sống thực tế, con đường hiệu quả nhất không hẳn là đường thẳng. Có công trình ngay bờ sông nhưng cũng có công trình xa bờ sông. Giao thông thuỷ phải có bến, có điểm đón để đưa du khách tiếp tục hoà nhập vào hệ thống đường bộ. Tôi mới đi Bangkok và tham gia một chuyến du lịch đường thuỷ. Tôi nhận thấy có hơn phân nửa là khách nội địa dùng đường thuỷ như phương tiện giao thông thuần tuý. Ở nơi kẹt xe như Bangkok thì giao thông thuỷ đúng là lý tưởng.


Lâu nay ta đầu tư rất nhiều tiền cho xe bus nhưng tại sao tuyến giao thông thuỷ với nhiều ưu điểm về đầu tư lại chưa được quan tâm khai thác? Rạch Thị Nghè – kênh Nhiêu Lộc là một điểm son về cải thiện môi trường đô thị. Cùng với dòng chảy thông thoáng là hai con đường bên rạch. Nói cách nào đó có vẻ như thừa nhưng nếu giao thông thuỷ được tổ chức tốt thì hai con đường hai bên sẽ là nơi thu gom, phân bổ để phát huy tối đa năng lực hiệu quả của giao thông thuỷ. Tiếc là ta chưa làm được điều này. Nếu như chính sách được khẳng định và ấn định từ sớm có lẽ đã không có hàng loạt cầu qua rạch không có độ tĩnh không, không đảm bảo mỹ quan đô thị như hiện nay.


Ta cần còn đường – dòng sông – kênh rạch được kết nối hoàn chỉnh bởi taxi sông, bus sông với đường trên bộ. Ta vẫn còn tư tưởng ngôi nhà quay ra phố mới là nhà mặt tiền, còn nhà quay ra sông là phần phía sau của căn nhà. Ta quên mất dòng sông là một đại lộ thênh thang mát mẻ. Tại sao nó không phải là mặt tiền?


Có nghĩa là từ chỗ quay lưng với dòng sông, bây giờ ta phải quay mặt hướng ra phía dòng sông?


Chính xác là đừng lãng quên, đừng phí phạm giá trị những dòng sông. Nói thì dễ nhưng làm thì không dễ. Nó đòi hỏi phải chuyển từ trong suy nghĩ, đòi hỏi cả một quá trình.


Tôi nhắc lại sự kiện vừa diễn ra dịp 30.4.2013. Thành phố tổ chức cuộc đua ghe ở cầu Mống. Đường và cầu là khán đài để người dân quan sát sự kiện diễn ra trên mặt sông. Đó là hình ảnh thể nghiệm một quảng trường nước. Dù là một sự kiện nhỏ nhưng cũng đã gặp không ít ý kiến khó khăn. Rất may là sau khi xong mọi chuyện, hình ảnh để lại là ấn tượng tốt.


Lẽ ra với điều kiện tự nhiên của Sài Gòn ta phải làm những cái như vậy nhiều hơn. Có những việc làm mà ta không dễ hình dung ngay ra được.


Hơn 20 năm trước, năm 1990, khi đang làm ở Sài Gòn tourist, tôi có cơ hội góp ý cho phương án đang được cân nhắc lựa chọn cho dự án Phú Mỹ Hưng. Tôi hết sức ấn tượng với một “phạm quy” của công ty Skidmore Owings & Merrill- SOM (Mỹ), đơn vị chủ trì thiết kế Phú Mỹ Hưng. Thay vì chỉ cần vẽ đô thị cho phần sẽ phát triển là 1.600ha thì họ vẽ vượt thêm thành tổng cộng 2.700ha. Dù chỉ là bản vẽ phác nhưng việc vẽ mở rộng thêm cho một vùng với những hoạch định cảnh báo sẽ có liên quan như vậy là cần thiết. Tôi còn nhớ mình đã có ấn tượng đẹp thế nào với bản vẽ tay phác thảo cho một quảng trường nước trung tâm với đường bờ cong ấn tượng. Hơn hai mươi năm sau, cầu Ánh Sao đã hoàn thành ở đó và trở nên một điểm cảnh quan nổi tiếng. Phú Mỹ Hưng đã hình thành giữa vùng sông nước dù thực chất nó không phải là một đô thị sông nước. Quảng trường nước chỗ cây cầu Ánh Sao phải chăng là một giá trị?


Kiến trúc quy hoạch không phải là gạch đá bêtông, là mảng xanh mà giá trị cốt lõi lâu dài là giá trị nhân văn ẩn chứa trong đó.


thực hiện: Hưng long


ảnh: thu vân









Quỹ mặt nước của Sài Gòn – TP.HCM


TP.HCM có mạng lưới sông ngòi kênh rạch rất đa dạng. Sông Ðồng Nai Bắt nguồn từ cao nguyên Lâm Viên, hợp lưu bởi nhiều sông khác, có lưu vực khoảng 45.000km². Với lưu lượng bình quân 20 – 500m³/s, hàng năm cung cấp 15 tỉ m³ nước, sông Đồng Nai là nguồn nước ngọt chính của thành phố. Sông Sài Gòn bắt nguồn từ vùng Hớn Quản, chảy qua Thủ Dầu Một đến TP.HCM, với chiều dài 200km và chảy dọc trên địa phận thành phố dài 80km. Sông Sài Gòn có lưu lượng trung bình khoảng 54m³/s, bề rộng tại thành phố khoảng 225 – 370m, độ sâu tới 20m. Nhờ hệ thống kênh Rạch Chiếc, hai con sông Đồng Nai và Sài Gòn nối thông ở phần nội thành mở rộng. Một con sông nữa của TP.HCM là sông Nhà Bè, hình thành ở nơi hợp lưu hai sông Đồng Nai và Sài Gòn, chảy ra biển Đông bởi hai ngả chính Soài Rạp và Gành Rái. Trong đó, ngả Gành Rái chính là đường thuỷ chính cho tàu ra vào bến cảng Sài Gòn. Ngoài ra, TP.HCM còn có một hệ thống kênh rạch chằng chịt: Láng The, Bàu Nông, rạch Tra, Bến Cát, An Hạ, Tham Lương, Cầu Bông, Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Bến Nghé, Lò Gốm, kênh Tẻ, Tàu Hủ, kênh Ðôi...


Năm 1985, diện tích mặt nước ở TP.HCM chiếm trên 25% diện tích tự nhiên của thành phố. Nhưng do phát triển các dự án đô thị, đến nay, diện tích mặt nước ở nội thành chỉ chiếm 10,43% tổng diện tích tự nhiên. Số liệu toàn thành phố hiện ước tính tổng chiều dài sông, rạch, kênh… gần 8.000km, diện tích mặt nước chiếm khoảng 16% diện tích.


Theo sở Giao thông vận tải TP.HCM, sở đã phối hợp với sở Văn hoá Thể thao và Du lịch, sở Quy hoạch – Kiến trúc nghiên cứu thực địa đề xuất xây dựng, cải tạo từ nay đến năm 2015 tất cả 18 cầu tàu, nhà chờ. Còn lại 34 vị trí kêu gọi doanh nghiệp đầu tư theo phương thức xã hội hoá. UBND TP cũng giao cho tổng công ty Du lịch Sài Gòn khẩn trương thực hiện đầu tư xây dựng, nâng cấp các bến do đơn vị quản lý gồm Bình Quới 1, 2, 3 và Tân Cảng cũng như đầu tư xây bến tại khu vực Cresent Mall.


(tổng hợp theo trang city web TP.HCM, báo Nông nghiệp Việt Nam, báo Nhân Dân)







Kinh tế khí hậu xa và gần

Kinh tế khí hậu xa và gần

Kinh tế khí hậu xa và gần


SGTT.VN - Đã có nhiều bằng chứng cho thấy thảm hoạ thiên tai và hiện tượng biến đổi khí hậu – nước biển dâng là một trong những rào cản cho mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội ở Việt Nam. Bất thường của khí hậu khiến các nỗ lực trong cuộc chiến trường kỳ chống lại đói nghèo trở nên thiếu bền vững, tốn kém hơn và nhiều khó khăn hơn.










Sự thảm liệt của cơn bão Haiyan, khiến Philippines phải cần đến 5 năm, với chi phí gần 2 tỉ USD để tái thiết và hồi phục. Ảnh: TLCK



“Đánh bạc với trời…”


Tại Việt Nam, câu nói “đánh bạc với trời…” không phải là mới đối với nhiều nông dân, ngư dân, diêm dân… nói chung là tất cả những ai mà sinh kế phải phụ thuộc cao vào thời tiết, vào dòng chảy, vào thời vụ…


Tập hợp các số liệu thống kê của cơ sở Dữ liệu sự kiện khẩn cấp (EM-DAT), tổ chức Y tế thế giới và uỷ ban Phòng chống lụt bão Trung ương, trung bình mỗi năm Việt Nam thiệt hại khoảng 1,9 tỉ USD tổng sản phẩm quốc nội (GDP) theo sức mua (PPP), hay 1,3% GDP do các trận bão lũ gây ra. Tháng 11.1997, cơn bão Linda (bão số 5) đổ bộ vào vùng biển Cà Mau gây tổn thất 778 người và mất tích 2.123 người, làm bị thương 1.232 người, thiệt hại vật chất ước tính đến 7.200 tỉ đồng thời điểm lúc đó. Trận lũ năm 2000, có hơn 750 người chết và bị thương, thiệt hại kinh tế lên tới 4.600 tỉ đồng. Năm 2006, cơn bão Xangsane gây thiệt hại khoảng 1,2 tỉ USD tại các tỉnh duyên hải miền Trung. Các ước tính của tổ chức CARE và Oxfam cho biết, hiện tượng biến đổi khí hậu có thể gây thiệt hại 1 – 3% GDP của Việt Nam.


Thiên nhiên nổi giận


Thiên nhiên đã trừng phạt các hành động tàn phá môi sinh của con người. Vừa qua, trận siêu bão Haiyan càn quét qua thành phố Tacloban của Philippines chưa quá năm giờ, thiệt hại về cơ sở hạ tầng đã là hơn 885 triệu USD. Quay về quá khứ, trận động đất gần 10 độ Richter gây sóng thần kinh hoàng năm 2004 ở ngoài khơi Ấn Độ Dương đã giết chết gần 250.000 người ở 11 quốc gia. Bảy năm sau, 2011, một trận động đất và sóng thần với cường độ tương tự đã xảy ra ngoài khơi phía đông Nhật Bản, số người chết khoảng 11.000 người, thiệt hại về vật chất thì cao kỷ lục thế giới: hơn 300 tỉ USD, vượt hơn 12 lần so với siêu bão Katrina tấn công nước Mỹ năm 2005. Theo ước tính của Nordhaus (2005), nếu nhiệt độ không khí toàn cầu tăng thêm chừng 2,5 độ C thì thiệt hại cho toàn cầu vào khoảng 1,5 – 1,9% tổng sản lượng quốc gia (GNP) toàn thế giới, riêng các nước ở châu Phi tác động này có thể gần đến 4%, còn Ấn Độ là 5%.


Trong hội nghị về biến đổi khí hậu lần thứ 19 do Liên hiệp quốc tổ chức tháng 11.2013 – gọi tắt là COP19 tại thủ đô Warsaw của Ba Lan, ngân hàng Thế giới đã đưa ra con số thiệt hại do thời tiết cực đoan gây ra đối với kinh tế toàn cầu trong một thập kỷ qua đã tăng lên gần 200 tỉ USD/năm, và khi tình trạng nóng lên toàn cầu nhanh hơn gây hiện tượng biến đổi khí hậu và nước biển dâng theo chiều hướng xấu thêm thì thiệt hại kinh tế sẽ tiếp tục tăng cao. Khả năng kéo ngược diễn biến khí hậu hiện nay trở về quá khứ vài ba thập niên trước dường như vô cùng khó trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và chính trị hiện nay. Nhật Bản, một trong các quốc gia khởi xướng sáng kiến và cho ra đời nghị định thư Kyoto ký ngày 11.12.1997 và có hiệu lực từ ngày 16.2.2005, thống nhất giữa các quốc gia công nghiệp trong vấn đề cắt giảm khí thải trên 5,2% so với năm 1990. Tuy nhiên, do sự cố rò rỉ phóng xạ từ thảm hoạ động đất và sóng thần, Nhật Bản phải đóng cửa các lò phản ứng hạt nhân, chuyển sang dùng nhiên liệu hoá thạch khiến mục tiêu giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính chỉ còn 3,8% đến năm 2020, thay vì 25% như đã cam kết. Cũng tại COP19, Canada không còn tích cực tham gia cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu. Đất nước băng giá suốt tám tháng trong một năm này lại thấy hiện tượng nóng lên toàn cầu có vẻ tạo cho họ những thuận lợi: nhiều vùng đất canh tác ở Canada có được mùa hè dài hơn, diện tích canh tác mở rộng hơn, việc trồng trọt dễ dàng hơn, ngoài ra băng đá trên biển tan nhiều hơn giúp vận tải thuỷ trên Bắc Băng Dương nhộn nhịp hơn, có thể khai thác dầu khí và các khoáng sản ở đáy biển vùng cực Bắc. Điều này khiến các mục tiêu làm giảm tốc độ nóng lên trên toàn cầu trở nên bấp bênh hơn.


Lấy của che thân









Hiểu một cách ước lệ, nếu các quốc gia bỏ ra 1 đồng vào năm 2020 để ứng phó với khí hậu bất thường thì có thể giảm được 30 đồng thiệt hại cho đến 50 năm sau.



Cách thức gần như duy nhất và cấp bách mà nhiều diễn đàn quốc tế đã nêu lên là các nước phải tìm cách giảm thiểu tốc độ phát thải khí nhà kính trên quy mô toàn thế giới, đồng thời phải tìm ra các giải pháp thích nghi riêng biệt với sự thay đổi khí hậu trong tương lai cho từng ngành nghề, từng nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong từng vùng ở mỗi quốc gia. Đầu tư cho các hoạt động phòng tránh thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu cho các quốc gia nghèo và dễ bị tổn thương, theo ước tính của các chuyên gia, cần ít nhất 100 tỉ USD từ nay đến năm 2020. Số tiền này không phải dùng để mua bảo hiểm mà để đầu tư cho các biện pháp phòng chống, giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy đây là một số tiền rất cao nhưng nếu thực hiện tốt có thể giảm thiểu được thiệt hại do thời tiết cực đoan gây nên, chừng 3.000 tỉ USD cho đến năm 2070. Hiểu một cách ước lệ, nếu các quốc gia bỏ ra 1 đồng vào năm 2020 để ứng phó với khí hậu bất thường thì có thể giảm được 30 đồng thiệt hại cho đến 50 năm sau. Đây là con số có ý nghĩa về đầu tư cho kinh tế khí hậu (climate economics), một ngành khoa học mới hình thành gần mười năm nay, đang được nhiều quốc gia phát triển chú ý.

Nói đến kinh tế khí hậu, sẽ bao gồm hai yếu tố chính, đó là nguồn kinh phí để thực hiện các kế hoạch hành động ứng phó với với khí hậu thất thường; và phương cách sử dụng nguồn kinh phí đó một cách hiệu quả, công bằng và minh bạch. Nguồn kinh phí sẽ gồm tỷ lệ phần trăm phân phối ngân sách quốc gia và đóng góp địa phương, cộng thêm các khoản tài trợ của chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ. Số tiền này phải được sử dụng một cách khôn ngoan, có lồng ghép cho các nhóm hoạt động mang tính phi công trình và công trình. Các kế hoạch chiến lược phải cân nhắc sau một loạt điều tra, khảo sát, phân tích và tổng hợp các yêu cầu hành động từ ngắn hạn cho đến dài hạn.


Các nhà môi trường cho rằng việc sử dụng các nguồn tài chính nhằm giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu phải nhắm đến các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực cho cộng đồng người nghèo, giúp các cộng đồng biết xây dựng kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng và lồng ghép quản lý rủi ro thiên tai vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, trong đó có việc xây dựng hệ thống cảnh báo sớm thiên tai và tăng khả năng, kỹ năng ứng phó với thiên tai cho từng thành viên cộng đồng. Việc đào tạo và cung cấp nguồn vốn giúp người nghèo có thêm các sinh kế bền vững và ít bị thiệt hại do những thay đổi của thời tiết và môi trường. Về mặt công trình, nguồn tài chính phải được sử dụng hiệu quả trong các hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông và thuỷ lợi. Trên quy mô quốc gia, một chiến lược tăng trưởng xanh cần được cổ vũ. Một nền kinh tế xanh phải thoả mãn ba yêu cầu chủ yếu: tối thiểu hoá sự phát thải các khí gây ra hiệu ứng nhà kính; tối ưu hoá việc sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên; và phát triển phải bền vững trên cơ sở tạo nên một sự công bằng chung cho toàn xã hội.


PGS.TS Lê Anh Tuấn (viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu – đại học Cần Thơ)






Sài Gòn không cần nhập tịch

Sài Gòn không cần nhập tịch

Sài Gòn không cần nhập tịch


SGTT.VN - Đã nhiều lần tôi ước mình được sinh ra đâu đó ở miền quê, có sông suối núi đồi, vườn cây hoa lá, để lâu lâu về quê có những “đêm buồn tỉnh lẻ”, về Sài Gòn kể chuyện làm quà ra điều lãng mạn.










Những người Việt trên con tàu vào Nam hồi 1954. Ảnh: tư liệu



Sinh ra, lớn lên và sống gần hết đời ở cái đất Sài Gòn này mới thấy nó chán phèo. Hồi nhỏ thì chơi tạt lon, đánh đáo, giựt cô hồn… Thả diều không được, vì sợ vướng dây điện. Lớn hơn chút nữa thì chơi bầu cua, cáttê, xập xám…


Mỗi tối mẹ sai tôi xách thùng rác ra gốc me ngoài đường đổ. Tối cúp điện, tôi vừa xách thùng rác vừa nghêu ngao: “… Đường về hôm nay tối thui, gập ghềnh em không thấy tôi, em đụng tôi, em nói tôi đui…” Tội nghiệp bản Kiếp nghèo của Lam Phương, tôi chỉ cám cảnh a dua hát theo chứ đâu biết sửa lời. Trời nóng, để tạm thùng rác ở gốc me, chạy ra phông tên nước gần đó, năn nỉ mấy chị ma-ri-sến cho em thò cái đầu vô vòi nước một chút. Mát đầu có sức quậy tiếp.


Xóm nhỏ đôi khi lầy lội. Thỉnh thoảng mấy bà trong xóm cãi nhau ầm ĩ. Hôm sau hai ông chồng lại ngồi khề khà nhậu với nhau, còn mấy bả đon đả tiếp mồi.


Cãi nhau là chuyện nhỏ, chuyện hôm qua cho nó qua luôn. Đời sống nghèo ở Sài Gòn là vậy, có gì thơ mộng đâu?


Mà nói thiệt, tôi là dân Bắc kỳ… chín nút. Nhưng đó là chuyện của ba má tôi, dù sau này có về thăm quê nội ngoại tôi vẫn thấy hụt hẫng và hờ hững thế nào ấy. Tôi lớn lên ở Sài Gòn, không khí Sài Gòn, cơm gạo Sài Gòn, đầu Sài Gòn, tim Sài Gòn… bao nhiêu thứ buồn vui với nó. Trong tôi cứ bám riết cái Sài Gòn chán phèo này, dù đôi lúc mặc cảm mình không phải là dân Sài Gòn.


Hồi 54, cả trăm ngàn dân di cư mang theo đủ loại kiểu sống bó trong luỹ tre làng đem nhét hết vô mảnh đất nhỏ xíu này, cũng gây xáo trộn cho người ta chứ. Phong tục, tập quán, ở đất người ta mà cứ như là ở đất mình. Nhưng người Sài Gòn chỉ hiếu kỳ một chút, khó chịu một chút, rồi cũng xuề xoà đón nhận. Lúc đầu tụi bạn ghẹo tôi là “thằng Bắc kỳ rau muống”. Con nít đổi giọng nhanh mà, trong nhà giọng Bắc, ra ngoài giọng Nam. Thế là huề hết. Rủ nhau đi oánh lộn phe nhóm là chuyện thường. Khỏi cần biết đúng sai, mày đánh bạn tao, thì tao đánh lại, oánh lộn tưng bừng. Vài ngày sau lại rủ nhau đi xem xinê cọp. Dễ giận dễ quên.


Hè, tụi bạn về quê, Bến Lức, Vĩnh Long, Kiến Hoà… Cũng chia tay hứa hẹn, tình cảm ra rít: “Tao về quê sẽ mang lên cho mày ổi xá lỵ, xoài tượng…” Tôi ngóng cổ chờ bạn, chờ quà. Thực ra, tôi thèm có quê để về.


Tết đến, thầy cô, bạn bè về quê, nhiều người Sài Gòn xôn xao về quê. Tôi ở lại Sài Gòn mà thấy mình vẫn không phải dân Sài Gòn. Vậy ai là dân Sài Gòn chính hiệu đây? Chẳng lẽ phải tính từ thời mấy ông Pétrus Ký hay Paulus Của?


Sài Gòn trẻ măng, mới chừng hơn 300 tuổi tính từ thời Chúa Nguyễn xác lập chủ quyền ở đây. Sài Gòn khi cắt ra khi nhập vào, to nhỏ tuỳ lúc. To nhất khi nó là huyện Tân Bình, kéo dài đến tận Biên Hoà. Nhỏ nhất là vào thời Pháp mang tên Sài Gòn. Ngay trước 1975, Sài Gòn rộng chừng 70km2, có 11 quận, từ số 1 – 11. Hồi đó Phú Nhuận, Tân Bình, Thủ Đức... còn được xem là nhà quê (tỉnh Gia Định). Bây giờ Sài Gòn rộng tới 2.000km2.


Sài Gòn đắc địa, có cảng nối biển, là đầu mối giao thương quốc tế, tiếp cận văn minh Tây phương sớm. Dân Sài Gòn không có địa giới rõ rệt. Nói tới họ có vẻ như là nói tới phong cách của dân miền Nam. Họ là những lưu dân khai phá, hành trang không có bờ rào luỹ tre nên tính tình phóng khoáng, trọng nghĩa khinh tài, nói năng bộc trực… Ai thành đại gia thì cứ là đại gia, ai bán hàng rong thì cứ bán.


Sài Gòn không tự hào mình là người thanh lịch, không khách sáo, không mời lơi. Họ lấy bụng đãi nhau. Sài Gòn có mua bán chém chặt? Có, đúng hơn là nói thách. Cứ vô chợ Bến Thành xem mấy bà bán mỹ phẩm, hột xoàn hét giá mát trời ông Địa. Không cứ khách tỉnh, dân Sài Gòn lơ mơ cũng mua hớ như thường.









Sài Gòn nhỏ tuổi nhiều tên, nhưng dù thế nào Sài Gòn vẫn là Sài Gòn. Nhiều người thành danh từ mảnh đất này. Sài Gòn nhớ không hết, nhưng mấy ai nhớ đến chút tình của Sài Gòn? May ra những người xa Sài Gòn còn chút gì nhức nhối...



Ít nơi nào nhiều hội ái hữu, hội tương tế, hội đồng hương như Sài Gòn. Có máu lưu dân trong người, dân Sài Gòn thông cảm đón nhận hết, không ganh tị, không thắc mắc, không kỳ thị. Người ta kỳ thị Sài Gòn, chứ Sài Gòn chẳng kỳ thị ai. Nhiều gia đình người Bắc người Trung ngại dâu ngại rể Sài Gòn, chứ dân Sài Gòn chấp hết, miễn sao ăn ở biết phải quấy là được.

Dân Sài Gòn làm giàu bằng năng lực hơn là quyền lực. Người ta nói “dân chơi Sài Gòn”. Trời đất! Sài Gòn mà “tay chơi” cái nỗi gì. Tay chơi dành cho những đại gia giàu lên đột xuất từ đâu đó đến. Sài Gòn a dua thì có, nhưng a dua biết chọn lọc. Coi vậy chứ dân Sài Gòn đâu đó còn chút máu “kiến nghĩa bất vi vô dõng giả”. Cứ xem dân Sài Gòn làm công tác xã hội thì biết, cứu trợ lũ lụt thấy người ta lạnh quá, cởi áo len đang mặc tặng luôn. Họ làm vì cái bụng nó thế, chứ không phải vì PR, đánh bóng bộ mặt.


Biết bao văn nghệ sĩ miền Bắc, miền Trung vào đất này “quậy” tưng, tạo ra cái gọi là văn học miền Nam hậu 54 coi cũng được quá chứ? Nhạc sĩ Lam Phương, quê Rạch Giá, mười tuổi đã lưu lạc lên Sài Gòn kiếm sống. Năm 17 tuổi nổi danh với bản Kiếp nghèo và khá giả từ đó.


Tiếp cận văn minh phương Tây sớm, nên dân Sài Gòn có thói quen ngả mũ chào khi gặp đám ma, xe hơi không ép xe máy, xe máy không ép người đi bộ, chạy xe lỡ va quẹt nhau, giơ tay chào ngỏ ý xin lỗi là huề. Những thói quen này giờ đây đang mất dần, nhưng dân Sài Gòn không đổ thừa cho dân nhập cư. Họ cố gắng duy trì (dù hơi tuyệt vọng) để người mới đến bắt chước. Chợ hoa là một chút văn hoá của Sài Gòn, có cả nửa thế kỷ nay rồi, có dân nhập cư nào “yêu” hoa mà ra đó cướp giựt hoa đâu.


Sài Gòn nhỏ tuổi nhiều tên, nhưng dù thế nào Sài Gòn vẫn là Sài Gòn. Nhiều người thành danh từ mảnh đất này. Sài Gòn nhớ không hết, nhưng mấy ai nhớ đến chút tình của Sài Gòn? May ra những người xa Sài Gòn còn chút gì nhức nhối. Tôi có người bạn Bắc kỳ chín nút, xa Việt Nam cũng gần 40 năm. Tên này một đi không trở lại, vừa rồi phone về nói chuyện lăn tăn, rồi chợt hỏi: “Sài Gòn còn mưa không?” – “Đang mưa”. Đầu phone bên kia thở dài: “Tao nhớ Sài Gòn chết… mẹ!” Sài Gòn nay buồn mai quên, nhưng cũng có nỗi buồn chẳng dễ gì quên.


Mới đây đi trong con hẻm lầy lội ở Khánh Hội, chợt nghe bài Kiếp nghèo vọng ra từ quán cóc ven đường. Tôi ghé vào gọi ly càphê. Giọng Thanh Thuý sao da diết quá: “Thương cho kiếp sống tha hương, thân gầy gò gởi theo gió sương…” Chủ quán, ngoài 60 cầm chồng báo cũ thẩy nhẹ lên bàn “Thầy Hai đọc báo…” Hai tiếng “thầy Hai” nghe quen quen… Tự nhiên tôi thấy Sài Gòn như máu chảy từ tâm, Sài Gòn bao dung. Tôi chợt hiểu ra, mình đã là người Sài Gòn từ thuở bào thai rồi, cần gì xin nhập tịch.


vũ thế thành






Thứ Năm, 30 tháng 1, 2014

iPhone 6 sử dụng kính sapphire?

iPhone 6 sử dụng kính sapphire?

iPhone 6 sử dụng kính sapphire?


SGTT.VN - Không ngoại trừ khả năng mẫu iPhone thế hệ tiếp theo tới đây của Apple sẽ được trang bị kính sapphire siêu bền.


Trong cuộc trả lời phỏng vấn mới nhất với hãng tin ABC News, CEO Tim Cook của Apple đã xác nhận về một cơ sở sản xuất kính sapphire của Apple tại tiểu bang Arizona (Mỹ). Đây là chuyến đi nằm trong chuỗi hoạt động kỉ niệm 30 năm kể từ ngày ra mắt chiếc Macintosh đầu tiên.










iPhone 6 sử dụng kính sapphire Ảnh:



Thông tin này càng trở nên có cơ sở khi trước đây Apple từng tiết lộ về một dự án trị giá lên đến 578 triệu USD với một công ty chuyên sản xuất, gia công kính sapphire là GT Advanced Technologies. Vấn đề trong cuộc phỏng vấn CEO của Apple lại không tiết lộ bất kỳ bình luận nào về một khả năng chúng sẽ được trang bị cho các thiết bị cầm tay cao cấp mới của hãng sắp tới, bao gồm cả chiếc iWatch vừa mới rò rỉ.


Như chúng ta đã biết, loại kính siêu bền này chỉ mới xuất hiện trên nút Home của chiếc iPhone 5S, trong khi màn hình vẫn sử dụng kính chịu lực từ Gorilla. Đây được xem là một vật liệu cao cấp chỉ được sử dụng cho các phiên bản điện thoại xa xỉ (như Vertu) với số lượng rất hạn chế.


Trong trường hợp Apple sử dụng công nghệ này cho chiếc iPhone 6, chắc chắn nó sẽ có chi phí không hề dễ chịu, đặc biệt khi thiết bị mới sở hữu màn hình kích thước lớn hơn, công nghệ hiện đại, giá thành sản xuất cao.


Cũng không loại trừ khả năng kính sapphire sẽ chỉ có sẵn trên thiết bị iWatch của Apple.


Khampha.vn






Tạ ơn đất lành

Tạ ơn đất lành

Tạ ơn đất lành


SGTT.VN - Nhiều người bạn Mỹ nhận xét có gì đấy khá giống nhau giữa sự hình thành, phát triển Sài Gòn với nước Mỹ. Và nếu nước Mỹ có một ngày lễ Tạ ơn thì mong rằng, những người đã đến Sài Gòn sinh sống, hãy một lần thôi, tạ ơn đất này.











Hiện nay Sài Gòn là thành phố có số lượng dân nhập cư lớn nhất: hơn 2 triệu người.


Từ những con người của Sài Gòn và sống – ở – Sài Gòn, Sài Gòn đã dung nạp, tiếp nhận tất cả các yếu tố văn hoá khác nhau: phong tục, tín ngưỡng, tiếng nói, ẩm thực, trang phục… Và quan trọng là Sài Gòn không làm thay đổi những nét văn hoá riêng của từng cộng đồng người, vẫn nuôi dưỡng tất cả để tạo nên sự phong phú đa dạng của văn hoá Sài Gòn.


Ở Sài Gòn các “hội đồng hương” tồn tại và phát triển mạnh, thậm chí có cả hội đồng hương cấp huyện. Người các tỉnh/ thành vào Sài Gòn giữ được “cá tính văn hoá” riêng của quê hương mình, nhất là ngôn ngữ và ẩm thực là hai yếu tố được nhận biết rõ nhất. Ở Sài Gòn tiếng nói các vùng miền hoà lẫn vào nhau. Buổi sáng ngồi ở các quán càphê, bạn có thể nghe thấy tiếng miền Tây, tiếng Hà Nội, tiếng Quảng, tiếng Huế, chưa kể bây giờ còn có nhiều người Hàn, người Nhật, người các xứ Âu Mỹ đến làm ăn tại Sài Gòn.


Các món ăn ở Sài Gòn cũng chẳng thiếu đặc sản nơi nào: bánh Huế, cơm hến, mì Quảng, bún bò Huế, phở Hà Nội, bánh đa cua Hải Phòng, bún đậu mắm tôm “đặc Bắc”, bún mắm, bún nước lèo miền Tây, hủ tíu Sa Đéc, Mỹ Tho, Nam Vang, bún riêu Bắc, bún riêu Nam, bánh xèo “bà Mười Xiềm” Cần Thơ, bánh khọt cô Ba Vũng Tàu… Quán ăn Tây, Nhật, Hàn, Thái, tiệm fast food khắp nơi… Ẩm thực và ngôn ngữ ở Sài Gòn như một “liên hiệp quốc” chung sống hoà bình, thân ái, chẳng ai muốn diệt ai, mà có muốn thì cũng không được, vì Sài Gòn vốn bao dung cho mọi người vì mọi người đã làm nên Sài Gòn.


Sự bao dung ấy làm cho Sài Gòn luôn tươi mới và còn làm cho những “đặc sản” các nơi được lưu giữ ở Sài Gòn một cách “đậm đặc”, theo quy luật của văn hoá: văn hoá càng xa cái gốc càng bảo tồn nguyên vẹn mà nếu ở ngay quê hương thì có khi bị biến dạng, biến chất nhanh.









Sài Gòn bao dung vì không coi mình là trung tâm để so sánh hơn kém với vùng miền khác. Sài Gòn đánh giá hiệu quả việc “làm ăn” là quan trọng nhất, mọi cái khác coi là “chuyện nhỏ”.



Sự bao dung của Sài Gòn còn là cái nôi cho những tài năng đến đây và phát triển.

Nhiều lần tôi thử lý giải về sự bao dung nâng đỡ của Sài Gòn đối với những gì còn yếu thế, mới mẻ, thậm chí còn chưa kịp định hình. Không thể không bắt đầu từ lịch sử. Là vùng đất chưa kịp có ký ức lâu dài, Sài Gòn không chịu sự níu kéo của truyền thống quá sâu nặng nên dễ tiếp nhận cái mới, đồng thời cũng chưa đủ sức mạnh để “đồng hoá” cái mới, cái khác.


Sài Gòn bao dung vì không coi mình là trung tâm để so sánh hơn kém với vùng miền khác. Sài Gòn đánh giá hiệu quả việc “làm ăn” là quan trọng nhất, mọi cái khác coi là “chuyện nhỏ”. Người Sài Gòn có tính thực tế cao nhưng không bị chuyển thành tính “cá nhân” mà ngược lại tính cộng đồng cũng cao, việc xã hội, việc nghĩa được coi là chuyện bình thường. Vì vậy dễ dàng chia sẻ, đùm bọc người tứ xứ nhập cư.


nguyễn thị hậu


ảnh: Trần việt đức






Thăm thần Hoa thưởng cơm Tàu

Thăm thần Hoa thưởng cơm Tàu

Thăm thần Hoa thưởng cơm Tàu


SGTT.VN - Như hai địa danh Sài Gòn, Chợ Lớn thường gắn liền nhau, có một thời người Sài Gòn nào chưa thăm thú những địa chỉ thoả mãn cả phần xác và hồn của người Hoa trong khu vực ngày nay là các quận 5, 6, 11 thì chưa được xem là dân Sài Gòn chánh hiệu.













Những ngôi chùa Tàu trên 200 tuổi ở Chợ Lớn.



Cầu phúc tại chùa trăm tuổi


Hãy đến những con đường buôn bán sầm uất nhất của khu phố Tàu tại quận 5 để khám phá những ngôi chùa Tàu trên 200 năm tuổi, được công nhận di tích lịch sử văn hoá quốc gia. Gọi “chùa” nhưng thực ra đó là các đền, miếu được hội quán điều hành. Quận 5 có đến ba nơi thờ bà Thiên Hậu: chùa bà Hải Nam (hội quán Quỳnh Phủ), chùa bà Hà Chương (hội quán Hà Chương), chùa Thiên Hậu (hội quán Tuệ Thành). Chùa Thiên Hậu được nhóm di dân gốc huyện Tuệ Thành, Quảng Đông sang Việt Nam góp vốn góp công xây dựng vào khoảng năm 1760 và được trùng tu nhiều lần. Đây là ngôi chùa được nhiều du khách nước ngoài đến tham quan nhất tại khu vực này. Ngoài ra, còn có chùa Quan Âm (hội quán Ôn Lăng) do một số thương nhân Hoa xây dựng vào năm 1740.


Để cầu buôn may bán đắt, người dân trong khu vực thường đến cúng bái ở chùa Ông Bổn, còn gọi là miếu Nhị Phủ (hội quán Nhị Phủ). Chùa được xây vào khoảng năm 1730, là chùa có lịch sử lâu đời nhất của người Hoa tại TP.HCM. Một ngôi chùa khác là chùa Quan Đế, còn gọi là chùa Ông hay miếu Quan Đế (hội quán Nghĩa An) do người Triều Châu và người Hẹ xây dựng cách đây hơn 200 năm. Nơi đây còn có tên “Vay Phú Miếu”, vì hàng năm vào tết Nguyên đán, chùa chuẩn bị sẵn một số lượng lớn quả quýt, lì xì, lồng đèn… để thiện tín thập phương đến “vay”. Đa số các chùa khu vực này mở cửa từ 6 – 17 giờ hàng ngày.


Nếu thích cảnh chùa có sông nước lãng mạn, có thể ngồi đò ra… giữa sông Vàm Thuật viếng Phù Châu miếu. Nơi đây còn được gọi là miếu Nổi, chùa miểng sành, được người Quảng Đông xây dựng cách nay khoảng 300 năm trên cồn đất nổi giữa dòng sông.














Cơm gà Đông Nguyên.



Một quán cơm của người Hẹ ở quận 11.



An lòng ở phố ăn Tàu


Để được “ăn cơm Tàu” chính gốc, chỉ cần dạo vài vòng ở khu vực quận 5, quận 6 và 11 là đủ no nê. Có một đầu bếp người Hoa nhận xét rằng, nếu để ý kỹ sẽ thấy các món ăn của người Hoa ở quận 5 nhiều dầu mỡ hơn ở quận 6 và quận 11. Bởi lẽ, quận 5 chịu ảnh hưởng nhiều của ẩm thực Hong Kong, còn quận 6 và quận 11 vẫn giữ được nét đặc trưng ẩm thực Hoa nguyên gốc.


Muốn ăn cơm gà không thể bỏ qua quán cơm gà Đông Nguyên nằm ngay góc Nguyễn Trãi – Châu Văn Liêm (quận 5) nổi tiếng hơn 60 năm.


Trong con hẻm nhỏ xíu trên đường Lý Thường Kiệt (quận11) cũng có một tiệm cơm của người Hẹ, luôn nườm nượp khách hơn 60 năm qua, bán từ 11 – 14 giờ và 17 – 20 giờ mỗi ngày. Quán có hơn 60 món ăn Hẹ như gà xối mỡ, giò heo phá lấu, trứng ba màu, sườn xào tàu xì, canh sắn dây, khoai môn hấp thịt quay, bắp bò tiềm thuốc bắc… có hương thanh, vị nhạt, dễ hợp khẩu. Quán ăn Triều Châu trên đường Hồng Bàng (quận 6) thì nổi tiếng nhiều năm với các món cải chua ruột heo nguyên gốc Triều Châu ăn kèm cơm và cháo.


Ngoài cơm, hủ tíu của người Hoa cũng nổi tiếng không kém. Đặc biệt sợi mì trong tô hủ tíu vàng mướt, vừa dai vừa giòn. Được coi là một trong những tiệm có thâm niên trong nghề (trên 50 năm) là tiệm Hồng Phát trên đường Tháp Mười, đối diện chợ Bình Tây (quận 6). Hồng Phát trước đây là tiệm nước có bán thêm điểm tâm, bây giờ bán điểm tâm là chủ yếu, từ 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa.


Nhắc đến hủ tíu không thể bỏ qua món sủi cảo, để thưởng thức có thể ghé đường Hà Tôn Quyền (quận 11) với một dãy quán luôn nhộn nhịp. Sủi cảo ở đây được làm bằng lá hoành thánh, gói thịt băm và tôm nguyên con, đặc trưng ẩm thực Quảng Đông. Còn một loại sủi cảo khác thanh đạm hơn là sủi cảo Sơn Đông, đặc trưng vùng phương bắc Trung Quốc, có thể ăn thử tại quán Đại Nương trên đường Châu Văn Liêm (quận 5)… Ngoài sủi cảo, quán còn một số món Sơn Đông nguyên gốc như dưa chua, phổ tai phá lấu, đậu hũ phá lấu, canh cà chua trứng, canh chua cay… Cũng trên góc đường này là quán lẩu Dân Ích, tuổi trên 20 năm, vẫn còn xài nồi lẩu cù lao, nấu bằng than.


Minh Cúc - ảnh: Trần Việt Đức






Lời thú tội của một “giặc lái” tàng hình

Lời thú tội của một “giặc lái” tàng hình

Lời thú tội của một “giặc lái” tàng hình


SGTT.VN - Anh là một trong những tân binh đầu tiên của thể loại chiến tranh mới, trong đó con người và máy móc hợp nhất. Anh thực hiện rất nhiều phi vụ, nhưng luôn ở bên màn hình máy tính của mình, từ rất xa chiến trường. Anh săn đuổi và giết vô số người nhưng không thể nói với bạn chính xác anh đã làm điều đó ra sao...










Dù công cụ giết người được nâng cấp đến mức nào, thực tế máu me vẫn in vào lương tâm con người như cũ. Ảnh: tư liệu



Chơi trò chiến tranh


Từ căn phòng của mình giữa sa mạc Nevada (Mỹ), anh theo dõi ba gã đàn ông lê bước trên một con đường xơ xác ở tỉnh Kunar phía đông Afghanistan. Anh zoom màn hình vào những người bị tình nghi là phiến quân. Trong tai anh lùng bùng mệnh lệnh “bắn hạ” từ cấp trên. Anh chiếu tia laser vào hai người đàn ông đi đầu và bấm nút. Từ cách xa anh 7.500 dặm, một quả tên lửa dòng Hellfire phóng ra với tốc độ siêu âm. Trong tích tắc, ngọn lửa trắng loé trên màn hình. Khi khói tan, anh nhìn thấy những mảng xương thịt vương vãi quanh một hố lớn trên đường. Người đàn ông thứ ba ôm chiếc chân phải bị phạt quá đầu gối giãy giụa, máu xối thành vũng.


Đó là phát bắn đầu tiên trong đời phi công Brandon Bryant, vào đầu năm 2007, vài tuần sau sinh nhật thứ 21 của anh. Từ năm 2006, Bryant bắt đầu làm việc tại căn cứ không quân Nellis gần thành phố Las Vegas, trong căn phòng làm bằng kim loại không có cửa sổ, để mọi người làm việc trong đó hoàn toàn tập trung vào công việc của họ.


Nhiệm vụ của anh là cùng một đồng đội điều khiển chiếc máy bay không người lái MQ-1B Predator hoạt động cách mặt đất 3km, trên vùng trời Afghanistan. Người kia điều khiển Predator bay, còn Bryant điều khiển hệ thống định vị mục tiêu của nó. Thay vì ngồi trong buồng lái, họ ngồi phòng lạnh, ở hai ghế dựa cạnh nhau. Khi phóng một quả tên lửa Hellfire, họ phối hợp với nhau: người kia nhấn cò, Bryant dẫn đường cho tên lửa, đầu đạn tên lửa sẽ nổ ở đúng vị trí Bryant trỏ tia laser vào. Mỗi chiếc Predator mang hai quả Hellfire, và có thể mang bốn hay sáu quả nếu là tên lửa loại khác, mang hệ thống camera tối tân...


Máy bay không người lái đang trở thành tâm điểm của chiến lược quốc phòng Mỹ. Đến năm 2025, dự kiến ngành công nghiệp này có quy mô 82 tỉ USD và sử dụng 100.000 nhân công. 61% người Mỹ, theo một cuộc khảo sát của Pew gần đây, ủng hộ ý tưởng máy bay không người lái trong quân sự, để giảm thiểu sự mạo hiểm tính mạng của lính Mỹ.


Bryant được nuôi lớn bởi bà mẹ đơn thân, một giáo viên tiểu học ở Missoula (bang Montana), và anh khó tìm được một chỗ ở trường đại học vì lý do học phí. Mùa hè 2005, anh ghi danh vào Không lực Mỹ. Sau một khoá huấn luyện ngắn dưới cái nóng sưng tấy người ở Texas, Bryant được phân vào một đơn vị đặc biệt, nơi họ giới thiệu với anh rằng “anh sẽ làm nhiệm vụ của những người phân tích và cung cấp thông tin cho các điệp viên kiểu James Bond để họ hoàn thành nhiệm vụ”. Sau vài tháng huấn luyện, Bryant bước vào “cuộc chiến”, thực hiện các phi vụ ở Iraq, dù thực tế, anh chẳng rời Nevada nửa bước.


Ngày đầu tiên lâm trận có lẽ là ngày tồi tệ nhất với anh. Nhiệm vụ của anh và cộng sự là điều khiển chiếc máy bay không người lái cất cánh từ căn cứ không quân ở Balad, cách Baghdad 85km, hoạt động như một “thiên thần hộ vệ” cho một cuộc hành quân bằng xe quân sự. Bryant sẽ dò tìm mìn tự tạo, các nhóm phiến quân và các mối đe doạ khác trên hành trình vạch sẵn của đoàn quân này, báo cho họ biết trước để tác chiến.


Từ độ cao 3.000m, Bryant quét con đường bằng tia hồng ngoại. Anh nhận ra một đốm sáng bất thường trên mặt đường, có vẻ như một quả bom tự tạo. Anh lập tức liên lạc với đoàn xe, nhưng điện thoại trên các xe bị nhiễu sóng. Đoàn xe vô tư tiến lên trong nhịp tim dồn dập và hơi thở tắc nghẹn của Bryant. Chiếc xe dẫn đầu chạy qua đốm sáng, không có gì xảy ra, chiếc xe thứ hai trờ tới, một tiếng nổ cất lên... ánh sáng trắng lan toả lớn dần trên màn hình. Hai người lính chết và ba người khác trọng thương. Lỗi không phải của Bryant và phi đội của anh, chỉ tại sóng radio nhiễu mà thông tin không đến được những người ở hiện trường. Nhưng ai cũng cảm thấy có lỗi.


Ca làm của Bryant kéo dài 12 giờ mỗi ngày, sáu ngày mỗi tuần, thường là trọn đêm. Ở nửa bên kia thế giới là ban ngày thì ở nước Mỹ là ban đêm. Cuộc chiến ngày càng khốc liệt, quân đội ngày càng dựa nhiều vào máy bay không người lái. Chiếc Predator có thể hoạt động liên tục 18 giờ mỗi ngày, cả phi đội phải theo nó. Bốn năm đầu làm việc, Bryant không nghỉ phép ngày nào. Trong căn phòng không cửa sổ, chỉ có ánh sáng duy nhất phát ra từ màn hình, Bryant có thể “sống” với mục tiêu hàng tuần lễ: xem đối tượng bị theo dõi uống trà với bạn dưới mái hiên, chơi đùa với con trong sân vườn, quan hệ tình dục với vợ trên tầng áp mái... Cũng từ đây, anh được xem những cảnh man rợ. Ở Iraq, anh theo một mục tiêu là thủ lĩnh phiến quân.


Ông ta lái chiếc xe tải ra khu chợ đông đúc, đậu xe giữa đường, mở thùng xe lôi ra hai cô gái bị trói và nhét giẻ vào miệng, đẩy họ quỳ xuống, rút súng xử họ. Lần khác, anh thấy một quan chức địa phương lồm cồm bò xuống miệng hố ông ta tự đào trước khi bị hai tên lính Taliban hành quyết.


Lần Bryant đến gần thực địa nhất là mùa thu 2007, anh tình nguyện đến căn cứ Balad ở Iraq. Và công việc của anh vẫn thế: điều khiển các chiếc Predator. Một lần, anh được chỉ đạo tìm kiếm một trại huấn luyện của phiến quân. Chỉ trong tích tắc sau khi anh trỏ tia laser vào toà nhà, nó đã bị san bằng, cả quân nổi dậy lẫn gia đình họ. Máy bay F-16, dưới sự dẫn đường của Bryant đã trút xuống đó 500kg bom, gấp mười lần Hellfire.


Bryant không chống đối việc sử dụng máy bay không người lái, anh xem nó như một công cụ, như nhiều thứ khác, có thể rất hữu hiệu trong việc theo dõi bọn săn thú trộm, hoặc kiểm soát nguy cơ cháy rừng. Với anh, chỉ là việc ai có quyền năng điều khiển nó. “Không thể để một nhóm nhỏ quyết định cách sử dụng máy bay không người lái. Việc này cần phải minh bạch hơn. Công chúng cần phải biết chúng được sử dụng làm gì và như thế nào”. Đến mùa xuân 2011, sau gần sáu năm bước chân vào không lực, Brandon Bryant quyết định rời khỏi hàng ngũ, từ chối 109.000 USD tiền thưởng nếu tiếp tục phục vụ. Anh bay gần 6.000 giờ, theo hàng trăm phi vụ, nhắm bắn hàng trăm kẻ địch. “Họ đưa tôi một danh sách chiến công – anh nói – số địch bị diệt, bị bắt... những thứ tương tự như vậy”. Anh không điểm laser vào mục tiêu hay nhấn nút bắn vào tất cả những gì ghi trong danh sách đó, nhưng cứ tham gia vào phi vụ nào có người chết là anh được tính vào “chiến công”. Tổng số kẻ địch bị anh tiêu diệt: 1.626.










Một phi công lái máy bay tàng hình từ xa. Ảnh: tư liệu



Chiếc “huy chương” có tên PTSD


Giữa năm 2011, Bryant trở về quê nhà Missoula với tâm trạng chán nản, cô lập, dễ kích động. Một lần, khi mua một video game ở Best Buy, anh chìa thẻ quân đội cùng thẻ tín dụng, một thiếu niên đứng sau anh trầm trồ: “Ồ, anh ở trong quân đội, anh tôi là lính thuỷ đánh bộ đã tiêu diệt được 36 tên, lúc nào anh ấy cũng tự hào với điều đó”. Bryant quay lại hét lên: “Nếu cậu còn lải nhải điều đó với tôi, tôi sẽ đâm cậu. Đừng bao giờ bất kính với những người đã chết!”


Theo lời khuyên của một cựu binh từng tham chiến ở Việt Nam, Bryant đi gặp bác sĩ chuyên khoa. Sau vài lần chẩn trị, bác sĩ chẩn đoán anh mắc hội chứng PTSD (rối loạn tinh thần sau một biến cố bi đát).


Cũng năm 2011, các nhà tâm lý trong không lực Mỹ thực hiện một cuộc khảo sát với 600 phi công máy bay không người lái. 42% số này được đánh giá ở mức độ stress cao. Một khảo sát sau đó chỉ ra rằng các phi công điều khiển máy bay không người lái cũng mắc chứng trầm cảm, lo lắng, PTSD, lạm dụng đồ uống cồn ở mức độ như các phi công máy bay chiến đấu truyền thống. Điều đó có nghĩa dù công cụ giết người được nâng cấp đến mức nào, thì thực tế máu me vẫn in vào lương tâm con người như cũ.


Hè 2012, Bryant trở lại không lực làm sĩ quan dự bị, hy vọng có tên trong chương trình SERE nhằm huấn luyện các phi công kỹ năng tự cứu mình khi lọt vào vùng kiểm soát của kẻ thù. Sau nhiều năm giết người, anh muốn cứu người. Nhưng sau vài tuần, đầu anh lại đau, lại rơi vào trầm cảm và trở về Missoula lần nữa. Trong nhiều đêm sau đó, anh lang thang ở các quán bar, uống đến say rũ người, rồi ngủ trong túi ngủ chính phủ phát cho người vô gia cư ở bên bờ sông Clark Fork. Lan Ann, mẹ của anh nói có lần anh suýt tự tử bằng súng ở nhà.


Bryant hy vọng kể câu chuyện này ra sẽ làm anh nhẹ lòng. Đầu tiên vào mùa thu năm ngoái với tờ báo Đức Der Spiegel. Câu chuyện được chuyển ngữ qua tiếng Anh trên tờ Daily Mail và bắt đầu lây lan như virút. Một số người ủng hộ, một vài kẻ xỉ vả anh. Anh có thể được xem như những người làm rò rỉ thông tin như Chelsea Manning hay Edward Snowden hy sinh bản thân vì những nguyên tắc của anh. Tuy nhiên, Bryant khá cẩn trọng trong câu chuyện, anh không kể những chi tiết tối mật trong công việc của mình.


Giờ thì Bryant đã khá hơn, không còn gặp những cơn ác mộng. Anh đang học để trở thành một nhân viên cấp cứu, để có thể cứu người như anh hằng mong muốn.


Đinh Hiệp






Tôi chúc gì đây vào mùa xuân này… (1)

Tôi chúc gì đây vào mùa xuân này… (1)

Tôi chúc gì đây vào mùa xuân này… (1)


SGTT.VN - Những lời chúc, cho một năm mới hạnh phúc an vui đã lại vang lên trong các cuộc gặp gỡ từ khoảng giữa tháng 11 đến tết âm lịch. Người người, nhà nhà cầu mong bình an, sức khoẻ, sự phát đạt và sinh sôi nảy nở cho nhau. Loài người cổ kim luôn có những mẫu số chung về hạnh phúc và bình an, cho những tháng ngày cùng tồn tại trên cõi nhân gian này.










Câu đối ngày tết hàng năm của miếu Thành Hoàng trên đường Cao Thắng dành tặng người hữu tâm. Ảnh: Trần Việt Đức



Chân thành và cay đắng


Người Âu Mỹ đã phát thiệp với lời chúc chung Season Greetings bởi giai đoạn này là mùa Thanks Giving, đến Noel, tết dương lịch và rồi tết âm lịch của nhân loại châu Á. Một lời chúc chung không dành cho chỉ một hoặc hai mùa vui mà thôi. Giáng sinh có lời chúc vui vẻ (Merry Xmas), cho cả một năm mới thì lời lẽ ở mức độ cao hơn, đó là “hạnh phúc” (Happy New Year). Chúc nhau một mùa vui nhưng không hẳn chỉ là một mùa mà kéo dài đến bốn mùa và xa hơn nữa. Chúc nhau sự sinh sôi nảy nở như một lời nguyện phồn thực và bền vững của giống nòi.


Người Trung Quốc và nhiều nước Á Đông treo chữ Phúc, chữ Cát hay Ngũ phúc lâm môn (phúc lộc thọ khang ninh) cũng là một ước nguyện viên mãn nhất có thể. Có phúc, lộc, thọ nhưng không khoẻ mạnh (khang) mà bệnh rề rề thì cũng không được, song nếu có phúc lộc thọ khang mà tâm hồn không ninh tĩnh, “ăn thịt bò mà lo ngay ngáy” thì cũng khó coi.


Thật hạnh phúc cho những ai còn giữ được cho mình một vài tấm thiệp úa màu thời gian nhưng lời chào, lời chúc vẫn tươi như hoa xuân.


Về tâm lý học, lời chúc có giá trị tự kỷ ám thị, vực dậy những tâm hồn nản chí trong những cuộc đua tranh, buộc họ phải quan tâm tới chính họ trong những ngày nhân quần vui vẻ bên nhau. Những lời chúc mà dân Do Thái lạc nước từ năm 70 (CN) đến năm 1948 dành cho nhau quả nhiên đã thành hiện thực: “Sang năm về Jerusalem!”


Tuy nhiên lời chúc tụng hay khẩu hiệu có khi đi bên lề hiện thực, khiên cưỡng, không phát từ thành tâm dễ trở thành sáo rỗng và mỉa mai.









Những cờ phướn chúc tụng quá sự thật hay tấm thiệp Season Greetings sặc sỡ sẽ bị gỡ bỏ khỏi vách thời gian. Chỉ có ước muốn của con người về một miền an hoà, ninh tĩnh, yên vui và chân thật vẫn còn đó.



Chắc cũng chứng kiến những khiên cưỡng như vậy mà ngày xưa các cụ Yên Đỗ và Vị Xuyên mô tả mùa xuân và các lời chúc một cách không mấy thiện cảm như “Khăn là bác nọ to tày rế, váy lĩnh cô kia quét sạch hè” hoặc “Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu”, “Bồng bế nhau lên nó ở non”. Chính nhờ những lời chúc có phần cay đắng ấy mà trong mùa xuân, con người sẽ chúc nhau những mong mỏi về tương lai thành công, tốt lành, hiền hoà mà không lạc điệu hay xu thời phụ thế.

An bình và ninh tĩnh


Liên quan đến an ninh vật chất và sự bình an trong tâm hồn thì không thể không bàn về sự bất an từ bên ngoài tác động vào một cá thể. Thucydides từ cổ xưa đã xác định một trong những lý do tiến hành chiến tranh của cổ nhân chính là sự mất an tĩnh của tâm hồn: nỗi sợ hãi.


Đến thời buổi hiện đại này, nỗi sợ hãi, sự đe doạ vẫn đến từ nhiều nơi, không chắc ít hơn ngày xưa vì tiến bộ khoa học cho phép con người loại bỏ nhiều nỗi sợ hãi nhưng cũng mang đến nhiều âu lo khác. Cơn bão quái ác Haiyan là lời nhắc nhở của tự nhiên đến sự mong manh của con người. Lúc này, những lời chúc trở nên ít có ý nghĩa hơn một hành động cụ thể hay một cái bắt tay thân ái. Ngoài thiên tai, nỗi bất an dễ thấy nhất đó là cái đói ăn trên 870 triệu dân toàn thế giới (2) và đi kèm là lạc hậu và bị cách ly khỏi những tiện ích mà thế giới đang được thụ hưởng. Công việc bảo đảm an ninh lương thực thường được nhắc đến thời gian gần đây. Khi đói, khi lạnh hay bị ngược đãi, những lời chúc lành sẽ nâng con người vượt qua khổ sở. Và khi vượt qua khó khăn vật chất, con người đòi hỏi quyền của mình được nâng lên như những nấc thang Maslov cao dần và trên cùng là những nhu cầu về quyền tinh thần, tâm linh. Sự bình an trong tâm hồn cũng đến từ quyền được thờ phượng và an trú trong không gian tâm linh của cá nhân. Những câu chúc an ổn trong tâm thường nghe như: “Chúc thân tâm an lạc”, “Chúc thường lạc” cũng rất là hiện thực và cụ thể.


Nhân tai như vụ xả lũ để gây ra cái chết hàng chục người, nhiều án oan sai và sự chai đá của công bộc, sự lạnh lùng của công dân đối với nhau chẳng phải là mất an ninh sao?


Để định nghĩa sự bình an, người đọc có thể thấy hàng loạt thể hiện cho sự bất an: từ tảng thiên thạch cho đến con vi khuẩn từ nước sạch đến mưa axít, từ khủng bố đến biến đổi khí hậu, từ đổ vỡ hệ thống gia đình đến biến tướng của những tôn giáo, từ láng giềng ba trợn đến tên xâm lược trâng tráo, từ truyền thống đến phi truyền thống (3). Những sự an ổn ngắn hạn phải đánh đổi bằng những cuộc biến động máu lệ. Sự bình an đôi lúc đầy miễn cưỡng kiểu như “thôi thì hy sinh cho thế hệ sau” với một niềm tin vu vơ rằng chiến tranh, loạn lạc, thiên tai, nhân hoạ sẽ chỉ là chuyện của ai đó, của xứ nào đó.


Chưa kịp điều chỉnh mình theo tầm nhìn của Rachel Carson, nhà đấu tranh bền bỉ về môi trường, thì con người lại vẫn hứng chịu nhiều bất an hơn nữa, không giới hạn bởi vùng miền hay quốc gia, tiến bộ hay lạc hậu. Bom tự sát của Al Qaeda hay hô hoán giành biển bằng chữ U tưởng tượng chẳng những làm nhân loại bất bình mà còn không giảm đi bất an cho các tác giả tham lam, bạo lực. Tôi dám cá!


Bởi vậy, tết và ước mong bình an vẫn luôn xoay vần đến với nhân gian mỗi năm một bận. Bởi vậy, những lời chúc an bình dù có phần chua chát của hai cụ Nguyễn, Trần vẫn sáng tươi hơn những lời tụng hoà mà không bình, an mà không ninh của cờ hoa, phướn liễn.


Năm mới, bên cạnh những lời chúc tốt đẹp, có lẽ chọn làm một điều lành sẽ khiến cho lời chúc được hiện thực hơn. Những lời chúc sẽ như một sức mạnh tinh thần dẫn dắt con người đến bình an và hạnh phúc, chứ không phải dìm cho con người mê mẩn và mê tín đi. Những cờ phướn chúc tụng quá sự thật hay tấm thiệp Season Greetings sặc sỡ sẽ bị gỡ bỏ khỏi vách thời gian. Chỉ có ước muốn của con người về một miền an hoà, ninh tĩnh, yên vui và chân thật vẫn còn đó. Những lời chúc ấm lành, sáng tươi như bãi mía nương dâu, như bát cơm manh áo thoát kiếp cơ cầu trong một mùa xuân vĩnh cửu.


Lê Lãm Thông


(1) Lời trong ca khúc Cánh thiệp đầu xuân của Minh Kỳ – Lê Dinh


(2) http://ift.tt/SIYufg


(3) Peter Hough, Understanding Global security, Routledge-Third Edition 2013






Biển Tây mùa xuân lộng lẫy con ruốc về

Biển Tây mùa xuân lộng lẫy con ruốc về

Biển Tây mùa xuân lộng lẫy con ruốc về


SGTT.VN - Trước khi tìm đến những hòn đảo của xứ Hà Tiên, tôi không thể hình dung hết là mọi thứ đều đẹp đẽ, long lanh chiếu sáng dưới ánh mặt trời...










Hoàng hôn nhuốm đỏ mặt nước, nhìn từ Hòn Trẹm.



Ngày thứ nhất: Sài Gòn – Rạch Giá


Sáu giờ sáng khởi hành. Xe gần đến Cai Lậy, một người bỗng thốt lên: “Sao không ghé ông Phạm Hoàng Quân?” Cả bọn trông chờ đến cây cầu Mỹ Đức Tây. Chuyến xe trở nên sôi nổi hẳn. Nào là “cái thằng cha chuyên nghiên cứu Tàu thì tìm đến chỗ có Mỹ-Đức-Tây để ở”. Tới nơi, đằng trước cửa khoá, đằng sau lối vào rậm cỏ, nhưng người thì đứng chờ sẵn. Thi sĩ Trần Tiến Dũng lần đầu tiên ghé nhà Quân kể từ khi ông bạn cho chữ hàng năm của anh chuyển về đây ở hẳn đã hai năm. Một vòng xem nhà, thi sĩ kết luận: “Nhà gì mà không có chữ gì đọc được thì có gì coi nữa đây!” Lát sau nơi hiên nhà đã có rổ trái cây, hộp bánh pía Sóc Trăng, mấy cái ly nhỏ và chai rượu trắng đã lắng đọng cả năm được bày biện thiệt hấp dẫn…


Đến phà Vàm Cống, gọi cho một nhân vật khác: anh Tùng, hội Nông dân làm du lịch, một người thú vị và chịu chơi. Nghe cuộc điện người Sài Gòn hỏi về món lá chúc, anh gọi lại nói đã đặt nhà hàng làm món gà hấp lá chúc. Rồi anh nói sẽ kiếm cây chúc về cho mọi người. Cái bọn nấu món tom yum của Thái Lan ở Sài Gòn dùng lá này thay cho gia vị chua của Thái mà lại ngon hơn nguyên bản. Chúc là một loại chanh rừng. Trái chúc nhỏ hơn quả bóng bàn, vỏ dày và sần sùi, nhưng tinh dầu bốc hơi nhanh, ăn đứt chanh nhà. Những cái mũi có cơ hội cộng hưởng với lưỡi thật tấu xảo lạ lùng. Thi sĩ nói, thì ra bây giờ mới biết miền Bắc có “gà hấp lá chanh” nhưng kém xa “gà nấu lá chúc” miền Tây vì nó ngọt, thơm và đậm đà hơn, lại không bị chanh chua, bị đắng…


Anh Tùng khoe mùa tết miền Tây giàu có nhất, trái cây đủ loại, tôm cá đầy đìa... du lịch về miền Tây mùa này giống như trở lại tuổi thơ, không phải lo nghĩ gì, chỉ cần uống rượu ngâm ủ vài năm và ăn hương đồng cỏ nội, vậy là đời lên tiên.


Tới Rạch Giá, thổ địa Kiên Giang, cô Lụa giới thiệu món sò lụa trong bữa tối ở một quán ốc nửa bình dân nửa cao cấp. Nhưng không may, hôm nay chỉ có lụa gầy! Cô bạn Lụa nói ngay, không sao, ngày mai mọi người đi đầm Bà Lụa còn có nhiều thứ hay hơn nữa. Rồi cô Lụa dẫn đi uống càphê, cái phố càphê đường mang tên bác Tôn thiệt là choáng ngợp, lộng lẫy còn hơn Sài thành. Cả một con đường càphê làm tưởng nhớ đến con đường cùng tên đầy ắp món ăn vỉa hè chiều đến thơm nức mùi lá lốt ở Sài Gòn.


Sáng hôm sau, cả một cuộc săn lùng bún cá Kiên Giang. Nhưng tiếc thay, có lẽ do biển ở đây bị “tước đoạt” một phần, nước lèo nấu bằng cá không còn, chỉ còn nước nấu bằng xương heo, với cá lóc nuôi. Quán bún ven đường và tô bún trong resort Hoà Bình cùng một phiên bản… Nhà báo Đỗ Th., quê Rạch Giá nói: “Phải ra ngã tư Ông Địa mới gặp bún thứ thiệt nấu bằng nước cá”.










Lội biển Hòn Đầm, lặn vớt nhum.



Ngày thứ hai: Kiên Lương, Hòn Đầm


Từ giã Rạch Giá, xe chạy bon bon. Đi để biết hòn Phụ tử tật nguyền, chùa Hang và resort Hòn Trẹm. Nhưng chỗ này chưa phải điểm đến, cả bọn đang háo hức lên tàu tìm đến những hòn đảo hoang nổi danh của vùng Kiên Lương. Bạn hiền dưới này chỉ cho hành trình như sau: đến bến tàu, đi ra Hòn Bà Lụa, chọn một hòn mà nghỉ chân, nhưng bạn khuyên chỉ cần đến Ba Hòn Đầm. Nơi đó phần biển tiếp giáp các hòn có thể lội qua, nước có cao cũng chỉ tới bụng. Lúc lội có thể mò ốc, bắt cua. Người dân giải thích: gọi Hòn Đầm vì ngày xưa lính Mỹ thường đưa vợ con tới đây tắm, dân quen gọi mấy bà này là “đầm”.


Qua khỏi nhà máy ximăng Kiên Giang, trước mặt có cây cầu nho nhỏ, đó là cống Bình An. Lại điện thoại nhờ chỉ đường ra bến thì anh Tài chủ tàu nói là rẽ phải đi theo đường đất dưới chân cầu thẳng vô khoảng 500m là tới.


Tàu Thuỷ Tài đã đợi sẵn ở bến... Resort Hòn Trẹm cử một anh chàng tuổi đôi mươi ra làm bạn nói chuyện biển, thiệt là chu đáo. Ông chủ tàu tên Hiền, hoá ra là con của chúa đảo Hai Mực. Từ ngày vợ qua đời, ông Hai Mực phiền muộn không ở đảo nữa mà về Hà Tiên, để đảo lại cho các con.


Từ đất liền ra đến đảo Ba Hòn Đầm mất khoảng một giờ đồng hồ. Mùa gió bấc, có chút sóng nhưng vì được bao bọc chung quanh hơn bốn chục hòn đảo lớn nhỏ nên biển vẫn êm. Các hòn đảo lô xô dọc hai mạn thuyền. Chưa định thần thì thuyền đã cập bến. Không ngờ, cái bến này đẹp như một giấc mộng lành.


Ba Hòn Đầm là ba hòn đảo nhỏ: Hòn Đước (trồng đước), Hòn Dương (cây ở đây chủ yếu là cây dương) và Hòn Giếng, nơi đào được cái giếng lớn nhất ngay giữa đảo, có độ sâu gần 40m. Hỏi ai đào giếng, anh Hiền cà rỡn: “Hình như là bom thả đào sẵn hố sâu, sau đó người mới đến đào miết, đào miết cho thấy nước mới thôi”. Ba hòn cách nhau khoảng vài trăm mét lội nước, cao nhất cũng chỉ ngang ngực. Lội từ Hòn Đước sang Hòn Dương, cát mịn hơn thảm nhung vì có lẫn phù sa, thi thoảng chân có chạm vào vật gì đó hơi gai một chút, cúi xuống sờ soạng, lấy lên một vốc tay đầy ốc và cả sò lụa... “Trời đất ơi, tới đảo hoang mà mò cua bắt ốc nè!”, một cô gái địa phương cất tiếng sang sảng, bọn đàn ông đâu có nghe vì đang mải chèo thuyền đi mò nhum.


Nhum ăn sống ngon khỏi bình phẩm. Sau đó còn được thưởng món cá mú vừa kho lạt vừa nấu chua.


Bốn giờ chiều, cậu quản lý khách sạn Hòn Trẹm đi theo đoàn báo là nên về cho kịp để ngắm hoàng hôn Biển Tây. Thuyền cập bến, mọi người hối hả lên xe về Hòn Trẹm. Xe đi vào khu resort, lăn bánh thẳng lên đỉnh đồi. Bước xuống nhìn thấy mặt trời đỏ ngầu từ từ lặn xuống mặt biển. Màu trời và mặt nước đều nhuộm ráng vàng, ráng hồng lung linh.


Cái tên Trẹm khiến nhiều người phán đoán. Cô Hải giám đốc, chúng tôi gọi đùa là bà chúa Hòn Trẹm, giải thích chữ Trẹm này là từ “trèm trẹm”, tiếng dân địa phương chỉ những vật gì nó không quá, nó vừa vừa. Nhưng từ điển của xứ Hà Tiên lại có từ “chèm chẹm” nghĩa cũng gần như vậy. “Trẹm” là gì không ai biết, vì xứ này còn có sông Trẹm chảy từ Cà Mau sang Kiên Giang đâu có nghĩa trèm trẹm chút nào. Nhưng như “lá diêu bông”, cái hư hư thực thực của nó khiến người ta nhớ mãi.


Bữa tối ở Hòn Trẹm, bà chúa đãi món lẩu cá bớp và cá thu chiên tươi ngon thấu trời. Đã vậy trên đường về từ Hòn Đầm cả bọn còn xin được mớ cá cơm vừa bắt dưới biển lên. Cá cơm chiên giòn ngon nhưng không ngọt bằng cá cơm Biển Đông, phóng viên Tấn Tới bình. L ại còn có cá cơm hai nắng đặc sản của nhà hàng.


Một điều đáng nhớ: bên dưới đồi Trẹm, sát bên bờ nước, gần một tán cây bàng gie ra, có hòn đá cô độc trông giống như một tượng mỹ nhân ngư tự nhiên chứ không phải tượng tạc như ở Copenhagen, Đan Mạch. Buổi rất sớm, nhìn hòn đá, người ta dễ nghĩ tưởng đến nàng tiên cá bị một hoàng tử lừa tình, không nỡ đâm chết đối thủ trong vòng tay người tình, trở về chết bên bờ biển vì nước cũng không dung kẻ bỏ cõi mà đi, của ông vua cổ tích Andersen. Bà chúa Hòn Hải đã bỏ qua việc khai thác cảnh này cho Hòn Trẹm xôm tụ hơn…














"Nàng tiên cá" dưới chân Hòn Trẹm. Ảnh: Đặng Kính



Cầu cảng lên Hòn Đầm.



Ngày thứ ba: Hà Tiên đồng vọng huyền tích họ Mạc


Một sớm mai gió chớm xuân hung hẩy, một ngày thật thích hợp để có thêm những lễ hội, và chúng tôi, những người tự tạo ra lễ hội cho mình, lần mò tìm đến dưới một gốc cây trứng cá, ngắm nhìn bà chị đang chuẩn bị món hủ tíu cho thực khách qua đường, tóc mai lóng lánh những giọt ánh sáng mồ hôi. Anh chàng Gò Công mê hủ tíu mà chuyến này toàn ăn nhà hàng, quán xá sang trọng anh không ưng bụng lắm, lại không gặp cô Thắm duyên quê khiến anh càng thất vọng. Lễ hội của ảnh là hủ tíu và cô Thắm mà thôi.


Sau đó ngược trở ra, xe đi Hà Tiên. Cách Hà Tiên bảy tám cây là mũi Ông Cọp, nơi chúa đảo Hai Mực sống một mình với hình bóng người vợ quá cố và bàn thờ cha ông, ông tổ khai phá Hòn Đầm cách đây gần trăm năm. Hồi đó, ông Hai nói, biển còn có cá mập trồi lên đớp cả mái chèo, còn đi từ bờ ra đảo mất cả ngày vì chưa có ghe máy.


Hà Tiên vẫn đậm màu sắc của dòng họ Mạc, người khai sáng xứ sở này. Ngôi mộ của bà Phù Dung nằm khuất trên đồi, phía sau chùa, lặng lẽ, cô tịch. Có cái hay là bà thoát khỏi cảnh phồn hoa trong chùa, nơi quy tập đủ cả chư tiên lẫn chư Phật. Căn gác nơi bà vẫn chiều chiều ra “vướng luỵ” nhìn về núi xa nơi ông chồng Mạc Thiên Tích ở, vẫn còn đấy…


Lăng mộ dòng họ Mạc chiếm một ngọn đồi khác. Đi hết khu lăng mộ, qua bên kia đồi, dưới chân lăng Mạc Cửu, là khu mộ cô Năm Mạc Mi Cô, tiểu thư của đô đốc Mạc Thiên Tích, bị nịnh thần chôn sống lúc mười ba tuổi vì nói những lời tiên tri với số phận lũ quan tham…


Lễ hội ở Hà Tiên mùa gió bấc, mùa xuân lộng lẫy con ruốc về cũng là lễ hội của những kẻ tìm ra chốn lưu trú cho riêng mình.


Ngân Hà. ảnh tấn tới










Đặc sản nhum Biển Tây.







Thứ Tư, 29 tháng 1, 2014

Năm con ngựa 2014: Kết thúc tận thế

Năm con ngựa 2014: Kết thúc tận thế

Thách thức nửa sau thập kỷ 2010


2014 là năm bản lề của nửa sau thập kỷ 2010. Nhiều thách thức đã đặt ra, được các chuyên gia nhìn nhận theo cách của mình. Biến đổi khí hậu dẫn đến một khái niệm mới – kinh tế khí hậu...


Năm con ngựa 2014: Kết thúc tận thế


SGTT.VN - Báo cáo của ngân hàng đầu tư Normura Nhật Bản về tình hình kinh tế toàn cầu năm 2014, công bố vào tuần cuối của tháng 11.2013, có tựa đề đầy ấn tượng: Kết thúc tận thế (The end of the end of the world). Một báo cáo kinh tế không bất ngờ nhưng được thị trường háo hức trông đợi từ năm 2009.










2014: màu xám đang lùi xa, màu xanh và đỏ đang trở lại.



Kết thúc chu kỳ rủi ro vĩ mô toàn cầu?


Báo cáo phân tích này có thể được diễn đạt tóm gọn: cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, bắt đầu từ khủng hoảng tài chính ngân hàng của nền kinh tế Mỹ năm 2008, được xem là kết thúc vào năm 2014. Hoặc nói và hiểu một cách đơn giản: những hệ quả và những rủi ro vĩ mô mang tính hệ thống (marco-systemic risks) trên phương diện toàn cầu không còn là vấn đề hệ trọng hoặc là rào cản đối với những dự định hoặc kế hoạch đầu tư và phát triển của các công ty, các thị trường và rộng hơn là các nền kinh tế từng bị trì trệ trực tiếp hoặc gián tiếp từ cuộc khủng hoảng đó.


Nhận định tai qua nạn khỏi của ngân hàng đầu tư Normura không phải là một nhận định cá biệt. Các báo cáo của những ngân hàng đầu tư lớn khác như Morgan Stanley và Goldman Sachs của Mỹ cũng có những nhận định và đánh giá tương tự. Trong lãnh vực dự đoán kinh tế, có lẽ vì bệnh nghề nghiệp, các kinh tế gia thường ít khi đồng thuận; vậy mà giờ đây đang có đồng thuận rộng rãi về sự kết thúc cuộc tận thế 2008 – 2013. Màu xám đang lùi xa, màu xanh và đỏ đang trở lại.


Thế giới và nhiều nền kinh tế bên ngoài Việt Nam đã và đang tích cực chuẩn bị những tư thế và tâm thế cho một giai đoạn đầu tư và phát triển hậu khủng hoảng 2014 – 2020 và xa hơn nữa. Đặc biệt khu vực ASEAN vẫn đi lên, vẫn cạnh tranh, vẫn sáng tạo, vẫn phát minh, vẫn tích luỹ, vẫn không chờ và chẳng ai đợi ai. Một thế giới sống động – luôn chào đón những thay đổi và chấp nhận những thay đổi tích cực.


Kinh tế Việt Nam bị luẩn quẩn?


Từ báo cáo phân tích tình hình kinh tế toàn cầu năm 2014 của ngân hàng đầu tư Normura, không thể không đặt ra một loạt vấn đề, không quá khó để thấy những vòng tròn trì trệ kinh tế kéo dài suốt sáu năm qua (2008 – 2013) của Việt Nam.


Ngày 7.3.2013, uỷ ban Kinh tế của Quốc hội công bố một báo cáo đánh giá về triển vọng kinh tế vĩ mô năm 2013 – 2015, trong phần xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, đã nhận định kinh tế Việt Nam có nguy cơ rơi vào vòng luẩn quẩn. Một khuyến cáo nghiêm túc. Tuy nhiên, nếu hiểu theo ngôn từ của chính trị – ngoại giao thì uỷ ban Kinh tế đã cho rằng nền kinh tế đang ở trong vòng luẩn quẩn chứ không còn là nguy cơ.









Bên trong nội tại là một “nền kinh tế luẩn quẩn” đang và sẽ phải đối diện với bên ngoài thế giới là những phát triển “kết thúc tận thế”. Bởi thế chúng ta không thể không nghĩ đến những yếu tố bất lợi về nguy cơ tự tụt lùi, bị bỏ lại phía sau và sự đánh mất những cơ hội phát triển chung với thế giới sẽ trở nên trầm trọng hơn.



Cũng hướng đó, báo cáo tháng 7.2013 của ngân hàng HSBC về tình hình kinh tế Việt Nam đề cập đến những cải cách cần thiết để giải quyết những vướng mắc lớn trong nền kinh tế. HSBC thẳng thắn nhận định rằng những hành động vĩ mô mà Việt Nam thực hiện hoặc không thực hiện trong năm 2013 có thể cho thấy nền kinh tế Việt Nam, trong thập niên kế tiếp, còn luẩn quẩn hay không.

Với hai nhận định “nền kinh tế bị luẩn quẩn” của hai báo cáo tiêu biểu đó cho thấy một bức tranh kinh tế với nhiều màu xám và không sống động như những con số nóng bỏng tròn trịa từ những chính khách và nhiều chuyên gia không xa lạ với nền kinh tế này. Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, các chuyên gia của ngân hàng HSBC, kể cả hàng triệu người lao động lương thiện không có việc làm từ nhiều năm qua cũng không nhầm về sự luẩn quẩn. Thật vậy, nhìn lại sáu năm đã qua và nhìn về sáu năm phía trước – kinh tế Việt Nam vẫn chưa chịu lớn… cũng vì luẩn quẩn.


Kết thúc nền kinh tế luẩn quẩn


Bên trong nội tại là một “nền kinh tế luẩn quẩn” đang và sẽ phải đối diện với bên ngoài thế giới là những phát triển “kết thúc tận thế”. Bởi thế chúng ta không thể không nghĩ đến những yếu tố bất lợi về nguy cơ tự tụt lùi, bị bỏ lại phía sau và sự đánh mất những cơ hội phát triển chung với thế giới sẽ trở nên trầm trọng hơn. Năm 2014 là một khúc quanh ngặt nghèo nhưng cũng là hồi chuông cảnh tỉnh tối hậu cho nền kinh tế đang bị luẩn quẩn.


Kinh tế – xã hội Việt Nam của năm con ngựa 2014 và thập niên kế tiếp sẽ là gì và sẽ đến nơi chốn nào?


Thiết nghĩ, để có một đáp án hoặc dự báo đàng hoàng về viễn cảnh kinh tế – xã hội Việt Nam, trước hết không thể không tìm đến câu hỏi đại tự sự (master narrative) và chính câu hỏi này cũng là chìa khoá của vấn đề sẽ là gì và khi nào, hoàn cảnh nào nền kinh tế này sẽ tự mình kết thúc luẩn quẩn?


Cái luẩn quẩn này là đại tự sự rất riêng của những nơi chốn quản lý điều hành vĩ mô về chính trị và kinh tế, nhưng hiện nay đã trở thành cái đại tự sự chung của xã hội và của tất cả công dân bình thường và lương thiện. Chính vì vậy, họ phải được quyền biểu quyết và phán quyết: chấm dứt cái luẩn quẩn này.


Kết thúc (thoát ly) cái luẩn quẩn đang bị bu bám và được ôm ấp trong hệ thống phải là tiền đề ắt có, là sách lược sống còn, là mệnh lệnh lương tâm, là hành động dứt khoát mà con ngựa kinh tế 2014 phải chịu trách nhiệm thực hiện.


Năm con ngựa 2014, theo cách tính 12 con giáp, tôi chạm đến điểm mốc của cái vòng luẩn quẩn đời người – Giáp Ngọ. Tự nhủ, con ngựa 1954 này đang và sẽ phải chấm dứt cái đại tự sự luẩn quẩn riêng tư – hẳn nhiên, trong đó có cái đại sự kinh tế luẩn quẩn của Việt Nam.


Lê Trọng Nhi






Bữa cơm mẹ nấu

Bữa cơm mẹ nấu

Bữa cơm mẹ nấu


SGTT.VN - Nói không ngoa, cái gì mẹ nấu đều ngon cả, ngon đến da diết nhớ, nhớ đến có cháu nội cháu ngoại, cháu cố vẫn còn… tương tư! Nghe cánh đàn ông nói vậy, các bà vợ có thể phản ứng: “Tôi nấu không ngon sao?” Khoan dỗi hờn, bởi quý bà cũng sẽ là mẹ thôi!










Những món mẹ nấu giờ như đã ngấm vào máu thịt. Ảnh: Trần Việt Đức



Cuối năm 2013, ông Trần Trọng Đoàn ở Dallas, Texas (Hoa Kỳ) về thăm quê nhà, bạn bè cùng lớp đàn đúm nhậu một bữa. Trong khi chờ phu nhơn bạn Văn Phương chặt gà, bày bàn, làm món…, Trọng Đoàn một mình dạo chợ nhỏ trên đường Lê Văn Sỹ, chừng nửa tiếng sau chàng về cầm một bịch đen thui chìa ra tấm tắc: “Bên Mỹ không có thứ này, tôi thèm nó muốn chết!” Thì ra là cua đồng (con rạm), con to chỉ như cái nắp keng đập dẹp. Tôi và nhóm bạn ngơ ngác nghĩ ngợi: mua gì cho xứng tầm Việt kiều về nước chứ thứ “còng” này ra gì!


Vậy là nhờ chị Phương ram. Mâm nhậu đủ thứ món, Trọng Đoàn cứ chăm bẵm món rạm ram. Phối chế hoàn tất, Đoàn chỉ gắp và gắp, còn xin chén cơm trắng… ngấu nghiến cơm rạm ngon lành, không buồn thò đũa vào bao món bày la liệt trên bàn. Đoàn tâm sự: “Món này mẹ mình ram mặn như vầy, hồi khó khăn mỗi đứa một chén cơm chỉ được hai con rạm mà ngon tày trời!” Ngỏ ý muốn mua mang về Mỹ, tôi trỏ nơi bán sỉ ở gần nhà. Hai bữa sau, người nhà chàng Đoàn đến chợ vỉa hè nhóm gần chợ Hoà Hưng lúc hai giờ sáng mua mười ký về ram khô.


“Quà của tôi cho người thân bên đó là thứ rạm này đây”, Đoàn nói chắc nịch!


Đoàn hiện làm chủ hai tiệm “phở Đoàn” tại Mỹ, nhà gốc Bắc từng nấu quán phở ở Trung Chánh – Hóc Môn. “Ở Mỹ chỉ nhờ có xương, thịt bò nhiều thôi chứ mình nấu vẫn không bằng mẹ ngày trước. Cả vợ mình bây giờ cũng đáng… xách dép cho bà!”, Đoàn vung tay chém gió. Cả nhóm bạn bảy người, tuổi đã U60, ai cũng chặc lưỡi khen mẹ mình; người nhớ món này, kẻ kể món kia ra rả nghe như giấc mơ hiện về. Không thèm, không nhớ sao được, những món ăn như đã ngấm vào máu thịt từ tấm bé và như vậy không thể đánh lừa vị giác mình được nếu không phải là món mẹ nấu. Nồng nàn hơn, bởi mình đã từng hấp thu những thức ăn thời xa xưa ấy từ bầu sữa mẹ. Ngon bởi vị giác, còn ngon bởi cả một mối tình ẩn chứa trong món ăn, tạo nên cái ngon bất diệt mà chỉ có mẹ mới nấu được.









Ngon bởi vị giác, còn ngon bởi cả một mối tình ẩn chứa trong món ăn, tạo nên cái ngon bất diệt mà chỉ có mẹ mới nấu được.



Lấy chồng đã 30 năm, có hai mặt con mà bà Sáu Phương ở quận nhất – người Nam rặt vẫn cứ phải nấu ăn theo gu của chồng “vì ổng ăn khó quá đi, ổng chỉ tui từng li từng tí cách kho, nấu canh, đâm mắm… của người Trung”, bà Sáu Phương gằn giọng. Đến độ chỉ nêm tí đường vào nồi canh chua cho đằm lại, ông Nguyễn Tô Cơ, chồng bà Sáu Phương cũng nhận ra và gác… muỗng. Đặc biệt ông Tô Cơ tối kỵ nước cốt dừa, ông bảo: “Dừa tôi uống cả trái, cơm dừa tôi ăn cũng cả trái, nhưng cho nó vào thức ăn thì tôi… bái bai”. Bà Sáu Phương sau 30 năm chung sống, ăn riết rồi cũng ngấm theo khẩu vị của chồng, đến độ giờ về miền Tây “có những món tôi ăn cũng không vô, ngọt quá, béo quá, chua quá”. Thế nhưng, cái nỗi thèm những món thời thơ ấu vẫn lẩn quẩn trong ký ức, như người nghiện trầu, thuốc lá… vậy, nên lâu lâu “tôi cũng làm một nồi thịt kho hột vịt kiểu Nam bộ hay bún mắm… mà má tui hay nấu cho đã thèm”, bà Sáu Phương tiết lộ.












Bếp Việt vào những năm 1920.

Ảnh : TL



Tây cũng tập tành nấu những món Việt dân dã như trong chái bếp xưa của mẹ. Ảnh: TL



Ông giáo Vũ Đức ở quận 10, từ khi lập gia đình đến nay là đầu bếp chính trong gia đình, lo cả việc chợ búa. Vợ ông – bà Thu Hoa cũng là nhà giáo, chỉ là bếp phụ. Có lần cùng về nhà một người bạn ở Tây Ninh chơi, có ao cá, gà thả vườn, chúng tôi kháo nhau với ông giáo đảm đang này: “Hôm nay ông ra tay coi, làm mới tin!” Chúng tôi đứa rượt bắt gà, đứa vớt cá trê ao; ông giáo Vũ Đức bếp trưởng. Thật nhanh chóng, cá trê kho tộ, cá trê nướng chấm mắm gừng, gà xé phay, đầu – cánh – lòng – xương gà nấu canh chua lá giang… bày tưng bừng trên bộ ván. Bữa ăn nhậu nội đồng ngon quá sức. Ông Vũ Đức điệu nghệ cả việc không bằng lòng nướng cá trên bếp ga hay lò vi ba, phải mua than về quạt lửa cho ông nướng; gà ông xé tay không cho lóc bằng dao; lá giang ông vò trước khi cho vào nồi… vô cùng công phu. Rồi hề hà rượu thuốc ông giáo kể, con ông không thích ăn hàng quán, “nhất quyết tôi phải nấu chúng mới ăn”. Hoá ra bà Thu Hoa có phước, nhưng hai đứa con ông giáo sẽ nói: “Ba nấu ăn là ngon nhất trần đời!”


Với tôi, mẹ nấu những món ngon đến nao lòng mà chẳng bao giờ tôi quên. Thời nghèo rạc, cái bắp chuối, vài gờ-ram da heo là nên món gỏi tuyệt vời. Da heo luộc phải xắt sợi không cắt miếng, bắp chuối phải bào thật mảnh; mắm ớt tỏi đâm là dẫn chất thần kỳ của gỏi bắp chuối da heo, nó như nụ cười duyên trên khuôn mặt thiếu nữ – thiếu hay lệch lạc sẽ đâm ra lạnh lùng. Không phải đến bây giờ mới có cá, mực một nắng; từ xưa kia đã có cá muối sư, mẹ tôi ướp muối hột âm ẩm rồi phơi một hai nắng cho dốp dốp, xát thêm sả ớt băm đem chiên hay nướng, ăn quên… tên tuổi, nhất là những ngày mưa dầm miền Trung. Mùa cá cơm, bên hiên nhà vài vịm mắm cái mẹ tôi ủ, mỗi khi mở nắp hương thơm lan khắp xóm... Biết bao là món của mẹ chôn trong ký ức tôi, vậy mà trong những mâm cơm ngày ấy mẹ tôi vẫn nói, “mệ ngoại hồi đó làm món ni còn ngon hơn ri nờ!”


Nguyễn Tâm






Thanh âm vô lượng

Thanh âm vô lượng

Sài Gòn bao dung


Mỗi người dân Sài Gòn nhập cư đều có một cố hương để hoài nhớ. Thành phố này ôm trong lòng nó đủ hạng người với nhiều cung bậc cách biệt, nhưng không biệt xứ. Có cõi quê trở về cho tròn lời hứa Xuân này con trở về, rồi lại khắc khoải nỗi tha hương Lạy mẹ con đi. Đi để về và đi là về.


Thanh âm vô lượng


SGTT.VN - Sài Gòn ôm trong lòng mình vô lượng thứ, kể cả những âm thanh sáng chiều và tận đêm thâu của muôn mặt mưu sinh. Sài Gòn hát bằng nhịp điệu của cuộc đời và tạo nên những điều lạ kỳ mà không có nơi nào trên hành tinh có được.










Cô gái múa giữa đường phố Sài Gòn này được đặt biệt danh là Lady Keokeo.



Vài mươi năm trước, tôi vẫn bị hấp dẫn bởi những tiếng gõ nhịp của xe mì đêm. Những chủ xe mì đẩy dọc vỉa hè ban đêm luôn có một, hai tuỳ tùng lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm để rao mì bằng tiếng gõ độc đáo.


Đó là những nhịp điệu không quá chói tai để tránh làm phiền người ngủ sớm.


Có lần được nói chuyện với A Hoành, một ông già Trung Hoa đầy kiến thức dân gian, ông nói việc gõ mì cũng báo hiệu bang hội và đẳng cấp. Để phát ra tiếng kêu thanh và chắc đó, người bán mì sử dụng hai miếng gỗ dài, mặt hơi cong để tạo âm vang, và sau này thường là hai miếng tre. Hình thức này rất giống với người mõ làng ngày xưa vẫn đi tuần trong thôn xóm, gõ báo sang canh cũng như phòng trộm cắp. Nhưng gõ mì thì nhịp điệu thôi thúc và nhiều nhạc tính hơn.


A Hoành nói ngày xưa người bán mì rong vỉa hè cũng có bang hội. Người vào nghề bán mì nếu là hạng thứ, chỉ được gõ chứ không được đứng bán. Học gõ rao mì không dễ, có người phải tập một, hai tuần mới được. Người Hoa từ xưa đã mang nghề bán mì đi khắp thế giới để kiếm sống, nên người đến trước có quyền hạn như đại ca. Tiếng rao mì của vùng do đại ca quản lý, tiếng gõ có những âm thanh khác biệt mà dân trong nghề nghe phải biết và tránh lấn vào vùng làm ăn của đại ca như một cách bày tỏ sự tôn trọng.


Những ngày tháng xã hội biến động, không chỉ ở Trung Hoa hay Việt Nam, những xe mì tham gia hội kín cũng hay dùng tiếng gõ mì như một loại truyền tin mà chính quyền nào cũng bó tay, không tài nào hiểu được.


Khi thêm hiểu biết, tôi thú vị vì giá trị của tiếng gõ mì như một loại truyền thông tiếp thị đường phố – street marketing, loại quảng bá kinh doanh quan trọng được đưa vào sách giáo khoa của các đại học lớn trên thế giới sau nhiều thập kỷ nghiên cứu, vậy mà ông cha sử dụng tự nhiên từ một cảm giác trời ban, không cần loằng ngoằng lý luận.


Năm 1995, khi ông vua nhạc pop Michael Jackson phát hành album History, tôi từng sửng sốt khi nghe nhịp điệu của bài They don’t care about us: nó không khác gì nhịp điệu của mì gõ Sài Gòn, được thêm thắt bằng những âm thanh hiện đại. Nhịp điệu thôi thúc và hấp dẫn này lọt vào top 10 của hầu hết các quốc gia châu Âu. Còn tiếng gõ mì, nếu được bình chọn, tôi tin rằng nó sẽ lọt vào top 10 của những âm thanh làm nên một Sài Gòn hoa lệ và bao dung, che chở và nuôi nấng hàng triệu người nhập cư.


Đã nói đến bình chọn thì không thể không nhắc đến tiếng trống – phèng rao bán đầu lân ông địa mùa Trung thu. Cùng với tiết tấu của hip hop, điệu trống bán đầu lân luôn khiến đám nhỏ nhảy múa quanh chiếc xe. Đứa nào được gia đình cho tiền mua một cái thì như lên tiên, cứ tung tăng không ngừng nghỉ bên nhịp điệu “tùng cheng”. Điệu trống làm trẻ nhỏ nôn nao đó là cột mốc thời gian, báo hiệu một thời khắc của mùa, của đời đang đến.









Sài Gòn đã nhận vào lòng mình muôn muôn tiếng động, như nhịp đập của trái tim của vùng đất, như hơi thở của thị dân linh hoạt và tự do thiên định trong dòng máu của mình.



Sài Gòn đã nhận vào lòng mình muôn muôn tiếng động, như nhịp đập của trái tim của vùng đất, như hơi thở của thị dân linh hoạt và tự do thiên định trong dòng máu của mình. Vô cùng sáng tạo, người ta có thể nhớ nhiều đến tiếng răng rắc rao đấm bóp đêm, tiếng leng keng của xe bán kem, tiếng kèn bóp hơi của người mua bán ve chai, tiếng mu rùa lốc cốc của người coi bói dạo... kể cả tiếng kèn tây đám ma tiễn đưa người chết.

Nhưng cũng như tuổi thanh xuân đẹp nhất của mỗi người đã đi qua và không bao giờ trở lại, cô gái Sài Gòn nhiều tuổi hơn và cũng mất mát những điều diễm lệ đời thường đã từng có. Những thanh âm độc đáo đó cũng mất dần. Những tiếng rao hàng cũng xa xôi. Sài Gòn giờ rực rỡ hơn, ồn ào hơn... Nhưng cũng chừng như ít nhiều vô vị.


Những thanh âm được sáng tạo của người xưa giờ được thay bằng những chiếc loa sắt và các phần ghi âm sẵn. Nền công nghiệp bèo nhèo của hệ thống tiếp thị kinh doanh đường phố đã giết chết những điều rất “người” và kỳ thú còn sót lại của thành phố.


Tiếng nhạc kẹo kéo giữa những đêm bên các tụ điểm sôi động của Sài Gòn với dòng ca sĩ bắt kịp thời sự của Mỹ, là một dấu ấn khác. Những Michael Jackkeo, những Lady Keokeo...


Có lẽ rất nhiều người vẫn thầm nghĩ tiếng loa rao bán keo bẫy chuột hay tò te tí vô hồn của xe kem cây đời mới, không bao giờ so được với tiếng rao của con người, dù yếu ớt giữa muôn vàn tiếng động đô thị. Nhưng những đổi thay buồn chán đó vẫn được ôm trọn trong lòng Sài Gòn bằng sự bao dung rộng lớn, vì đó cũng là những cách để mưu sinh.


Trong những điều rất mới của âm thanh Sài Gòn, có những chiếc xe ba gác chở đầy đĩa nhạc, xập xình những bài hát được yêu chuộng. Nhưng âm thanh được phát ra trên những chuyến xe đó, vang vọng lời ca một thời của Thanh Tuyền, Duy Khánh, Sĩ Phú... cũng là những điều xưa cũ, hoặc làm người ta nhớ đến những điều rất xưa cũ.


Sài Gòn là vậy đó. Sài Gòn bao dung ôm trong lòng mình tương lai nhưng không bao giờ phản bội quá khứ.


tuấn khanh


ảnh: Trần việt đức






Nanh heo - loài cá tất bật xuôi ngược

Nanh heo - loài cá tất bật xuôi ngược

Đặc sản An Giang:


Nanh heo - loài cá tất bật xuôi ngược


SGTT.VN - Cách đây gần 150 năm – chính xác là năm 1865, nhà ngư học người Hà Lan Pieter Bleeker đã phát hiện ra cá heo nước ngọt, còn được gọi là cá nanh heo, do chúng có râu – trông như cái nanh, ở lưu vực sông Mekong. Bởi đấy cái tên cá tiếng Anh thường có cả tên ông – Botia Modesta Bleeker.










Cá nanh heo kho lạt ăn rau ghém.



Đời sống của cá nanh heo là những cuộc di cư liên tục. Cuộc di cư ngược dòng của cá nanh heo từ vùng thâm nhập mặn ở lưu vực đồng bằng sông Cửu Long đến dưới chân thác Khone, Lào vào giữa tháng 11 và tháng 3 hàng năm. Chúng buộc phải đi là do mực nước xuống thấp. Cuộc di cư xảy ra vào mùa trăng.


Từ tháng 5 đến tháng 7, cá nanh heo di cư ngược lại, xuôi dòng từ thác Khone trên sông Mekong, thuộc tỉnh Champasak bên Lào, gần biên giới Campuchia, xuống vùng lụt Nam Campuchia và đồng bằng sông Cửu Long. Thác Khone là thác hoang dã nhất châu Á, cao 21m. Chính nó là thác nước làm cho không thể đi theo sông này ngược lên Trung Quốc bằng tàu thuyền. Phía trên thác Khone, cá nanh heo đi ngược dòng từ tháng 2 đến tháng 5 ra các nhánh sông rạch của dòng Mekong – thường là đi vào nhánh sông Nam Ing. Chúng quay lại sông Mekong vào tháng 7 đến tháng 11. Những cuộc di cư của cá nanh heo được báo cáo trong nghiên cứu của vợ chồng cố tiến sĩ Philip McRowan, người Mỹ gốc Lào. Trong khi đi khảo sát thực tế, họ bị một nhóm người Mông giết không rõ lý do tại Lào.


Người Thái bám lấy con cá này từ năm 1999. Người Việt 2010. Là loài cá thịt ngon nhưng “dễ thương” theo tiêu chuẩn “nhỏ xíu anh thương” của nhạc sĩ Trần Tiến, nên dù được nuôi nhiều, giá cá cũng không hề rẻ đi chút nào. Cá chưa thành niên ở các vùng khác nhau của sông Mekong đều dài khoảng 2cm. Cá cho thịt dài đến 5cm. Cá từ lồng bè nuôi ở An Giang về đến nhà hàng Sài Gòn giá sỉ đã 280.000 đồng/kg. Thị trường rất phân biệt đối xử với giới tính của cá nanh heo. Thị trường cũng ga lăng giống y loài người – trọng nữ khinh nam (vậy mà các bà còn chưa để yên). Cá cái mắc gấp ba lần cá đực, vì to con nhưng ngắn thân hơn, thịt béo và ngon hơn. Hai giống cá khác nhau ở chỗ con đực có sọc đen trên mình, còn con cái toàn thân xanh nhạt. Đuôi vi cá nanh heo có màu đỏ hồng dễ nhận biết.


Cá nanh heo có thể làm đủ món: nấu chua, nướng muối ớt, kho lạt ăn với rau ghém. Món sau ngon hơn hết, lại hạp với thời mà các nhà dinh dưỡng khuyên ăn nhiều chất xơ – mặc dù không có bằng chứng rõ ràng cho thấy tốt hơn cho sức khoẻ chỗ nào. Nước cá kho lạt béo dịu dàng và thơm dàng dịu, vì trước khi nấu chúng vẫn “chưa từ trần”. Khi lùa miếng nước cá cùng rau vào miệng là cảm nhận cái vị béo và thơm của cá; thịt cá béo hơn và ngọt, không có vẩy, có thể nhai cả xương mềm của chúng. Nhờ những lồng bè ở An Giang, người ta không phải thương nhớ cá theo mùa, vì cá có quanh năm.


Có địa phương còn gọi chúng là cá he. Nhưng cá he thứ thiệt lớn hơn cá nanh heo hơi bị dữ, dài gấp ba lần là ít.


Sài Gòn ít có món cá nanh heo trong thực đơn nhà hàng. Lần đầu tiên tôi biết đến là món cá nanh heo kho lạt ăn với rau ghém tại nhà hàng Nam Bộ, 19 Nguyễn Thị Diệu, quận 3. Trước đó qua điện thoại, nghe ông chủ giới thiệu: hôm nay có cá heo. Tôi hỏi: cá heo nước mặn? Ông đáp: không, cá heo nước ngọt. Chưa nhìn thấy cá, ngỡ đâu ông ta cả gan bán cá nược – loài cá heo nước ngọt vào sách đỏ trên sông Mekong. Nhưng nhầm to. Hoá ra cá heo có tên thông dụng hơn là cá nanh heo. Mới đầu người dân vớt cá con về nuôi lồng. Đến năm 2010, đại học Cần Thơ ép đẻ thành công. Cá trở thành đặc sản để đến là nhớ An Giang, ngoài nhiều thứ để nhớ khác, trong đó chắc chắn có cả người, của xứ này.


bài và ảnh Thái học






DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ