62% người dùng internet trên 3h/ngày
SGTT.VN - Năm 2013 tính trung bình có tới 62% người dùng sử dụng Internet trên 3h/ngày. Dù người sử dụng Internet đang ngày càng quen hơn với quảng cáo trên mạng xã hội, nhưng vẫn có tới 14,72% người tham gia khảo sát cho biết quảng cáo trên mạng xã hội làm họ cảm thấy khó chịu; 10,28% nói quảng cáo trên mạng xã hội làm họ thấy khó chịu hơn những quảng cáo trực tuyến khác. Thông tin trên được công bố tại sự kiện Ngày Internet 2013 với chủ đề "Tương lai của nền kinh tế Internet Việt Nam" diễn ra ở Hà Nội ngày 4.12.2013.
15% người dùng ghét quảng cáo trên mạng xã hội
Theo ông Vũ Hoàng Liên (chủ tịch hội Internet Việt Nam) cho biết thời gian sử dụng Internet của người dùng ở Việt Nam ngày càng tăng, năm 2013 tính trung bình có tới 62% người dùng sử dụng Internet trên 3h/ngày; 22% dùng từ 1,5 - 3h/ngày, 14% dùng từ 30 phút - 1,5h/ngày và chỉ có 2% dùng dưới 30 phút/ngày. Độ tuổi truy nhập Internet nhiều nhất từ 25 -35 tuổi. Công cụ sử dụng để dùng Internet nhiều nhất là điện thoại di động và máy tính cá nhân. Địa điểm truy nhập Internet chủ yếu là tại nhà (88,25% người sử dụng) và tại nơi làm việc (58,76%). Có tới 94% số người sử dụng Internet là để tìm kiếm thông tin; 61% người dùng mạng xã hội có kết nối và theo dõi thông tin các trang Fanpage trên mạng xã hội.
Ngoài ra, trong số 36% dân số dùng Internet, hơn một nửa đã tham gia thương mại điện tử nhưng giá trị tiêu dùng còn ở mức khiêm tốn (trung bình mỗi người chỉ chi tiêu thương mại điện tử khoảng 120 USD/năm). Nhiều loại thẻ thanh toán có địa chỉ từ Việt Nam chưa được nước ngoài chấp nhận sử dụng để thanh toán trực tuyến. Tỷ lệ sử dụng các dịch vụ OTT qua smartphone đang tăng dần từ 24,7% trong năm 2012 lên 33,8% vào năm 2013. Dự kiến 3 năm 2014 - 2015 - 2016 sẽ tiếp tục đạt được các mức 41% - 44,2% - 45,5%.
Thứ trưởng bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho rằng, trước thách thức phải mở rộng quy mô cung cấp dịch vụ truy nhập và sử dụng Internet trong 1 thị trường cạnh tranh và chi phí hợp lý, đồng thời duy trì 1 môi trường mở, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, cần ngồi lại và nhìn nhận một cách khách quan về thực trạng phát triển, những điểm mạnh và tồn tại trong việc phát triển hạ tầng Internet tại Việt Nam. Đây là những yếu tố sống còn để tiếp tục duy trì sự phát triển bền vững của Internet Việt Nam.
Muốn bứt phá cần "cái bắt tay"
Theo bà Lê Thị Ngọc Mơ (Phó Cục trưởng Cục Viễn Thông, Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, đến tháng 10.2013, thị trường băng rộng cố định có trên 5 triệu thuê bao (trong đó 87,5% sử dụng ADSL), hơn 19 triệu thuê bao 3G. Báo cáo của các doanh nghiệp cho thấy, các tổng doanh thu của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (ISP) cố định khoảng 10.000 tỷ đồng và từ dịch vụ 3G khoảng 5.000 tỷ đồng.
Hiện nay, Việt Nam có hơn 31 triệu người sử dụng Internet. Với cơ cấu dân số trẻ, sự bùng nổ của các thiết bị di động cầm tay thông minh, hạ tầng băng thông thuộc loại tốt trong khu vực, thị trường Internet thời gian qua đã có bước đột phá mạnh mẽ.
Theo ông Lê Hồng Minh, Tổng Giám đốc Công ty VNG cho hay, nếu như doanh thu nội dung, dịch vụ Internet vào năm 2004 chỉ là 70 tỷ đồng, năm 2009 là 2.600 tỷ đồng thì tới 2013, con số này đã có bước đột phá lên tới 20.400 tỷ đồng. Trong đó, nội dung di động chiếm vị trí thứ nhất với 8.000 tỷ đồng, online game là 6.000 tỷ đồng, thương mại điện tử là 4.200 tỷ đồng và quảng cáo trực tuyến là 2.200 tỷ đồng. Ngoài ra, tỷ lệ điện thoại thông minh, thuê bao 3G liên tục tăng trưởng khoảng 20%, xu hướng sử dụng Internet để tìm kiếm thông tin về sản phẩm rất phổ biến (8/10 người tìm kiếm trên mạng thông tin về sản phẩm đắt tiền như xe hơi, đồ điện tử, di động)... là một trong số nhiều ví dụ tích cực cho phát triển thị trường Internet.
Ông Minh dự đoán, năm 2018 doanh thu về nội dung, dịch vụ Internet sẽ đạt con số “khủng” là 100.000 tỷ đồng. Trong đó, thương mại điện tử sẽ có bước nhảy vượt bậc với 60.000 tỷ đồng, nội dung di động 20.000 tỷ đồng, online game là 12.000 tỷ đồng và quảng cáo trực tuyến đạt 8.000 tỷ đồng. Nhưng để đạt được con số kỳ vọng trên, bên cạnh nội tại các doanh nghiệp dịch vụ, nội dung Internet phải có những chiến lược, bước đi phù hợp để phát triển cho riêng mình thì các doanh nghiệp cần có sự hợp tác.
Ngoài việc khó khăn trong hợp tác giữa doanh nghiệp nội dung với các ISP thì còn mâu thuẫn giữa các doanh nghiệp viễn thông với các doanh nghiệp nội dung. Đặc biệt gần đây là cuộc cạnh tranh giữa doanh nghiệp và các nhà mạng trong bài toán “chiếc bánh” OTT. Vẫn theo ông Minh thị trường Internet đã đủ lớn để các doanh nghiệp nội dung, dịch vụ và hạ tầng “bắt tay,” thu hút cộng đồng người dùng Internet để từ đó chia sẻ doanh thu. Vấn đề phải có chiến lược dài hạn và có được sự hỗ trợ từ các chính sách của nhà nước.
Thiên Lam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét