Thứ Hai, 12 tháng 8, 2013

Gốc cây đời người

Gốc cây đời người

Gốc cây đời người


SGTT.VN - Mỗi khi ngang qua những nơi bán cây xanh, nhìn những gốc cổ thụ xếp hàng “sống mà không được bám rễ sâu” chờ một nơi ở mới, tôi lại nghĩ đến những trại tị nạn, của người… Nhưng thôi, tị nạn lại là một câu chuyện khác, xin được quay lại với thành phố cùng những cao ốc văn phòng.











1. Nhiều dân tộc của Việt Nam ta sống dựa vào núi rừng và quan niệm cây, rừng chính là những vị thần bảo vệ cuộc sống cho họ. Hàng năm, họ đều có lễ cúng tạ ơn thần rừng, thần cây đã bảo vệ bản làng và ban cho họ mùa màng, thời tiết thuận hoà. Người Kinh ta thì thường nói cây gạo có ma cây đa có thần để ám chỉ rằng, cây cối cũng có linh hồn, con người nên biết điều đó mà sống cho “lễ độ” với cỏ cây, hay rộng ra là với thiên nhiên môi trường. Quê tôi không có cây gạo, nhưng cây củ chi ở đình thần làng tôi thì đứa con nít nào cũng ớn (cây củ chi còn có tên là mã tiền). Thuở nhỏ đi học, ngang qua gốc củ chi già nua có mấy ông thợ cắt tóc hay đem tóc rác bỏ dưới gốc cây, tôi và đám bạn cứ túm áo nhau mà chạy cho nhanh qua đoạn đó. Đêm đêm, dưới ngọn đèn dầu, các thím tôi hay túm tụm lại kể chuyện ma, thể nào cũng có cây củ chi góp mặt, với một cô gái ngồi đưa võng kẽo kẹt trên ngọn cây còn mái tóc thì dài chấm đất. Củ chi là gốc cây “ấn tượng” của tuổi thơ tôi, nhưng cây xoài cơm mới là cái gốc khởi nguồn cho niềm tin vạn vật có hồn của tôi sau này.


Xoài cơm nhà tôi, không biết xứ khác gọi là gì, trái nhiều vô kể nhưng bé như cái hột vịt còn hột thì cỡ… hột gà. Trái chín cây ngọt lịm cầm ăn luôn cả vỏ vì thịt cơm đâu có bao nhiêu. Mùa hè cũng là mùa trái chín, trưa trưa anh em tôi cầm cây trúc quơ quào hái xuống ăn. Đã có lúc tôi tưởng, tuổi thơ mình hình như được mỗi cây xoài cơm này nuôi nấng. Gốc nó to hai người ôm mới hết, nghe nói được ông cố tôi trồng từ ngày đầu tiên đậu lại đất quê này. Hồi xửa hồi xưa, nhà tôi quay mặt ra đường Thiên lý, nay là quốc lộ 22. Theo đà phát triển, đường mỗi ngày mỗi rộng ra thành đường Xuyên Á, nhà mỗi ngày mỗi chồm mặt ra đường cho tiện việc kinh doanh. Cây xoài cơm cuối cùng đã bị hành quyết vì vướng đường dây điện. Ngày hạ cây, ba tôi thắp nhang khấn xin phép ông rồi dặn thợ cưa giật cấp, biến gốc cây thành một cái ghế ngồi, có tựa lưng. Thôi không ăn trái thì xin cây một chỗ ngồi. Thợ đã làm đúng ý nhưng ngồi thì không ngồi được, vì nhựa cây cứ ứa ra liên tục mấy tháng sau đó. Không biết ba đã nói với tôi hay nói với cây mà tôi thì nghe buồn muốn chết: cây xoài cơm nó giận mình nên nó khóc miết đây mà!


2. Tôi biết câu chuyện của mình là không cá biệt. Đứa trẻ nào mà không lớn lên dưới những bóng cây. Đời người nào mà không được cây cỏ vỗ về. Cả khi về với đất, chẳng phải cỏ cây sẽ ôm ấp ta hay sao. Sự tích cây vú sữa là một câu chuyện đẹp và cảm động về lòng mẹ, cũng chính là lòng cây. Rằng, một cậu bé giận mẹ bỏ nhà đi, khi quay về thì mẹ đã mất rồi. Mẹ cậu đã biến thành cây vú sữa, trái lúc lỉu trên cành. Cậu hái ăn, lần đầu thì chát quá, lần thứ hai thì hạt cứng quá, đến lần thứ ba, cậu bóp quanh quanh quả, quả mềm dần rồi quả nứt ra một khe nhỏ, chảy ra một dòng sữa trắng ngọt thơm như sữa mẹ. Cây rung rinh cành lá, thì thào: “Ăn trái ba lần mới biết trái ngon. Con có lớn khôn mới hay lòng mẹ”. Cậu oà lên khóc. Mẹ đã không còn nữa. Cậu nhìn lên tán lá, lá một mặt xanh bóng, mặt kia đỏ hoe như mắt mẹ khóc chờ con. Cậu ôm lấy thân cây mà khóc, thân cây xù xì, thô ráp như đôi bàn tay làm lụng của mẹ. Nước mắt cậu rơi xuống gốc cây, cây xoà cành ôm cậu, rung rinh cành lá như tay mẹ âu yếm vỗ về.


Vậy đó, cây cối đã cho chúng ta những ân huệ không cần đền đáp, như mẹ. Còn chúng ta, vẫn nghĩ mình văn minh tiến bộ, đang cư xử kiểu gì với mẹ thiên nhiên?


Một lần xe ngang qua miền Trung, thấy người ta bày bán những gốc bằng lăng rừng hàng trăm tuổi. Tôi nông cạn nghĩ rằng, đó là một vinh hạnh cho cây, được về xuôi, được nở hoa với niềm mong đợi, được tưới tắm điều độ bằng nước máy và dưới gốc cây, sẽ có xích đu cho một em tiểu thư ngồi mơ mộng. Lúc đó tôi chưa nghĩ được rằng, trước khi về tá túc ở một ngôi biệt thự nào đó, những gốc cổ thụ trụi cành ấy thường được quá cảnh ở một khu vườn tạm. Sống mà không được bám rễ sâu, không được xoà tán rộng, sống lơi khơi, cạn sợt trên lớp đất mặt với những dưỡng chất ngọt ngào tựa thuốc mê. Trong những ngày tăm tối mụ mị ấy, bằng lăng nhớ gì, nhớ đôi vợ chồng nai thường âu yếm nhau dưới chân mình hay nhớ lũ chim trưa trưa về đậu trên cành mình rỉa cánh rồi kể chuyện rừng sâu. Bằng lăng hẳn phải nhớ nhiều, nhớ sâu sắc từng mùa qua trên mỗi vòng cây, nhớ từng mạch nước ngầm đã trăm năm nuôi nấng. Nỗi nhớ ấy như một khối u lớn lên mỗi ngày, chèn ép và làm khô cạn dần sức sống, đó cũng là lý do vì sao, nhà vườn mua mười gốc về giăm xuống đất chỉ mong sống được sáu, bảy mà thôi… Mỗi khi ngang qua những nơi bán cây xanh, nhìn những gốc cổ thụ xếp hàng “sống mà không được bám rễ sâu” chờ một nơi ở mới, tôi lại nghĩ đến những trại tị nạn, của người… Nhưng thôi, tị nạn lại là một câu chuyện khác, xin được quay lại với thành phố cùng những cao ốc văn phòng.


3. Thành phố hiện đại, từng cao ốc mọc lên, cốt thép và kính cường lực nhốt con người ta lại với thang máy, với máy lạnh mát rượi và tất cả những tiện nghi hiện đại, nhưng hình như vẫn chưa đủ, những cá thể đi lại trong ấy thấy còn thiếu gì đó, khó gọi tên mà chỉ thuần cảm giác, ấy là cây xanh để làm mềm công trình, làm mềm mắt và cả mềm lòng. Ngành cho thuê cây cảnh đã ra đời, mỗi ngày mỗi phát triển. Phát triển song song với lời kêu gọi hướng về công trình xanh, như một dấu chỉ cho sự văn minh tiến bộ. Tại nhà vườn, cây xanh được chăm bón, đốc thúc cho thật mởn, thật mướt rồi vô những cái chậu thật đẹp. Để trông sạch sẽ hơn, người ta rải đá cuội trắng tinh trên lớp đất mặt. Hoàn hảo và đầy sức sống, cây xanh ra đi trên những chiếc tải nhỏ để vào ở trong hộp kính. Tù túng và ngột ngạt, cây xanh bắt đầu một chuỗi ngày sống lắt lay. Lúc ký hợp đồng cho thuê, nhà vườn thường cho biết cây gì thì “xài” được bao nhiêu tuần, bao nhiêu tháng để người thuê chọn lựa. Ngẫm buồn, đã gọi là “xài” thì phải hao mòn, như một cục xà bông, như một cây chổi quét nhà. Cây xanh sống cùng máy lạnh và những tiếng chuông điện thoại rồi chết mòn trong đó, vì nhớ nhung và cô độc. Sự mục ruỗng đến từ bên trong cho đến một ngày kiệt quệ hoàn toàn. Chúng không giữ được nét đẹp tươi nữa, lá non không chịu mọc thêm, lá già thì vàng vọt rụng rơi, người ta thay chúng bằng một lứa non xanh mơn mởn khác. Chợt nghĩ, khi chia tay bạn bè, bắt đầu một đời sống khác, non xanh ấy có biết ngày nào mình sống sót trở về để hồi sức hay gục đầu lịm chết trong thời gian làm sứ giả của môi trường?


Trương Gia Hoà


minh hoạ: leftstudio






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ