Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

“Tôi đang đầy ắp cảm xúc lẫn trải nghiệm sống”

“Tôi đang đầy ắp cảm xúc lẫn trải nghiệm sống”










Nhà thơ Hồng Thanh Quang


“Tôi đang đầy ắp cảm xúc lẫn trải nghiệm sống”


SGTT,VN - Có người nói vui, hai tập thơ mới của Hồng Thanh Quang – Nỗi buồn tốc ký 1 với 354 bài và Nỗi buồn tốc ký 2 với 433 bài đáng được đưa vào Guinness vì độ dày kỷ lục. Nhưng đấy mới chỉ là một phần trong gia tài thơ đồ sộ mang tên “Hang ổ của Nhâm Dần” (nick Facebook của Hồng Thanh Quang) mà cứ cách ngày, thậm chí cách giờ lại “phình” thêm vài tác phẩm.











Quen đọc thơ anh trên mạng, ai nấy đều bất ngờ khi Hồng Thanh Quang nổi hứng in thơ, không những thế còn tổ chức đêm trình diễn thơ nhạc vào tối 7.11 tại nhà hát lớn (Hà Nội), và sau đó ở TP.HCM – một cung cách có phần rình rang so với nếp của anh.


Nhìn tốc độ đăng thơ lên Facebook của anh mà không khỏi thắc mắc: từ đâu có cơn “cuồng thơ” này?


Thú thực, tôi cũng không hiểu nổi thơ tự đâu đến. Có lẽ, nó đến ào ạt thế là bởi tôi đang ở giai đoạn đầy ắp cảm xúc lẫn trải nghiệm sống. Còn thực ra nếu được chọn, tôi lại không muốn mình không dính vào thơ, như thế cuộc đời sẽ nhẹ nhàng và kinh tế cũng sẽ khấm khá hơn.


Anh có ẩn ý gì qua tựa đề tập thơ: Nỗi buồn tốc ký?


Nó được rút ra từ một câu thơ của tôi: “Anh yêu em như nỗi buồn tốc ký”. Chính xác là, tôi “tốc ký” những nỗi buồn của mình bằng thơ. Thế nên, thơ vừa là nơi tôi trút lòng, giải toả và được an ủi, nhưng cũng là nơi bộc lộ gót chân Asin của Hồng Thanh Quang: những yếu đuối, những thất bại trên đường đời, và cả những trăng hoa (trong tâm tưởng thôi). Tập thơ Nỗi buồn tốc ký, tôi không rõ có giá trị nào không, nhưng ít nhất, nó cũng có giá trị ở sự trải lòng.


Thơ anh từ thơ in đến thơ online, trước giờ vẫn thế: muôn thuở thơ tình, quanh quẩn giữa ngũ ngôn, lục ngôn, thất ngôn, lục bát. Nhưng cũng có vài bài bất chợt không vần điệu, một vài sáng tác na ná thơ haiku – hay anh cũng từng trải qua những phút bỗng dưng… chán mình?


Với thơ, tôi không có một chủ đích nào cả, từ đề tài cho đến thể thức. Tôi viết theo bản năng, và luôn tâm niệm: việc của nhà thơ là làm thơ. Còn một khi đã được ấn hành, thì những bài thơ ấy sống cuộc đời của nó, hay hay dở tôi không phải chịu trách nhiệm. Hơn nữa, tôi làm thơ là cho những người đồng điệu với mình. Nên nếu có ai chê thơ tôi cũ kỹ, ngày trước thì có thể tôi còn tự ái, chứ giờ thấy rất bình thản. Chỉ cần ai đó, trong một phút cô đơn, một giây yếu đuối, nhớ đến một câu thơ của tôi, và tìm thấy sự an ủi là được rồi. Thực ra, nếu mà xét nét thì thơ tôi đầy khiếm khuyết. Nhưng tôi yêu tất cả những đứa con tinh thần phần lớn sinh ra trong trạng thái vô thức của mình, yêu cả những khiếm khuyết. Vì thế, tôi không bao giờ sửa lại từ này, từ kia, dù nhờ đó thơ có hay hơn, vì nếu sửa sẽ làm mất đi một điều gì khó xác định, được tạo thành từ những cảm xúc chân thành nhất. Mà theo tôi, nghệ thuật hay ở chỗ luôn tồn tại khiếm khuyết, chứ nếu hoàn mỹ thì lại chẳng còn hấp dẫn nữa.









Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: “Quang viết thơ là để cảm xúc lôi đi, kéo đi, và chính điểm ấy đã lôi cuốn độc giả. Buổi trình diễn thơ tối 7.11, theo tôi, cũng là một cuộc chơi thơ đầy đam mê, vụng dại, cực đoan và hứng khởi”.


Nhạc sĩ Phú Quang: “Trong đêm diễn có một tác phẩm đặc biệt, tôi đã “trộn” khoảng mười bài thơ của Hồng Thanh Quang để có được bài hát Sẽ một mình thôi. Ca khúc này do chính tôi thể hiện, chỉ một mình trên sân khấu, với cây piano”.



Có thể sau này, biết đâu, tôi lại mê mẩn với thơ không vần điệu. Tôi không sợ phải giã từ những gì quen thuộc, miễn là cuộc chia tay đến một cách tự nhiên, và tất yếu do cảm xúc. Tôi luôn trân trọng những gì mình đang có, nhưng cũng không bao giờ sợ mất cái đã có.

Trong sự nghiệp của anh, có lẽ chưa tập thơ nào đồ sộ và được ra mắt trang trọng như Nỗi buồn tốc ký. Anh phá lệ do ngẫu hứng, hay vì muốn nói: thơ xứng đáng được trân trọng và tôn vinh như thế?


Thực ra, tất cả đều do bạn bè “xui”. Trong làng văn có hai dạng nhà thơ: yêu thơ vì yêu vị trí của mình trong thơ, và yêu thơ chỉ vì yêu thơ. Tôi thuộc dạng thứ hai. Đêm ấy sẽ chỉ có thơ và nhạc, không bán vé, không bán thơ, thơ bán chỗ khác. Chương trình cũng không có tài trợ. Tập thơ và đêm trình diễn thơ nhạc, tất cả là nhờ bạn bè thân thiết, cộng với 30 năm Hồng Thanh Quang làm thơ và giấu vợ gây dựng “quỹ đen”.


Hương Lan (thực hiện)






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ