Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2013

Bài 2: Không bỏ ruộng thì đói

Bài 2: Không bỏ ruộng thì đói

Đằng sau chuyện nông dân bỏ ruộng


Bài 2: Không bỏ ruộng thì đói











Ông Nguyễn Văn Công, bí thư chi bộ thôn Thu Thừ, ứa nước mắt mỗi khi nói về đồng ruộng.



SGTT.VN - Ông Nguyễn Văn Công, bí thư chi bộ thôn Thu Thừ (Quảng Ninh, Quảng Bình) khi nói đến đất đai, đến nông dân là ông lại ứa nước mắt. Cuộc đời ông cũng xuất thân từ nhà nông mà ra, thành thử nhắc đến ruộng đồng, ông không khỏi xót xa khi chính trên mảnh đất làng đã từng nuôi nấng ông và bao nông dân khác, đang bị hoang hoá đến hàng chục hecta.


Làm đơn trả ruộng


Sau khi nhẩm tính, ông Nguyễn Văn Công nói: “Chỉ riêng đất ngày xưa cho trẻ em mượn, thuê để cha mẹ làm hơn 7ha thì nay người dân viết đơn trả đến 5ha đất. Đất cho cán bộ hưu trí về hưu mất sức, con em xa xứ không thành đạt, về quê đơn chiếc cho thuê 15ha thì nay, họ cũng viết đơn trả hơn 10ha. Họ viết đơn đưa đến thôn, tui với trưởng thôn ngồi mà nghệt mặt ra. Chao ôi, ngày trước, cha ông đấu tranh để được chia ruộng, được cày bừa, thì chừ ruộng bị trả ri, tui ứa nước mắt mỗi khi cầm lá đơn đề chữ đơn xin trả ruộng”.


Tại tỉnh Quảng Bình, việc nông dân bỏ ruộng đã lên đến con số hơn 750ha. Đó là theo thống kê sơ bộ, nếu điều tra chính thức, chắc chắn sẽ nhiều hơn con số đó. Tương tự, ở tỉnh Hà Tĩnh, có hơn 1.300ha ruộng bị bỏ hoang, hơn 1.000 hộ dân trả lại ruộng do họ chẳng muốn làm.


Ở huyện Lệ Thuỷ (Quảng Bình), đã xuất hiện thêm một hình thức bỏ ruộng như: vào vụ hè thu, sau khi gặt vụ lúa chiêm xong, nông dân để ruộng nghỉ, họ không cày bừa, xới xáo và họ vứt ruộng cho trời. Ít tuần sau, những gốc rạ mọc ra lúa non, người dân địa phương gọi là lúa xép. 40 ngày sau, hơn 8.000ha lúa xép bị bỏ lại từ vụ chiêm được người dân ra mót lại. Đó là cách bỏ ruộng kỳ lạ, họ chẳng chăm sóc gì, khi lúa xép trổ đồng, chín hạt thì họ đi mót lúa. Hiện các nhà khoa học đang tranh cãi có nên để ruộng lúa tái sinh hay không, trong khi đó, giới nông dân do chán cảnh làm ruộng bị thất bát, nên họ chỉ làm một vụ lúa, vụ còn lại, họ cho lúa tự tái sinh để chờ gặt, gặt được bao nhiêu hay bấy nhiêu vì họ chẳng bỏ công cán, vốn liếng đầu tư nào.


May mà bỏ ruộng!


Một nông dân ở thôn Thu Thừ, xã An Ninh (Quảng Ninh) đề nghị giấu tên kể với chúng tôi: “Tui có một mẫu ruộng (10 sào), làm năm mô cũng lỗ sặc gạch. Mỗi sào đầu tư 1 triệu đồng mỗi vụ, cuối cùng thu vô chưa có năm mô ngang vốn, hoạ may lắm thì có một vụ lời mỗi sào 100.000 đồng, 10 sào được 1 triệu đồng. Nhưng đó chỉ tính phân giống, cày bừa, thuỷ lợi, nước nôi, còn công của cả nhà gồm năm người bỏ ra, nếu tính vô thì bị lỗ âm luôn. Làm lúa mà nói thiệt có khi còn đi vay gạo mà, vì nợ cứ trả gối đầu. Không bỏ ruộng càng đói. Tui quyết định bỏ ruộng, viết đơn cho thôn, thôn xã không ký, không nhận đơn, tui bỏ trắng ruộng cho ai mần thì mần, không mần để rứa. Tui đi Nam làm ăn, may mà, nhờ đi Nam mấy năm ni, tui về xây được nhà, trả được nợ ruộng của mấy năm trước”.


Ông Hồ Công Tất, 81 tuổi, cho biết: “Tui được cho thuê 6 sào lúa đất 5%, làm mấy năm nay có năm mô lời đâu. Năm ni chuột gặm thì 5 sào bị mất trắng, còn 1 sào bị mất 50%, nửa còn lại của 1 sào có lúa đưa về thì riêng tiền giống đã chưa bù được, chứ đừng nói đủ ăn. Rứa thì dân trả ruộng là phải. Tui viết đơn trả ruộng, nhưng xã không nhận đơn, họ sợ mất thành tích”.


Mảnh làng nhỏ Thu Thừ, theo ông Công, hiện nay, công việc làm ruộng là do phụ nữ, người trung niên đảm trách, còn cánh thanh niên thì chẳng có ai làm, trong đó có một ít đi học xa, còn phần lớn là họ đi lao động chân tay ở miền Nam với đủ nghề. Ông Công cũng cho biết hàng chục hộ dân ở làng ông trả lại ruộng là do họ tự nhẩm tính: mỗi ngày công họ đi làm thợ hồ cũng được 180.000 đồng, một tháng họ có hơn 5 triệu bạc, còn làm nông dân, họ chẳng làm gì ra tiền; nếu họ có sức khoẻ, ở nhà có nhiều người làm thợ hồ gom lại sẽ có dư tiền để mua gạo, do đó, họ bỏ ruộng hoang mà làm việc khác. Vậy nên, ở làng Thu Thừ, nông dân hiện nay chẳng còn mặn mà với công việc đồng áng nữa!.


Ông Hồ Công Tất cũng cho biết: “Nông dân cực đội sổ. Càng làm ruộng càng lỗ thì phải tính chuyện khác. Tính làm răng có lời, có lãi giữa thời buổi thị trường ni để còn sống, chứ lỗ mà để làm thành tích thì ai nghe”.










Hai năm qua, tại cánh đồng thôn Thu Thừ, nông dân đã bỏ ruộng không làm.



Cách nào để cứu nhà nông?


Ông Nguyễn Văn Đồng, chủ tịch xã An Ninh đề xuất: “Các nguồn lực Nhà nước hỗ trợ nông nghiệp là chủ trương đúng, nhưng phải về tận dân trực tiếp, không nên qua trung gian”.


Còn ông Nguyễn Văn Công cho biết: “Nghe Nhà nước hỗ trợ thuốc diệt chuột mỗi năm, nhưng thôn tui lại phải bắt dân góp tiền mua thuốc diệt chuột, chẳng thấy hỗ trợ về tay dân. Còn hỗ trợ giống lúa, phân bón, các vật tư khác thì thông qua công ty giống cây trồng, rồi công ty vật tư, tiền Nhà nước hỗ trợ qua đó họ thu hết, họ hét giá cao, sản phẩm giống chẳng đáp ứng nguyện vọng nông dân, nhưng vì độc quyền, dân phải lấy, phân bón cũng thế, hỗ trợ thuỷ lợi phí thì anh thuỷ nông lấy hết từ trên, nông dân chẳng thấy. Nên chăng, Nhà nước cần hỗ trợ trực tiếp cho dân, để dân so sánh giá giống, giá phân bón nơi nào tốt, rẻ, chất lượng mà mua. Làm thế, dân có khó khăn mấy thì cũng thấy Nhà nước hỗ trợ thật, chứ mãi qua trung gian, dân chẳng thấy Nhà nước hỗ trợ đâu cả”.


Ông Võ Doãn Dực nói thêm: “Đi biển, có bảo hiểm, Nhà nước hỗ trợ, còn dân bị lũ lụt, chuột phá, nhưng chẳng được hỗ trợ bảo hiểm ruộng. Nguồn lực của dân chẳng đủ sức đương đầu với những việc đó. Nhà nước cần chú trọng giúp dân bảo hiểm thiên tai”.


Từ vùng đất có nhiều hộ nông dân làm đơn trả đất, ông Công đề nghị: “Cần tạo điều kiện tích tụ ruộng đất để làm ăn lớn, không nên làm ăn manh mún. Có những vùng đất đáng ra làm hoa màu có lãi, thì lại chuyển sang làm lúa khiến nông dân bị lỗ mãi, cấp trên phải cho dân chuyển đổi giống cây trồng phù hợp để dân còn theo đuổi nông nghiệp”.


bài và ảnh: Quốc Nam






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ