Thứ Năm, 14 tháng 11, 2013

Ao ta khó tìm chỗ tắm

Ao ta khó tìm chỗ tắm

Thị trường đồ gỗ


Ao ta khó tìm chỗ tắm


SGTT.VN - Hôm qua (14.11), hội chợ Đồ gỗ và trang trí nội thất Việt Nam – Vifa Home 2013 khai mạc với chủ đề “Giải pháp mua sắm cho ngôi nhà Việt”, đánh dấu hơn hai năm ngành đồ gỗ “quay về nội địa”. Điều đáng chú ý là hội chợ không có nhiều sản phẩm mới, và nhiều doanh nghiệp từng tham gia các năm trước nay vắng bóng vì bận... làm hàng xuất khẩu.










Hội chợ có nhiều sản phẩm giảm giá nhưng ít sản phẩm mới. Ảnh: Thu Thuỷ



Năm nay nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã từng tham gia hội chợ không thấy xuất hiện do đang có nhiều đơn đặt hàng xuất khẩu và do họ đánh giá thị trường nội địa sức mua kém, tham gia hội chợ để quảng bá sẽ không hiệu quả. Đa số doanh nghiệp tham gia cũng không đưa mẫu mã mới, chỉ trưng bày các mẫu cũ đã từng được khách ưa chuộng từ năm ngoái. Cách quay về thị trường nội địa kiểu này, rõ ràng khó thành công.


Số ít kiên trì


Tuy nhiên có một số doanh nghiệp vẫn tiếp tục đeo bám việc xây dựng thị trường nội địa.


Ông Nguyễn Thanh Bình, tổng giám đốc công ty Nguyễn Thanh Funiture cho biết: “Thị trường nội địa kém hơn hẳn so với năm ngoái, nếu chỉ tính trên mặt hàng công ty bán trong các hội chợ giảm khoảng 50%. Tuy nhiên chúng tôi vẫn tiếp tục tham gia quảng bá thương hiệu tại hội chợ, triển lãm trên cả nước, một năm tham gia 7 – 8 hội chợ. Việc quảng bá này là đầu tư cho tương lai. Hy vọng khi sức mua thị trường nội địa khá hơn, khách hàng đã quen với tên tuổi của mình”.


Ông Nguyễn Hữu Toàn, giám đốc công ty Thiên Ấn cũng nói: “Tuy thị trường không tốt nhưng công ty vẫn luôn tham gia hội chợ, là dịp cho khách hàng biết đến mẫu sản phẩm mới. Mưa dầm thấm lâu. Cứ kiên trì rồi sẽ có khách hàng”.


Một số ít doanh nghiệp cũng cố gắng đưa ra mẫu mới như bộ nội thất Pandora của Thiên Ấn. Nanakids – đơn vị chuyên nội thất dành cho trẻ em đưa ra nhiều mẫu mới được sản xuất với tiêu chuẩn cao cấp, lần đầu tham gia hội chợ. Bà Vi Thị Thu Nhi, giám đốc Nanakids cho biết: “Chúng tôi đang có kế hoạch mở một số cửa hàng trên toàn quốc. Mặt hàng dành cho trẻ em là có tiềm năng vì cha mẹ luôn không tiếc tiền đầu tư cho con cái”.


Ông Trần Tuấn Hùng, tổng giám đốc tập đoàn Hà Nam cho biết: “Sau hơn hai năm quay trở về thị trường nội địa, tỷ lệ sản phẩm nội thất của các doanh nghiệp Việt đã tăng từ 20% lên 40%, hàng ngoại nhập đã mất dần ưu thế”. Tuy nhiên, khảo sát tại nhiều doanh nghiệp cho thấy, doanh số khai thác thị trường nội địa hiện chủ yếu từ các công trình, dự án; còn bán lẻ vẫn chưa là thế mạnh.


Do vậy, việc tiếp cận thị trường nội địa đối với các doanh nghiệp đồ gỗ quan trọng nhất là phải đặt mục tiêu hướng vào thị trường này, lựa chọn phân khúc và tìm hiểu nhu cầu để xây dựng kế hoạch riêng cho từng đối tượng khách hàng.


Áp lực từ bên ngoài


Theo số liệu thống kê, trong một vài năm gần đây, sức tiêu thụ các sản phẩm đồ gỗ, nội thất trên thị trường nội địa đạt xấp xỉ 2 tỉ USD/năm. Đó là tín hiệu đáng mừng, tuy nhiên, thị trường nội địa còn nhiều bất ổn, đặc biệt là sau năm 2015, thời điểm mà các nước thành viên ASEAN theo kế hoạch sẽ thiết lập cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC).


Tại diễn đàn “Đối thoại chính sách 2013 nhằm phát triển công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ bền vững tại Việt Nam” hồi tháng 3.2013, ông Nguyễn Tôn Quyền, phó chủ tịch hiệp hội Gỗ lâm sản Việt Nam cho biết: “Tăng trưởng xuất khẩu sản phẩm gỗ trong thời gian qua chủ yếu nhờ lao động giá rẻ, sản phẩm xuất khẩu ở dạng thô như dăm giấy, gỗ bóc… vốn có giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi giá trị gia tăng xuất khẩu”. Trong khi đó, gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu vào các thị trường truyền thống của đồ gỗ Việt Nam đều phải sử dụng nguồn nguyên liệu có chứng chỉ FSC (bộ tiêu chuẩn của hội đồng Quản trị rừng thế giới) hoặc có chứng thực nguồn gốc. Nước ta hiện chưa có thị trường gỗ nguyên liệu FSC nên phải nhập đến 80% nguyên liệu gỗ với giá trị kim ngạch khoảng trên 1 tỉ USD mỗi năm.


Nhiều doanh nghiệp ngành gỗ sau một thời gian bỏ ngỏ thị trường trong nước cho các cơ sở nhỏ và làng nghề, nay cũng đã quay trở lại với phương châm “lấy tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu” để cạnh tranh. Tuy nhiên, khó khăn đối với các doanh nghiệp này cũng không nhỏ. Ngoài việc tham gia thị trường chung ASEAN, theo ông Huỳnh Văn Hạnh, phó chủ tịch Hawa, cái khó lớn nhất là trong đà suy thoái kinh tế, hệ thống phân phối ngày càng thu hẹp, một số cửa hàng bán lẻ mới ra cũng nhanh chóng đóng cửa. Trong khi đó, doanh nghiệp các nước khác đang tích cực chuẩn bị cho hội nhập. Chẳng hạn như ngành chế biến xuất khẩu gỗ của Malaysia đã đặt ra mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu đạt 17 tỉ USD vào năm 2020. Thái Lan cũng có những bước chuẩn bị khá bài bản từ khâu đào tạo nhân sự đến hệ thống bán lẻ... “Thậm chí, chúng tôi còn ghi nhận có hiện tượng nhà phân phối đồ gỗ, trang trí nội thất của Thái Lan âm thầm đi mua lại mặt bằng, cơ sở vật chất của các cơ sở nhỏ trong nước để mở rộng mạng lưới”, ông Hạnh nói.


Như Trần – Thu Thuỷ









Hội chợ Đồ gỗ và trang trí nội thất Việt Nam – Vifa Home 2013 do hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) và công ty cổ phần thủ công mỹ nghệ gỗ Liên Minh (HAWA Corp) tổ chức, diễn ra từ 14 – 17.11.2013 tại trung tâm Hội chợ và triển lãm, số 446 Hoàng Văn Thụ, Tân Bình, TP.HCM.


Vifa Home năm nay mở rộng hơn về quy mô so với các năm trước với 90 doanh nghiệp tham gia, khoảng 450 gian hàng; trưng bày các sản phẩm đồ gỗ trong nhà và ngoài trời như: nội thất, đồ gỗ sân vườn, đồ gỗ dành cho trẻ em, đồ gỗ văn phòng… đến các sản phẩm trang trí nội thất, các thiết bị nhà bếp, đèn trang trí, tượng điêu khắc, đồ thủ công mỹ nghệ… các dịch vụ tư vấn kiến trúc, thiết kế thi công trang trí nội ngoại thất và các dịch vụ hỗ trợ khác.







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ