Thứ Bảy, 5 tháng 10, 2013

GS.Hoàng Tụy nói về lo lắng thường trực cuối đời Tướng Giáp

GS.Hoàng Tụy nói về lo lắng thường trực cuối đời Tướng Giáp

GS.Hoàng Tụy nói về lo lắng thường trực cuối đời Tướng Giáp


SGTT.VN - “Đại tướng ra đi là sự mất mát lớn. Bản thân tôi xin ghi nhớ vai trò đặc biệt của Đại tướng, một nhà trí thức lớn, uyên bác, đối với công cuộc chấn hưng giáo dục – mối quan tâm lo lắng thường trực của Đại tướng những năm cuối đời”.










GS Hoàng Tụy: "Công cuộc chấn hưng giáo dục – mối quan tâm lo lắng thường trực của Đại tướng Võ Nguyên Giáp những năm cuối đời".



Giáo sư Hoàng Tụy rưng rưng chia sẻ với Đất Việt khi hay tin dữ Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời: “Tôi bàng hoàng, thấm thía nỗi mất mát vô cùng to lớn không chỉ cho riêng mình mà cho cả dân tộc chúng ta”.


Tại nhà riêng của ông dù tuổi đã cao, sức yếu nhưng ông vẫn cố dành thời gian chia sẻ tâm tư về vị tướng già có nhiều tâm nguyện với công cuộc chấn hưng nền giáo dục nước nhà.


Trên bàn làm việc của Giáo sư là những tờ báo vời tràn ngập hình ảnh về sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.


Run run cầm tờ báo trên tay, Giáo sư Hoàng Tụy nói: Dù biết Đại tướng tuổi đã cao nhưng cái tin ra đi mãi mãi này thật bất ngờ. Bởi mới cuối tháng 8.2013 thôi, khi bạn bè thân thiết và nhiều người ngưỡng mộ Đại tướng đến dự buổi mừng sinh nhật 103 tuổi, chúng tôi đã rất vui vì được biết Đại tướng tuy đã yếu nhiều nhưng vẫn tỉnh táo.


“Thế mà nay Đại tướng đã vĩnh biệt chúng ta”, Giáo sư Tụy thảng thốt.


Theo Giáo sư Hoàng Tụy, công lao của vị anh hùng dân tộc rồi đây sẽ có nhiều người trong các thế hệ nhắc đến. Nhưng với cá nhân Giáo sư thì Đại tướng có một vai trò thật đặc biệt. Một nhà trí thức lớn, uyên bác, đối với công cuộc chấn hưng giáo dục – mối quan tâm lo lắng thường trực của Đại tướng những năm cuối đời.


Giáo sư Hoàng Tụy nhớ lại: “Mãi mãi tôi không quên được một buổi chiều năm 2004, bỗng nhiên tôi nhận được cú điện thoại thân thiết, bất ngờ của Đại tướng thúc giục tôi đứng ra tập hợp một số trí thức tâm huyết trong nước và Việt kiều ngồi lại cùng nhau bàn bạc, thảo luận để có những kiến nghị chính thức với Trung ương nhằm cải cách, chấn hưng giáo dục”.


Theo lời đề nghị đó Giáo sư Hoàng Tụy đã liên tục có nhiều cuộc họp bàn bạc với các trí thức nước nhà, kiên trì đưa ra ý kiến góp ý chấn hưng hiện đại hóa giáo dục của nước ta.


“Nhờ sự quan tâm thúc giục đó của Đại tướng và tinh thần cương quyết đấu tranh vì nền giáo dục lành mạnh đáp ứng yêu cầu của đất nước. Cá nhân tôi và nhiều nhà giáo cảm thấy trách nhiệm của mình. Cho nên dù gặp nhiều khó khăn chúng tôi vẫn kiên trì góp ý”, Giáo sư Hoàng Tụy chia sẻ.


Riêng phần mình, Giáo sư Hoàng Tụy không ngại ngần nói thẳng: Sau rất nhiều năm thất vọng vì nhiều ý kiến kiến nghị hầu như không được cơ quan hữu trách lắng nghe. Sau nhiều năm tôi vẫn kiên trì.


“Một người như Đại tướng đã chinh chiến trên chiến trường thời loạn thành công, nay đất nước trong thời bình ông quan tâm tới giáo dục như vậy thì không có lý gì những người trong ngành lại dễ dàng bỏ cuộc”, GS Tụy chia sẻ.


Có lẽ sự quyết tâm đó phần nào cũng được đáp lại. Giáo sư Tụy cho biết: “Rất mừng gần đây đã có chuyển biến rõ rệt. Đề án đổi mới giáo dục mới đây được đưa ra có thể nói rất phù hợp với ý kiến chúng tôi đã nhiều lần đóng góp và có thể nói là đề án tốt nhất. Tôi rất ủng hộ và hy vọng đây là bước đầu chuyển biến và những năm tới đây giáo dục sẽ có những bước chuyển biến đột phá, từ đó thoát ra khỏi thế trì trệ như tôi vẫn gọi là “điểm chết” của hệ thống”.


Dù cho rằng hiện nay còn nhiều khó khăn nhưng nhiều lãnh đạo đã bắt đầu nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục, song Giáo sư Hoàng Tụy cho rằng, sự ra đi của Đại tướng khiến ông và những người trí thức có trách nhiệm với nước nhà càng phải thể hiện vai trò của mình hơn nữa.


“Sự ra đi của Đại tướng lại càng nhắc nhở anh em chúng tôi và tất cả những ai quan tâm đến giáo dục phải hết sức cố gắng thực hiện lời khuyên, sự quan tâm, góp ý tâm huyết của Đại tướng đối với giáo dục”, Giáo sư Hoàng Tụy nhấn mạnh.


Thay cho lời vĩnh biệt vị tướng già, Giáo sư Tụy muốn thể hiện sự quyết tâm thực hiện ý nguyện rằng: vẫn còn rất nhiều việc, tâm nguyện của Đại tướng căn dặn mà ngành giáo dục phải làm. Phải chấn hưng được nền giáo dục, thực hiện bằng được ước mơ dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh mà thế hệ Cách mạng tháng Tám đã ấp ủ và không ngừng phấn đấu.


Theo Đất Việt






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ