Nhật ký trên những đôi giày
Nối vòng tay lớn sau một hành trình
SGTT.VN - Lần đầu tiên có một hành trình bằng xe đạp băng qua lần lượt các cửa sông ở đồng bằng Cửu Long, thuộc các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng (từ 1 – 5.12.2013). Hành trình này được khởi phát từ trường cao đẳng Nghề du lịch Sài Gòn. Và, thử nghĩ, nếu mỗi tổ chức trong xã hội không chủ động gióng tiếng, vỗ tay thì làm sao tạo được âm vang lan toả, và những thông điệp cần gởi trao có thể “cắm rễ” vào đời sống?
“Má ơi, má đừng buồn nữa nghen... Con có xe đạp rồi...”, lời phát biểu của em học sinh ở Tân Thành, Gò Công làm xúc động bao người. |
Trong đoàn người tham gia “Hành trình chín cửa sông – Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”, tôi nhìn thấy hai bạn trẻ của công ty Điền Quân (đơn vị thực hiện chương trình truyền hình “Năng động du lịch Việt” và nhiều chương trình khác nữa trên HTV). Tôi thầm nghĩ Điền Quân Media thật “chịu chơi”, chịu đồng hành cùng đoàn sinh viên đạp xe ròng rã…; thực sự là một tiếng vỗ đầy nhiệt tâm.
Chuỗi ngày để nhớ
Tham gia hành trình gần 70 người, gồm đội đạp xe, đội hậu cần, đội văn nghệ, một số ít phóng viên báo, đài. Đoàn tham gia dọn dẹp vệ sinh tại chợ Cầu Ông Lãnh (quận 1), sau đó di chuyển qua phà Mỹ Lợi, đi về hướng biển Tân Thành (Gò Công, Tiền Giang). Dọc đường, đoàn phát tờ rơi quảng bá về môi trường cho bà con tiểu thương tại chợ Gò Công. Hình ảnh một đoàn người nối đuôi nhau chạy xe đạp, mỗi chiếc cắm hai bảng ghi dòng chữ: “Hãy hành động vì môi trường xanh – sạch – đẹp”, “Rác là nguồn gây ô nhiễm, hãy làm sạch rác ở mọi nơi”, đã thu hút bao ánh mắt của người dân bên đường.
Buổi tối tại khu du lịch Bình An (Tân Thành, Gò Công), đoàn đã tặng mười xe đạp cùng một số tập vở cho học sinh nghèo tại địa phương. “Má ơi, má đừng buồn nữa nghen… Con có xe đạp rồi, từ nay má khỏi phải chở con tới trường học”, lời phát biểu mộc mạc này của một em học sinh tiểu học đã khiến mọi người có mặt trong đêm văn nghệ giao lưu xúc động.
Ngày thứ hai (trong năm ngày) đoàn đón ánh bình minh tuyệt đẹp tại cửa Tiểu, cửa đầu tiên của hành trình. Trên những cung đường khúc khuỷu, sình lầy đến các cửa sông, có không ít sinh viên phải bặm môi gò lưng đạp bở hơi tai. Dọc đường đi qua chợ Bình Đại, ấp An Phú (Bến Tre), đoàn dừng lại và dọn dẹp rác ven đường, trong chợ. Tôi nhìn thấy một số bà con chăm chú đọc tờ rơi được phát tận tay, rồi cất cẩn thận. Vài chị tiểu thương đem nước uống, trái cây tặng cho các sinh viên trong đội xe đạp, thay cho lời chia sẻ đồng cảm.
Đêm về, tại hội trường của trường THPT Phan Thanh Giản, mười chiếc xe đạp và một số tập vở được trao tặng cho học sinh địa phương.
Ngày thứ ba, đoàn băng qua ba cửa còn lại trong hệ thống sông Tiền là cửa Hàm Luông, cửa Cung Hầu, cửa Cổ Chiên, và lại cùng thu dọn rác dọc một số đường thuộc tỉnh Trà Vinh.
Hiểm hoạ nước biển xâm thực ở đồng bằng Cửu Long không phải chuyện xa xôi, ngay tại biển Ba Động (Duyên Hải, Trà Vinh) đã nhìn thấy nước biển ngày càng lấn dần vào đất liền. Theo người dân địa phương, trước đây khoảng vài năm, có thể đi bộ ra hàng trăm mét nhưng bây giờ thì… vô phương. Buổi hội ngộ ấm cúng giữa đoàn với các chiến sĩ đồn biên phòng, thanh niên, thiếu nhi xã Trường Long Hoà. Mười em học sinh nghèo được tặng mười chiếc xe đạp và những em khác nhận tập vở.
Học sinh tiểu học ở xã Trường Long Hòa nhận quà trong đêm giao lưu. |
Ngày thứ tư đoàn đi qua cửa Định An, sau đó tìm đến cầu Cồn Tròn chứng kiến “vết tích” của cửa Ba Thắc (còn gọi là cửa Bassac) đã được bồi lấp, tạo thành vùng đất cho dân cư sinh sống, rồi xuống đò qua cửa Trần Đề, cửa cuối cùng của hành trình.
Trong đêm tổng kết tại Cù lao Dung (Sóc Trăng), 25 chiếc xe đạp còn lại của hành trình được chính các bạn sinh viên trao cho 25 học sinh địa phương. Một sinh viên cho biết, “rất vui khi nhìn thấy ánh mắt xúc động của em học sinh đặt tay lên ghiđông chiếc xe đạp được tặng”.
Hành trình khám phá chín cửa sông cũng đồng thời là hành trình “về nguồn”, đón nhận bài học lịch sử quyết không nhượng một tấc đất của tiên tổ cho ngoại bang khi tham quan đền thờ và luỹ pháo đài của tướng công Trương Định; bài học khí tiết khi đến viếng đền thờ Nguyễn Đình Chiểu, Phan Thanh Giản… Đặc biệt, không khỏi bồi hồi khi đặt chân bước vào khuôn viên trang nhã của khu tưởng niệm Võ Trường Toản – bậc nho sư của đất Nam kỳ lục tỉnh ngày xưa, nổi tiếng với học phong “lấy nhân nghĩa làm trọng” trong giáo dục nhân quần.
Trải nghiệm tình người
Lê Hải Yến, sinh viên lớp HD02N02, đã viết trên trang cá nhân Facebook: “Hành trình qua chín cửa sông đã khép lại. Mỗi chúng tôi đều nhớ mãi hành trình đầy ý nghĩa này… Khi nhận được quà, dù chỉ là những cuốn tập nho nhỏ… Thấy các em cười, thật hạnh phúc và ấm áp quá đi!”
Nơi các cửa sông đồng bằng Cửu Long, có không ít bà con làm nghề đánh bắt cá rồi đem bán cho nhà hàng, khu du lịch, hoặc đi bán hàng rong. Họ nhìn du lịch trong tư thế kẻ đứng bên rìa của sự phát triển, chỉ mong chờ kiếm được ít tiền theo kiểu “nhanh tay lẹ mắt” khi bám quanh du khách. Hẳn nhiên, với họ, ý niệm “du lịch cộng đồng” quá đỗi xa lạ và mơ hồ.
Du lịch cộng đồng hoá ra là một ý niệm hữu ích và rất thực tế. Khách hàng thường có nhu cầu giao lưu với người dân bản địa chứ không chỉ thụ hưởng là xong. Nhìn ở chiều ngược lại, những khu du lịch muốn phát triển không thể không cần đến cộng đồng người dân xung quanh. Bà con nào có vườn đẹp thì cho khách vào tham quan,… Một người dân ở biển Tân Thành nêu thắc mắc, “Làm cách nào để khách không e dè?” Thì nói thật, không cự nự gay gắt với khách, nói nhỏ nhẹ, tư vấn giùm cho khách. Nghe thạc sĩ Phan Bửu Toàn, phó hiệu trưởng cao đẳng Nghề du lịch Sài Gòn, trả lời như vậy, nhiều bà con bật cười sảng khoái.
Cô Ngô Thị Quỳnh Xuân – hiệu trưởng cao đẳng Nghề du lịch Sài Gòn, cho biết: “Tôi rất tự hào, từ lời ca tiếng hát cho đến sự san sẻ yêu thương một cách thiết thực mà các em sinh viên đem đến cho người dân còn khó khăn ở miền Tây”. Trong đêm tổng kết tại Cù lao Dung, thầy Phan Bửu Toàn giải thích: “Chỉ có tình người mới mang lại sự rung động thật sự”.
bài và ảnh: Việt Thư
Dọn rác ở Trà Vinh. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét