Sổ tay
Quan hệ có “tương”, chưa có “thích”!
SGTT.VN - TPP là cơ hội lớn để phát triển hơn nữa quan hệ kinh tế giữa hai nước Việt - Mỹ. Tự do thương mại sẽ mang lại những thay đổi năng động không ngờ cho nền kinh tế
Trong tuần qua, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hoa kỳ tại Việt Nam David Bruce Shear đã kết thúc chuyến thăm chính quyền địa phương và tìm hiểu vùng chịu ảnh hưởng biến đổi khí hậu ở cực Nam, thăm nhà máy sản xuất điện gió sử dụng thiết bị của tập đoàn GE, Mỹ; thăm bệnh viện Đa khoa trung ương - tiếp xúc, chia sẻ kỳ vọng về Hiệp định thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với các giảng viên và sinh viên trường Đại học Cần Thơ.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hoa Kỳ tại Việt Nam David Bruce Shear và các sinh viên trường đại học Cần Thơ. Ảnh: Hoàng Lan |
Tiêu chuẩn hàng hóa, tài sản trí tuệ, hàng rào bảo hộ… là những vấn đề được phía Việt Nam nêu ra. Và theo Đại sứ David B.Shear: TPP là cơ hội lớn để phát triển hơn nữa quan hệ kinh tế giữa hai nước. Tự do thương mại sẽ mang lại những thay đổi năng động không ngờ cho nền kinh tế. “Trong 10 năm đầu, sau khi gia nhập TPP, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng 37%, GDP tăng 11,1% /năm”-Đại sứ David B. Shear phác thảo viễn cảnh.
Thương mại song phương giữa Việt - Mỹ năm 2012 hơn 25 tỉ USD. Hơn 4 tỉ USD trong số này là nông sản, 1 tỉ USD là thủy sản. Mức độ mở cửa thị trường cho nông sản - thủy sản từ Việt Nam vào Mỹ phụ thuộc vào cánh cửa mở cho hàng của Mỹ vào Việt Nam. Cả hai bên đều nhìn thấy kết quả chưa xứng với tiềm năng.
Việt Nam bắt đầu tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. Khi làm tăng giá trị sản phẩm thì thu nhập người lao động sẽ tăng, vị thế Việt Nam sẽ thay đổi. Vào TPP, về ngắn hạn, da giày và dệt may là những lĩnh vực Việt Nam đang sở hữu lợi thế cạnh tranh.Về dài hạn, TPP mở rộng cửa cho nhiều thiết bị và công nghệ nông nghiệp hiện đại. Điều này sẽ mang lại lợi ích cho Việt Nam: củng cố và khẳng định vai trò đóng góp của Việt Nam trong bảo vệ ANLT trong khu vực và tạo động lực để doanh nghiệp nông nghiệp nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm và phát triển sản phẩm chế biến. "Các điều khoản trong TPP nhất quán với chính sách tái cấu trúc nền kinh tế, từ doanh nghiệp nhà nước đến hệ thống ngân hàng và sở hữu trí tuệ, điều kiện cần để Việt nam củng cố cam kết hội nhập và hiện đại hóa nền kinh tế", Đại sứ David B.Shear nói.
Tuy nhiên theo Đại sứ David B Shear, vào nhà máy, nếu tất cả chỉ cắt và may thôi trong khi vải nhập từ Trung Quốc thì khi làm theo chuỗi giá trị Việt Nam phải sản xuất ra vải, làm tăng giá trị sản phẩm. Hàn Quốc, Đài Loan làm ra nguyên liệu và sản xuất vải với chất lượng rất cao. Xuất khẩu nông sản - thủy sản cần được đầu tư kỹ thuật để ngày càng có sức cạnh tranh hơn.
TPP thúc đẩy nhu cầu về năng lực tay nghề cao và được trang bị trình độ giáo dục cao hơn. “Đồng bằng sông Cửu Long nên đầu tư vào giáo dục, công nghệ để sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn, phải làm cho nhiều sản phẩm tham gia ngày càng sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Hi vọng những nhà đầu tư của Việt Nam sẽ tham gia vào chuỗi này. Việt Nam là nước rất năng động và hi vọng sẽ năng động hơn nữa khi tham gia TPP, nên thu hút đầu tư nước ngoài, giáo dục, đào tạo… Ông nêu ví dụ từ Intel, nhiều người học ở đại học Arizona trở về, công ty Intel sử dụng rất nhiều. Từ đào tạo, nhà đầu tư có lòng tin vào lĩnh vực kỹ thuật và cung cấp nhân lực.
Tuy nhiên, việc nâng cao giá trị tương tác đang bị thách thức, dường như chỉ dừng ở chỗ chỉ có “tương”, chưa có “ thích”. Bằng chứng là khi Việt Nam, chủ yếu Đồng bằng sông Cửu Long, hăng hái triển khai cho cộng đồng học hỏi, ứng dụng các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm quốc tế và các biện pháp kiểm dịch nông sản xuất khẩu cho ngành nông sản thông qua dự án MACBETH (*) để làm hàng đi Mỹ thì tiêu chuẩn từng được hàng trăm nhà phân phối thực phẩm trên toàn cầu xây dựng, được tập huấn… lại không được tính đến khi người Đồng bằng sông Cửu Long bán hàng vào Mỹ.
Hoàng Lan
(*) Đại học bang Michigan và trường đại học Cần Thơ (cùng Đại học Kasetsart., Thái Lan) cam kết với WTO giúp Việt Nam triển khai dự án nâng cao năng lực tham gia thị trường của các chuỗi sản xuất nông sản thông qua đào tạo và huấn luyện (MACBETH - Market Access through Competency Based Education and Training in Horticulture). Dự án giúp cho người sản xuất nguyên liệu và doanh nghiệp chế biến thực hiện chặt chẽ tiêu chuẩn an toàn thực phẩm toàn cầu (GFSI – The Global Food Safety Initiative ) |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét