Giả và thật cùng ở một chốn
SGTT.VN - Có nhiều cái “lần đầu tiên” tôi quên nhưng lạ là không thể quên được ngụm càphê đá lần đầu tiên trong đời, bố tôi cho uống ké ở càphê Thuỷ Tạ nhìn ra hồ Hoàn Kiếm, một buổi chiều lạnh (lạnh mà vẫn càphê đá), cuối tháng 1.1973, trước Tết âm, khi mới ở nơi sơ tán về lại Hà Nội. Vừa uống càphê vừa run cầm cập, mà vẫn sướng, vẫn nhớ.
Một góc càphê Hà Nội. Ảnh: Trần Việt Đức |
Cuộc sống thay đổi, cái cũ dù hay dở cũng bị cuốn trôi hết. Bao giờ thì người mới đến thay người cũ cũng muốn lập một trật tự khác, càphê cũng có nghĩa khác. Chỉ có điều, nhiều loại quán càphê mới quá, nhiều kiểu uống quá, nhiều thương hiệu quá nên cứ có cảm giác mọi thứ đều nhao nhác, đều chen lấn, ngon hay dở chưa bàn nhưng rõ ràng là nó làm lòng người không yên được.
Uống càphê bây giờ không để cho hết khát nữa nhưng đi ra quán càphê không chỉ là để uống càphê và ngay cả uống càphê cũng không chỉ là uống: người ta ăn sáng ở quán càphê, bàn công việc, uống bia ở quán càphê, hẹn hò, gặp gỡ ở quán càphê hoặc một mình cũng ở quán càphê. Những quán to thì vừa có cả hát hò nhảy múa và có thể ra mắt sách vở cũng được. Khá hy hữu là ngồi viết ở quán càphê. Có dạo nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cứ chiều chiều ra càphê Nhân, gọi một ấm trà, ngồi lia bút ở đó. Càphê Hàng Hành là truyện ngắn của ông viết ở quán này.
Uống càphê không quan trọng bằng ngồi uống càphê nên quán được chăm chút có khi hơn cả càphê từ vị trí, bàn ghế, ly tách, ánh sáng, nhạc nhẽo, tranh ảnh, tóm lại là gu, gu riêng.
Hà Nội có càphê Quỳnh ở phố Bát Đàn của vợ chồng diễn viên Như Quỳnh (nay không còn nữa), sáng nào cũng đông nhưng luôn yên tĩnh. Dù không cố tình chọn lọc nhưng quán chỉ có một loại khách, đa phần là trung niên trở lên, gầy gò, tóc muối tiêu, ăn mặc đứng đắn, khăn phula len, mũ bêrê, áo khoác dạ đậm màu vào mùa đông, mùa hè sơmi trắng dài tay, bên trong là mayô ba lỗ. Họ lặng lẽ đến, nhấm nháp ly càphê nóng, ngồi cùng nhau nhưng chẳng nói gì rồi lại lặng lẽ ai về nhà người nấy.
Uống càphê không quan trọng bằng ngồi uống càphê. |
Cái sự “nhao nhác” và “lòng người không yên” tôi đã nhắc đến ở trên có vẻ chả thừa. Càng ngày càng có nhiều càphê không phải càphê mà là càphê bằng ngô rang cháy tẩm liệm hương liệu, phổ biến ở các quán càphê hẻm, càphê cóc, càphê vỉa hè. Lừa đảo khách uống đã là tội nhưng trọng tội là những kẻ khốn nạn đó đã làm nhếch nhác một kiểu quán, kiểu uống càphê rất đặc trưng Việt Nam. Càphê cóc, càphê hẻm hồi trước vẫn là càphê thật, rẻ nhưng thật và ngon, bình dân nhưng ngon, nó có cái bụi bặm rất đời sống mà càphê nhà hàng – máy lạnh, càphê bar ca nhạc không thể có được. Châu Âu, Mỹ, Nhật không thấy có càphê cóc. Ở Pháp có càphê vỉa hè nhưng vẫn có ô hoặc mái che và có bàn ghế đàng hoàng.
Đến Đà Lạt, tôi hay thích ngồi càphê 171 (đường Phan Đình Phùng), mùi vị độc đáo vì vẫn pha bằng túi vải độ nửa kilogram một lần, không dùng phin, người Đà Lạt gọi là “càphê kho”. Tôi chợt liên tưởng đến càphê cũng pha kiểu này ở Hà Nội thời bao cấp, gọi là “càphê bít tất”. Hồi ấy Hà Nội nghèo, bói chẳng ra một cái phin để pha.
Sự khốn cùng lại là động lực để người ta vươn lên. Để chống lại “càphê” ngô rang cháy tẩm hoá chất mùi càphê, gần đây Hà Nội và Sài Gòn có nhiều quán càphê xay tại chỗ, khách vào chỉ loại nào, chủ mới xay.
Lê Thiết Cương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét