Những phân tích giật mình về vụ nổ ở Phú Thọ
SGTT.VN - "Nhiều vụ cháy các nhà máy pháo hoa trên thế giới cũng như ở Việt Nam đều đưa ra nguyên nhân tự cháy. Điều này là không thuyết phục khiến công tác phòng cháy chữa cháy chưa được đặt đúng vị trí". Đó là chia sẻ của TS. Nguyễn Văn Khải, nguyên Trưởng phòng nghiên cứu viện Kỹ thuật Quân sự (nay là viện Khoa học Kỹ thuật Quân sự Việt Nam).
Không thể có chuyện tự cháy!?
Thưa ông, với tư cách là nhà nghiên cứu, ông bình luận gì khi thông tin đưa đến dư luận là xưởng sản xuất pháo hoa của nhà máy Z121 tự cháy?
TS Nguyễn Văn Khải. |
Vấn đề đặt ra ở đây là vật liệu gây cháy xưởng pháo hoa là gì? Chắc chắn không phải là do chập điện như các vụ cháy chợ, cháy nhà. Và cũng không phải là do hàn xì, sửa chữa do xỉ rơi xuống gây cháy. Đây là hai nguyên nhân mà cứ cháy là người ta đổ cho nó.
Thêm vào đó, ngày hôm xảy ra cháy nổ thì nhiệt độ không cao (ngày 12.10 nhiệt độ chỉ 22-330C, trên vùng Thanh Ba là miền rừng núi chắc chắn sẽ mát hơn) nên không phải là ngày dễ bốc lửa, cũng không phải ngày mưa để có sấm chớp phát ra tia lửa điện làm nguyên nhân gây cháy nổ.
Như vậy, trong trường hợp này, các vật liệu gây cháy là các vật liệu sử dụng trong quá trình chế tạo pháo hoa. Nguồn cháy có thể do mẩu thuốc lá, đóm thuốc lào hoặc máy chạy bắn tia lửa điện.
Bởi vậy, hoạt động của một chiếc máy mài cũng có thể dễ dàng gây cháy khi có lửa bắn ra thời điểm có sự ma xát mạnh giữa máy và các thanh sắt trong quá trình mài.
Điều đó cho thấy, nguyên nhân gây ra vụ cháy có thể do vật liệu cháy bao gồm các nguyên liệu chế tạo pháo hoa như giấy bọc ngoài, kíp, thuốc, quả pháo hoa và quá trình cọ xát giữa các dụng cụ máy móc trong quá trình làm việc.
Ngoài những khả năng gây cháy trên, trường hợp tự cháy là điều không thể xảy ra. Bởi vì, cũng với nhiệt độ trong phòng như vậy, người ta có thể để thuốc rất lâu mà không xảy ra cháy nổ.
Còn nguyên nhân chủ quan từ phía người lao động được nhìn nhận thế nào, thưa ông?
Trong một số trường hợp, người ta rải thuốc cháy nổ từ điểm cần phá huỷ cho đến một vị trí nào đó rồi tiến hành đốt, nhưng chỉ cần gạt hoặc tưới nước lên thuốc thì ngọn lửa cũng đồng thời bị dập tắt ngay lập tức.
Tôi thấy người ta xếp và phơi pháo hoa một cách thủ công, lạc hậu. Điều này dẫn tới khả năng vật chứa chất nổ bị rơi, việc va đập mạnh có thể kích thích gây nổ. Đây là một vụ tai nạn khủng khiếp mà nguyên nhân của nó cần được điều tra, làm rõ.
Hơn nữa cũng phải xem vụ cháy này xảy ra ở ngoài sân hay trong nhà chế tạo, nhà sản xuất, nhà kho. Từ đó có thể phán đoán nguyên nhân gây ra vụ cháy có phải do việc bất cẩn đánh rơi, làm vỡ, va chạm hàng hoá trong quá trình vận chuyển, khuân vác hay không. Tôi vẫn nhấn mạnh khả năng "tự cháy" là một điều hoàn toàn phi lý.
Loại ra khỏi khu dân cư những nguy hiểm
Nếu các cơ quan chức năng không tìm ra nguyên nhân của cháy nổ thì việc phòng cháy chữa cháy sẽ không đạt được tiêu chí hạn chế tối đa nguy cơ cháy nổ?
Điều này là đúng bởi chúng ta không khoanh vùng được nguyên nhân thì không phòng ngừa tốt được. Theo ý kiến của cá nhân tôi, việc điều tra nguyên nhân vụ nổ trên cần phải tuân theo những quy luật tự nhiên về lý hoá học chứ không thể "phán" theo một cách máy móc theo kiểu "đo gia tốc viên đạn".
Vụ nổ đã làm hư hại nhiều công trình của nhà máy. Ảnh: Dân Trí |
Vấn đề đặt ra ở đây là công tác phòng chống cháy nổ được tổ chức như thế nào, chất lượng ra sao. Lấy ví dụ như vụ cháy ở Hải Dương, sau khi xảy ra cháy 2 giờ, xe cứu hoả mới đến, tại sao trước đó, dân không đập vỡ cửa kính để chữa cháy kịp thời?
Nếu việc cứu hoả được tiến hành kịp thời, ngay sau khi xảy ra cháy thì chắc chắn đám cháy sẽ nhanh chóng bị khống chế, dập tắt. Rõ ràng hệ thống phòng cháy chữa cháy còn có những bất cập.
Nhiều người dân đang lo sợ về những khối thuốc nổ khổng lồ ẩn chứa nhiều nguy hiểm. Ông nghĩ sao về việc để một nhà máy có nguy cơ cao gần khu dân cư?
Một vấn đề quan trọng đặt ra sau vụ tai nạn kinh hoàng này là có nên đặt một xưởng sản xuất với khối lượng chất cháy nổ khổng lồ giữa một khu dân cư hay không.
Chúng ta đặt ra giả thuyết trong ngày xảy ra vụ nổ, có một đám ma và một đám cưới được tổ chức tại khu dân cư gần nhà máy với rất đông khách khứa, xe cộ ra vào thì hậu quả sẽ nghiêm trọng đến mức nào?
Qua chuyện này, một lần nữa cho thấy tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng". Ngay cả một số kho xăng ở trung tâm thành phố Hà Nội cũng đang được di dời thì không có lý do nào những khối lượng thuốc nổ khổng lồ trên không được di chuyển đến những khu vực nằm xa khu dân cư để tránh ảnh hưởng đến sự an nguy của người dân.
Đây là việc bắt buộc phải di chuyển mà phải di chuyển từ lâu rồi mới đúng. Hiện nay, các công ty kinh doanh, các nhà sản xuất đều đặt lợi nhuận lên trên cao nhất, bất chấp việc ảnh hưởng đến cộng đồng. Điều này là không thể chấp nhận được.
60% vụ cháy là do con người gây ra Trao đổi với PV, đại tá Hồ Trọng Ngũ, phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cũng cho rằng: "Vụ nổ pháo hoa ở Phú Thọ rất đau lòng. Tuy nhiên, nhìn lại chuỗi những vụ việc đáng tiếc do cháy nổ khiến công tác PCCC càng phải nâng cao.
“Trước đây, trong quy định luật Phòng cháy chữa cháy (PCCC) có nói về quy định xí nghiệp, nhà máy sản xuất vật liệu dễ gây cháy nổ phải nằm xa dân cư và có vành đai bảo vệ. Tuy nhiên, quy định này chưa cụ thể, chưa rõ ràng nên hiện nay Quốc hội đang thảo luận để sửa đổi cho phù hợp.” Còn theo đại tá Nguyễn Văn Tươi, phó Cục trưởng cục Cảnh sát PCCC (bộ Công an) thì 60% số vụ cháy là do cá nhân, người sử dụng vi phạm quy định về quản lý nguồn lửa, nguồn điện, chất cháy, chất nổ. Bên cạnh đó, đối với cơ sở sản xuất thường làm kho tạm trong nơi sản xuất dẫn tới vi phạm khoảng cách nên rất dễ dẫn đến cháy nổ và khi xảy ra cháy rất khó cho công tác chữa cháy. "Hiện nay, người đứng đầu cơ quan tổ chức thực hiện phòng cháy chữa cháy chưa tốt, thực hiện chưa đúng nhưng chưa bị xử lý nghiêm. Thứ nữa là khi đầu tư phương tiện cho PCCC không đúng quy định hoặc có trang bị rồi nhưng không duy trì đúng phương tiện phòng cháy chữa cháy dẫn đến khi sự cố xảy ra thì hệ thống báo cháy không hoạt động hoặc hệ thống chữa cháy hoạt động không hiệu quả. Theo quy định của luật PCCC, khi cơ sở hoạt động thì phải duy trì hoạt động phòng cháy chữa cháy tại chỗ, phân công tuần tra, kiểm soát, phân công trực trong thời gian ngoài giờ hành chính và ban đêm. Tuy nhiên, nhiều cơ sở, chợ, trung tâm thương mại không thực hiện đầy đủ các quy định về PCCC, chưa làm tròn trách nhiệm của mình dẫn đến phát hiện cháy chậm và khi chữa cháy không hiệu quả", đại tá Tươi nói. Điều chỉnh luật PCCC ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương cũng cho biết, cần phải có những điều chỉnh trong luật PCCC để nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu. Cũng theo ĐB Phương, một nguyên nhân khá cơ bản của nhiều vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng đó là lực lượng PCCC (cả lực lượng tại chỗ và lực lượng ứng cứu) còn yếu. Vậy nhưng trong các mục sửa đổi và yêu cầu sửa đổi luật PCCC không thấy yêu cầu là phải nâng cao trách nhiệm của lực lượng PCCC. Ông Phương thẳng thắn: "Tôi đề nghị phải làm rõ và nâng cao trách nhiệm của lực lượng phòng cháy, chữa cháy trong lần sửa luật PCCC này. Vị trí, vai trò của công tác PCCC cũng cần phải được đề cao hơn và trách nhiệm phải được rõ hơn..." Một số ý kiến khác cũng cho rằng, cần phải tăng cường kiểm tra an toàn PCCC. Nếu cơ sở nào có nhiều vi phạm thì cơ quan chức năng kiên quyết tạm đình chỉ sản xuất, buộc khắc phục nhằm bảo đảm an toàn. Trường hợp cố tình không khắc phục vi phạm, để xảy ra cháy nổ sẽ điều tra, xử lý hình sự. Cần thực hiện các giải pháp một cách đồng bộ, bài bản như vậy mới có thể hạn chế được nguy cơ cháy nổ ở các cơ sở sản xuất. |
Bài ảnh: nguoiduatin.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét