Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2013

Để gia tăng độ tín nhiệm khi xuất khẩu

Để gia tăng độ tín nhiệm khi xuất khẩu

Doanh nghiệp ĐBSCL


Để gia tăng độ tín nhiệm khi xuất khẩu


SGTT.VN - Chỉ mất thời gian 5 – 7 ngày làm việc sau khi nộp hồ sơ, doanh nghiệp được xác minh và cấp mã số. Ngoài lợi ích được nhà mua hàng chú ý khi nằm trong danh sách đã có mã số DUNS, doanh nghiệp còn được cấp cho con dấu điện tử để gắn lên website của doanh nghiệp.


Ngày 13.9, tại Hội thảo “Tăng khả năng cạnh tranh xuất khẩu nông – thủy sản: Giải pháp nào cho doanh nghiệp?” (TP Cần Thơ), do Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ tổ chức, giám đốc phát triển kinh doanh công ty Dun & Bradstreet Vietnam (D&B) Lê Thị Phương Nhi, gợi mở cho các doanh nghiệp ĐBSCL cách tiếp cận qui trình đăng ký mã số DUNS (hệ thống số hoá dữ liệu quốc tế – Data Universal Numbering System), xây dựng sự tín nhiệm và nhận diện thương hiệu cho mình và tìm hiểu thông tin của đối tác thông qua mã số này.


Chỉ mất thời gian 5 – 7 ngày làm việc sau khi nộp hồ sơ, doanh nghiệp được xác minh và cấp mã số DUNS, chi phí chỉ khoảng 4.400.000 đồng/năm. Ngoài lợi ích được nhà mua hàng chú ý khi nằm trong danh sách đã có mã số DUNS, doanh nghiệp còn được D&B cấp cho con dấu điện tử để gắn lên website của doanh nghiệp.


Bà Nhi cho rằng tình trạng người mua hàng thường gặp khó khăn để biết rõ về bên bán hàng; thông tin chuyên sâu và minh bạch về người bán hàng thường không đầy đủ và ngược lại. Vì thế, nhu cầu về một môi trường thương mại quốc tế minh bạch hơn và có nhiều thông tin hiểu biết chuyên sâu hơn là rất cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế suy thoái như hiện nay.


Công ty Dun & Bradstreet (D&B) đang sở hữu nguồn cơ sở dữ liệu lớn và chuyên sâu hơn 225 triệu doanh nghiệp trên toàn cầu (tại Việt Nam có 128.000 doanh nghiệp). Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp tại ĐBSCL đăng ký không nhiều so với những khu vực khác. Bà Nhi giải thích thêm, những nhà mua hàng lớn không muốn gặp khó khăn khi không biết rõ đối tác, nếu gặp đối tác không đủ năng lực sẽ rủi ro rất lớn cho họ khi gián đoạn nguồn cung cấp.


Trong khi đó, trưởng phòng Pháp chế thuộc VCCI - chi nhánh Cần Thơ, ông Nguyễn Phương Lam thống kê những vụ tranh chấp thương mại giải quyết tại Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) loại hình tranh chấp về mua bán hàng hóa chiếm đến trên 70%, tiếp đó là gia công (5%), xây dựng (5%), hợp tác đầu tư (4%)… phần lớn nguyên đơn yêu cầu bị đơn thanh toán tiền hàng còn chưa trả, bồi thường thiệt hại, giao hàng kém chất lượng,… Kinh nghiệm từ những vụ tranh chấp cho thấy, các doanh nghiệp xuất khẩu bị vướng hai vấn đề: Tìm hiểu khách hàng chưa kỹ, thiếu thông tin khách hàng cũng như thông tin về thị trường; thứ hai là doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay chưa am hiểu nhiều về luật pháp, thông lệ quốc tế. “80% doanh nghiệp chưa hiểu rõ khách hàng, đối tác là một trong những nguyên nhân dẫn đến tranh chấp, rủi ro”, ông Lam nói.


NGỌC BÍCH






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ