Thứ Hai, 4 tháng 11, 2013

Lòng dạ tivi

Lòng dạ tivi

Lòng dạ tivi


SGTT.VN - Cảm xúc đối với tivi của con trai tôi bây giờ đã khác, quá khác với thế hệ anh em tôi khi bằng tuổi cháu bây giờ. Tivi là một phần chứ không phải cả thế giới như thế hệ anh em tôi ngày trước. Ngày nay, có nhiều cách để tiếp cận được với thông tin nhưng dường như, sự minh bạch lại trở thành của hiếm, lòng người sao càng trở nên hoang mang, bất ổn hơn. Khoảng cách để đến với sự thật bỗng dưng trở nên xa xôi hơn bao giờ hết dù tivi, hàng ngày vẫn mồn một diễn ra biết bao hình ảnh, từ cấu tạo sợi tóc đến nguồn cơn một trận bão tuyết ở Bắc Cực!











Tôi nói, khi tôi vào đại học rồi thì ba tôi mới sắm tivi, cátxét thì bạn bè ít người tin như thế. Con trai tôi càng không tin vì hiện giờ, cháu thấy nhà ngoại có đến ba cái, một ở nhà trên, một ở nhà dưới và một ở trên gác, nơi ngủ của ông bà. Bạn còn bĩu môi, không có cátxét mà bài nhạc sến nào mày cũng biết, Tây Du Ký mày cũng mê, chị Dậu mày cũng nói mày coi phim rồi. Ơ, hoá ra bạn không nghĩ là mình coi ké và nghe lén à?


Xem tivi ké cách đây 30 năm là một việc hết sức bình thường, cả xóm mà được ba nhà có truyền hình đã là xóm giàu. Khi tôi tám tuổi, cái tivi đen trắng 14 inch đã là một tài sản nên ai cũng đặt nó trang trọng ở nhà trên, như bà tôi, để tivi trong một cái tủ nhỏ cạnh bàn thờ. Hồi đó, tôi thấy mình sướng hơn cả chục đứa khác vì nhà nội có tivi, chỉ cần bước đúng một bước chân là tôi đã có thể nằm dài trên giường ngủ của bà mà xem rồi. Tivi không có nhiều kênh để chuyển liên tục như bây giờ, cả miền Đông nam bộ hầu như chỉ xem được mỗi đài Truyền hình TP.HCM mà thôi. Chương trình Những bông hoa nhỏ thì tôi không khoái nên bây giờ không còn ký ức gì nhưng lịch phát sóng của đài thì nhớ rất rõ là tối thứ hai, ba, tư thì có phim, thứ năm có Chuyện trong nhà ngoài phố, tối thứ sáu là ca nhạc theo yêu cầu, tối thứ bảy là cải lương. Hôm nào có cải lương là nhà nhà nấu cơm ăn sớm, chạng vạng tối đã có người cầm đèn dầu ống khói qua ngồi chơi ở hàng hiên, (đèn dầu để khuya soi đường mà về), vừa râm ran chuyện làng chuyện xóm vừa đợi anh tôi đi sạc bình ắcquy về, (thời đó chưa có điện đóm gì, tivi hát bằng bình acquy). Hôm nào vui và đông người, bà tôi hay làm kẹo đậu phộng mang ra đãi khách, thì cũng vòng vòng bà con quanh đó và con cháu trong nhà. Chiếc tivi đảm nhận vai trò giải trí chủ đạo suốt một thời gian dài vì vòng quanh bán kính 40km nhà tôi ở, không hề có bất cứ một điểm vui chơi giải trí nào. Nói 40km cho vui thôi, chứ cũng làm gì có xăng mà chạy xe xa chừng ấy để tìm vui. Ấy là cái thời, Nhà nước phát bo bo cho giáo viên ăn độn, áo mặc bằng vải tám in hoa… cái thời, dường như mọi thứ còn hợp lắm với từ giản dị, chừng mực (vì có dư đâu mà lo chuyện vung tay!). Chuyện tivi bây giờ nhắc lại, có cả một thế hệ chung nhau từ “coi ké”. Cả một thế hệ trộm nhìn nhau lén nắm tay nhau trên con đường làng tối om đến nhà một cậu mợ bác chú nào đó để coi ké tivi. Không có remotve và không có nhiều kênh, giờ nào coi đúng chương trình nấy trong thời khoảng hết sức giới hạn.


Rồi thì tivi dần trở nên phổ thông, tôi thèm thuồng nhìn nhà bạn bè, nhà nào cũng có một cái tivi màu. Ba tôi, dù không phải thiếu tiền, cũng kiên quyết không mua. Ban đêm, đứa nào học bài thì phải ở nhà lo học cho xong mới được “vác mặt” qua nội coi tivi. Giờ nghĩ lại, khi cả gia đình tôi, chú tôi và nội cùng quây quần trước màn hình tivi thì dường như, lúc ấy thần thái của nội là thanh thản nhất. Phần tôi, nằm coi tivi trên chăn êm nệm ấm của nội nên ít khi nào coi hết vở tuồng gì, vì ngủ. Sáng ra cứ định thần, ủa hồi tối mình qua nội xem tivi, mà giờ sao nằm ngủ ở nhà. Làm sao đếm được bao nhiêu lần, sợ tôi mất giấc ngủ, ba toàn bồng tôi về nhà. Khi cơ thể bắt đầu dài ngoằng và não bắt đầu biết nghĩ… cho ba, tôi nhớ chắc khoảng lớp 8, cũng sau một sáng thức dậy biết là đêm qua ba lại ẵm mình về, tôi bắt đầu thương ông và thề với lòng, không được ngủ quên để ba nặng nề nữa. Mặt khác, tôi dặn đi dặn lại ba đừng ẵm nữa, nếu con ngủ quên, thì kêu con dậy, con tự đi về giường. Người ta có nhiều dịp để “đốn ngộ” tình yêu của bậc sinh thành, còn tôi, thì nhờ đi coi ké tivi và biết rằng, mình là con gái yêu dấu nhất của người.


Nhưng là tôi may mắn, bạn tôi bảo thế vì ngày xưa, cũng nghèo khó thiếu thốn, một chùm sáu anh em nhà bạn đêm đêm nắm áo nhau đi qua ba bốn thớt tiêu (*) để đến nhà bác ruột của bạn xem ké tivi. Và nhiều lần, bác ấy nói hôm nay chương trình dở, hôm nay hết bình để sáu anh em bạn ra về. Mà con nít quá hồn nhiên trong sáng không hiểu thấu lòng người, sáu anh em biết là không phải vậy nên núp lại bên hàng rào nhà bác, chờ khi bác bật tivi lên để chỉ riêng nhà bác xem thì nhảy ra hét mừng, chọc quê như thể bắt gặp một cặp đôi nào hôn lén nhau sau hè, rồi vô tư kéo cửa bước vô nhà, vô tư phủi đít ngồi dưới sàn gạch ngóng cổ lên coi phim. Khi bắt đầu hiểu ra và tự ái thì bạn buồn, buồn tới bây giờ vì không hiểu sao bác ruột mình lại hẹp hòi đến vậy. Thêm sáu đôi mắt nhìn vào cái tivi thì chương trình có dở đi không, thêm sáu cái mông xếp hàng ngồi dưới sàn thì gạch có mòn đi không mà sao lòng bác bạn chật quá!


Bây giờ, bạn làm ăn phát đạt, nhà cao cửa rộng. Ở phòng khách bạn đặt một cái tivi to, phòng ăn thì tivi nhỏ. Phòng vợ chồng con cái đều có tivi riêng. Bạn sắm tivi như để rửa hận ông bác xấu tính, rửa cái hận nghèo nàn của tuổi thơ ở làng quê tăm tối. Nhưng hình như bạn thấy, vẫn có gì không ổn lắm khi trong nhà, mỗi người một thế giới riêng. Bạn không biết chính xác con mình thích chương trình gì nữa. Sau vài bắt gặp nó xem chương trình đấu vật bạo lực đầy thú tính gì đó của Mỹ, bạn cấm. Nhưng dù lệnh cấm có ban ra, bạn cũng không thể nào biết được con mình có nghe lời thật sự hay chỉ giả vờ. Thế giới riêng của nó sau một cánh cửa gỗ, nó hấp thu một kênh giáo dục khác, từ hằm bà lằng thứ phát trên tivi và internet chứ ít từ nếp nhà. Bạn nghĩ hoài nghĩ hoài, vật chất đầy đủ, tình cảm gia đình bạn cũng ổn mà sao nhà cửa không ấm như bạn hằng mong.


Tivi ngày nay không còn là tài sản để phân biệt “đẳng cấp” như thời xửa thời xưa, càng không đóng vai trò giải trí duy nhất nữa. Tivi bật mở suốt ngày, không vì giá trị thông tin hay nghệ thuật mà nó mang đến. Tivi đôi khi được mở lên, chỉ để cho ngôi nhà có chút âm thanh để bớt hiu quạnh. Tivi, có ai ngờ, đóng cả vai trò giữ trẻ. Nhiều vợ chồng trẻ bận đi làm, ban ngày giao con cho người làm trông giữ. Người làm mải chơi hoặc nhiều việc, lại giao đứa trẻ cho chiếc tivi. Nó xem tivi ngày này qua tháng khác, sống với người mà giao tiếp chủ yếu với tivi. Có đứa, đến bốn năm tuổi vẫn chưa biết nói tiếng người, dù miệng thì tía lia đủ loại âm thanh, tay thì liên tục chuyển kênh bằng remotve. Giật mình mang con đến bác sĩ tâm lý, dẹp bỏ tivi, đứa trẻ học nói lại từ đầu, may, cũng còn kịp.


Nhiều nhà tâm lý cũng cảnh báo ảnh hưởng của tivi với hạnh phúc lứa đôi khi cứ đặt nó trong phòng ngủ. Phòng ngủ chỉ nên dành để ngủ, để riêng tư. May, vài kiến trúc sư sau này cho biết, cũng đã nhiều người ý thức được mặt trái của tivi nên thường yêu cầu kiến trúc sư thiết kế duy nhất vị trí cho một tivi trong nhà. Giải pháp ổn nhất là, tivi đặt ở phòng sinh hoạt chung, hãy để cho nó trở lại với vai trò tốt đẹp ban đầu là kết nối những điều tốt đẹp, là trung tâm của giao lưu tình cảm gia đình. Vừa xem tivi, cha mẹ vừa nương theo câu chuyện mà dạy dỗ con cái. Có thể một ngày nào đó, vì không thể xem kênh HBO, một thanh niên ngồi xem cải lương với bà của mình, lại thấy loại hình này cũng hay đó chứ!


Trương Gia Hoà


(*) ở quê, một mảnh vườn vuông vắn trồng tiêu người ta gọi là một thớt tiêu, dù xét về diện tích,

nó phải gấp 5.000 lần cái thớt cắt thịt.






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ