Bà Lê Thị Lượng. |
Nữ tỉ phú người Việt trên đất Lào
SGTT.VN - Thăm nhà máy càphê Dao và gặp gỡ nữ chủ tịch tập đoàn Dao Heuang là buổi làm việc được các doanh nhân từ TP.HCM chờ đợi nhân chuyến sang Champasak (Lào) tham gia hội chợ triển lãm và khảo sát thị trường vào tháng 7 vừa qua.
Đi đến đâu ở Champasak cũng nghe người dân nói đến “Đào Hương” (Dao Heuang) hoặc “Đào” (Dao): nào là chợ của Đào Hương, nhà máy của Đào Hương, nông trường của Đào Hương, càphê Đào, nước đóng chai Đào… Và nữ chủ tịch tập đoàn Dao Heuang được người dân ở Lào gọi là bà Đào Hương, mặc dù tên gọi theo tiếng Lào của bà là Leuang Litdang và tên do cha mẹ đẻ đặt cho là Lê Thị Lượng.
“Sao sáng” trên đất Lào
Bà Lượng sinh ra tại Lào, là chị cả của tám người em. Gia đình nghèo, bà vất vả từ nhỏ, ra chợ Pakse buôn bán để kiếm tiền phụ cha mẹ nuôi các em. Có thời gian bà lên Viêng Chăn học nghề làm bánh, mứt và về Pakse làm bán, tích cóp chút đỉnh bằng nghề này. Khi có gia đình riêng, bà nghĩ an phận cùng chồng là bác sĩ lo cho các con ăn học, nhưng rồi bà không dứt được nghiệp kinh doanh khi vẫn phải giúp đỡ cho các em.
Vốn biết buôn bán từ nhỏ, bà khá nhạy bén tìm ra những khoảng trống kinh doanh. Vào những năm 1976 – 1980, thấy bà con người Việt sang Lào làm ăn nhiều, bà mở một quầy tạp hoá phục vụ họ. Khi nhà nước Lào chủ trương phát triển kinh tế tư nhân, bà lập ngay công ty xuất nhập khẩu và nhận thấy cửa khẩu giữa Lào với các nước đều chưa có cơ sở thương mại nào, năm 1992 bà xin mở các cửa hàng miễn thuế. Đang phát triển tốt trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và cửa hàng miễn thuế, năm 1997 bà Lượng bỗng dưng đi làm nông nghiệp, đến Paksong trồng càphê.
Trong nhà máy càphê Dao. |
Bà Lượng thổ lộ, vào năm ấy gia đình bà gặp sự cố trong làm ăn, bà muốn tạm nghỉ ngơi. Cùng thời gian đó nhà nước Lào khuyến khích làm nông nghiệp, nhất là trồng càphê để xuất khẩu, bà nghĩ đi làm vườn càphê để hưởng ứng chủ trương nhà nước, bản thân thư giãn, xa lánh những điều thị phi, biết thêm về nông nghiệp cũng hay. Nói là làm cho vui, nhưng bà cũng muốn công sức bỏ ra phải thu lại được tương xứng. Bà về Việt Nam, lên vùng Tây nguyên học cách người ta trồng càphê, bỏ ra 3 triệu USD thuê nhân công có kinh nghiệm trồng càphê từ Việt Nam sang cùng với người dân địa phương trồng 150ha càphê. Không may, vụ thu hoạch đầu tiên gặp đợt sương muối nên càphê héo úa chết gần hết. Song, cũng nhờ lần đó, bà nhận ra đất đai ở Champasak phù hợp với càphê arabica. Không nản, bà cho trồng lại và mở rộng ra đến 250ha càphê arabica. Xuất khẩu càphê đã mang lại cho Dao Heuang nguồn thu lớn.
Sau mười năm, Dao Heuang đã trở thành doanh nghiệp trồng, thu mua và xuất khẩu càphê lớn nhất Lào.
Không chỉ thành công trong lĩnh vực càphê, tập đoàn Dao Heuang còn phát triển nhiều lĩnh vực khác như sản xuất nước tinh khiết đóng chai, trái cây sấy, trồng và chế biến trà xanh, nước trà đóng chai, kinh doanh khách sạn, xây dựng chợ...
Dao Heuang – Đào Hương – gồm chữ Hương là tên con gái, còn chữ Đào thì bà Lượng giải thích phát âm theo tiếng Lào có nghĩa là sao sáng. Bà ước mơ dẫn dắt doanh nghiệp này trở thành một ngôi sao sáng trên thương trường Lào và Đông Nam Á.
Đặt tâm huyết vào càphê
Luôn đặt ra những ước mơ, chính lúc thành công nhất về chế biến xuất khẩu càphê hạt cũng là lúc bà Lượng thấy cần phải tạo bước đột phá mới nâng giá trị cho càphê của Lào, đó là hướng đến chế biến càphê rang xay, hoà tan và càphê 3 trong 1, xây dựng một thương hiệu càphê của Lào – Dao Coffee – có thể đưa ra thị trường khu vực và thế giới. Bà không phủ nhận ước mơ đó quá lớn, nhưng khẳng định sẽ thực hiện được nếu như tuân thủ ngay từ đầu tiêu chí “sản xuất càphê thật và sạch”.
Từ năm 2008, bà Lượng đã mang những hạt càphê của Lào ra nước ngoài nhờ gia công càphê hoà tan, đem về Lào đóng gói với thương hiệu Dao Coffee giới thiệu thăm dò ý kiến người tiêu dùng. Làm hai, ba năm cứ lỗ vốn do chưa hiểu về lĩnh vực này, không nắm kỹ thuật, bà quyết làm cho được, đi tất cả hội chợ về càphê, thực phẩm đồ uống, máy móc công nghệ về càphê. Đến năm 2011, bà Lượng quyết định xây dựng nhà máy rộng 6,5ha sản xuất càphê hoà tan, càphê 3 trong 1, trang bị máy móc hiện đại của châu Âu và Nhật, quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO ngay từ đầu. Định hướng càphê Dao phải chiếm lĩnh thị trường Lào và khoảng 80 – 85% sản lượng của nhà máy này (công suất thiết kế 8.000 tấn/năm) sẽ xuất khẩu nên bà Lượng luôn nhắc nhở những người quản lý nhà máy chỉ sử dụng hạt càphê tốt để chế biến, không pha trộn, không sử dụng hương liệu công nghiệp.
Nhà máy càphê hoà tan, càphê 3 trong 1 hoạt động mới tám tháng (từ 12.12.2012), nhưng thương hiệu Dao Coffee đã lan rộng khắp Lào, sản phẩm có mặt ở các chợ, siêu thị; chuỗi quán càphê Dao được yêu thích. Nhiều người bảo Dao Coffee thành công sớm là nhờ giỏi trong việc tiếp thị và mở mạng lưới phân phối. Nhưng bà Lượng khẳng định nếu chỉ giỏi tiếp thị mà sản phẩm không ngon thì không có khả năng cạnh tranh.
Càphê hoà tan, càphê 3 trong 1 Dao Coffee đã xuất những lô hàng đầu tiên sang Trung Quốc, Thái Lan và dự kiến sẽ có mặt tại Việt Nam.
Tình cảm cho cả Lào và Việt
Mười năm trước đây, bà Lượng bảo hồi đó không ai nói cho dân Lào biết trồng càphê mang lại thu nhập cao. Khi Dao Heuang hướng dẫn họ trồng đạt mấy tấn rồi cả chục tấn một mẫu mà không phải bón phân gì, chỉ bỏ công chăm sóc, người ta mừng lắm và những nông dân Lào siêng hẳn lên. Nhiều nhà giờ đã mua được xe Hyundai thay cho xe công nông chở càphê, có nhà còn mua xe ôtô du lịch. Có nhà máy càphê, bà sẽ giúp người trồng càphê không còn bán càphê xanh, càphê non nữa.
Dao Heuang đứng trong tốp doanh nghiệp lớn của Lào và dẫn đầu ở Nam Lào. Bà Lê Thị Lượng không chỉ nhận được sự ngưỡng mộ của người dân Lào, mà còn là một “bông hồng vàng” trong giới nữ doanh nhân người Việt được phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam vinh danh.
bài và ảnh: Các Ngọc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét