Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

Một không gian sáng tạo đầy cảm xúc

Một không gian sáng tạo đầy cảm xúc

Nguyễn Thị Xuân Yến, chủ nhân Trà Quế studio


Một không gian sáng tạo đầy cảm xúc


SGTT.VN - Vượt qua những bậc cầu thang tối tăm của một chung cư cũ thiệt cũ nằm trên đường Pasteur, cánh cửa gỗ màu xanh cốm mang tên Trà Quế mở ra một không gian tràn đầy ánh sáng. Bức tường gạch màu trắng, chiếc bàn gỗ mộc xinh xắn, những kệ gỗ giản dị, điểm xuyết vài ba chiếc ghế màu xanh… Tất cả được soi rọi bởi làn ánh sáng thanh khiết từ những hàng me bên ngoài cửa sổ, khiến cho những tấm thiệp vẽ tay xinh xắn của nữ chủ nhân như cất tiếng nói dịu dàng. Biến một căn hộ chung cư thành không gian sáng tạo là cách chọn lựa của một nhóm những người trẻ mới khởi nghiệp, vừa ở trung tâm, vừa đủ rộng để nhiều người cùng chia sẻ, lại vừa… rẻ tiền.










Yêu cầu đầu tiên của Yến với kiến trúc sư là không gian làm việc phải hoàn toàn mở để mọi người cùng nhau làm việc, cùng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, cùng hạnh phúc.



Điều gì đã dẫn dắt Xuân Yến đến với Trà Quế Studio?


Hồi nhỏ tôi rất thích vẽ, nhưng ba mẹ không khuyến khích học vẽ, nên tôi đã chọn ngành ngữ văn Anh.. Nhờ tiếng Anh, tôi đọc nhiều văn hoá Anh, văn hoá Mỹ, một công cụ tốt để hình thành gu thẩm mỹ riêng. Các blog của những biên tập viên các tạp chí thời trang nổi tiếng thế giới cũng là nơi tôi học được rất nhiều về phong cách thiết kế, sáng tạo. Sau một quá trình tích luỹ, những chuyến đi đưa hàng Việt về nông thôn, chương trình Hàng Việt Nam chất lượng cao, tiếp cận những sản phẩm làng nghề, tôi nhận thấy một khoảng cách rất lớn khiến cho những sản phẩm làm bằng tay không thể đi xa. Người thợ thủ công có thể rất chuyên nghiệp, nhưng thiếu tư duy về mẫu mã, chưa cập nhật được với thẩm mỹ của thế giới, nên tính nghệ thuật không cao. Những chuyến đi về vùng sâu ấy khiến tôi bức bối lắm, thấy cái không hay của cả người làm và người tiêu thụ. Yêu thiên nhiên, yêu môi trường, tôi muốn sáng tạo những sản phẩm đẹp, độc đáo. Lĩnh vực đầu tiên mà tôi muốn hướng tới là thiệp cưới dành riêng cho từng đôi uyên ương, trong đó chứa đựng câu chuyện tình của mỗi người, thiết kế theo ký ức, tinh thần của mỗi cặp uyên ương. Thiệp chúc mừng, thiệp cảm ơn phong cách vẽ tay, in trên vải cũng nảy sinh từ chuyến đi Lý Sơn, Hội An. Ở một nơi rất xa như thế, tôi chợt nảy ra ý định tại sao không in bản đồ Lý Sơn trên vải, vừa dễ dàng cất giữ, lại không sợ rách, sợ ướt? Những người trẻ nhiều khi không biết Lý Sơn nằm ở đâu.


Để in ra những tấm thiệp vẽ tay độc đáo này có công phu không?


Để học được nghề in trên vải với tôi là cả một câu chuyện dài thú vị. Đọc rất nhiều tài liệu về in trên vải của thế giới, tôi phát hiện ra đây là thú vui mà rất nhiều phụ nữ phương Tây ưa chuộng, nhất là ở Úc. Thế là rong ruổi đi khắp các tiệm in lụa ở quận 5 xin học kéo lụa. Ban đầu thấy mình còn trẻ quá, họ tưởng chỉ hỏi chơi, nhưng thấy đi hoài nên cũng chỉ vẽ cho tận tình. Tự mày mò, tự in, tự kéo…nghiên cứu quy trình in, mực in, kéo bản… cứ kéo qua kéo lại riết cũng thành. Nhưng rất tiếc thị trường này con kén khách nên đành để qua một bên, tập trung vào thiệp cưới đã. Làm thêm dự án, marketing cho một vài thương hiệu cũng là để kiếm tiền để nuôi Trà Quế. Tôi tin khi xã hội phát triển, xu hướng in độc quyền mang tính nghệ thuật sẽ nở rộ. Và Trà Quế sẽ là nơi cho mỗi người có thể đến tự tay in mẫu thiết kế của riêng mình. Cho mỗi người tự trải nghiệm khi làm ra mẫu thiết kế của chính mình sẽ mở ra một không gian sống đầy cảm xúc và tươi mới. Ở nước ngoài, dù đời sống thụ hưởng cao, nhưng tự mỗi người vẫn thích làm những công việc sửa chữa, thay đổi diện mạo cho ngôi nhà của chính mình như quét vôi, khoan tường, làm hàng rào… Cách sống tự mình làm chủ, tự mình khám phá giúp cho chúng ta mạnh mẽ và tự tin hơn nhiều.


Làm thế nào chị có thể biến không gian căn hộ chật hẹp cũ kỹ thành không gian mới mẻ đáng yêu này?


Yêu cầu đầu tiên của tôi với kiến trúc sư là không gian làm việc phải hoàn toàn mở để mọi người cùng nhau làm việc, cùng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, cùng hạnh phúc. Người trẻ thường nhiều thú vui, nhiều hoài bão. Làm một mình sẽ rất cô đơn. Từ một căn hộ chung cư, tôi vẫn giữ kết cấu, bức tường cổ, những ô cửa sổ chỉ bóc ra cho lộ những viên gạch. Mình muốn không gian mang tính thừa hưởng, không phá hết cái cũ. Tính tôi cũng hơi hoài cổ một chút, đơn giản, không nhiều chi tiết, không sắp đặt nhiều.


Đây là không gian dành cho những hoạ sĩ trẻ vẽ tranh và bán tranh. Mọi người có thể đến đây, chia sẻ bất kỳ một hoài bão nào, hoặc có thể trưng bày, bán sản phẩm do chính mình thiết kế. Một sân chơi dành cho những người cùng đam mê chia sẻ với nhau về nghề, về thời trang, và về cuộc sống. Chị bạn tôi vốn là người đan móc giỏi, nhưng bận rộn quá nên tạm để thú vui sang một bên. Giờ chị có thể đến đây, trưng bày những tác phẩm của mình, và chia sẻ với những người phụ nữ cách đan móc một chiếc áo cho chồng, chiếc khăn cho con… Chiếc bàn gỗ dài sát cửa sổ kia sẽ là nơi vừa trưng bày sản phẩm, vừa nhâm nhi càphê, hay uống rượu cùng bạn bè buổi tối. Bếp được đặt cạnh hành lang sẽ là nơi mỗi người tự nấu nướng, pha chế cocktail theo sở thích riêng mình…










Chị nghĩ gì khi tạo lập một không gian sống, không gian làm việc cho những người trẻ thế hệ 8X như mình?


Người trẻ thường có hai nhu cầu rõ rệt: kiếm tiền và thú vui hưởng thụ. Khác với thế hệ 7X làm việc như điên, 9X lại chơi rất nhiều, hiện vẫn là giai đoạn kiếm tiền, nhưng thế hệ 8X chúng tôi lúc nào cũng cứ băn khoăn đâu là con đường sống, phong cách sống của mình? Bị chia cắt giữa hai nhu cầu, vừa làm, vừa muốn chơi. Thiết kế không gian này, tôi muốn để mọi người cùng làm, cùng chơi. Rất vui là trong buổi tiệc khai trương Trà Quế, nhiều bạn bè đến dự rất thích không gian này.


Còn không gian sống của riêng chị thì sao?


Sau ba năm thuê nhà ở riêng, hai vợ chồng tôi đã quyết định về ở với bố mẹ. Bố mẹ tôi không nặng trách nhiệm, ngay từ đầu đã để cho con cái có sự độc lập về tài chính, để có cuộc sống thoải mái, miễn sao con cái vui vẻ, hạnh phúc. Vì thế không gian sống cũng thay đổi theo phong cách của mình. Đi du lịch châu Âu, tôi rất thích những căn nhà trắng có cửa màu xanh dương. Nhà mới của gia đình tôi cũng chỉ dùng hai màu đó, với cái bếp hơi phá cách. Thường người ta để bếp ngay tầng trệt, tôi “bưng” lên lầu, ở ngay bancông, để cái bếp thoáng, nhiều nắng, nhiều gió, vừa không hôi, vừa sáng sủa. Đồ gỗ trong nhà dù là gỗ sồi, nhưng tôi vẫn sơn màu trắng. Tính tôi không nề nếp lắm, rất tuỳ cảm hứng, nên không gian cũng tự nhiên, phóng khoáng. Nhà tôi chỉ ngăn cách với bên ngoài bằng một hàng rào thưa… Tôi thích lối kiến trúc phương Tây, mộc mạc, thân thiện với môi trường.


Theo chị, rào cản nào khiến cho giới trẻ Việt Nam bị hạn chế trong việc thể hiện cái tôi?


Nhiều người cho rằng cái thiếu lớn nhất chính là một không gian sống riêng biệt. Nhưng tôi nghĩ không phải vậy. Khả năng thể hiện cái tôi là vô tận, không bị giới hạn bởi bất cứ điều gì. Dù là một góc bàn học nhỏ, một cái giường, hay một căn phòng, một cái shop…nếu có nhu cầu và có kiến thức, bạn có thể làm nó trở nên hoàn toàn khác biệt. Các bạn trẻ ý muốn thể hiện cái tôi rất lớn, nhưng để tạo một không gian vừa để kiếm tiền, vừa tận hưởng, cần trang bị kiến thức, và cần gắn kết tạo thành một nhóm để “share” mặt bằng, vì chi phí mặt bằng quá lớn với những người vừa khởi nghiệp. Trong nhóm của tôi có hoạ sĩ Phạm Huy Đăng, từ lâu anh đã muốn trưng bày dòng tranh mình ấp ủ. Nếu tôi không đặt vấn đề, nếu Đăng không nói, thì chưa chắc đã có Trà Quế. Mình phải mở thì người khác mới mở, để cùng chia sẻ lợi ích với nhau. Nhiều người cùng những ý tưởng điên rồ biết đâu có thể làm nên chuyện lớn? Nếu mình không cởi mở để được tiếp nhận thì ngay cả người nhà, người thân cũng trở thành xa lạ. Dường như người lớn và xã hội Việt Nam nói chung rất dị ứng với những ý tưởng điên rồ. Đây cũng là một rào cản khiến người trẻ không dám thể hiện hết cái tôi của mình. Ngay như chuyện tôi làm bánh chẳng hạn, mới đầu chỉ dám chia sẻ với bạn thân, cho bạn ăn thử, thấy được mới dám đem về khoe với bố mẹ. Chính vì thế mà nhiều khi trên Facebook, ta bắt gặp một con người hoàn toàn khác so với con người thường thấy hàng ngày.


Một giới hạn nữa là chính người trẻ tự xây dựng rào cản với mọi người. Tự mình giới hạn chứ xã hội không giới hạn. Nhìn vào một số hiện tượng xã hội hiện nay như trường hợp bà Tưng hay Ngọc Trinh chẳng hạn. Họ quá tự tin nghĩ sẽ thu hút được truyền thông, nhưng thực sự đó chỉ là tính bộc phát nhất thời của tuổi trẻ. Để thể hiện đam mê phải tự mình biết mình là ai, đang ở đâu, làm được gì, khả năng đến mức độ nào… Chỉ có những ước mơ đẹp, mục tiêu đúng đắn mới nhận được sự đồng cảm, chia sẻ.


Với Xuân Yến bây giờ, điều gì là quý giá nhất?


Vẫn là gia đình. Một gia đình hạnh phúc, vui vẻ, mà ở đó mỗi người được thoả mãn đam mê trong công việc và thú vui tận hưởng cuộc sống.


Bài: kim yến - ảnh: thu thuỷ










Đây là không gian dành cho những hoạ sĩ trẻ vẽ tranh và bán tranh. Mọi người có thể đến đây, chia sẻ bất kỳ một hoài bão nào, hoặc có thể trưng bày, bán sản phẩm do chính mình thiết kế.










KTS Vũ Đức Chiến:


Nhiều bạn bè đến đây đã nói về không gian này: “Chính là Yến!” Đó là tín hiệu tốt. Một cô gái nhẹ nhàng, ý nhị, tinh tế, rất Sài Gòn, rất con gái.


Trào lưu tìm những căn hộ chung cư cũ mở quán càphê, văn phòng, nơi sáng tạo đang nở rộ. May mắn cho Xuân Yến là đã tìm được căn hộ cũ trong một chung cư rất nổi tiếng ở Sài Gòn trước 1975. Nhà gồm hai phòng và không gian phòng khách sát đường rất nhiều màu xanh với những hàng me. Tầng ba đủ để nghe âm thanh đường phố. Lối cầu thang lên đã khiến cho người ta cảm giác cũ đi, khi mở cửa, ánh sáng và không gian giúp cho nơi làm việc gần gũi. Những sản phẩm làm bằng tay rất cần một không gian có cảm xúc. Ở Trà Quế, mọi người cần được biết sản phẩm đã làm ra như thế nào? Nên không gian, giá kệ, ánh sáng phải tạo hiệu ứng thị giác, xem, sờ, ngửi… Ánh sáng màu vàng ấm làm cho sản phẩm chân thực hơn. Những song sắt cửa sổ đã được dỡ bỏ, để có thể chạm vào không khí bên ngoài. Vật liệu cũ, rẻ, nhưng có gu, với những chiếc bàn không giống ai. Khi đóng bàn, tôi cố tình đưa ra những vân gỗ. Đã làm nghệ thuật thì không giới hạn. Cái bếp cũng giữ lại làm thành quầy bar để khách đến có thể phục vụ đồ uống ngay. Những bóng đèn rơi xuống tường chừng hỗn loạn, nhưng trong đó có sự hiển nhiên. Sự rối của dây điện lại phù hợp trong một không gian mở.


Ở Việt Nam, văn hoá bảo tồn không cao, nhiều ngôi nhà cổ, chung cư cũ cứ nghĩ không đẹp đã bị đập đi xây mới. Cách làm này của những người trẻ cũng là một cách để bảo tồn.







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ