Tham gia Hiệp định tự do thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)
Nhiều sức ép với khu vực nông nghiệp
SGTT.VN - Từng sống ở Cần Thơ, ông Herb Cochran, giám đốc điều hành AmCham Vietnam biết tâm trạng ngổn ngang đang diễn ra trong các doanh nghiệp tham dự hội thảo “Tận dụng TPP để phát triển cho doanh nghiệp Việt” do hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, CLB Doanh nghiệp dẫn đầu (LBC) và hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Vietnam) phối hợp tổ chức tại thành phố Cần Thơ (ngày 22.8.2013). Ông nói: “Khó quá! Làm sao mà bán được?”
Frederick R. Burke, giám đốc điều hành của hãng luật Baker & McKenzie cho biết dù đàm phán và thành đối tác hay không thì chuyện chống bán phá giá hay chống trợ cấp vẫn không thay đổi. Riêng việc thừa nhận có nền kinh tế thị trường, châu Âu có năm tiêu chí, Mỹ có sáu tiêu chí, nhưng chỉ riêng tiêu chí đồng tiền tự do chuyển đổi đã là thách thức với Việt Nam. Rồi liệu tham gia TPP, các nhà sản xuất Mỹ có vô Việt Nam nuôi cá nheo để bán sang Mỹ không? Đó là câu hỏi chưa được trả lời, cũng bí mật như những nội dung đàm phán của TPP.
Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, tiếc rẻ khi nói về những cơ hội thích ứng: “Mấy năm gần đây các nước trong khu vực đã vượt ra khỏi khủng hoảng, còn ta thì sao? Đổi mới mô hình tăng trưởng, đổi mới cơ cấu kinh tế, cải cách khu vực nhà nước, cải cách hệ thống ngân hàng, cải cách khu vực đầu tư công, lĩnh vực thuế, sắp xếp lại chiến lược các ngành… nhưng không có luật để thể chế hoá nên kinh tế cứ nghẽn mãi và bây giờ trở thành thách thức khi nói tới đàm phán TPP”.
Biến áp lực thành cơ hội, TS Lê Quốc Điền, giám đốc trung tâm chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật thuộc viện Cây ăn quả miền Nam nói: “Khó nhất, thách thức dữ nhất vẫn là chất lượng do phía mình. Thật ra các nhà phân phối lớn ở Mỹ đều có hệ thống quan sát ở Việt Nam. Họ không cần lộ diện, nhưng có thể biết kết quả đo sinh thái trái cây, theo dõi cách tác động sau khi thu hoạch và biết người ta đã làm gì. Họ chọn Thanh Long, mít nghệ… và chấp nhận kỹ thuật sấy thăng hoa khi làm hàng bán sang Mỹ từ những kết quả rất cụ thể”.
Trong khi đó, thị trường tồn tại cách làm ăn khác: không cần kiểm tra, mọi giao dịch thật dễ dãi, thậm chí mua hàng dính nhiều đất cũng được, cứ đấu trộn, nhúng thuốc càng tốt và cứ đóng thùng “Made in Vietnam” xuống tàu. Có thể xem đây là liều thuốc độc bọc đường.
Tuy vậy, các nhà sản xuất ở đồng bằng sông Cửu Long lo lắng trước những quy định về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, lao động, môi trường… Làm ra hàng có chất lượng tốt, có giá trị cao là thách thức. Không những thế, doanh nghiệp còn phải đối mặt với cạnh tranh của hàng hoá của các đối tác chảy vào Việt Nam.
Hoàng Lan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét