Một lão nông ăn cơm nhà làm đường giao thông
SGTT.VN - Là nông dân chính gốc, nhưng cả đời vật lộn với thửa ruộng, bờ rẫy vẫn không thay đổi được cái mái lá che nắng đậy mưa. Ngay từ thời còn khoẻ mạnh, khi cái ăn chỉ mới vừa tạm đủ, nông dân Nguyễn Văn Bảy đã dành hết thời gian nông nhàn của mình, bỏ tiền của, công sức… để làm những con lộ giao thông ở nông thôn.
Tài sản lớn nhất mà ông Bảy giữ lại cho mình chỉ là căn nhà mái lợp lá và rất nhiều những bằng khen, giấy khen. |
Nâng cấp đường
Ở xứ cù lao thuộc ấp Long Bình (xã Long Khánh B, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp), “Cứ tới mùa mưa lũ, đường sá hư hỏng, lầy lộị, tui thấy tội nghiệp cho mấy đứa học trò trên đường tới trường mà quần áo lấm lem, người lớn đi đường mà sơ sẩy cũng ngã xe, té nhào,” ông Bảy kể. Gần 20 năm trước, ông Nguyễn Văn Bảy tuổi gần 70, nên ông không còn đảm đương nổi việc đồng áng. Thế nhưng, hàng ngày, ông kéo xe đẩy tới những công trình xây dựng đang sửa chữa để xin mớ xà bần mang về đập nhỏ, đem đi vá những “ổ gà” của mặt đường, những vũng nước đọng để không gây trở ngại cho xe hai bánh đi lại.
Trên tuyến đường nhựa nối liền hai xã Long Khánh A – Long Khánh B dài khoảng 8km được nhựa hoá từ nhiều năm trước, nhưng trong quá trình khai thác sử dụng, đã xuất hiện nhiều “ổ gà”, nên ông Bảy bỏ tiền túi ra mua đá, nhựa… và ông cặm cụi vá lại mặt đường. Nhận ra tấm lòng hào hiệp của ông Bảy, một số người cũng đồng cảm và chia sẻ với ông bằng cách góp tiền, góp công với ông để làm đường giao thông nông thôn. Gần đây, ông Bảy muốn thảm nhựa tuyến đường tắt dài khoảng một cây số nối liền hai xã với tổng chi phí gần 200 triệu đồng. Công trình này bắt đầu được khởi công trong khi trong tay của ông Bảy chỉ có 3 triệu đồng, nhưng ông vẫn tin rằng, nếu mình làm việc nghĩa, thì sẽ có nhiều người ủng hộ. Quả vậy, không bao lâu sau, con đường nhựa rộng 1,4m được hoàn thành từ sự đóng góp tiền của, công sức của rất nhiều người. Ông Lê Văn Sẽ, trưởng ấp Long Bình (xã Long Khánh B) cho biết: “Ngoài những tuyến đường giặm vá, ông Bảy đã vận động nâng cấp bốn tuyến đường tắt với tổng chiều dài khoảng 8km”.
Sống đơn sơ
Căn nhà lá thấp lè tè của ông Bảy được cất từ trước năm 1960 tới bây giờ vẫn giữ nguyên cấu trúc nhà trên cọc – kiểu nhà đặc trưng của vùng đất mà hàng năm cư dân vùng này phải chung sống với lũ lụt, là nơi tá túc của gia đình gồm ba nhân khẩu: ông cùng vợ và đứa con gái đơn thân tuổi đã ngoài 50. Nguồn sống duy nhất của gia đình ông Bảy là khoản thu từ ba công (3.000m2) đất ruộng mà gia đình ông cho mướn với giá 6 triệu đồng mỗi năm cùng với khoản tiền trợ cấp xã hội 180.000 đồng mỗi tháng cho ông.
Tính ra, bình quân thu nhập hàng tháng của gia đình ông Bảy chỉ ở mức dưới 227.000 đồng/người, làm sao ông có thể trang trải cuộc sống? Giải thích về chuyện này, ông Bảy cho biết: “Gia đình tui đã quen ăn mỗi ngày một buổi (điểm tâm sáng và bữa trưa, không ăn bữa chiều) rồi, nên chi phí tốn hổng bao nhiêu”.
Trở lại chuyện đi làm “lục lộ”, ông Bảy cho biết: “Mấy ngày làm đường giao thông tuy có mệt về thể xác, nhưng tinh thần lại thoải mái, khi tui nhìn lại những công việc mình đã làm được và hiệu quả của nó mang lại”. Dù vậy, theo ông Bảy, cũng có lúc lòng ông bị se thắt khi có người nói với ông: “Ông già rồi, hổng nghỉ cho khoẻ mà đi mần chi vậy?” Tuy nhiên, ông nghĩ “việc thiện, nếu mần được bất cứ việc gì thì cứ mần”. Rồi sau khi con đường tắt hoàn thành, xe cộ qua lại đông hơn, điều này ai cũng thấy, vậy mà ông vẫn bị có người bắt đền ông “Vì ông cho làm đường cao lên, nên khi trời mưa, nước ngoài lộ chảy vô đất của tui”.Tuy nhiên, phó chủ tịch UBND xã Long Khánh B, ông Phạm Văn Khiếp đã nhận xét: “Ông Bảy tuy tuổi đã cao, kinh tế gia đình còn khó khăn, nhưng ông vẫn lao vào lo việc công ích cho xã hội. Rất đáng quý những tấm lòng như vậy!”
Về cá nhân ông Bảy, ông đã nhận được nhiều bằng khen của bộ trưởng Giao thông vận tải vì đã có những thành tích xuất sắc trong xây dựng và đảm bảo trật tự an toàn giao thông; kỷ niệm chương vì sự nghiệp giao thông; được phong tặng danh hiệu Hiệp sĩ giao thông (từ chương trình Total hiệp sĩ giao thông, do uỷ ban An toàn giao thông quốc gia Việt Nam, kênh VOV giao thông, đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM và công ty TNHH Total Việt Nam phối hợp thực hiện) và nhiều giấy khen khác từ cấp tỉnh đến xã. Tuy nhiên, đối với ông, ông cảm thấy được hạnh phúc khi những con đường phẳng phiu sau khi đưa vào sử dụng được ví như những linh dược làm xoá dần những nếp nhăn do tuổi tác cao trên gương mặt của ông.
bài và ảnh: Ngọc Tùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét