Thứ Ba, 19 tháng 11, 2013

Đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự

Đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự

Thuỷ điện xả lũ sai


Đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự


SGTT.VN - “Cần phải có quy định các thuỷ điện xả hết nước trước khi bão đến, nếu anh nào không làm thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự rất nặng”, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) thể hiện sự gay gắt trong phiên chất vấn sáng 19.11 của Quốc hội.


Ông Đương nói: “Hôm nay chúng ta ngồi đây, đồng bào miền Trung đang ngập chìm trong lũ, dư luận cho rằng lũ chồng lũ do nguyên nhân từ xả nước không đúng quy định của các hồ chứa thuỷ điện, vậy tôi hỏi bộ trưởng bộ Công thương chỗ này như thế nào?”. Theo ông Đương, cần phải ra quy định trước khi bão đến, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn thì phải xả hết nước đi, tăng dung tích hồ chứa lên chứ cứ giữ lại đấy để phát điện kiếm một vài tỉ đồng thì khi xả lũ hạ lưu (hàng loạt) sẽ gây thiệt hại hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng và còn liên quan cả tính mạng người dân. “Phải có quy định như vậy và bắt buộc phải thực hiện như vậy. Nếu anh nào không làm thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự rất nặng về tội cố ý làm trái hoặc tội thiếu trách nhiệm hoặc tội gì đấy trong bộ luật Hình sự, trong luật không thiếu”, ông Đương nói.










Đại biểu Đỗ Văn Đương:"Truy cứu trách nhiệm hình sự cá nhân xả lũ, gây chết người". Ảnh: Ngọc Thắng



Cùng chung ý kiến này, đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) nhấn mạnh, phải quy hoạch lại hệ thống thuỷ điện, thuỷ lợi vì việc xả lũ vừa qua gây thiệt hại rất lớn cho người dân. Ông cho rằng không thể chấp nhận được việc xả lũ mà chính quyền địa phương và người dân không biết và cho đến nay vẫn tranh luận với nhau giữa các cơ quan quản lý các hồ, đập này và chính quyền địa phương về việc có báo với nhau không, có thông tin cho nhân dân hay không. Phải điều tra để xử lý kỷ luật, thậm chí là trách nhiệm hình sự, phải làm một vài vụ cho nghiêm, không thể để cho người dân bị chết và bị thương như thế, tài sản thiệt hại vô cùng mà không có ai bị xử lý.


Ông Phúc đề nghị cần có các giải pháp căn cơ: “Bộ Tài nguyên và môi trường đánh giá mỗi năm chúng ta thiệt hại do bão lũ, thiên tai gây ra khoảng 1/5 GDP, một số tiền rất lớn, có thể thực hiện các chương trình xoá đói giảm nghèo, phát triển nông thôn”. Theo ông Phúc, cần quy hoạch lại vùng nông thôn, miền núi thường xuyên bị bão lũ gắn với xây dựng nông thôn mới. Ông cũng kiến nghị, cần đầu tư xây dựng nhà tránh lũ bằng nhiều nguồn vốn. Hiện Chính phủ đang có một đề án xây dựng nhà tránh lũ cho khoảng 40.000 hộ ở những tỉnh thường bị bão lũ. Nhưng khi ông làm việc với các huyện bị bão lũ này, địa phương nói là đã có thiết kế nhưng không có vốn. “Chúng tôi đề nghị Quốc hội, vì đây cũng thuộc trách nhiệm Quốc hội và Chính phủ phải cân đối nguồn vốn để ủng hộ chương trình này của Chính phủ”, ông Phúc nói.









“Tôi đề nghị Quốc hội xem xét trách nhiệm của bộ trưởng Bộ Công thương trong việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về việc ban hành chính sách hỗ trợ cho đồng bào nghèo tại các công trình thuỷ điện”.


Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên)



Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) thể hiện sự “thất vọng” khi không nhận được phản hồi của bộ trưởng bộ Công thương về chính sách cho dân nghèo vùng tái định cư thuỷ điện. Ông Học nhắc lại việc Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng gợi ý nghiên cứu trích một phần lợi nhuận từ các công trình thuỷ điện để tái đầu tư cho dân nghèo. Trong cả hai kỳ họp thứ ba và thứ tư, nghị quyết của Quốc hội đều giao cho bộ Công thương phối hợp với các bộ, ngành tham mưu Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ cho đồng bào nghèo tại các công trình thuỷ điện. Nghị quyết xác định trong năm 2013 chính sách này phải được ban hành. Đến nay, năm 2013 sắp kết thúc nhưng chính sách vẫn chưa được ban hành. Đáng buồn hơn là tại kỳ họp này, khi trả lời chất vấn của đại biểu quốc hội, bộ trưởng bộ Công thương cho rằng trách nhiệm này thuộc về bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. “Với cách trả lời của bộ Công thương, sau kỳ họp này chúng tôi không biết báo cáo với cử tri như thế nào… Tôi đề nghị Quốc hội xem xét trách nhiệm của bộ trưởng bộ Công thương trong việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội”, ông Học nói.

Tuy nhiên, bộ trưởng bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cũng như phó Thủ tướng có liên quan Hoàng Trung Hải đều vắng mặt tại phiên chất vấn do “đang bận đi công tác”.


Bộ Công thương “bật đèn xanh” cho Hoàng Anh Gia Lai nhập đường?


Trong phiên chất vấn bộ trưởng bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chiều 19.11, đại biểu Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) nêu câu hỏi về việc cho phép công ty Hoàng Anh Gia Lai nhập khẩu 30.000 tấn đường thô, bịt đường xuất khẩu tiểu ngạch qua Lào Cai, gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất đường tinh luyện trong nước do tồn kho lớn, kéo theo hàng triệu nông dân lao đao theo. Ông Cao Đức Phát trả lời, hiện cả nước đang dư hơn 500.000 tấn đường, trong đó nhập theo cam kết WTO là 53.000 tấn. Việc nhập khẩu bắt buộc chỉ theo cam kết quốc tế, (còn lại) nếu ảnh hưởng đến tiêu thụ trong nước thì không nên. Bộ Nông nghiệp hứa sẽ phối hợp với bộ Công thương xem xét đề nghị của Hoàng Anh Gia Lai. “Hai ngành đang tham mưu cho Chính phủ hỗ trợ biện pháp tiêu thụ đường, những gì làm khó khăn thêm thì hết sức cân nhắc”, ông Phát nói.


Chưa thoả mãn với phần trả lời, đại biểu Nguyễn Thanh Thuỷ (Hậu Giang) thắc mắc, liệu bộ Công thương có “bật đèn xanh” cho Hoàng Anh Gia Lai nhập đường?


Mặc dù nhận được nhiều câu hỏi của ngành nông nghiệp như làm sao người nông dân bớt thiệt thòi, cây trồng con giống tốt hơn… nhưng bộ trưởng Cao Đức Phát không tránh được “vết xe đổ”, chỉ trả lời chung chung. Ông Phát tiếp tục trả lời chất vấn vào sáng 20.11.


“Vụ Cát Tường là đau đớn của cả ngành y”


Cũng trong sáng 19.11, khi Quốc hội thảo luận về vấn đề xuống cấp đạo đức xã hội, đề cập tới “vụ Cát Tường”, bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận: “Dù là các nguyên nhân trực tiếp hay gián tiếp, khách quan hay chủ quan thì bộ Y tế và người đứng đầu bộ Y tế đều liên quan ít nhiều đến trách nhiệm”.


Bà Tiến cho rằng vụ Cát Tường là điển hình, không chỉ đạo đức ngành y mà còn là sự mất nhân tính con người, gây ra nỗi đau đớn, bức xúc không chỉ cho nạn nhân mà cho cả ngành y.


“Tất cả cán bộ ngành y của chúng tôi đều có cảm giác không thể tin đó là sự thật”, bà Tiến nói.


Bộ trưởng Y tế cho biết, ngành y đang biên soạn thông tư về đạo đức ứng xử nghề nghiệp và kể: “Nhiều cán bộ y tế nói với chúng tôi là tại sao ngành khác không có mà ngành này các đồng chí lãnh đạo lại xây dựng là ai cũng phải có đạo đức”. Bà bày tỏ: “Chúng tôi cũng mong muốn đường dây nóng ba cấp của ngành y được các đại biểu quốc hội thường xuyên kiểm tra, phát hiện để chúng tôi xử lý kịp thời. Chúng tôi hy vọng đại biểu và nhân dân nhìn một cách khoan dung và toàn diện”.


Trước đó, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) nhấn mạnh, hiện nay tình hình xuống cấp về đạo đức xã hội đang rất trầm trọng, gây bức xúc, gây sự bất bình và bất an trong nhân dân.


Việt Anh






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ