Đánh chắc tiến chắc: một di sản chiến lược còn nguyên giá trị
SGTT.VN - Tôi ngồi trong căn phòng vắng, đọc và nghĩ về Đại tướng. Nghĩ xem, ngoài những di sản hiển nhiên về quân sự, thì còn điều gì mà ông để lại, có thể dùng được cho cuộc phát triển này. Tôi nhận ra rằng, những điều ông để lại phong phú hơn nhiều những điều tôi đã hình dung.
Khi còn là sinh viên năm 2 đại học Bách khoa, trong một lần đọc báo tại bảng tin, tôi đọc được bài viết về tướng Giáp, sau đó ao ước được gặp ông một lần. Nhưng tôi chỉ là sinh viên tỉnh lẻ chân ướt chân ráo ra Hà Nội, ngay cả bà con thân thiết ở Hà Nội còn không có, nói gì đến việc gặp một đại tướng lừng danh.
Ảnh: Reuters |
Rồi thời gian trôi đi, mong muốn được gặp tướng Giáp vợi dần. Cho đến một ngày, ba lá thư của ông đã tạo ra các luồng thông tin dân sự đầy sống động và cập nhật với các vận động của đời sống đất nước. Từ đây, phản biện của giới trí thức, chuyên gia được thừa nhận như một trách nhiệm công dân. Đây có thể được coi là một trong những di sản đáng kể cuối cùng của tướng Giáp, càng đặc biệt có ý nghĩa khi ông tuổi đã gần trăm.
Tôi đã có một bài viết phân tích về đóng góp này của tướng Giáp, và nhờ bài viết này, tôi và anh Võ Điện Biên, con trai ông, biết nhau qua một cuộc trò chuyện ngắn trên mạng. Một năm sau, tháng 4.2010, nhân chuyến về Hà Nội, tôi có gọi điện hẹn gặp anh Biên, và ngỏ lời muốn đến thăm Đại tướng, nhưng anh Biên nói hiện ông đang rất mệt. Rồi tôi trở lại Anh quốc và di chuyển liên miên. Mong muốn được gặp tướng Giáp một lần trong đời vẫn chưa thực hiện được. Giờ chỉ còn niềm tiếc nuối…
Tôi ngồi trong căn phòng vắng, đọc và nghĩ về Đại tướng. Nghĩ xem, ngoài những di sản hiển nhiên về quân sự, thì còn điều gì mà ông để lại, có thể dùng được cho cuộc phát triển này. Tôi nhận ra rằng, những điều ông để lại phong phú hơn nhiều những điều tôi đã hình dung.
Di sản đầu tiên mà tôi nghĩ đến đó là sự bền vững của các quá trình. Nếu trong thời chiến, đó là các chiến dịch, thì trong thời bình, đó là các kế hoạch phát triển kinh tế. Dù là chiến dịch của thời chiến, hay các kế hoạch phát triển thời bình, thì yếu tố quan trọng hàng đầu để đưa đến thành công phải là sự bền vững. Bền vững trên cơ sở thực tế, chứ không trên những mong muốn chủ quan nóng vội. Một trong những quyết định được coi là lớn nhất trong cuộc đời tướng Giáp là quyết định chuyển từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Chính điều này, cùng với sự hỗ trợ của toàn dân trong hậu cần, đã tạo ra chiến thắng oanh liệt ngày 7.5.1954 trước một lực lượng quân sự mạnh hơn và hiện đại hơn, đến từ một đất nước hùng mạnh hơn gấp bội.
Vậy tôi có thể học được gì trong quyết định chiến lược này, cho thời hội nhập kinh tế toàn cầu?
Tôi cho rằng, đó là tư duy về chiến lược phát triển bền vững, hiệu quả, trong đầu tư kinh tế và phát triển đất nước. Đây có thể hình dung như một sự tiếp cận tương đồng với chiến lược “đánh chắc thắng” mà tướng Giáp kiên trì xây dựng và theo đuổi trong suốt đời binh nghiệp của mình. Nhưng tiếc rằng, bài học “đánh chắc thắng” này bị lãng quên khi đất nước chuyển sang thời bình.
Trong kinh tế, cách phát triển dựa trên sự đầu tư ồ ạt về vốn, khai thác tài nguyên và nhân công giá rẻ hiện nay không khác gì mong muốn “đánh nhanh, thắng nhanh” trong chiến dịch Điện Biên Phủ ngày nào. Đây là một mong muốn duy ý chí, đã dẫn đến những thất bại lớn.
Vì vậy, cá nhân tôi cho rằng, một sự chuyển hướng về chiến lược phát triển, từ “đánh nhanh, thắng nhanh” với những “cú đấm thép” của các tập đoàn kinh tế, sang “đánh chắc, tiến chắc” trên cơ sở phát triển bền vững của tất cả các thành phần kinh tế, là điều tối quan trọng trong chiến lược phát triển của đất nước. Nhưng cũng như trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nếu việc đổi chiến lược từ “đánh nhanh, thắng nhanh” kéo theo sự thay đổi toàn bộ trong công tác hậu cần và bố trí lại sơ đồ trận địa, thì việc chuyển đổi từ phát triển theo chiều rộng, với lối đầu tư tăng vốn ồ ạt, khai thác tài nguyên và nhân công giá rẻ vô tội vạ, sang phát triển bền vững theo chiều sâu, cũng đòi hỏi một sự bố trí lại các trận địa kinh tế, lực lượng hậu cần và nguồn nhân lực một cách toàn diện.
Rất dễ hình dung, trong trận địa kinh tế mới này, các tập đoàn và tổng công ty nhà nước không còn đóng vai trò chủ đạo, mà thay vào đó là các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vì đây là nơi năng động, tạo ra nhiều công ăn việc làm nhất, đóng góp nhiều cho GDP nhất, và hiệu quả đầu tư cao nhất. Công nghiệp phụ trợ và các công nghiệp phát triển theo cụm liên hoàn cũng sẽ được quan tâm. Quy hoạch các vùng kinh tế sẽ thay thế các quy hoạch theo tỉnh, thành manh mún. Công tác hậu cần cho nền kinh tế, trong đó có thủ tục hành chính và hành lang pháp lý, huy động nguồn tài lực, sự hỗ trợ của hệ thống công quyền, cũng sẽ được bố trí lại toàn diện. Chính sách sử dụng nguồn nhân lực cũng sẽ hiệu quả và hợp lý hơn. Việc trọng đãi nhân tài sẽ đi vào thực tế. Giáo dục sẽ được đổi mới theo tinh thần tự do, khai phóng. Các chính sách đi tắt đón đầu choang choang câu chữ và đầy rẫy chủ quan cũng sẽ bị xem xét lại tính khả thi trên thực tế…
Vì sao vậy? Vì một lý do thật giản dị: tất cả những điều này đều hướng đến một mục tiêu chung gọi là phát triển bền vững, hay có thể gọi là “đánh chắc, tiến chắc” như trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm nào.
Tất nhiên sự chuyển đổi này không hề dễ dàng, đòi hỏi bản lĩnh và lòng quả cảm của người cầm lái. Cái giá của sự chuyển đổi cũng không nhỏ đối với một nhóm người, giống như việc kéo pháo vào rồi lại phải kéo pháo ra trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhưng đất nước sẽ là người chiến thắng.
Giáp Văn Dương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét