Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2013

Nhiều phương án đối phó nhưng khó tránh ùn tắc!

Nhiều phương án đối phó nhưng khó tránh ùn tắc!

TP.HCM đóng cầu Bông và cầu Hậu Giang


Nhiều phương án đối phó nhưng khó tránh ùn tắc!


SGTT.VN - Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM đã ấn định đúng 6 giờ ngày mai (26.10) sẽ đóng cầu Bông và cầu Hậu Giang để tiến hành xây mới. Dù đã có hàng loạt phương án phân luồng, thế nhưng theo quan sát của phóng viên cũng như nhận định của nhiều người thì tình trạng ùn tắc, kẹt xe sẽ xảy ra trong những ngày đầu và sẽ gay gắt hơn trong thời gian tới nếu đóng tiếp cầu Lê Văn Sỹ và cầu Kiệu trong tháng 10.


Đường Đinh Tiên Hoàng, nơi cầu Bông bắc qua con kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, vốn là tuyến đường huyết mạch nối quận Bình Thạnh với quận 1, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông cao. Ở hai đầu cầu Bông luôn xảy ra tình trạng ùn ứ trong giờ cao điểm. Tương tự, cầu Hậu Giang (quận 6) cũng nằm trên tuyến đường có nhiều phương tiện lưu thông trong giờ cao điểm. Để giảm áp lực trong ngày đầu, sở GTVT quyết định đóng cầu vào ngày thứ bảy ít xe hơn. “Trên cơ sở phân luồng ở hai cầu này sẽ rút kinh nghiệm để qua tháng 11, đóng tiếp hai cầu Lê Văn Sỹ và cầu Kiệu”, ông Bùi Xuân Cường, phó giám đốc sở GTVT TP.HCM, nói.










Cầu Bông bắc qua con kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè Ảnh: flickr.com



Để chuẩn bị đóng cầu Bông, phục vụ cho việc thi công, đơn vị được giao đã làm một cầu tạm bằng sắt với hai luồng lưu thông (bên phải cầu Bông hướng từ quận 1 sang Bình Thạnh), cho xe hai bánh, ba bánh lưu thông. Tương tự, ở cầu Hậu Giang cũng đã có hai cầu tạm cho xe hai bánh và cả ôtô dưới 3,5 tấn.


Ở mỗi cầu, sở GTVT đều đưa ra ba phương án phân luồng. Theo quan sát của chúng tôi, việc lưu thông qua cầu Hậu Giang tạm có thể bị chậm lại nhưng cũng không đến nổi ùn tắc, vì được bố trí tương đối hợp lý ở hai bên cầu cũ.


Trong khi đó ở cầu Bông, cả hai cầu tạm đều nằm một bên, phương tiện từ quận 1 sang Bình Thạnh rẽ vào đường Hoàng Sa qua cầu tạm đến đường Trường Sa để lên đường Đinh Tiên Hoàng, từ hướng Bình Thạnh qua cũng theo lối này nhưng theo chiều ngược lại. Trong khi đó, đường Hoàng Sa và Trường Sa khá hẹp nên việc lưu thông hai chiều rất dễ ùn tắc. Ôtô từ quận 1 sang Bình Thạnh được chỉ dẫn lưu thông qua cầu Bùi Hữu Nghĩa, nhưng cuối đường Bùi Hữu Nghĩa ở gần chợ Bà Chiểu đã bị chiếm dụng buôn bán nên có thể phương tiện sẽ bị “tắc” ở đây.


Cơ quan chức năng cho biết, tại khu vực cầu Bông sẽ bố trí 14 cảnh sát giao thông (CSGT) và 22 nhân viên điều tiết giao thông; khu vực cầu Kiệu có 6 CSGT và 14 người điều tiết giao thông; khu vực cầu Lê Văn Sỹ sẽ có 10 CSGT và 20 người phân luồng; khu vực cầu Hậu Giang sẽ có 8 CSGT và 16 người hướng dẫn. Tuy nhiên, điều mà giới tài xế lo ngại là nhiều đường trước giờ cho ôtô lưu thông nay lại cấm đột ngột, rất dễ bị phạt. Nhìều người dân đề nghị, trong thời gian đầu, CSGT không nên phạt người chạy xe nếu họ đi sai làn, sai luồng, vì việc phân luồng mới tương đối rắc rối.


Đỗ Thông









Phương án phân luồng chính thức cầu Bông và cầu Hậu Giang


Ở cầu Bông: các loại xe hai bánh lưu thông qua hai cầu tạm bằng sắt ở bên cạnh cầu Bông bắc qua kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè.


Các loại xe ba bánh và ôtô sẽ lưu thông theo lộ trình mới sau đây:


• Hướng từ quận 1 về quận Bình Thạnh:


Lộ trình 1: đường Hai Bà Trưng – Trần Quang Khải – Nguyễn Huy Tự – cầu Bùi Hữu Nghĩa – đường Bùi Hữu Nghĩa.


Lộ trình 2: đường Đinh Tiên Hoàng – Nguyễn Văn Giai – cầu Bùi Hữu Nghĩa – đường Bùi Hữu Nghĩa.


Lộ trình 3: Điện Biên Phủ – Trường Sa – đường chui dưới dạ cầu Bùi Hữu Nghĩa – Đinh Tiên Hoàng.


• Hướng từ quận Bình Thạnh về quận 1:


Lộ trình 1: đường Đinh Tiên Hoàng – Vũ Huy Tấn – cầu Hoàng Hoa Thám – Trần Quang Khải – Đinh Tiên Hoàng – Võ Thị Sáu.


Lộ trình 2: đường Phan Xích Long – Vũ Huy Tấn – cầu Hoàng Hoa Thám – Trần Quang Khải – Đinh Tiên Hoàng – Võ Thị Sáu.


Lộ trình 3: đường Phan Đăng Lưu – Bạch Đằng – Xô Viết Nghệ Tĩnh – ngã tư Hàng Xanh – Điện Biên Phủ.


Đối với cầu Hậu Giang: các loại xe hai, ba bánh, xe ôtô từ 3,5 tấn trở xuống, xe khách từ 16 chỗ ngồi trở xuống sẽ lưu thông qua hai cầu tạm bằng sắt ở hai bên cầu Hậu Giang bắc qua kênh Tân Hoá – Lò Gốm.


Các loại xe ôtô từ 3,5 tấn trở lên và xe khách trên 16 chỗ sẽ lưu thông qua ba lộ trình mới sau đây:


Lộ trình 1: đường Hậu Giang – Nguyễn Văn Luông – Hồng Bàng – Minh Phụng – Hậu Giang và ngược lại.


Lộ trình 2: đường Hậu Giang – Nguyễn Văn Luông – Phạm Văn Chí – Bình Tiên – Minh Phụng – Hậu Giang và ngược lại.


Lộ trình 3: đường Kinh Dương Vương – Hồ Học Lãm – Võ Văn Kiệt – Bình Tiên – Minh Phụng – Hậu Giang và ngược lại.







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ