Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2013

Muốn thành công phải kiên trì

Muốn thành công phải kiên trì

Thị trường Myanmar và Indonesia


Muốn thành công phải kiên trì


SGTT.VN - Sau hai chuyến khảo sát vào tháng 8.2013, cộng với tìm hiểu kinh nghiệm từ những doanh nghiệp đã đứng chân được ở thị trường Myanmar và Indonesia, các doanh nghiệp xác định yếu tố quan trọng để thành công cho hàng Việt Nam là phải kiên trì bám thị trường.










Doanh nghiệp Việt Nam khảo sát thị trường Indonesia. Ảnh: BSA



Nhiều doanh nghiệp tiếp tục chia sẻ thông tin, nhận xét thị trường tại hội thảo “Làm ăn thật ở Myanmar và Indonesia – những kinh nghiệm thực tế” do hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu (LBC) phối hợp cùng phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại TP.HCM và hội Doanh nhân trẻ TP.HCM (YBA) tổ chức ngày 17.9.2013.


Không thể ăn ngay


Ông Văn Đức Mười, tổng giám đốc công ty Vissan nhớ lại năm 2011 khi TP.HCM tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại đầu tư vào Myanmar, nhiều doanh nghiệp náo nức đi Myanmar vì nghĩ đây là thị trường tiềm năng. Trong lúc sức mua trong nước suy yếu thì Myanmar như một thị trường tiêu thụ hàng hoá mới. Lần đầu tiên đi Myanmar, Vissan thấy như cái gì kinh doanh cũng được, thế nhưng, lần thứ hai qua vào năm 2012, thấy không thể làm được gì hết vì những quy định pháp lý còn khó. Lần thứ ba vào năm 2013, nghiên cứu kỹ thị trường hơn, Vissan thấy có thể làm được nếu chịu khó kiên trì đeo bám. Ông Mười khẳng định không thể nghĩ ngắn hạn mà phải đầu tư cho tương lai để khi cơ chế, chính sách của nhà nước Myanmar thay đổi thì lúc đó doanh nghiệp phát huy ngay cơ hội, còn nếu không bắt đầu từ bây giờ, đến lúc người ta đã chạy và bứt phá về đích thì mình mới từ vạch xuất phát càng không làm được gì.


Một số doanh nghiệp đã thành công bước đầu ở thị trường Myanmar nhờ kiên trì đeo bám như tập đoàn Thiên Long, công ty Vinamit, công ty cổ phần xuất nhập khẩu y tế Domesco… Kinh nghiệm của doanh nghiệp đi trước tạo niềm tin thị trường cho các doanh nghiệp Việt Nam đang phân vân trước thị trường Myanmar. Ông Lương Vạn Vinh, tổng giám đốc công ty cổ phần hoá mỹ phẩm Mỹ Hảo sau hai lần khảo sát đã quyết định trong tháng 9.2013 này, Mỹ Hảo sẽ đưa sang một container sản phẩm để cắm hàng vào các kênh bán lẻ truyền thống ở thị trường Myanmar.


Với thị trường Indonesia, hàng tiêu dùng Việt Nam cũng phải theo phương châm kiên trì đeo bám. Theo khảo sát của hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, thị trường Indonesia mở từ lâu, nên hiện nay chủng loại hàng hoá rất đa dạng với những “tay chơi” lớn. Kênh bán lẻ hiện đại phát triển từ 15 – 20 năm nay, hiện chiếm 50% hệ thống phân phối ở Jakarta. Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp diễn ra gay gắt trong kênh này, nên doanh nghiệp Việt Nam rất khó trực tiếp đưa hàng vào. Ngoài ra, do chủng loại sản phẩm quá phong phú, các nhà bán lẻ lớn này ít khi chịu tiếp xúc với các doanh nghiệp hoàn toàn mới. Vì thế, cách tốt nhất để đi vào thị trường Indonesia là thông qua các nhà phân phối khác của Indonesia. Các sản phẩm Việt Nam muốn đi vào Indonesia phải có tính độc đáo, có bản sắc riêng và doanh nghiệp cần kiên trì làm cho người tiêu dùng quen với cách sử dụng các sản phẩm Việt Nam thông qua các hoạt động tiếp thị. Doanh nghiệp đừng ngại với các đơn hàng nhỏ, phải linh hoạt với mức đặt hàng tối thiểu để đi dần vào thị trường.


Đại diện công ty Thực phẩm Bích Chi cho biết nhà phân phối cho Bích Chi hiện nay cũng nhập nhiều hàng từ Trung Quốc, Thái Lan, nhưng có những mặt hàng họ chỉ lấy của Bích Chi vì chất lượng trội hơn dù giá không thấp, có loại giá còn cao hơn hàng Trung Quốc, Thái Lan. Chẳng hạn người tiêu dùng Indonesia đã phân biệt được chất lượng bánh phồng tôm của Bích Chi được làm từ tôm tươi ngon, dù giá cao họ vẫn mua.


Biết cách làm việc với đối tác


Thị trường bán lẻ ở Myanmar hay Indonesia đang tăng trưởng nhanh, có nhu cầu cao với nhiều mặt hàng khác nhau, điều kiện thuận lợi cho việc định hướng thị hiếu người tiêu dùng, tuy nhiên nếu không tìm được nhà phân phối có thiện chí và không biết cách làm việc với thương nhân nước sở tại thì doanh nghiệp cũng khó thâm nhập thị trường.


Ông Trần Thanh Đạm, giám đốc kinh doanh quốc tế của Domesco cho biết công ty hiện bán dược phẩm sang Myanmar 1 triệu USD mỗi năm. Công ty xuất qua Myanmar đã mười năm, xuất phát từ việc có một thương nhân Myanmar đề nghị làm nhà phân phối. Khi đối tác thật sự mong muốn làm thì công ty rất thuận lợi để cùng họ triển khai các hoạt động tiếp thị. Ông Đạm nhận xét, chớ xem thường những đề nghị của thương nhân Myanmar vì chính họ mới là người hiểu thị trường, biết cái gì có thể tiêu thụ được và một khi họ đã quyết định mua hàng thì việc trao đổi rất nhanh. Khi ông Đạm giới thiệu đối tác Myanmar đến công ty Thực phẩm Bích Chi để mua các loại bún, hủ tíu ăn liền, họ làm việc chỉ trong một ngày để thiết kế lại bao bì cho phù hợp thì Bích Chi đã xuất được ngay hai container hàng. Trong khi đó, một cơ sở cơ khí nông nghiệp lại chỉ chăm chăm làm máy gặt đập liên hợp, bỏ qua đề nghị đặt hàng máy suốt lúa nhỏ trong khi thương nhân cho biết họ cần loại máy này vì phù hợp với thực tế sản xuất nông nghiệp của Myanmar hiện nay.


Ban giám đốc công ty TNHH Cơ khí nông nghiệp Bùi Văn Ngọ có cái nhìn xa hơn. Công ty đi vào thị trường Indonesia từ những máy móc thiết bị cơ khí nông nghiệp cỡ nhỏ cũng qua một đối tác tại nước này. Từ những máy móc nhỏ, thông qua đối tác làm việc tích cực, nay Bùi Văn Ngọ đang làm những máy móc thiết bị cho những nhà máy lớn hơn vì được tin tưởng về kỹ thuật. Đại diện công ty Nệm Liên Á nhận xét, thương nhân Myanmar rất thận trọng, nhận hàng chào rồi, họ phải qua tận nơi tham quan nhà máy và khi chắc chắn rồi họ sẽ làm việc lâu dài. Còn bán hàng sang Indonesia, Liên Á nhờ đã đạt chất lượng của Đức nên chào hàng thuận lợi.


Các ý kiến của doanh nghiệp đều nhấn mạnh cho dù hiện tại thị trường Myanmar và Indonesia còn nhỏ, nhưng biết người, biết ta thì có thể không khó thâm nhập và tiềm năng phát triển tốt trong tương lai.


Các Ngọc






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ