Toán học Việt Nam: một làn sóng mới đang được khởi đầu
SGTT.VN - Chương trình trọng điểm quốc gia toán học giai đoạn 2010 – 2020 mới chỉ chính thức khởi động được hơn hai năm. Khó có thể đánh giá ngay từ bây giờ về kết quả cuối cùng của nó, nhưng người viết bài này có một niềm tin lớn lao về thành công của chương trình.
GS Ngô Bảo Châu giảng bài tại VIASM. Ảnh: VnExpress |
Nhà mới đón gió mới
Năm 2009, trong bài viết ngắn Giả thuyết Sato-Tate gửi cho kỷ yếu trại hè Toán học lần thứ ba do diendantoanhoc.net và mathvn.org tổ chức dưới sự bảo trợ của hội Toán học Việt Nam, GS Ngô Bảo Châu có đoạn kết: “Lý thuyết số hiện đại thực sự bùng nổ trong mười năm trở lại đây. Khác với giai đoạn trước, khi hàng loạt khái niệm mới được đưa ra, hàng loạt giả thuyết chồng chéo lên nhau, thời gian này làn sóng khái niệm có vẻ đã tạm rút. Các khái niệm có vẻ đã có thời gian ngấm, không chỉ vào đầu các nhà toán học lão luyện, mà cả vào đầu các nhà toán học trẻ và cả sinh viên. Có lẽ đấy là lý do xã hội học, tại sao hàng loạt bài toán cổ điển đã tìm ra câu trả lời gần đây. Và làn sóng này còn chưa kết thúc. Liệu ta có thể hy vọng làn sóng này đập vào 3.000 cây số đường biển của đất nước hình chữ S hay không?”
Lúc đó GS Ngô Bảo Châu còn chưa được nhận giải thưởng Fields danh giá, và chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học giai đoạn 2010 – 2020 còn chưa được phê duyệt.
Bốn năm đã trôi qua từ bài viết đó. Tháng 8.2013, viện Nghiên cứu cao cấp về toán (VIASM), hạt nhân của chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học giai đoạn 2010 – 2020, kỷ niệm hai năm thành lập. Qua hai năm thành lập, VIASM với bộ máy gọn gàng nhưng tinh nhuệ, đã từng bước triển khai những hoạt động quan trọng. Nhiều nhà toán học uy tín trên thế giới đã được mời đến viện làm việc để dẫn dắt các nhà toán học trẻ, các bạn nghiên cứu sinh, sinh viên. Qua các trường hè, các hội thảo, đã phát hiện ra nhiều bạn trẻ có tố chất tốt. Họ được giới thiệu để tiếp tục đi học tại các trường đại học danh tiếng trên thế giới. Các nhà toán học trẻ trong nước cũng có điều kiện được bứt ra khỏi bộn bề cuộc sống để chuyên tâm nghiên cứu. Và kết quả là nhiều công trình khoa học đã được hoàn thành, gửi đăng trên các tạp chí toán học trong và ngoài nước hoặc dưới dạng tiền ấn phẩm.
Các bài giảng đại chúng với những chủ đề đa dạng từ toán lý thuyết, toán ứng dụng đến toán học và cuộc sống, phương pháp giảng dạy toán, công nghệ dạy và học... đã được tổ chức định kỳ tại viện thu hút sự quan tâm của nhiều người, góp phần đáng kể trong việc truyền bá và nâng cao văn hoá toán học cho cộng đồng.
Các giải thưởng dành cho các nhà toán học trẻ, chương trình học bổng dành cho sinh viên, học sinh đã thực sự là một sự khích lệ tinh thần cũng như một sự hỗ trợ vật chất đáng kể giúp những người nhận giải, nhận học bổng có thể tập trung tốt hơn vào công tác nghiên cứu, học tập. Kể từ hè năm nay, các khoá tập huấn dành cho giáo viên và học sinh đã được tổ chức. Trường hè toán học 2013 tại Hà Nội và Gặp gỡ toán học 2013 tại TP.HCM đã thu hút được 300 học sinh từ khắp các tỉnh/thành. Khoá tập huấn thứ nhất dành cho giáo viên cũng đã được tổ chức thành công tại VIASM hồi cuối tháng 8 và sẽ được tiếp tục tổ chức tại Đà Nẵng và Cần Thơ vào các tháng 10, 11 sắp tới. Những chương trình này đã thực sự đem lại một luồng gió tươi mới đầy hứng khởi cho phong trào chuyên toán trên toàn quốc.
Niềm tin cho tuổi lên hai
Tôi chỉ đến thăm và làm việc ở VIASM vài lần, nhưng luôn cảm nhận được sức hút to lớn của địa điểm này. Đó thực sự là một môi trường tuyệt vời trong hoàn cảnh còn khó khăn chung của Việt Nam: những phòng hội thảo thoáng mát, hệ thống bảng kéo tiện lợi, máy chiếu màn hình lớn, những phòng làm việc đơn giản nhưng tiện nghi... Và nhân sự của viện là những người tuyệt vời. Đó là một Ngô Bảo Châu điềm đạm, sâu sắc, một Lê Tuấn Hoa luôn bùng nổ và mạnh mẽ, một Nguyễn Thị Lê Hương tận tuỵ, chân tình, rồi các anh Tuấn, Khôi, các chị Diệp, Thiên Nga... Một tập thể trẻ trung, năng động, làm việc khoa học và có tinh thần trách nhiệm cao. Làm việc trực tiếp với các anh chị qua việc tổ chức Gặp gỡ toán học 2013, tôi thấy mọi việc luôn được giải quyết nhanh gọn, khoa học, có lý có tình. Điều đó đã góp một phần lớn vào thành công của chương trình. Qua đó, tôi tin rằng các nhà toán học, các bạn nghiên cứu sinh, sinh viên đến viện làm việc và học tập cũng có sự thuận lợi tối đa trong các thủ tục và điều kiện làm việc. Thực sự, các nhà khoa học chỉ cần một môi trường như vậy.
Chương trình trọng điểm quốc gia toán học giai đoạn 2010 – 2020 mới chỉ chính thức khởi động được hơn hai năm. Khó có thể đánh giá ngay từ bây giờ về kết quả cuối cùng của nó, nhưng người viết bài này có một niềm tin lớn lao về thành công của chương trình. Một làn sóng mới của toán học Việt Nam đang được khởi đầu.
TS Trần Nam Dũng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét