Thứ Hai, 28 tháng 10, 2013

Bình luận trên báo điện tử: Nên ‘cấm’ hay ‘quản’?

Bình luận trên báo điện tử: Nên ‘cấm’ hay ‘quản’?

Bình luận trên báo điện tử: Nên ‘cấm’ hay ‘quản’?


SGTT.VN - Sau thời kỳ “thả cửa”, giờ đây nhiều tờ báo đã bắt đầu tính đến chuyện cấm hẳn việc độc giả bình luận vào bài báo của họ. Một số khác bắt buộc độc giả phải sử dụng danh tính thực khi bình luận nhưng cũng có những tờ báo lớn cho rằng việc đó sẽ triệt tiêu tính tương tác với độc giả.


Bình luận hay chửi bới?


Ngày 24.9 vừa qua, tờ Popular Science (Khoa học thường thức) của Mỹ đã tuyên bố sẽ cấm triệt để việc độc giả bình luận (gửi ý kiến) vào website của họ. Ban biên tập Popular Science lập luận rằng những ý kiến trên ​​Internet, đặc biệt là ý kiến (bình luận) của những người vô danh, sẽ làm suy yếu sự toàn vẹn của khoa học và dẫn đến “một nền văn hóa hung hăng và sự nhạo báng gây cản trở sự tranh luận về nội dung. "Ngay cả một nhóm độc giả thiểu số với tư tưởng ‘kỳ quặc’ cũng đủ sức mạnh để làm sai lệch nhận thức của người đọc", Giám đốc nội dung trực tuyến - Suzanne LaBarre của tờ Popular Science trích dẫn một nghiên cứu gần đây của Trường Đại học Wisconsin-Madison làm bằng chứng.










Nặc danh – đó là một bài toán khó của vấn đề bình luận trên các báo điện tử.



Đa số các ý kiến theo trường phái này đều đổ lỗi cho Internet mặc dù họ không thể phủ nhận được rằng những “ý kiến hùng biện có tính kích thích tranh luận và khiêu khích đám đông” từ lâu đã là những trụ cột của “công luận trên môi trường mạng”. Cicero, một người tự gọi mình là "gái mại dâm công cộng", kết luận: "Hãy thôi nói về sự phóng đãng và hư hỏng. Các vị hãy nhớ lại giùm tôi, cái gì đã thay đổi với sự ra đời của bình luận ​​trực tuyến?”.


Nặc danh – đó là một bài toán khó của vấn đề bình luận trên các báo điện tử. Theo một cuộc thăm dò của Trung tâm nghiên cứu Internet và cuộc sống (PEW) của Mỹ mới được công bố hồi tháng Chín, một phần tư số người sử dụng Internet thường gửi bình luận nặc danh. Khi mà độ tuổi của người dùng Internet đang ngày càng được trẻ hóa, và yêu cầu sử dụng danh tính thực để bình luận đã tăng lên một cách miễn cưỡng thì vẫn có tới 40% số người dùng trong độ tuổi từ 18-29 vẫn thường gửi bình luận nặc danh.


Những người phản đối sự nặc danh cho rằng, có hiện tượng “con người bình luận” và con người thực của độc giả trở nên rất khác biệt nhau, thậm chí là trái ngược. Nhà tâm lý học John Suler gọi đây là "hiện tượng tác động ức chế trực tuyến". Lý thuyết này cho rằng các độc giả hay người dùng Internet khi bị buộc phải phát ngôn bằng danh tính thực của mình, thái độ của bạn sẽ trở nên “có trách nhiệm hơn” và ngược lại.


Quan điểm này tỏ ra khá trùng với một câu “tuyên ngôn” nổi tiếng trong thế giới Internet ra đời từ năm 1993 rằng: Trên Internet, không ai biết bạn không phải là một con chó (on the Internet, nobody knows you’re not a dog) – ám chỉ sự hành xử khác thường của người dùng trên môi trường mạng.


Khi Arthur Santana, một giáo sư ngành truyền thông tại Đại học Houston, phân tích 900 ý kiến ​​người sử dụng lựa chọn ngẫu nhiên trên một bài viết về vấn đề di cư, một nửa từ báo chí cho phép đăng bình luận vô danh, chẳng hạn như tờ Los Angeles Times và tờ Houston Chronicle, và một nửa từ những tờ bắt buộc bình luận bằng danh tính thực như USA Today và Wall Street Journal, ông phát hiện ra rằng sự giấu tên đã tạo ra một kết quả rất khác biệt: 53% số bình luận vô danh có lời lẽ và thái độ bất nhã, mất lịch sự, còn với những bình luận bằng danh tính thực, tỷ lệ “bình luận chửi rủa” chỉ có 29%. Giáo sư Santana đã kết luận, sự nặc danh không khuyến khích người bình luận giữ tư cách của mình.


Muốn có bình luận phải nặc danh?


Tuy nhiên, nặc danh không hoàn toàn tồi tệ. Đã có nhiều nghiên cứu chứng minh là sự nặc danh sẽ khuyến khích mọi người tham gia bình luận bằng cách đẩy cao “ý thức về bản sắc của cộng đồng” để xóa mờ đi sự e ngại về bản thân. Giấu tên cũng có thể thúc đẩy một loại tư duy sáng tạo và dẫn đến những cải tiến trong giải quyết vấn đề. Trong một nghiên cứu khảo sát học tập của sinh viên, các nhà tâm lý học Ina Blau và Avner Caspi thấy rằng, trong khi tương tác mặt đối mặt có xu hướng mang lại sự hài lòng lớn hơn, trong tương tác vô danh mọi người được khuyến khích tham gia và chấp nhận rủi ro từ đó các ý tưởng đặc biệt và mới mẻ được phát triển mạnh mẽ.


Trên thực tế, các diễn đàn cho phép bình luận vô danh cũng đang tự điều chỉnh chính mình. Các bình luận nặc danh hay sử dụng bút danh (nickname) được đánh giá thấp hơn nhiều so với bình luận từ các nguồn dễ dàng nhận biết khác. Trong một nghiên cứu năm 2012 về tình trạng giấu tên trong các tương tác qua máy tính, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, trong khi bình luận nặc danh có nhiều khả năng là trái ngược và cực đoan hơn những người không vô danh, họ cũng ít có khả năng thay đổi quan điểm của đối tượng (bị tác động) hay nói cách khác, ý kiến của những người nặc danh thường bị “vứt vào sọt rác” một cách nhanh chóng. Kết quả nghiên cứu này thực ra lặp lại kết quả của một nghiên cứu trước đó ở Đại học Arizona (Mỹ).


Do những tác động trái ngược nhau của tình trạng bình luận nặc danh và để đáp ứng với sự thay đổi của môi trường xuất bản trực tuyến, các nhà nghiên cứu Internet đã bắt đầu chuyển trọng tâm của họ ra khỏi “vấn đề danh tính” và hướng đến các khía cạnh khác của môi trường trực tuyến, chẳng hạn như giọng điệu và nội dung.


Thêm vào đó, một lệnh cấm bình luận sẽ chẳng có máy tác dụng bởi người ta chỉ di chuyển đến một địa điểm khác, chẳng hạn như Twitter hay Facebook. Từ một cộng đồng tập trung vào một ấn phẩm duy nhất hoặc ý tưởng đến một môi trường không có bất kỳ bản sắc chung rõ rệt nào. Môi trường nhóm lớn như vậy, thường khiến người ta cảm thấy họ không phải chịu trách nhiệm về hành động của mình, và ngày càng trở nên có khả năng tham gia vào các hành vi phi đạo đức.


Loại bỏ ý kiến ​​cũng ảnh hưởng đến trải nghiệm đọc của độc giả. Họ có thể mất đi những động lực để tham gia với một chủ đề sâu sắc hơn, và chia sẻ nó với một nhóm rộng lớn hơn của người đọc. Trong một xã hội ngày càng mạnh về chia sẻ (qua các mạng xã hội), kinh nghiệm của chúng ta về một cái gì đó cũng bị ảnh hưởng bởi việc xác định có nên hay không chia sẻ nó với xã hội. Loại bỏ ​​hoàn toàn việc bình luận có nghĩa là các tờ báo điện tử đã triệt tiêu phần lớn mong muốn chia sẻ nội dung của họ và chính họ (nhà báo) là người thiệt hại đầu tiên.


Hãy tin ở hoa hồng


Một số tờ báo điện tử đã nảy sinh sáng kiến “dĩ độc trị độc” có vẻ như rất hiệu quả và phù hợp. Đó là cho phép người dùng đánh giá chính các bình luận của nhau. New York Times, Gawker đã áp dụng giải pháp này và họ nhận thấy những bình luận có nội dung xấu, thái độ khiếm nhã, hung hăng… sẽ bị người khác “trừ điểm” và “chìm” xuống ngày càng sâu còn những bình luận có tính đóng góp, có chất lượng sẽ được “cộng điểm” và hiển thị nổi bật. Giải pháp này hướng cộng đồng đến với một môi trường hữu ích hơn và không cho phép những ý kiến tiêu cực “dẫn dắt dư luận” như trước. Bằng “chiêu này”, vấn đề nặc danh hay không nặc danh cũng đã trở nên không còn quan trọng nữa.


Như các nhà tâm lý học Marco Yzer và Brian Southwell nói: "Công nghệ truyền thông mới về cơ bản không thay đổi giới hạn lý thuyết của sự tương tác của con người, sự tương tác đó tiếp tục được điều chỉnh theo xu hướng cơ bản của con người". Cho dù trực tuyến, qua điện thoại, bằng điện, hoặc trong người, chúng ta bị chi phối bởi các nguyên tắc cơ bản giống nhau. Phương tiện có thể thay đổi, nhưng mọi người không.


Cho dù núp bóng dưới sự nặc danh và môi trường ảo, một con chó dù khéo léo đến đâu rồi cũng sẽ lộ nguyên hình là một con chó.


Infonet






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ