Chuyện đêm nay
Cầu thủ mới là ông chủ VFF?
SGTT.VN - Huấn luyện viên Đinh Văn Dũng đã tuyên bố thẳng “có người đi theo để phá đội” và ông cũng đề xuất với VFF, vĩnh viễn không triệu tập hai cầu thủ Văn Dũng của Hà Nội T&T và Minh Tùng của Ninh Bình lên bất cứ đội tuyển nào.
Đến đội trưởng Khắc Ngọc cũng chẳng thể nào cản được vài đồng đội của mình đá láo để phá đội. Ảnh: NK |
Nhưng, hình như không riêng gì U22 mà bóng đá Việt có hậu quả như ngày hôm này đều có “phần” của VFF đấy chứ. Đội tuyển U22 đang tham dự cúp BIDC tại Campuchia được thành lập dựa trên nòng cốt là đội U21 vừa tham dự ở Ninh Thuận.
Nhắc lại một chút, ở giải đấu U21 Quốc tế này một nhóm tuyển thủ đã trốn khỏi nơi tập trung của đội, bất chấp trước mặt là trận đấu quan trọng để đi bar chơi đêm.
Khi sự việc bị phóng viên phát hiện, ban huấn luyện cũng như ban tổ chức đã kỷ luật bằng hình thức khiển trách với hai trong sáu cầu thủ bị báo chí nêu tên. Cũng ở giải đấu này, cầu thủ Đình Bảo có pha song phi thẳng vào chân cầu thủ đội khách đến từ Úc nhưng vì “thành công của giải”, Đình Bảo vẫn được tung vào sân ở trận chung kết. VFF đã được báo cáo nhưng ngó lơ với các quyết định kỷ luật sơ sài trên.
Và điều gì đến đã đến, trước ngày lên đường sang Campuchia để tham dự giải đấu, khi VFF quyết định loại hai cầu thủ Văn Công và Văn Thuận, nội bộ đội bóng đã xuất hiện những sự bất phục. Tưởng rằng với việc mời ông Nguyễn Quốc Hội, chủ tịch đội Hà Nội T&T làm trưởng đoàn, VFF có thể yên tâm bởi số đông các cầu thủ trong đội là của Hà Nội T&T. Nhưng nào ngờ, tại Campuchia U22 Việt Nam đã thi đấu hết sức tệ hại.
Đỉnh điểm là trận đấu cuối cùng ở vòng bảng với Thái Lan hôm ngày 6.11, mới sau 45 phút đầu tiên đội U22 Việt Nam đã chỉ còn chín người, Văn Dũng và Minh Tùng đã chọn cách lấy thẻ đỏ để làm suy yếu đội. Hai cầu thủ này bằng các pha đánh nguội, đá xấu khiến cả khán giả Campuchia lẫn huấn luyện viên, cầu thủ đội bạn phản ứng kịch liệt. Và thật ra, đây lại cũng chỉ là hai cá nhân “điển hình” bởi ở giải đấu này nhiều cầu thủ đã thi đấu rất phản cảm. Hình ảnh bóng đá Việt, con người Việt đã bị bôi nhọ đến lem luốc ở một giải đấu quốc tế trên đất khách như một sự coi thường cách điều hành của VFF.
Phải chăng các cầu thủ cũng có lý do để thách thức VFF?
Có vẻ như vậy, đây không phải là lần đầu tiên mà VFF tỏ ra nhún nhường trước thế lực ở các cầu thủ. Ở giải U21, chỉ cần một trận thua tan tác trước U21 Sydney ở lượt đấu đầu tiên, cả ban tổ chức lẫn VFF đều cuống lên khi nhận ra, các cầu thủ trên sân “đột ngột xuống phong độ” hàng loạt để rồi phải chấp nhận cho các cầu thủ bị kỷ luật vào sân trở lại. Chỉ khi ấy U21 Việt Nam mới thi đấu cho ra hồn.
Mới hơn, ở trên sân Gò Đầu ở BTV Cup, sau khi ra văn bản đình chỉ ông Hoàng Văn Phúc, nhận được tin có đến chín cầu thủ trong đội hình chính thức đã có ý định đệ đơn phản ứng với VFF, thậm chí vài cầu thủ tuyên bố sẽ rút lui khỏi đội U23. VFF đã hoảng hồn, bởi U23 vẫn đang thi đấu ở BTV Cup và vài tuần nữa là đã đến SEA Games. Các quan chức VFF đã không dám trao quyết định đình chỉ khi ông Phúc yêu cầu, thay vào đó gần như toàn bộ lãnh đạo VFF cấp tập bay vào tận Bình Dương để “động viên” ông Phúc ở lại với đội bóng. Trên sân, khi biết yêu sách của mình đã được thoả mãn, các cầu thủ U23 Việt Nam đã thi đấu tốt hơn hẳn như một lời “nhắc nhở” với VFF.
Rõ ràng, từ vị thế điều hành, chỉ vì những toan tính thành tích, thay cho những lời hứa quyết tâm đưa bóng đá Việt lên vị thế mới, quyết liệt với tiêu cực, VFF đang trở thành “con tin” trong tay ông chủ là các cầu thủ, huấn luyện viên.
Thảo Du
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét